Dạy con sáng Đạo: Bài 38 - Người không lo xa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại:

Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 37: Sống quá hà khắc

Người không lo xa, ắt có sầu gần
Cẩn thận không lo, nhẫn nhịn không nhục
Nhân gian tù ngục, là người bất lương
Thiên hạ công hầu, đều do có đức

Chữ Hán

人無遠慮,必有近憂
謹則無憂,忍則無辱
人間囚獄,還是無良
天下公侯,皆由有德

Hán Việt

Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu (1)
Cẩn tắc vô ưu, nhẫn tắc vô nhục (2)
Nhân gian tù ngục, hoàn thị vô lương (*)
Thiên hạ công hầu, giai do hữu đức (*)

Diễn giải

  • Người không có lo nghĩ suy tính xa xôi, thì ắt sẽ có nhiều chuyện ưu sầu xảy ra. Không lo xa thì ưu sầu đến ngay trước mắt.

(1) Câu này có nguồn gốc từ Luận Ngữ của Khổng Tử. Chương “Vệ Linh Công” có viết: “Khổng Tử nói: Người không lo xa, ắt có sầu gần”

Nguyên văn: Tử viết: Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.

  • Người cẩn thận thì không phải ưu lo chuyện về sau, người nhẫn nhịn thì không bị nhục nhã.

(2) Câu này có nguồn gốc từ “Minh tâm bảo giám” rằng: “Cẩn tắc vô ưu, nhẫn tắc vô nhục, tĩnh tắc thường an, kiệm tắc thường túc”.

Nghĩa là: “Cẩn thận thì không ưu lo, nhẫn nhịn thì không nhục nhã, yên tĩnh tình luôn yên ổn, tiết kiệm thì luôn đủ đầy”.

  • Chốn nhân gian, những người bị tù ngục thường là những kẻ bất lương.
  • Trong thiên hạ, những người được phong công hầu, thường là người có đức.

(*) Hai câu trên là nói về trạng thái bình thường của xã hội, tức thời thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền, luật pháp nghiêm minh “pháp bất vị thân”.

Mỗi thời đại, triều đại đều theo quy luật thành trụ hoại diệt của vũ trụ, nên các triều đại từ thời kỳ đầu và thời ổn định thịnh trị, người có đức hạnh được tôn kính, được phong công hầu, kẻ bất lương phạm tội bị trừng trị.

Đến thời kỳ hoại thì đạo đức xã hội dần dần đi xuống, và đến thời kỳ diệt thì xã hội đảo lộn, kẻ gian tà quyền cao chức trọng, trung thần nghĩa sĩ bị vu oan hãm hại, kẻ bất lương được thưởng, người thiện lành bị áp bức.

Tuy nhiên, đó chỉ là loạn tượng xã hội thời loạn thế, mạt thế, những kẻ hành ác sẽ bị chịu tội, sẽ bị quét sạch, người có đức sẽ được minh oan, lấy lại công bằng, và sẽ tiến vào một chu kỳ xã hội mới coi trọng đức hạnh, thiện lương.

Câu chuyện tham khảo

Thầy đồ nhân đức giúp người, cháu nội hiển đạt làm thượng thư

Thầy đồ nhân đức giúp người, cháu nội hiển đạt làm thượng thư. (Tranh: Bình Minh - NTDVN)

Vào triều Minh, Trung Quốc, ở Sơn Tây có vị tên là Trần Ông, gia đạo thanh bần, sống bằng nghề dạy học, ngoài 40 mà vẫn chưa có con. Nhiều năm dạy học, ông tích cóp được hơn chục nén bạc, mỗi tối đều lấy ra ngắm nghía.

Trong làng có anh Giáp là con em người cùng họ. Cuộc sống của Giáp rất gian khổ, không biết lấy gì để sống. Giáp đã từng trèo tường nhìn trộm, có ý định lấy trộm bạc của Trần Ông. Một buổi tối, vợ của Trần Ông mở cửa đi vệ sinh, Giáp thừa cơ lẻn vào trong nhà.

Trần Ông cảm thấy dường như có người đang thò tay lần mò trên giường, liền nhóm lửa ở lò sưởi kiểm tra, thấy anh Giáp là người cùng họ thì kinh ngạc, lập tức tắt lửa đi, hạ giọng hỏi nhỏ: “Cậu làm gì vậy? Sao lại làm việc xấu xa này, khiến tông tộc mất mặt”.

Giáp vừa kinh sợ vừa xấu hổ, trả lời rằng: “Tết nhất đến nơi rồi, cháu vừa đói vừa rét, thực sự đã không còn đường sống nữa rồi nên mới làm việc hạ sách này”.

Trần Ông nói: “Được rồi, ta sẽ tha thứ cho cậu một lần”.

Thế rồi Trần Ông đem tất cả số bạc đã tích cóp được tặng cho Giáp, và nói: “Hãy mau về đi, từ nay về sau hãy tự lo liệu bản thân, lần này ta không nói cho ai biết việc cậu ăn trộm”.

Giáp không kịp cảm tạ, cầm số bạc vội vàng rời đi.

Trần Ông rất khổ tâm vì không có người thừa kế, nhưng sau đó, vợ ông bỗng nhiên có mang, liên tiếp sinh liền mấy người con trai, gia cảnh cũng dần dần giàu có.

Anh Giáp sau khi có được số bạc đó, cần cù tiết kiệm kinh doanh, và trở nên khá giả, mua đất, cưới được cô vợ rất hiền thục.

Một năm nọ, sắp đến thời gian thu hoạch lúa, để phòng việc trộm lúa, ban đêm Giáp trở dậy đi tuần, nhìn thấy có 2 người trên con đường nhỏ giữa cánh đồng đang đi vội vã, cho rằng đó là kẻ trộm lúa, bèn lặng lẽ theo dõi. Một người nói: “Mảnh đất này tốt, cắm cành cây xuống 10 ngày vẫn không khô héo”. Người kia bẻ một cành cây cắm xuống đất, sau đó cả hai người rời đi.

Thì ra hai người này là thầy phong thủy đi tìm cát huyệt phong thủy. Anh Giáp vội vàng đi đến chỗ cắm cành cây, thấy đó là mảnh đất anh mới mua. Quả nhiên sau 10 ngày, cành cây vẫn không bị khô héo. Giáp vui mừng lắm, trở về bàn với vợ rằng, chuẩn bị đem hài cốt cụ tổ cải táng ở mảnh đất ấy.

Vợ anh ngăn lại, nói rằng: “Chúng ta là những người dân thường, đột nhiên có được miếng đất phong thủy tốt, e rằng phúc đức chúng ta không đủ, khó mà thụ nhận được. Anh thường xuyên nói muốn báo đáp đại đức của Trần Ông. Nghe nói nơi an táng mộ tổ của Trần Ông có phong thủy không tốt, ông ấy đang tính cải táng. Chi bằng tặng miếng đất này cho ông ấy, một tổ của chúng ta an táng ở bên cạnh là được rồi”.

Giáp nói: “Nàng nói rất đúng, nhưng Trần Ông là bậc trưởng giả trung hậu, nếu nói rõ là tặng thì ông ấy nhất định sẽ không nhận, làm thế nào đây?”

Hai vợ chồng suy nghĩ rất lâu, bỗng Giáp nhảy lên, vỗ lưng vợ, cười và nói rằng: “Tôi có cách rồi. Trước đây Trần Ông an táng mộ tổ, đào huyệt không sâu. Khi đó tôi tận mắt trông thấy. Thừa lúc đêm khuya vắng vẻ, hai chúng ta di dời mộ cho ông ấy, sau đó lại lấp đất lại mộ cũ, không để cho Trần Ông biết. Thế này chẳng phải là được việc đó sao?”

Thế là hai người làm như đã bàn, công việc xong xuôi mà Trần Ông không hề hay biết.

Một năm sau, Trần Ông có cháu nội, đặt tên là Trần Kính. Trần Kính tuổi trẻ đã thi đỗ, 20 tuổi đỗ tiến sĩ, được ban chức Kiểm thảo của Mật thư viện, và đã từng dạy Hoàng đế Khang Hy.

Trần Ông 100 tuổi vẫn mạnh khỏe. Hàng năm, ông vẫn tế lễ tại ngôi mộ cũ. Tất cả những thầy phong thủy và thuật sĩ nhìn thấy huyệt mộ này đều nói rằng, đất này thì con cháu không phát. Có người còn bày cho Trần Ông rằng, nhà anh Giáp có mảnh đất phong thủy tốt nhất, nếu muốn cải táng thì đó là mảnh đất lý tưởng nhất.

Trần Ông cũng muốn có được mảnh đất đó để cải táng, nhưng vì chuyện xưa, e ngại Giáp sẽ suy nghĩ, nên áy náy không nói ra, đành phải lựa chọn chỗ những chỗ khác, nhưng các thầy phong thủy đều nói là không tốt. Bất đắc dĩ, Trần Ông đành nhờ người đánh tiếng, ướm thử ý anh Giáp thế nào. Anh Giáp cười và nói: “Nếu là như vậy, thế thì tôi đã cải táng mộ huyệt nhà Trần Ông vào chỗ đó từ lâu rồi”.

Thế là anh Giáp đem toàn bộ đầu đuôi câu chuyện nói với người đó, và nhờ ông ta chuyển lời đến Trần Ông. Trần Ông vô cùng cảm kích, đích thân đến cảm tạ, và thù lao hậu hĩ, nhưng anh Giáp không nhận.

Sau đó Trần Ông lại mời thầy phong thủy đến xem mộ. Các thầy phong thủy đều nói, đây là cát địa phong hầu bái tướng. Sau đó mấy năm, Trần Đình Kính được ban chức Văn uyên các Đại học sĩ kiêm Thượng thư Bộ Lại, quả nhiên đúng như lời các thầy phong thủy đã nói.

(Nguồn: NTDVN)

Trung Dung

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 38 - Người không lo xa