Danh y giỏi châm cứu bắt mạch, khiến triều đình và dân gian thán phục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hòa Đế có chút phiền muộn, bèn sai người quyền quý mặc y phục người nghèo khổ, ở trong ngôi nhà của người nghèo khổ và để Quách Ngọc khám chữa bệnh, kết quả là Quách Ngọc châm cứu kim đến bệnh lui.

Hoa Đà là Thần y thời Tam Quốc những năm cuối nhà Đông Hán, ông đặc biệt giỏi về ngoại khoa, tinh thông phẫu thuật, vì vậy ông được người đời sau gọi là "Ngoại khoa Thánh thủ". Thời Tam Quốc còn có những danh y sánh ngang với Hoa Đà, ngoài Trần Trọng Cảnh, Đổng Phụng ra còn có danh y Quách Ngọc.

Quách Ngọc tên chữ là Thông Nghi, ông là người Quảng Hán Lạc (Quảng Hán Bắc, Tứ Xuyên ngày nay), sống vào thời Hán Hòa Đế. Ông theo học Trình Cao, mà Trình Cao lại là đệ tử của Phù Ông. Phù Ông là một ẩn sĩ ở huyện Phù (thành phố Cẩm Dương ngày nay), sống vào cuối thời Tây Hán đầu thời Đông Hán, họ tên thực và ngày sinh ngày mất của ông đều không rõ. Sở dĩ ông được gọi là Phù Ông là bởi vì ông thường ngồi câu cá bên sông Phù. Ông có y thuật tinh sâu, và có lòng thương xót con người. Có lúc trong khi du ngoạn gặp người bệnh, ông lập tức châm cứu chữa trị, không trường hợp nào là không thấy có hiệu quả tức thì. Ông còn viết 2 bộ sách y học truyền thế như Châm Kinh, Chẩn Mạch Pháp.

Trình Cao yêu thích y thuật, sau khi nghe danh tiếng của Phù Ông liền đi khắp nơi để tìm tung tích, cuối cùng đã tìm được Phù Ông. Phù Ông cảm niệm lòng khát khao cầu y thuật của Trình Cao, sau khi khảo sát nhân phẩm của Trình Cao, ông đã truyền thụ toàn bộ y thuật của mình cho học trò. Sau khi học được y thuật cao siêu, Trình Cao cũng lựa chọn ẩn cư không ra làm quan, chỉ hành nghề y trong dân gian, tạo phúc cho bách tính.

Quách Ngọc thuở thiếu thời đi theo Trình Cao, học được "6 kỹ thuật chẩn mạch, và thuật âm dương", và học được y thuật tinh sâu, nhất là châm cứu và bắt mạch thì càng nổi bật. Y thuật cao siêu của ông được ca ngợi rộng rãi trong dân gian. Ông không chỉ thông qua bắt mạch có thể phân biệt được nam nữ, mà còn dùng biện pháp trị bệnh riêng của ông, đại đa phần đều có hiệu quả trị liệu.

Hán Hòa Đế nghe được danh tiếng của Quách Ngọc bèn cho vời ông vào hoàng cung, bổ nhiệm làm Thái y thừa (chức quan y thuật cổ đại). Đối với y thuật như Thần của ông, Hòa Đế rất hiếu kỳ, bèn nghĩ cách thử tài ông.

Thế là một ngày nọ, Hòa Đế cho gọi một viên quan cận thần có cổ tay đẹp và một cung nữ cùng ngồi sau màn trướng, sau đó mỗi người thò một cánh tay ra ngoài, để cho Quách Ngọc bắt mạch. Sau khi bắt mạch, Quách Ngọc lập tức đoán ra 2 người, trong đó có 1 người nam. Ông nói: "Bên trái là dương, bên phải là âm, mạch có nam có nữ, dạng như dị nhân. Thần nghi là có nguyên cớ".

Danh y giỏi châm cứu bắt mạch, khiến triều đình và dân gian thán phục
Quách Ngọc lập tức đoán ra 2 người, trong đó có 1 người nam. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Hòa Đế rất thán phục.

Quách Ngọc là người nhân ái lại không cuồng vọng tự đại, ông có y đức cao thượng, không phụ họa quyền quý, cũng không coi thường người nghèo hèn, đối với người bệnh ông đều tận tâm tận lực cứu chữa như nhau. Nhưng khi chữa trị cho người dân thường, Quách Ngọc thường kim đến bệnh lui, mà khi chữa cho người quyền quý thì có lúc không nhanh như vậy, cần chữa trị một khoảng thời gian.

Hòa Đế có chút phiền muộn, bèn sai người quyền quý mặc y phục người nghèo khổ, ở trong ngôi nhà của người nghèo khổ và để Quách Ngọc khám chữa bệnh, kết quả là Quách Ngọc châm cứu kim đến bệnh lui.

Hòa Đế liền cho vời Quách Ngọc vào hỏi nguyên do, Quách Ngọc trả lời rằng:

"Chữa bệnh là phải dùng tâm ý. Thớ da thịt rất nhỏ, khéo sử dụng tùy theo vận khí. Khi dùng kim và đá châm cứu, chỉ hơi sai lệch nhỏ là có kết quả khác nhau. Ý niệm nằm ở tâm và tay, chỉ có hiểu ý mà không thể nói được. Người phú quý ở vị thế cao đối xử với thần, thần tiếp đãi với cái tâm sợ hãi.

Thế nên chữa trị có 4 cái khó. Họ theo ý họ mà không theo ý hạ thần, đó là cái khó thứ nhất. Họ không cẩn thận với bản thân, sinh hoạt không theo quy luật, cao lương mỹ vị, không biết điều tiết, đó là cái khó thứ hai. Họ có gân cốt yếu, không thể dùng thuốc, đó là cái khó thứ ba. Họ thích an dật không muốn nhọc thân, khiến khí huyết ứ tắc, kinh mạch không thông, đó là cái khó thứ tư. Châm cứu có chuẩn mực, thường có sai sót, nặng thì tâm sợ hãi, cộng thêm ý cố gắng cẩn thận, nên hạ thần không thể toàn tâm toàn ý được, điều này khiến việc chữa trị không được tốt. Đó là lý do chữa không mau khỏi vậy".

Hán Hòa Đế nghe xong, cho rằng rất chính xác. Sau này, Quách Ngọc tuổi cao, qua đời khi đang tại nhiệm. Ông có để lại trước tác Kinh Phương Tụng Thuyết.

Trung Hòa
Theo Epochtimes
Tài liệu tham khảo: Hậu Hán Thư - Quách Ngọc truyện



BÀI CHỌN LỌC

Danh y giỏi châm cứu bắt mạch, khiến triều đình và dân gian thán phục