Danh lợi đời này vốn đã định, không cầu mà tự đắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế sự vô thường, biến hóa khôn lường. Tuy nhiên, trong cuộc sống vô thường này vẫn có một số thứ là bất biến, phẩm chất đạo đức của con người là một trong số đó. Đời trước gieo nhân nào, đời này gặp quả nấy.

Đạo đức có thể mang lại cho con người điều gì? Có rất nhiều thứ con người mong muốn có được, nhưng phải xem đức mà họ tích được dày tới đâu. Vậy nên mới có câu không cầu mà tự đắc, bởi vì sướng hay khổ ở đời này, là đức và nghiệp tích được từ đời trước tạo thành, giáo lý nhà Phật cũng giảng như vậy.

Xưa có một người lái thuyền họ Dương quê ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ông có một người bạn rất thân họ Kim. Về sau, người bạn này của ông qua đời, để lại một cậu con trai tên là Kim Tam mới mười bảy, mười tám tuổi. Gia cảnh quá nghèo khiến Kim Tam suýt trở thành kẻ ăn xin.

Ông Dương thấy vậy, không đành lòng nên đã nhận nuôi cậu trên thuyền của mình. Thời gian trôi qua, vợ chồng ông Dương thấy Kim Tam rất chăm chỉ, họ càng thích anh hơn. Ông chủ Dương không có con trai, chỉ có một cô con gái, trạc tuổi Kim Tam, vì vậy ông đã chọn Kim Tam làm con rể của mình.

Sau hơn một năm kết hôn, vợ của Kim Tam sinh được một cô con gái, nhưng không may con gái qua đời vì bạo bệnh khi vừa tròn một tuổi. Kim Tam cũng đổ bệnh vì buồn bã quá độ, cơ thể gầy yếu đi từng ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, vợ chồng nhà họ Dương mới hối hận, suốt ngày mắng mỏ anh.

Một ngày nọ, thuyền của họ đang chèo trên sông, ông Dương trông thấy trước mặt có một hòn đảo biệt lập, bèn cho thuyền neo bên cạnh hòn đảo và nói với Kim Tam: "Trên thuyền hết củi nấu ăn rồi, con đi lên nhặt mấy cành cây khô đi”.

Kim Tam cố gắng lê tấm thân bệnh lên bờ. Ngay khi Kim Tam vừa đi xa, ông Dương liền giương buồm rời đi.

Kim Tam quay lại bờ với một bó củi trên lưng, thấy chiếc thuyền đã biến mất, anh nhận ra rằng gia đình họ Dương đã cố tình bỏ rơi mình, anh bật khóc đau thương. Kim Tam thầm nghĩ, mình vừa đau ốm, lại gặp phải tình cảnh tuyệt vọng này, chi bằng chết đi cho xong. Nhưng khi vừa định nhảy xuống sông tự vẫn, trong đầu anh lại xuất hiện một suy nghĩ khác: Nhỡ trên đảo vẫn có người thì sao? Chi bằng đi thử vận ​​may, biết đâu có cơ hội được cứu. Anh bèn quay đầu đi về phía khu rừng.

Kim Tam đi mãi, đi mãi, đột nhiên phát hiện ra một nơi bí mật. Ở đó xếp từng hàng từng hàng các loại vũ khí như khiên, giáo, kiếm, kích, dường như đang canh giữ một thứ gì đó. Kim Tam vô cùng kinh ngạc, vội vàng chạy sang một bên để trốn, rồi bí mật quan sát. Một lúc lâu sau không thấy ai, cũng không có tiếng động nên anh chậm rãi đi tới. Quả thực ở đây âm u tĩnh mịch, không một bóng người, chỉ có tám cái rương lớn được niêm phong kín mít, không biết bên trong đựng gì.

Kim Tam hiểu ra: Đây là đồ trộm cướp mà bọn cướp cướp được, chúng tạm đặt ở đây. Vì vậy, trước tiên anh giấu số vũ khí đó dưới mương, sau đó ra sông chờ đợi. Chẳng bao lâu, quả nhiên ông Trời không phụ lòng người, có một chiếc thuyền đi ngang qua. Kim Tam vừa vẫy tay thì chiếc thuyền bẻ lái đi tới. Kim Tam nói: "Tôi có một số hành lý, đang ở đây đợi bạn đồng hành. Có vẻ như bạn của tôi sẽ không đến. Xin các anh giúp tôi rời khỏi đây được không?".

Người trên thuyền liền đồng ý và giúp Kim Tam chuyển tám cái rương lên thuyền.

Khi thuyền đến Nghi Chân, Kim Tam xuống thuyền và tìm một lữ quán để ở. Sau đó anh mới mở rương ra, thấy bên trong đều là đồ trang sức bằng vàng và bạc sáng bóng. Thế là Kim Tam bán một số đồ trang sức, cuộc sống cũng thay đổi hẳn. Sau đó anh thu nhận một số nô bộc nhỏ tuổi và mua thê thiếp.

Bên trong đều là đồ trang sức bằng vàng và bạc sáng bóng. (Tranh Winnie Wang)

Một hôm khi Kim Tam đang đi dạo ven sông, anh bất ngờ trông thấy thuyền của gia đình họ Dương cũng đang neo đậu ở đây. Anh sống trên con thuyền này bao nhiêu năm, làm sao có thể không nhận ra? Tuy nhiên, lúc này anh tạm thời không muốn làm kinh động người trên thuyền, mà trước tiên phái người đi thuê con thuyền này, nói là muốn đi Tương Dương làm ăn. Sau đó anh mua rất nhiều hàng hóa chất đầy thuyền, chuẩn bị xuất phát.

Hóa ra khi nhà họ Dương bỏ rơi Kim Tam, cô con gái không hề hay biết. Sau khi người vợ biết chồng không thể trở lại, cô đã khóc đến mức chết đi sống lại. Nhưng lúc này thuyền đã rời đảo từ lâu, không thể cứu vãn được nữa. Nhưng cô không bao giờ quên Kim Tam và ân tình vợ chồng. Cha mẹ ép cô lấy người khác nhưng cô thề chết cũng không lấy.

Tới hôm Kim Tam xuống thuyền, người trên thuyền không ai dám ngẩng đầu nhìn anh, chỉ có con gái nhà họ Dương lén ngước lên nhìn. Đột nhiên, cô kinh ngạc đến ngẩn người. Cô nói với mẹ: "Vị khách này trông giống Kim Tam chồng con".

Thấy con không có phép tắc, mẹ cô mắng: "Đừng nói nhảm, nhìn đàn ông đến nỗi không chú ý thể diện. Tên tiểu tử Kim Tam đó bây giờ không biết chết nơi nào rồi đấy”.

Thế là cô con gái không dám hé môi nửa lời.

Kim Tam nhìn vợ nhưng giả vờ như không quen biết. Anh nói với thuyền phu: "Sao anh không xuống đuôi tàu lấy cái nón rách mà đội?".

Hóa ra đây là câu mà con gái nhà họ Dương nói với Kim Tam khi lần đầu tiên anh bước lên con thuyền này thuở còn hàn vi. Người vợ nghe vậy liền hiểu ra ngay, cô lao ra khỏi khoang thuyền để gặp chồng. Hai người ôm nhau khóc nức nở, rồi lại cười nói yêu thương như xưa. Lúc này, vợ chồng ông Dương cũng đi ra. Họ vừa mừng vừa xấu hổ, hai người quỳ xuống trước mặt con rể và xin tha thứ. Kim Tam cũng không tính toán chuyện xưa, anh đưa họ trở về nhà của mình, cả gia đình đoàn tụ bên nhau.

Chẳng lâu sau, vào tháng Giêng đầu xuân năm Chính Đức thứ 6 thời vua Minh Vũ Tông (tức năm 1510), đám cường đạo Lưu Lục và Lưu Thất của vùng Bá Châu tụ tập đám đông nổi loạn, muốn tấn công huyện An Túc để cướp ngục cứu đồng bọn là Tề Ngạn Danh. Khi đó, dân nghèo đã hưởng ứng, trong khoảng mười ngày đã quy tụ được hàng ngàn loạn dân và cướp phá các châu, huyện ở vùng Kỳ Nam (nay thuộc các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây).

Kim Tam đã bỏ tiền ra chiêu mộ binh sĩ, đi theo phụ tá của quan thứ sử tiến thẳng vào sào huyệt bắt được thủ lĩnh toán cướp, bình định dẹp loạn, lập được công lớn. Sau được phong làm võ quan cấp úy chỉ huy kỵ binh, vợ của ông cũng được thụ phong theo.

Nam Phương
Theo sách "Nhĩ Đàm" - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Danh lợi đời này vốn đã định, không cầu mà tự đắc