Đại Nhảy vọt, Nạn đói lớn – Thảm kịch nhân gian khiến 40 triệu người chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Đây là thảm kịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Trong khi mùa màng khí hậu bình thường, không có chiến tranh, không có bệnh dịch, lại có hàng chục triệu người chết đói, lại xảy ra một loạt vụ 'ăn thịt người' quy mô lớn, đây là tình huống có một không hai trong lịch sử nhân loại”.

Đoạn văn trên là lời cáo buộc của cựu phóng viên Tân Hoa Xã Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) về phong trào “Đại Nhảy vọt” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động. Cần phải nói rằng, Tân Hoa Xã là cơ quan ngôn luận cấp bộ trực thuộc Quốc vụ viện, là cơ quan truyền thông nhà nước cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Bằng chính sách cực tả, ĐCSTQ đã tạo ra một thảm kịch nhân gian giết chết nhiều người nhất kể từ khi lên cầm quyền.

‘Vệ Tinh năng suất cao’ bay khắp trời

Năm 1958, ĐCSTQ do Mao Trạch Đông đứng đầu đã nảy ra ý tưởng phải "Vượt Anh Quốc, bắt kịp Hoa Kỳ” và "chạy tiến vào chủ nghĩa cộng sản", thế là từ trên xuống dưới đã phát động một cuộc vận động cực tả có tên “Đại Nhảy vọt”.

Thời đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã công khai tuyên truyền "con người có gan lớn tới đâu, đất đai có sản lượng lớn tới đó”, và thường đăng tin giả về năng suất ngũ cốc cao.

Ví dụ, vào ngày 8/6/1958, tờ báo này đã đăng một bài báo phóng đại rằng "năng suất trung bình trên mỗi mẫu của 5 mẫu đất trồng lúa mì thuộc xã nông nghiệp Vệ Tinh ở huyện Toại Bình, tỉnh Hà Nam đạt 2.105 cân" (tương đương 16 tấn/ha), “phóng vệ tinh” năng suất cao đầu tiên trong phong trào Đại Nhảy vọt (Chú thích: Đơn vị “cân” trong bài đều là “cân Trung Quốc”, 2 cân Trung Quốc bằng 1 kg; 1 mẫu Trung Quốc bằng khoảng 667 mét vuông).

Cụm từ 'phóng vệ tinh' là chỉ một cuộc vận động xây dựng xã hội chủ nghĩa bắt đầu vào năm 1958 trong "Đại Nhảy vọt". Trong thời kỳ này, sự phóng đại phổ biến trên khắp Trung Quốc với các bài báo sai sự thật về sản lượng lương thực, thuốc lá và các ngành công nghiệp khác. Cái tên này bắt nguồn từ việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik 1, vào ngày 4/10/1957.

Vào ngày 13/8/1958, tiêu đề trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo là: "Kiến Quốc - xã nông nghiệp số 1 huyện Ma Thành - xuất hiện cánh đồng đệ nhất thiên hạ, sản lượng lúa chiêm trên 36.900 cân/mẫu" (tương đương 277 tấn/ha). Sau đó, các kênh truyền thông lớn của ĐCSTQ đua nhau phóng "vệ tinh năng suất cao" để tham gia vào trò hề nói dối trong lịch sử.

People's daily 13 Aug 1958 .jpg
Trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo xuất bản ngày 13/8/1958 về cánh đồng đệ nhất thiên hạ ở huyện Ma Thành. (Public Domain)

Kỷ lục sản lượng lúa mì cao nhất là 8.586 cân/mẫu (tương đương 64 tấn/ha) của đội sản xuất số 1 thuộc nông trường Saishike ở bồn địa Qaidam, tỉnh Thanh Hải; kỷ lục thóc lúa cao nhất là hơn 130.000 cân/mẫu (tương đương 975 tấn/ha) của công xã nhân dân Hồng Kỳ ở huyện Hoàn Giang, tỉnh Quảng Tây; thậm chí có người còn phóng "vệ tinh khoai lang siêu lớn" với sản lượng 568.000 cân/mẫu (tương đương 4.260 tấn/ha).

Hơn 40 triệu người chết đói

Cùng lúc đó, toàn Trung Quốc còn phát động chiến dịch Đại luyện thép. Theo ghi chép của ĐCSTQ, từ ngày 17 đến ngày 30/8/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị mở rộng tại Bắc Đới Hà, quyết định sản lượng thép năm 1958 phải đạt 10,7 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 1957. Lúc này, sản lượng thép của cả nước trên thực tế mới chỉ hơn 3,8 triệu tấn.

Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trong 4 tháng còn lại? Mọi tầng lớp xã hội ở Trung Quốc đều tham gia phong trào luyện thép bằng phương pháp thủ công; hầu như mỗi một đơn vị, mỗi một công xã, mỗi một đại đội đều tham gia vào hoạt động xây lò luyện thép.

Soil blast furnaces.jpg
Lò luyện thép bằng phương pháp thủ công năm 1958. (Public Domain)

Sản xuất thép cần có quặng sắt, than cốc, nhiên liệu và các vật liệu khác. Không có đủ quặng sắt thì sao? Mọi người không ra đồng làm ruộng mà tất cả lên núi khai thác. Hết nhiên liệu thì sao? Lên núi chặt cây, đốn hết đồi này đến đồi khác. Ngay cả những di tích văn hóa cũng bị phá bỏ để lấy gạch xây lò, nó được gọi bằng cái tên mỹ miều là “văn vật cũng phải phục vụ cho luyện thép”. Chiến dịch toàn dân luyện thép đã gây ra sự lãng phí vô cùng lớn về nhân lực, vật lực và tài lực, làm cho nền nông nghiệp suy yếu nghiêm trọng.

Ngoài ra, đến cuối năm 1958, hơn 3,4 triệu nhà ăn tập thể ở các công xã nhân dân đã được dựng lên ở vùng nông thôn Trung Quốc. Với tuyên truyền “ăn cơm không mất tiền”, chính phủ nói với nhân dân rằng có thể “ăn no căng bụng”. Nhưng chỉ mấy tháng sau, lương thực trong nhà dân đã bị nhà ăn tập thể lấy đi hết, nhà ăn cũng nhanh chóng cạn kiệt lương thực.

People's commune canteen.jpg
Nhà ăn tập thể ở các công xã nhân dân năm 1958 , dòng chữ trên tường là "Ăn cơm không mất tiền, Chăm chỉ làm sản xuất". (Public Domain)

Như vậy, người dân sống trong cơn cuồng phong của chế độ ĐCSTQ với những con số thổi phồng phóng đại, lãnh đạo chỉ huy mù quáng, đưa ra mệnh lệnh ép buộc, cán bộ làm sai vẫn được hưởng đặc quyền. Cán bộ cấp cơ sở thì báo cáo khống sản lượng lương thực, lãnh đạo cấp trên cũng y vậy mà đặt chỉ tiêu trưng mua, khiến nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Chẳng bao lâu, hậu quả nghiêm trọng đã xuất hiện.

Ví dụ, năm 1959, sản lượng ngũ cốc ở địa khu Tín Dương, tỉnh Hà Nam thấp hơn 50% so với năm 1958, chỉ có hơn 2 tỷ cân, nhưng đã bị báo cáo khống lên trên là 7,2 tỷ cân. Kết quả là, lượng trưng mua ngũ cốc đã tăng 18% so với năm trước. Vậy lấy lương thực đâu ra cho nhà nước trưng mua?

Cán bộ và dân quân các cấp đã đánh đập, ép buộc và khám xét nhà dân để gom cho đủ cái gọi là “lương thực dư thừa”, vì vậy đã có hơn 10.000 người bị bắt và hơn 700 người chết trong trại giam.

Xinyang working at night.jpg
Nông dân công xã Tín Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc thắp đèn làm đồng giữa đêm trong thời Đại Nhảy vọt. (Public Domain)

Sau đó, ở Tín Dương xảy ra hiện tượng người chết đói quy mô lớn. Theo bài báo "Tìm kiếm những ngôi làng tử sạch ở huyện Thương Thành tỉnh Hà Nam năm 1959”, toàn bộ địa khu Tín Dương có hơn 50.000 hộ chết cả gia đình, hơn 10.000 ngôi làng bị hủy diệt. Ví dụ, chỉ riêng huyện Tức đã có 639 thôn chết cả làng, hơn 400 ngôi làng ở huyện Cố Thủy không còn bóng người, còn huyện Thành Thương có 453 ngôi làng chết.

Ngày 12/11/1960, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm (Li Xiannian) và Bí thư thứ nhất của Cục Trung Nam ĐCSTQ Đào Chú (Tao Zhu) đã đến Tín Dương để điều tra. Năm tháng sau, ông Đào Chú nói: "Tôi thấy không cần tiếp tục thống kê số người chết nữa, đã hơn 1 triệu người rồi".

Ông Dương Kế Thằng, cựu phóng viên cấp cao của Tân Hoa Xã, đã mất gần 20 năm để viết cuốn sách "Bia mộ - Phóng sự về Nạn đói lớn ở Trung Quốc những năm 1960" ghi chép về phong trào Đại Nhảy vọt. Theo nghiên cứu tư liệu lịch sử của ông Dương, toàn Trung Quốc khi đó có 36 triệu người chết đói.

Ông viết: "Con số này gấp 450 lần số người thiệt mạng do quả bom nguyên tử [Hoa Kỳ] ném xuống Nagasaki [của Nhật Bản] vào ngày 9/8/1945. Tức là Nạn đói lớn tương đương với việc thả 450 quả bom nguyên tử xuống vùng nông thôn Trung Quốc ... [Nó] gấp 150 lần số người chết trong trận Động đất Đường Sơn ngày 28/7/1976 ... vượt quá số người chết trong Thế chiến I ... mức độ bi thảm vượt xa Thế chiến II. Số người chết [trong Thế chiến II] là 40-50 triệu người, nó xảy ra trên một vùng đất rộng lớn của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi trong khoảng 7-8 năm, còn 36 triệu người ở Trung Quốc đã chết trong khoảng 3-4 năm".

Năm 1996, ông Trần Nhất Tư (Chen Yizi), Giám đốc Viện Cải cách Kinh tế Trung Quốc, quân sư của cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương, nói rằng, theo một báo cáo bí mật được viết dựa trên các tài liệu của ĐCSTQ, số người chết khi đó là 43 đến 46 triệu người.

 Những người tị nạn Trung Quốc trong một nơi trú ẩn tạm thời tại Hong Kong được chụp vào tháng 5/1962. Trong Nạn đói lớn do chính sách "Đại nhảy vọt" của ĐCSTQ gây ra, từ 140.000 đến 200.000 người đại lục đã chạy sang Hong Kong.
Những người tị nạn Trung Quốc trong một nơi trú ẩn tạm thời tại Hong Kong, ảnh được chụp vào tháng 5/1962. Trong Nạn đói lớn do chính sách "Đại nhảy vọt" của ĐCSTQ gây ra, từ 140.000 đến 200.000 người đại lục đã chạy sang Hong Kong. (- / AFP via Getty Images)

Cuộc sống xa hoa của Mao Trạch Đông

Nhiều người chết đói như vậy, lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông có phải sống khổ cực như họ không?

Ông Hà Phương (He Fang), một chuyên gia về lịch sử ĐCSTQ, tiết lộ: Các kênh truyền thông của đảng tuyên truyền rằng Mao Trạch Đông đã không ăn thịt trong vài tháng của "thời kỳ ba năm gian khó", nhưng thực tế là do hàm lượng cholesterol trong thịt lợn cao, bác sĩ đã khuyên ông ta nên ăn thịt bò và thịt cừu thay thế.

Sách “Mao Trạch Đông di vật sự điển” có ghi lại rằng, vào đầu những năm 1960, khi các nhân viên lập thực đơn món ăn phương Tây cho Mao, đã liệt kê ra rất nhiều món mà người Trung Quốc chưa từng nghe đến. Ví dụ, chỉ riêng các món về thịt gà đã có gà tẩm bơ, đùi gà chiên, chả gà, viên gà, gà xé, gà om, gà kho, gà bọc giấy, gà nấu dừa, v.v.

Năm 1959, vợ của Mao là Giang Thanh tổ chức yến tiệc ở Thượng Hải. Nữ diễn viên Hoàng Tông Anh (Huang Zongying) có mặt nhớ lại: "Chúng tôi vừa tròn mắt vừa kinh ngạc trước những món sơn hào hải vị … Khi ấy, ở rất nhiều vùng quê đã xảy ra những cái chết bất thường, [tình hình] rất nghiêm trọng, nhưng yến tiệc của gia đình họ vẫn rất xa hoa".

Trong những năm Nạn đói lớn, các nơi vẫn xây biệt thự cho Mao, với số lượng nhiều, quy mô lớn, từ cổ chí kim, cả trong và ngoài nước đều hiếm có. Ví dụ, biệt thự Tây Giao ở Thượng Hải có diện tích 1.160 mẫu, được xây dựng vào khoảng năm 1960; biệt thự Tích Thủy Động ở Thiều Sơn bắt đầu xây dựng vào nửa cuối năm 1960 và hoàn thành vào cuối năm 1962, Mao chỉ ở lại 12 ngày trong năm 1966 và nó đã bị bỏ trống trong một thời gian dài, có cả một đại đội binh lính canh giữ nó.

Nguyên soái Bành Đức Hoài bị đánh đổ vì nói sự thật

Ngày 14/7/1959, trong Hội nghị Lư Sơn, Nguyên soái ĐCSTQ Bành Đức Hoài đã viết một bức thư chân tướng cho Mao Trạch Đông, nói về một số vấn đề trong Đại nhảy vọt.

Nhưng sự thật này không lọt tai Mao, ông ta nổi trận lôi đình, phát động cuộc chỉ trích lớn nhắm vào Bành Đức Hoài.

Ngày 16/8/1959, Hội nghị toàn thể lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa VIII đã thông qua các văn kiện như "Nghị quyết về những sai sót của tập đoàn chống đảng do Bành Đức Hoài đứng đầu", "Đấu tranh bảo vệ đường lối chung của đảng và chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”. Hội nghị nhận định, Bành Đức Hoài “phạm sai lầm khi đi theo đường lối chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh mang tính chất chống đảng, chống nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội”.

Sau cuộc họp, cuộc đấu tranh chống hữu khuynh với khẩu hiệu “đấu tranh tàn khốc, đả kích vô tình” đã được phát động trên cả nước, hơn 3,8 triệu đảng viên và cán bộ ĐCSTQ bị gán cho là những phần tử theo chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh.

Ồ ạt xuất khẩu và viện trợ nước ngoài trong thời Nạn đói lớn

Không ai có thể tưởng tượng được rằng ĐCSTQ lại ồ ạt viện trợ cho nước ngoài trong khi khắp đất nước đang lâm vào cảnh đói kém.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm cho biết trong "Báo cáo về Quyết toán Nhà nước năm 1961 và 1962" rằng, từ năm 1958 đến năm 1962, ĐCSTQ đã viện trợ 2,362 tỷ nhân dân tệ cho Albania, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Mông Cổ và một số nước Châu Phi.

Ông Tiền Lý Quần (Qian Liqun), Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã viết trong cuốn "Thời đại Mao Trạch Đông và Thời đại hậu Mao Trạch Đông" như sau: "Chính là vào năm 1960 khi Nạn đói lớn tồi tệ nhất, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan chuyên trách viện trợ cho nước ngoài. Trong năm đó, ĐCSTQ đã viện trợ cho Guinea 10.000 tấn gạo, cho Cộng hoà Công-gô 5.000 đến 10.000 tấn lúa mì và gạo, cho Albania 50.000 tấn ngũ cốc”.

Theo số liệu của “Niên giám Thống kê Trung Quốc”, năm 1959 nước này xuất khẩu 4,1575 triệu tấn ngũ cốc, năm 1960 xuất khẩu 2,6541 triệu tấn ngũ cốc, tổng cộng là 6,8 triệu tấn, tương đương 13,6 tỷ cân. Theo khẩu phần nông thôn do ĐCSTQ đặt ra vào năm 1960, lượng tối đa hàng năm cho mỗi người không được vượt quá 400 cân, vậy 13,6 tỷ cân ngũ cốc tương đương với khẩu phần hàng năm của 34 triệu người.

Chương 8 của "The Cambridge history of China” (Lịch sử Cambridge của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949 đến 1965) có viết: "Điều đáng ngạc nhiên nhất là ngay cả vào năm 1959, khi tỷ lệ tử vong tăng cao, sản lượng xuất khẩu ngũ cốc của Trung Quốc lại đạt mức cao nhất trong lịch sử".

‘Bao nhiêu người chết không quan trọng’

Cựu thư ký Lý Nhuệ (Li Rui) của Mao Trạch Đông nói: “Với tính cách của Mao, bao nhiêu người chết không quan trọng”.

Năm 1961, khi Mao gặp lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp là François Mitterrand, trước những tin đồn ở thế giới phương Tây về việc Trung Quốc xảy ra nạn đói lớn, ông ta nói: "Tôi xin nhắc lại, Trung Quốc không có nạn đói".

1961 Mao Zedong reading People's Daily in Hangzhou (2).jpg
Mao Trạch Đông đọc tờ Nhân dân Nhật báo năm 1961. (Public Domain)

Năm 1962, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Lưu Thiếu Kỳ nói với Mao: "Nhiều người chết đói như vậy, lịch sử nên viết tên ông và tôi vào. Người ta ăn thịt lẫn nhau, việc này phải viết vào sử sách!".

Nhưng Mao lại nói: "Tôi đã đi khắp nước, từ Trung Nam đến Tây Nam, tìm gặp các đồng chí ở khắp vùng miền để nói chuyện, tỉnh nào cũng nói năm ngoái tốt hơn năm kia, năm nay tốt hơn năm ngoái”.

Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn giữ một thái độ hoàn toàn hư vô đối với giai đoạn lịch sử này. Trong cuốn "Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc" mới được biên tập, không có một chữ nào đề cập đến "Nạn đói lớn".

Nhà sử học người Hà Lan Frank Dikotter cho rằng, cùng với Quần đảo Gulag của Liên Xô và Đại thảm sát Holocaust của Đức Quốc xã, Nạn đói lớn do phong trào Đại Nhảy vọt của ĐCSTQ gây ra có thể được liệt vào danh sách ba thảm họa nhân loại lớn nhất trong thế kỷ XX.

Ông Dương Kế Thằng đã viết trong cuốn "Bia mộ": "Dưới chế độ toàn trị, những kẻ nắm quyền chỉ khoe cái tốt mà che đậy cái ác, che giấu lỗi lầm, buộc người dân phải xóa ký ức về những thảm họa do con người tạo ra, về sự [thống trị] hủ bại thối nát, và về tội ác. Do đó, người Trung Quốc thường mắc chứng chóng quên lịch sử. Đây là chứng dễ quên do quyền lực cưỡng chế tạo thành. Bia mộ tôi dựng lên chính là để mọi người nhớ đến nhân họa, sự hủ bại và tội ác [của ĐCSTQ], cũng là để tránh xa nhân họa, sự hủ bại và tội ác về sau”.

Nam Phương

Theo The Epoch Times

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Đại Nhảy vọt, Nạn đói lớn – Thảm kịch nhân gian khiến 40 triệu người chết