Đạo là triết lý cốt lõi trong văn hóa truyền thống Á Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, “Đạo” lại có những nội hàm khác nhau, nhưng nó cũng có điểm chung, đó là phản ánh sự theo đuổi tâm linh sâu sắc nhất của dân tộc Á Đông.

Trong “Thuyết văn giải tự” viết: Đạo, “Sở hành đạo dã”. Giải thích theo văn bạch thoại, tức là con đường mà mọi người đi, và con đường lớn chạy suốt được gọi là “Đạo”.

“Đạo” là triết lý cốt lõi của văn hóa truyền thống, nghĩa gốc là con đường, nghĩa rộng là quy luật của tự nhiên, được gọi là “Thiên Đạo”. Còn “Nhân đạo” chỉ các đạo lý liên quan tới xã hội và bản thân con người, tức là tiêu chuẩn giá trị của xã hội và con người. Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa “Thiên đạo” và “Nhân đạo” có liên quan mật thiết đến sản xuất nông nghiệp cổ đại. Trong “Chu dịch - Bí quái - Thoán từ” viết: “Cương nhu giao thoa, thiên văn cũng có; văn minh, nhân văn cũng vậy. Quan sát thiên văn để biết thời biến; quan sát nhân văn, lấy đó để giáo hóa thiên hạ.”

“Thiên văn” là liên quan tới tiết vụ của các mùa trong năm, kiến thức về thay đổi thời vụ giúp con người tiến hành các hoạt động canh tác một cách kịp thời; “Nhân văn” đồng nghĩa với “văn minh”, bao gồm tình cảm đạo đức của con người và hệ thống xã hội. Thời kỳ trước khi nhà Tần thống nhất, đặc biệt vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi trào lưu tư tưởng được phát triển và bàn luận một cách tự do, hiện tượng này được gọi là “bách gia tranh minh” (trăm nhà tranh tiếng), thì một trong những trọng điểm ấy là: lý giải thế nào về “Thiên đạo” và “Nhân đạo”.

1. Học thuyết độc đáo của Lão Tử về “Thiên đạo” và “Nhân đạo”

Lão Tử sinh vào cuối thời Xuân Thu, là sử quan quản lý tàng thư của vương thất Đông Chu. Trong “Đạo Đức Kinh”, ông đã mô tả học thuyết độc đáo về “Thiên đạo” và “Nhân đạo”.

“Đạo Đức Kinh” tán dương “Thiên đạo”, nhìn nhận rằng “Đạo” diễn hóa vạn vật mà không cần sức mạnh siêu nhiên, tự nhiên mà vậy. “Thiên đạo” không tranh, không nói, không kiêu, không có cái tâm khống chế sự vật, nó giống như một tấm lưới khổng lồ vô biên vô hình, bao trùm vạn vật trên đời lại. Khác với nó, “Nhân đạo” tự tư, nhỏ hẹp, bất công, và “Tổn bất túc dĩ phụng hữu dư” (Đạo Đức Kinh - Chương 77). Ý là: người nghèo khổ túng thiếu lại phải cung phụng người phú quý dư thừa. Để khắc phục sai lầm xã hội này, Lão Tử khởi xướng “Nhân đạo” noi theo “Thiên đạo”.

Người trị nước phải có đức tính “mềm mỏng”, “vô vi”: thuần phác, khiêm tốn, hòa cùng với dân như nước; bậc Thánh nhân “lấy tâm bách tính làm tâm mình” (Đạo Đức Kinh - Chương 49). Có như vậy thì “Nhân đạo” mới được “Thiên đạo” chuyển hóa, đạt đến “Đạo pháp tự nhiên” thì mới có thể đứng vững và bất khả chiến bại.

Những luận thuật của “Đạo Đức Kinh” về “Thiên đạo” và “Nhân đạo” cho thấy một bức tranh tuyệt vời đầy trí tuệ và sáng suốt của người cổ đại. Tuy nhiên, “Đạo Đức Kinh” dùng “Thiên Đạo” tự nhiên phủ định “Nhân đạo”, cũng có mặt thiên lệch của nó.

2. Học thuyết “Nhân đạo” của Khổng Tử

Ở đây chỉ nói về thuyết “Nhân đạo” của Khổng Tử, và sơ lược luận thuật của “Dịch truyện” của Nho gia và Tuân Tử về mối quan hệ giữa “Thiên đạo” và “Nhân đạo”.

Khổng Tử, người sáng lập ra Nho học (551-479 TCN) là một nhà tư tưởng và nhà giáo dục lớn vào cuối thời Xuân Thu. Ông nói:

“Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” (sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng cam lòng)

“Quân tử mưu đạo, bất mưu thực, quân tử ưu đạo bất ưu bần” (Quân tử mưu cầu đạo chứ không mưu cầu cái ăn, quân tử lo đạo không lo nghèo)

Rõ ràng, theo quan điểm của Khổng Tử, “Đạo” là dùng để chỉ lý tưởng và tình cảm đạo đức cao thượng của con người, là điều kiện cần để một người trở thành một bậc “quân tử”. Khổng Tử cũng nói rằng khi “Đạo” xung đột với sinh mệnh cá nhân, kẻ chí sĩ nhân ái không chút do dự hy sinh sinh mệnh mà bảo vệ sự tôn nghiêm của “Đạo”. Điều này có thể làm được, bởi vì “Nhân năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhân”, nghĩa là: con người có khả năng nhận thức, có ý thức đạo đức, có ý thức về sứ mệnh, và có thể nâng cao cảnh giới tinh thần của mình.

Theo giải thích của Khổng Tử, ý thức về sứ mệnh này dựa trên việc quan tâm đến người dân. Đây được các thế hệ sau gọi là “thuyết dân làm gốc”. Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử: “Nguyện văn tử chi chí” (xin được hỏi về chí).

Khổng Tử đáp: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi” (để người già có thể yên lòng, bạn bè có thể tin tưởng, cùng giữ chữ tín với mình, và làm sao để mình trong mắt con trẻ luôn được yêu mến).

Ông cũng gọi hành vi có thể đem đến lợi ích rộng rãi cho người dân và giảm bớt đau khổ của họ là “Thánh”. Theo ý kiến ​​của ông, ngay cả Nghiêu và Thuấn cũng chưa hoàn toàn làm được điều đó. Vào giữa thời Chiến Quốc, học thuyết lấy dân làm gốc của Khổng Tử được Mạnh Tử kế thừa và phát triển, ông đề xuất rằng “dân là quý nhất, xã tắc là nhì, quân vương là nhẹ” (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh).

Trong suốt thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN), khoảng 500 năm là giai đoạn lịch sử có những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội cổ đại, là thời kỳ phát triển từ xã hội huyết thống sang xã hội phong kiến ​​thống nhất, khai sáng ra một cục diện tư tưởng học thuật “Bách gia tranh minh” (trăm nhà tranh tiếng), các gia các phái đều có những giải thích về thế nào là “Thiên đạo”, “Nhân đạo” và mối quan hệ tương quan của chúng.

Đặc biệt là Nho gia, như “Hán thư - Nghệ văn chí” đã nói: “Trường phái Nho gia, đại thể xuất phát từ chức quan tư đồ, trợ giúp quân vương, thuận theo âm dương, hiểu rõ giáo hóa. Văn chương vẫy vùng trong Lục Kinh, chú ý việc nhân nghĩa, tôn thờ thủy tổ Nghiêu Thuấn, giữ gìn phép tắc Văn Vương Võ Vương, tôn sùng Trọng Ni là bậc thầy, coi trọng lời dạy của các vị đó, là cao nhất trong các Đạo thuật.”

Hàn Dũ

3. Thuyết “Đạo thống” và “Văn dĩ tải Đạo” của Hàn Dũ vào thời trung Đường

(Giải thích: Đạo thống - mạch chính của Đạo; Văn dĩ tải Đạo - văn để truyền tải Đạo)

Hàn Dũ (768-824), tự Thoái Chi, quê gốc Xương Lê, được gọi là Hàn Xương Lê. Với thuyết “Phật thống” của Phật giáo, Hàn Dũ đã trình bày phả hệ truyền thừa của Nho học trong cuốn “Nguyên Đạo” của mình: Nghiêu truyền Thuấn, Thuấn truyền Vũ, Vũ truyền Thang, Thang truyền Văn, Võ, Chu Công, rồi truyền tới Khổng Tử, Khổng Tử truyền Mạnh Kha, “Kha chết không thể truyền nữa”. Hàn Dũ tin rằng mình có trách nhiệm tiếp tục phả hệ truyền thừa này, mà ông gọi là “Đạo thống”.

Thuyết “Đạo thống” của Hàn Dũ cho rằng “Tiên Thánh Minh Quân” của Nho học không chỉ là một kiểu mẫu trị quốc, mà còn là người kế thừa tư tưởng chính thống, tuyên truyền sự thống nhất của “quân” và “sư”, thể hiện sự hòa hợp của “nội Thánh ngoại Vương”. Từ đó Hàn Dũ nói rõ: nên tôn kính Nho học chứ không phải những thứ khác.

Hàn Dũ cũng có đóng góp lớn về lý luận, chỉ ra con đường ngôn hành thống nhất cho các học giả nghiên cứu Nho học, đề cao “Đại học” trong “Lễ Ký” và cho rằng Chính tâm - Thành ý - Tu thân - Tề gia - Trị quốc bình thiên hạ, từ bản thân lập chí tu thân đến trị quốc bình thiên hạ, có một nguồn gốc liên tục và tuân theo một cách trật tự.

Hàn Dũ khởi xướng trào lưu văn cổ và có những cống hiến to lớn cho lịch sử văn học Á Đông. Cái gọi là “văn cổ” dùng để chỉ văn xuôi thời Tiền Tần và Hán, với phong cách tự do và cách diễn đạt rõ ràng. Kể từ triều đại nhà Ngụy và nhà Tấn, biền văn (từng hai câu đối nhau) hình thành trên cơ sở thể phú của nhà Hán, chú ý đến tính đối ngẫu, thanh luật, điển cố và từ tảo (văn chương). Đối với vấn đề này, Hàn Dũ chủ trương “Văn dĩ tải Đạo” và chủ trương cải cách văn phong, dùng văn cổ để chấn hưng Nho học và hoằng dương Đạo thống. Văn chương của Hàn Dũ có quan điểm rõ ràng và suy luận thấu đáo, có ảnh hưởng lớn đến hậu thế.

4. Ý nghĩa lịch sử và văn hóa của sự dung nhập Nho, Phật và Đạo

Phật giáo và Đạo giáo thịnh hành vào thời nhà Đường, vì vậy vấn đề về sự hòa nhập của Nho, Phật và Đạo đã được đặt ra. Điều đó phụ thuộc vào việc liệu nền văn hóa chủ lưu của Nho học có thể bắt kịp với thời đại và tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa khác để bổ sung và làm phong phú cho mình hay không; điều đó cũng phụ thuộc vào việc liệu Phật giáo, vốn từ Ấn Độ, có thể hiện thực tại vùng Trung thổ hay không. Trong thời nhà Đường, có rất nhiều tu viện Phật giáo ở Trường An, và hình thành nhiều tông phái Phật học, mà gọi là “Phật học Trung Quốc”.

Vào thời Bắc Tống, sự dung nhập của Nho, Phật và Đạo đã trở nên chín muồi, và Lý học trở thành một hình thức mới của Nho học. Trương Tải (1020-1077), người sáng lập ra học phái Quan Trung của Lý học, dạy học tại phủ Phượng Tường (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây), và đề xuất rằng các học giả Nho gia nên có tinh thần trách nhiệm văn hóa, chính là: “vì thiên địa lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh, vì kết thừa Thánh hiền mà tiếp tục học hỏi, vì muôn đời dựng lập thái bình”.

Các dân tộc từ xa xưa luôn trọng Đạo sùng Đức, đây là một truyền thống tốt đẹp. “Đạo” và “Đức” tuy có nội hàm khác nhau trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng chúng cũng có những điểm tương đồng, đều phản ánh sự theo đuổi tâm linh sâu sắc nhất của dân tộc Á Đông.

Minh An
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Đạo là triết lý cốt lõi trong văn hóa truyền thống Á Đông