Đạo sĩ chỉ dẫn, viên quan bình định được phản loạn Hoàng Sào và được thăng chức tể tướng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời kỳ loạn Hoàng Sào, một vị Đạo sĩ trong thôn khuyên Trương Tuấn mau chóng vào đất Thục chờ đợi thời cơ để bình định phản loạn. Khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên, Trương Tuấn một bước lên mây, làm đến chức tể tướng. Khi ông trở về thôn cũ, đã không thấy tung tích của vị Đạo sĩ kia.

Thế sự xoay vần, triều đại thay đổi là những việc có thể xảy ra trong chớp mắt. Chinh chiến, thảo phạt dường như là những việc không thể tránh khỏi khi một triều đại bước vào giai đoạn suy bại. Tuy nhiên, trong cuộc chiến bình định phản loạn, những người đóng vai trò quan trọng dường như đã được Trời chọn sẵn. Ngay cả những chiến tích kỳ diệu của họ cũng là do các bậc cao nhân hiểu được Thiên ý đến chỉ dẫn. Với sự trợ giúp của những cao nhân này, cho dù trong tuyệt cảnh, họ vẫn có thể gặp dữ hóa lành, chuyển nguy thành an. Những điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Trương Tuấn thuận theo Thiên ý, bình định nội loạn

Trương Tuấn (không rõ năm sinh - mất năm 904), tên tự là Vũ Xuyên, là người vùng Hà Gian (nay thuộc Thương Châu, tỉnh Hà Bắc). Vào thời trẻ, Trương Tuấn sống ẩn cư ở núi Kim Phượng, ra sức học thuật “hợp tung liên hoành” của Quỷ Cốc Tử. Đến thời Đường Hy Tông, Khu mật sứ Dương Phục Cung rất mến mộ tài năng của Trương Tuấn, liền tiến cử ông cho triều đình. Trương Tuấn được giao giữ chức Thái thường bác sĩ. Không lâu sau, ông được thăng làm Độ chi viên ngoại lang.

Khi quân Hoàng Sào tạo phản, tiến gần đến kinh đô Trường An, Trương Tuấn từ quan, đưa mẹ và gia đình đến Thương Châu lánh nạn. Sau đó, ông chuyển đến sống tại một ngôi làng ở huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung, có một cuộc sống thanh nhàn, không màng thế sự.

Trong thôn có một vị Đạo sĩ được mọi người rất kính trọng. Ngày nọ, khi Trương Tuấn đang đi trên đường, đột nhiên ông nghe thấy phía sau có người nói lớn: "Trương tam thập tứ lang, Hoàng đế còn đang đợi ngài đến dẹp quân phản loạn!".

Trương Tuấn chợt cảm thấy kinh ngạc. Ông thầm nghĩ bản thân đã rời khỏi quê nhà nhiều năm như vậy, đến ẩn cư tại nơi này, sao lại có người biết được ông xếp thứ mấy trong gia đình. Trương Tuấn quay đầu lại nhìn, thì phát hiện ra vị Đạo sĩ kia. Ông cảm thấy vị Đạo sĩ này chắc hẳn không phải là người tầm thường, liền nói: "Tôi chỉ là một người dân áo vải bình thường, Hoàng đế sao lại đợi tôi đến dẹp giặc chứ?"

Vị Đạo sĩ kia vẫn hết mực khuyên Trương Tuấn mau chóng vào đất Thục, lặng yên chờ đợi thời cơ. Lúc này, Trương Tuấn lại thấy rất do dự. Mẹ của ông đang mắc bệnh, Trương Tuấn không nhẫn tâm, bỏ mặc mẹ không lo. Lúc ấy, vị Đạo sĩ liền lấy ra hai viên đan dược, nói với Trương Tuấn rằng: "Cho mẹ của ngài dùng hai viên đan dược này sẽ giúp bà khỏe mạnh được mười năm".

Trương Tuấn lập tức về nhà, cho mẹ uống đan dược kia. Không lâu sau, mẹ của Trương Tuấn đã khỏi bệnh.

Khi vào đất Thục, Trương Tuấn mới biết được tin Đường Hy Tông đã rời kinh thành đi lánh nạn. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, đoàn người của Hoàng đế mang theo lương thực không đủ dùng. Thế nên, ông khuyên huyện lệnh huyện Hán Âm là Lý Khang chuyển đến mấy trăm bao lương khô, để giúp Đường Hy Tông vượt qua khó khăn. Hoàng đế Đường Hy Tông cảm thấy bất ngờ, bèn cho gọi Lý Khang đến hỏi: "Một huyện lệnh như ngươi, làm sao có thể suy nghĩ chu toàn như vậy?"

Lý Khang cung kính trả lời: "Hạ thần chỉ là một quan huyện nhỏ ở địa phương, theo lễ nghi là không được dâng lễ vật, nhưng do viên ngoại Trương Tuấn tận lực khuyên bảo, nên bất đắc dĩ phải làm như vậy".

Sau khi nghe xong, Hoàng đế lại cho triệu Trương Tuấn đến, giao cho ông chức Binh bộ lang trung, sau này được thăng làm Gián nghị đại phu.

Mùa đông năm đó, loạn Hoàng Sào ngày càng nghiêm trọng, triều đình phải tiến hành trưng dụng thêm binh lính từ các chư hầu. Lúc này, binh lực của Tiết độ sứ Bình Lư Vương Kính Vũ mạnh nhất, nhưng ông ta vẫn liên tục từ chối xuất binh. Thế là, tể tướng Vương Đạc bổ nhiệm Trương Tuấn làm thống phán quan, phái ông đến thuyết phục Vương Kính Vũ.

Khi biết tin Vương Kính Vũ xưng thần với Hoàng Sào, thậm chí còn không chịu gặp sứ thần của Hoàng đế, Trương Tuấn lập tức chất vấn Vương Kính Vũ: "Chức trách của ngài là trấn giữ những vùng đất phiên thuộc của Thiên tử. Bây giờ Thiên tử ban chiếu, ngài lại không tiếp đón sứ thần chu đáo. Đó chính là không tuân theo lễ nghi của quân thần. Nếu ngài không để tâm đến lễ nghi của quân thần, làm sao có thể quản lý được những binh sĩ dưới trướng và cai trị bách tính được?”

Vương Kính Vũ nghe xong, liền cảm thấy hổ thẹn, vì vậy nhanh chóng nhận tội.

Sau đó, sứ thần tuyên đọc chiếu thư, các tướng lĩnh, binh sĩ của Bình Lư đều im lặng, không muốn đáp lại. Trương Tuấn liền triệu tập các tướng lĩnh lại, rồi dùng cả tình lẫn lý để khuyên bảo họ, nói rằng: "Làm thần tử, quý ở trung nghĩa. Các vị nên suy nghĩ cho kỹ hậu quả của việc thuận theo hoặc làm trái với Thiên ý, không chỉ quay lưng với Thiên tử đương triều, mà còn xưng thần với một tên bán muối. Từ xưa đến nay, ở đâu có đạo lý như vậy? Nếu như hôm nay, chư hầu trong thiên hạ đều tích cực hưởng ứng theo lời kêu gọi của Thiên tử, nhưng các vị ở đây lại thờ ơ lạnh nhạt. Một khi bình định được những kẻ phản loạn kia thì các vị sẽ phải làm sao. Ngày Thiên tử hồi cung chỉ là việc sớm muộn, các vị chớ nên từ bỏ sự yên bình và phú quý sẽ có, hơn nữa còn khiến bản thân gặp nguy hiểm, mang tội bất trung!"

Lời nói của Trương Tuấn cuối cùng cũng lay động được các tướng lĩnh của quân Bình Lư. Họ quay lại nói với Vương Kính Vũ rằng: "Gián nghị đại phu quả thật nói không sai!"

Sau khi quân Bình Lư đồng ý xuất binh, sĩ khí của quân triều đình đã tăng lên rất nhiều. Không lâu sau đó, loạn Hoàng Sào được dẹp yên, Trương Tuấn cũng nhờ vậy mà một bước lên mây, làm đến chức Tể tướng. Đến khi Trương Tuấn trở lại quê cũ, thì vị Đạo sĩ kia đã đi mất.

Đạo sĩ chỉ dẫn, viên quan bình định được phản loạn Hoàng Sào được thăng chức tể tướng. (Tranh: miền công cộng)

Quan viên họ Thôi nhận được chỉ dẫn phá sào huyệt của quân phản loạn

Vào những năm cuối thời nhà Đường, vùng Kim Châu vô cùng hoang vắng, có rất ít người dân sinh sống. Khi Hoàng Sào khởi binh tạo phản, người trấn giữ quận An Khang vùng Kim Châu là một quan viên họ Thôi.

Một ngày nọ, có một Đạo sĩ không rõ từ đâu đến, nói với viên quan họ Thôi rằng: "Thiên hạ hỗn loạn không yên, đến cả Hoàng đế cũng phải ngồi kiệu để đi lánh nạn khắp nơi, tông miếu xã tắc bị người khác chà đạp, hủy hoại, ngài có từng nghĩ rằng sẽ đi dẹp yên quân phản loạn không?".

Khi đó viên quan họ Thôi trả lời: "Đến Thái sơn cũng đổ thì một cây nhỏ làm sao chống đỡ được?"

Đạo sĩ nói tiếp: "Cũng không hẳn như vậy! Thực ra có rất nhiều phương pháp để trừng trị bọn cường đạo, không phải lúc nào cũng phải chém chém giết giết".

Viên quan họ Thôi nghe xong, tò mò hỏi rằng: "Ngài có phương pháp gì sao?".

Đạo sĩ nói: "Vùng Kim Châu có một con sông, gọi là ‘sông Kim Thống’. Dòng sông này chảy xuôi qua một nơi gọi là "Hoàng Sào cốc". Nếu ngài chưa từng nghe nói đến, có thể hỏi những người dân ở Kim Châu".

Viên quan họ Thôi bèn phái người đi dò hỏi, quả thật có một con sông như vậy.

Đạo sĩ nói tiếp: "Việc giặc Hoàng Sào rất khó tiêu diệt, có quan hệ với con sông này. Nếu ngài không quản ngại, xin hãy dẫn theo một số lao dịch, theo con sông này đào xuống, nhất định sẽ có được thu hoạch".

Sau đó, quan viên họ Thôi dẫn người đi tìm. Quả nhiên trong núi sâu ở ngoài Kim Châu vài trăm dặm có một con sông. Viên quan họ Thôi sai lao dịch đào đến nguồn của con sông, tìm thấy một cái động. Trong động có một con Hoàng Yêu Nhân (một loài thú).

Khi có người tới gần Hoàng Yêu Nhân, đột nhiên nó gục xuống đất, hét lên một tiếng rồi chết. Sau đó đoàn người còn tìm được một thanh bảo kiếm trong động. Khi đó, vị Đạo sĩ đang ở cách đó vài trăm dặm, đã nói với viên quan họ Thôi rằng: "Xem ra tôi cũng có góp công tiêu diệt quân phản loạn rồi".

Viên quan họ Thôi định mang Hoàng Yêu Nhân và bảo kiếm đến dâng cho Hoàng đế, nhưng vừa mới đi được nửa đường, đã nghe tin giặc Hoàng Sào bị tiêu diệt, Hoàng đế chuẩn bị hồi cung.

Hà Chiêu Hàn gặp được cao nhân tránh được họa sát thân

Độ chi viên ngoại lang của nhà Tiền Thục là Hà Chiêu Hàn trước đây từng làm phán quan ở vùng Kiềm Nam (Quý Châu). Một ngày nọ, khi đi tản bộ bên sông, Hà Chiêu Hàn gặp được một người đang câu cá. Người này đột nhiên hỏi Hà Chiêu Hàn rằng: "Ngài có phải là Hà phán quan không?"

Hà Chiêu Hàn trả lời: "Đúng vậy!"

Người kia nói với ông: "Tôi tên là Trương Thiệp, vẫn luôn sống ở vùng rừng núi. Trong quá khứ, tôi đã từng quen biết ngài một thời gian dài, chỉ là hiện tại ngài không thể nhớ ra".

Hà Chiêu Hàn cảm thấy rất khó tin, bất giác ngồi xuống bãi cỏ bên cạnh. Trương Thiệp lại nói tiếp: "Từ nay về sau, ngài sẽ được thay đổi qua một vài chức quan, cuối cùng sẽ nhận chức huyện lệnh Thanh Thành. Tôi vốn sống ở núi Thanh Thành, đợi ngài làm quan xong rồi, sẽ cùng ngài đi vào núi".

Nói xong, Trương Thiệp đứng dậy rời đi.

Nhiều năm sau, Hà Chiêu Hàn vẫn nhớ đến lời Trương Thiệp khi đó. Những việc ông trải qua những năm sau này không khác gì so với điều Trương Thiệp nói. Trước đó ông đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, cuối cùng làm huyện lệnh Thanh Thành. Từ đó, Trương Thiệp thường xuyên qua lại thăm hỏi Hà Chiêu Hàn. Hà Chiêu Hàn cũng vô cùng kính trọng Trương Thiệp.

Một ngày nọ, đội quân phản loạn tiến đến Thanh Thành. Tình hình trong thành rất hỗn loạn. Lúc đó, Hà Chiêu Hàn không kịp nghĩ nhiều, vội cùng Trương Thiệp chạy vào núi Thanh Thành. Khi đó, gia đình già trẻ lớn bé của ông đều bị vây ở trong thành. Khi vào thành, quân phản loạn tuyên bố rằng phải tìm được và giết chết huyện lệnh, thậm chí còn nói phải chém huyện lệnh thành từng miếng thịt nhỏ để ăn. Trong lúc chúng đang hô hào phải chém phải giết, con trai của thủ lĩnh quân phản loạn, người thường được gọi là "tiểu tướng quân" lại đột nhiên mất tích. Sau một thời gian, quân phản loạn mới phát hiện ra, thủ cấp của huyện lệnh vừa bị chặt xuống chính là đầu của "tiểu tướng quân". Thế là quân phản loạn xảy ra nội chiến, chém giết lẫn nhau. Còn về huyện lệnh Hà Chiêu Hàn thì không ai biết được tung tích của ông.

Sau này có người đi vào núi, gặp được Hà Chiêu Hàn và Trương Thiệp đi cùng nhau, liền gọi ông. Hà Chiêu Hàn nhờ người này chuyển lời cho vợ, nói rằng ông không chết, mà là trở về ngọn núi trước kia từng sống. Hà Chiêu Hàn nhắn nhủ vợ và mọi người trong nhà cứ yên tâm sống tiếp, không cần thương nhớ ông. Từ đó về sau, không còn ai nào gặp được Hà Chiêu Hàn nữa.

Nhan Văn - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

(Bài gốc từ zhengjian)

Tài liệu tham khảo

  • "Bắc mộng tỏa ngôn"
  • "Cựu Đường thư"
  • "Vương Thị kiến văn lục"
  • "Dã nhân nhàn thoại"

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Đạo sĩ chỉ dẫn, viên quan bình định được phản loạn Hoàng Sào và được thăng chức tể tướng