Dạy con sáng Đạo: Bài 3 - Học ba cốt yếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại: Bài 2 - Nuôi mà không dạy

Học ba cốt yếu, một chẳng thể thiếu:
Cha mẹ khoan hậu, con học chuyên cần,
Thầy nghiêm dạy bảo.

Nguyên văn chữ Hán:
學有三心, 不可失一
父母厚實, 子學勤敏
嚴師作成

Âm Hán Việt:
Học hữu tam tâm, bất khả thất nhất
Phụ mẫu hậu thực, tử học cần mẫn
Nghiêm sư tác thành

Diễn giải:
Để thành tựu nghiệp học thì có ba điều trọng yếu không thể thiếu được, đó là cha mẹ khoan hậu, chân thực; con cái học hành cần mẫn; và phải có người thầy nghiêm khắc chỉ dẫn dạy bảo, tác thành.

Câu chuyện tham khảo:

Chu Văn An - bậc thầy muôn đời

Chu Văn An - bậc thầy muôn đời. (Tranh: Leo-BM/ NTDVN)

Chu Văn An được suy tôn là "bậc thầy của muôn đời". Người duy nhất được thờ trong Văn Miếu cùng với Khổng Tử. Ông là người có công truyền bá Nho giáo và được vinh danh là “ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”. Ông đỗ tiến sĩ nhưng không làm quan mà mở trường học ở quê nhà. Ông nổi tiếng có học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, không cầu danh lợi, danh tiếng truyền xa, học trò theo học rất đông, lúc đông nhất lên đến trên 3.000 trò. Nhà vua mời ông làm quan Tư nghiệp Quốc tử giám (chức vụ gần giống Hiệu trưởng Đại học Quốc gia hiện nay).

Chu Văn An là thầy dạy của hai vị hoàng tử mà sau này đều trở thành vua là Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông. Ông làm quan Tư nghiệp Quốc tử giám trải ba triều: Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông. Nhưng vua Dụ Tông sau khi lên ngôi thì phóng túng hưởng thụ, nghe lời xúc xiểm của nịnh thần, triều đình trở nên thối nát, chính sự rối ren. Chu Văn An đã nhiều lần can gián vua và cũng là học trò của mình, ông dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần mà sử sách gọi là “Thất trảm sớ”.

Khi vua không nghe theo, ông từ quan về quê mở trường dạy học ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là Thanh Trì, Hà Nội. Chu Văn An luôn đối xử bình đẳng và công bằng với các lứa học trò từ vương tôn công tử đến các học trò nhà nông nghèo, ai cũng được đối xử như nhau. Ông tuy khoan dung nhưng lại rất nghiêm nghị và cương trực. Những học trò cũ đã làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát lúc về thăm thầy vẫn phải khép nép giữ gìn đúng lễ nghĩa, phép tắc thầy trò, và nếu có điều gì chưa đúng phép, thầy vẫn nghiêm khắc dạy bảo.

Một lần Phạm Sư Mạnh làm quan tương đương chức Tể tướng về thăm thầy, đúng phiên chợ đông đúc, tắc đường. Thế là quân lính gọi loa, khua roi dẹp đường huyên náo, ầm ĩ. Chu Văn An biết chuyện nên lúc Phạm Sư Mạnh vào nhà, ông chỉ thẳng vào mặt và trách mắng rằng: "Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ thì ta còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người?"

Nói rồi, ông phủi áo đi vào nhà trong. Tể tướng Phạm Sư Mạnh vừa sợ, vừa ân hận, cứ quỳ gối bên giường mãi, chờ đến khi thầy nguôi giận tha lỗi, rồi mới dám ra về.

Chu Văn An được tôn là Vạn thế sư biểu (bậc thầy của muôn đời). Trần Nguyên Đán đã đánh giá về những đóng góp của thầy như sau: "Nhờ có Chu Văn An mà 'bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu' ".

Sử thần Ngô Sĩ Liên, trong Đại việt sử ký toàn thư, ông viết:

“Bao nho giả nước ta… những kẻ chỉ ưa công danh phú quý, ăn lộc giữ mình. Hèn cúi trước cửa quyền, cấm chưa thấy người nào chỉ vì dân lo đức để dân được nhờ như Chu Văn Trinh ở đời Trần.

Văn Trinh công thờ vua thì nói thẳng trước mặt, việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh cao thượng tiết tháo khiến thiên tử không bắt nổi làm tôi. Nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn, lời nói nghiêm nghị mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta, mà được tòng tự tại Văn Miếu là xứng đáng”.

Xem tiếp: Bài 4 - Người có ba tình

Trung Dung
(Tham khảo: vi.wikipedia, news.zing, dkn.tv)

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 3 - Học ba cốt yếu