Dạy con sáng Đạo: Bài 33 - Tích thiện gặp thiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 32 - Tự trách mình trước

Tích thiện gặp thiện, tích ác gặp ác
Suy nghĩ kỹ càng, Trời Đất không sai
Nhân hậu gặp hậu, gặp ở khắp nơi
Mưu sâu họa sâu, oan oan tương báo
Thiện có thiện báo, ác có ác báo
Nếu vẫn chưa báo, thời gian chưa tới
Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu
Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt

Chữ Hán

積善逢善,積惡逢惡
仔細思量,天地不錯
仁厚遇厚,處處相逢
謀深禍深,冤冤相報
善有善報,惡有惡報
若還不報,時⾠未到
種瓜得瓜,種豆得豆
天網恢恢,蔬而不漏

Hán Việt

Tích thiện phùng thiện (1), tích ác phùng ác (*)
Tử tế tư lượng, thiên địa bất thác (*)
Nhân hậu ngộ hậu, xứ xứ tương phùng
Mưu thâm họa thâm (2), oan oan tương báo (3)
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo (*)
Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo (*)
Chủng qua đắc qua (4), chủng đậu đắc đậu (5)
Thiên võng khôi khôi (6), sơ nhi bất lậu (7)

Diễn giải

  • Người làm việc thiện lành sẽ gặp được những điều tốt lành, người làm việc xấu ác sẽ gặp điều xấu ác

(1) Đây là câu ngạn ngữ cổ. Sách “U khuê ký” của Thi Huệ đời Nguyên có viết: “Cổ ngữ nói: Tích thiện gặp thiện. Tiểu sinh thường nói, tri ân báo ân”.

Nguyên văn: “Cổ ngữ: Tích thiện phùng thiện. [Tiểu sinh] thường ngôn tri ân báo ân”.

(*) 2 câu: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác” sau được thu lục trong sách “Minh tâm bảo giám” của Phạm Lập Bản vào cuối thời nhà Nguyên đầu thời nhà Minh.

Những câu đánh dấu (*) cũng đều là những câu ngạn ngữ cổ, và được thu lục trong sách “Minh tâm bảo giám”.

  • Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng, thì sẽ thấy, Trời Đất không sai. Bởi vì con người làm việc thiện việc ác, ở thế gian có thể trốn tránh được luật của thế gian, nhưng còn luật Trời cao hơn khống chế tất cả - luật nhân quả.
  • Người làm việc thiện, làm việc tốt, tu đức hành thiện, thì sẽ gặp được những điều thiện lành. Người làm việc xấu, việc ác, thì sẽ gặp phải điều xấu, điều ác.
  • Người nhân hậu thì sẽ gặp được người nhân hậu, sẽ gặp được người nhân hậu ở khắp mọi nơi.
  • Người mưu mô thâm độc thì sẽ gặp tai họa thâm sâu tương ứng. Kẻ gây oan giá họa sẽ bị báo thù.

(2) Câu ngạn ngữ cổ rằng: “Lòng độ lượng lớn thì gặp phúc cũng sẽ lớn, tâm mưu mô sâu thì gặp họa cũng thâm sâu”.

Nguyên văn: Lượng đại phúc dã đại, cơ thâm họa diệc thâm.

(3) Sách “Hóa lang đãn” đời Nguyên có viết: “Ai biết Trời xanh có mắt, chỉ là đến sớm hay muộn, ngày nay oan oan tương báo, giải mối sầu thành niềm vui”.

  • Làm việc thiện thì được thiện báo, làm việc ác thì bị ác báo.
  • Nếu thấy lâu vẫn chưa có báo ứng, thì chẳng qua là thời gian chưa đến mà thôi.
  • Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Đây là câu nói về nhân quả báo ứng trong Phật giáo, làm việc gì thì sẽ có kết quả tương ứng.

(4) (5) Trong “Niết bàn kinh” có câu rằng: “Trồng dưa được dưa, trồng mận được mận”.

Nguyên văn: “Chủng qua đắc qua, chủng lý đắc lý”.

  • Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt. Câu này ví von lưới pháp luật nhìn có vẻ rộng lớn, lỏng lẻo, nhưng sẽ không để kẻ phạm tội trốn thoát. Ngoài ra, còn có tầng cao hơn là luật Trời - luật nhân quả, không ai có thể thoát được.

(6) (7) Sách “Lão Tử” có viết “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”.

Nguyên văn: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất”.

Câu chuyện tham khảo

Quả báo vì phá tượng Phật Di Lặc ở Ung Hòa Cung

Yonghe Temple3.jpg
Tượng Phật Di Lặc trong Ung Hòa Cung. (Antoine Taveneaux / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Năm Càn Long thứ 9 (năm 1744), Hoàng đế Càn Long chuyển Ung Hòa Cung thành một ngôi chùa Phật giáo của Hoàng gia. Kể từ đó, Ung Hòa Cung đã trở thành ngôi chùa có cấp bậc cao nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Vạn Phúc Các là đại điện cuối cùng của Ung Hòa Cung, đồng thời cũng là gian cao nhất và tráng lệ nhất. Nơi đây đặt một tượng Phật Di Lặc cao sừng sững, được chạm khắc bằng gỗ đàn hương trắng, là báu vật của thành phố Bắc Kinh. Vì vậy, Vạn Phúc Các còn được gọi là Đại Phật Lầu, cao 25 ​​mét, có ba mái hiên, tất cả đều được làm bằng gỗ.

Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Ung Hòa Cung cũng trở thành mục tiêu của “phá tứ cựu”. Theo lời kể của một vị lạt ma lớn tuổi trong chùa, năm đó khi dựng tượng Phật Di Lặc, để giữ cho tượng Phật đứng vững, hai bên và phía sau bức tượng được xây dựng các dãy hành lang cao bằng tòa nhà hai tầng, chiều rộng hành lang vừa đủ để một người đi qua. Hành lang và tượng Phật được nối với nhau bằng dây xích sắt để đỡ bức tượng.

Nhưng trong thời Cách mạng Văn hóa, có ba Hồng vệ binh đã đến đập phá tượng Phật. Người đầu tiên leo lên hành lang, định giơ rìu lên để chặt xích, nhưng khi rìu chém xuống thì không chạm vào dây sắt mà lại trúng vào chân của chính mình. Người thứ hai cầm rìu ra chém tiếp, nhưng rìu lại chém vào không trung, người này bị trượt khỏi bệ, lập tức hôn mê bất tỉnh. Người thứ ba sợ quá đứng không vững. Người ta nói rằng, sau đó không ai trong số ba người họ sống sót.

Kể từ đó, không còn ai dám động đến bức tượng Đại Phật, còn Ung Hòa Cung cũng bình yên vô sự, được bảo tồn cho tới ngày nay. (Nguồn: NTDVN)

Trung Dung

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 33 - Tích thiện gặp thiện