Dạy con sáng Đạo: Bài 32 - Tự trách mình trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 31: Người cùng chớ mắng

Tự trách mình trước, sau mới trách người
Ngậm máu phun người, bẩn miệng mình trước
Miệng nói lời ác, Thần ác đến ngay
Thiện niệm trong tâm, tốt lành xuất hiện

Chữ Hán

自先責己,而後責人
含血噴人,先污其口
惡言出口,凶神鍳臨
善念於心,吉祥自現

Hán Việt

Tự tiên trách kỷ (1), nhi hậu trách nhân (2)
Hàm huyết phún nhân (3), tiên ô kỳ khẩu (4)
Ác ngôn xuất khẩu, hung thần giám lâm
Thiện niệm ư tâm, cát tường tự hiện

Diễn giải

- Hễ gặp mâu thuẫn, tranh chấp, thì trước tiên cần phải tự trách mình, tìm lỗi ở chính mình, sau đó mới trách người, tìm lỗi ở người ta.

  1. (2) Nguyên Sử có viết: “Thái Tổ có giáo huấn rằng: Muốn trị sửa thân mình thì trước tiên trị sửa cái tâm mình. Muốn trách người thì trước tiên trách chính bản thân mình”.

Nguyên văn: "Thái Tổ hữu huấn: Dục trị thân, tiên trị tâm. Dục trách nhân, tiên trách kỷ".

- Ngậm máu phun người, vu cáo hãm hại người khác, thì trước tiên bẩn miệng mình, hủy hoại danh dự bản thân.

(3) (4) Sách “La Hồ dã lục” của Hiểu Oánh đời Tống có viết: “Kẻ ngậm máu phun người, trước tiên bẩn miệng kẻ đó”.

Nguyên văn: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô kỳ khẩu”.

- Lời ác, lời xấu nói ra khỏi miệng, thì Thần ác liền đến.

- Thiện niệm trong tâm, thì tốt lành may mắn xuất hiện.

Câu chuyện tham khảo

Miệng nói lời ác, Thần ác đến ngay; Thiện niệm trong tâm, tốt lành xuất hiện

Thiện niệm trong tâm, tốt lành xuất hiện. (Tranh: NTDVN-Bình Minh)

Câu chuyện kể về Nguyên Tự Thực sống vào triều đại nhà Nguyên dưới đây có thể giúp ta hiểu thêm phần nào về ý nghĩa câu nói này.

Nguyên Tự Thực có đại ân với một người tên là Mâu Tài, nhưng Mâu Tài lại trở mặt vu cáo Nguyên Tự Thực, quả là rất có lỗi với Nguyên Tự Thực. Nguyên Tự Thực càng nghĩ càng thấy căm phẫn bất bình, đang đêm tự dưng bật dậy quyết giết chết Mâu Tài.

Trên đường, Nguyên Tự Thực đi qua một cái am. Chủ am là Hiên Viên Ông, là một Đạo sĩ với công năng thiên nhãn thông. Khi Nguyên Tự Thực rảo bước về phía nhà Mâu Tài, Hiên Viên Ông thấy rõ theo sau Nguyên Tự Thực là cả chục con quỷ hình thù kỳ dị. Thế nhưng khi Nguyên Tự Thực trở về nhà, Hiên Viên Ông thấy có cả trăm phúc thần mình mang ngọc bội, đầu đội mũ vàng đi theo. Hiên Viên Ông vô cùng kinh ngạc!

Trời vừa hửng sáng, Hiên Viên Ông đã tới nhà Nguyên Tự Thực dò hỏi tình hình tối qua. Nguyên Tự Thực nói thật với Hiên Viên Ông rằng: “Mâu Tài vong ân bội nghĩa, tôi hận Mâu Tài quá bạc tình nên mới định giết chết hắn. Vừa đến cửa chính nhà Mâu Tài, tôi lại nghĩ Mâu Tài tuy vong ân bội nghĩa nhưng còn có vợ và mẹ già. Nếu giết chết người này, vợ và mẹ già của anh ta biết nương tựa vào đâu? Vì thế tôi đã nhẫn chịu và thu cái phẫn uất đó lại”.

Hiên Viên Ông bèn thuật lại dị tượng mà mình đã thấy cho Nguyên Tự Thực nghe, đoạn nói với Nguyên Tự Thực rằng: “Một niệm ác của ông khiến quỷ dữ đi theo, một niệm thiện của ông khiến phúc thần bảo hộ. Sự việc của ông, Thần linh đã sớm biết rõ. Ông tất sẽ có phúc về sau”.

Quả nhiên sau đó Nguyên Tự Thực thi đậu bảng vàng, công danh thăng tiến, làm quan đến chức Huyện lệnh Lư Sơn. Còn Mâu Tài, kẻ vong ơn bội nghĩa, vu cáo hãm hại ân nhân, thì bị chết trong đám loạn quân.

(Nguồn: NTDVN)

(Còn tiếp)

Trung Dung

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 32 - Tự trách mình trước