Để trong lòng mãi ngân lên hai tiếng: Thưa thầy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Việt xưa nay vẫn nặng lòng với giáo dục, vì vậy dĩ nhiên quan tâm đến vai trò của người thầy. Khi nền giáo dục gặp nhiều khó khăn, bế tắc, người ta càng quan tâm hơn đến vai trò, trách nhiệm của những người thầy.

Trong khi vẫn còn đó những người thầy tâm huyết, có nhân phẩm và tài năng, luôn băn khoăn trăn trở với việc dạy trẻ thành người và vì thế xứng đáng được ghi ơn, thì đáng tiếc là, cũng có không ít người được gọi là thầy nhưng lại là tâm điểm của những sự việc thị phi. Kể ra thì thật đau xót: từ gây áp lực bắt học sinh học thêm, ngược đãi trẻ bằng ngôn ngữ bất thiện, gợi ý cha mẹ học sinh “chăm sóc” thầy – một dạng hối lộ tinh vi… cho đến trang phục lố lăng, hành vi phản cảm, thậm chí tham nhũng chạy chức, gạ tình đổi điểm, quan hệ nam nữ bất chính v.v. mà báo chí và mạng xã hội đã nhiều lần đề cập đến.

Đồng thời, vị thế tinh thần và sự tôn kính với người thầy dường như không còn nguyên vẹn như trước. Điều gì đã thay đổi? Hẳn đây không phải chỉ là chuyện của những người thầy. Nhưng trong những ngày này, người thầy đang được nói đến nhiều hơn, vậy nhân đó xin bàn về ý nghĩa của tiếng “thầy” xưa nay.

Trước hết, hãy bắt đầu bằng điều có can hệ nhất: quan niệm của xã hội về sự học.

Học để làm gì?

Nếu hỏi vậy, câu trả lời đa phần sẽ là: “Học để có kiến thức và kỹ năng”. Hỏi tiếp: “Vậy kiến thức & kỹ năng để làm gì?”, trả lời: “để có thể cạnh tranh trong xã hội hiện đại, để thoát nghèo, đổi đời, thành đạt, để không bị coi thường khinh khi bắt nạt v.v.”

Thế cũng đã khả dĩ hơn so với: “đi học cốt để kiếm cái bằng”. Nhưng đã đủ chưa?

Không có mấy lời hồi đáp rằng: “Học trước hết là để rèn dũa đạo đức, tâm thái, phép ứng xử... Tóm lại là học làm người trước khi học làm việc.”

Học trước tiên là để làm người, chỉ khi ấy thì sự học mới là trọn vẹn, quan hệ thầy trò mới mang ý nghĩa thiêng liêng, chữ “thầy” mới đúng nghĩa là thầy. Làm người, đương nhiên ta phải tôn kính người dạy mình đạo đức.

Còn nếu học chỉ để có bằng cấp, để có kiến thức hay công cụ cạnh tranh với đời mà không học làm người, thì người thầy tụt xuống vị thế người cung cấp dịch vụ trong mối quan hệ kẻ bán – người mua, mà hàng hóa là kiến thức và kỹ năng. Danh xưng “thầy” đã trở nên sáo mòn. Nội hàm của từ “thầy” đã biến đổi, người ta hô lên lời đó như một thói quen, chứ trong tâm đã lạnh nhạt coi nhẹ chữ “thầy” rồi.

Chắc chắn đây không phải là vấn đề riêng của người thầy, hay của ngành giáo dục, đây giống như là “tâm bệnh” của hầu như toàn xã hội.

Vì sao học làm người lại quan trọng như vậy?

Học làm người trước, học làm việc sau

Sự học, ban đầu là học để làm người.

Hãy tạm lấy mốc của sự dạy và học ở buổi bình minh của giáo dục tư thục, khi dân thường cũng có thể tiếp cận với giáo dục, chứ không phải chỉ con em giới quyền quý…

Đó là khoảng gần 2500 năm trước, khi thầy Khổng Tử bắt đầu nhận học trò với chủ trương “hữu giáo vô loại – giáo dục không phân biệt xuất thân”.

Khi thầy Khổng nói rằng: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học…” tức là “ta 15 tuổi chí ở học hành…” (1), thì sự học đó chính là học Đạo, tức là nhận thức được những quy luật vũ trụ chi phối đời người và vạn sự vạn vật trong tự nhiên.

Nhưng việc to lớn ấy phải bắt đầu từ những việc nhỏ, những điều cụ thể nhất, ví như học lễ tiết, đạo đức, phép ứng xử… rồi mới học đến những kiến thức khác. Bởi vậy thầy Khổng tử dạy rằng: “Con em ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ Tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn”. (2)

Nói ngắn gọn và sơ lược hơn thì chính là “tiên học Lễ, hậu học Văn”.

Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại – giáo dục không phân biệt xuất thân”. (Tranh: Khổng Tử Thánh tích đồ)

Khoảng hơn một thế kỷ sau đó ở Hy Lạp cổ, thầy Plato cũng đã thành lập Học viện Plato - trường đại học tư thục đầu tiên ở phương Tây. Triết lý giáo dục của Plato chịu ảnh hưởng rất nhiều của người thầy mình là Socrates với tư tưởng: “Đạo đức – tất cả mọi đạo đức – là kiến thức”.

Plato cũng nói: “Kiến thức trở nên xấu xa nếu mục đích của nó không vì đạo đức”

Cũng có thể hiểu là: đạo đức là gốc, kiến thức là ngọn.

Ở nước Việt ta, cho đến gần 80 năm trước, trong cuốn “Nghề thầy”, thầy Hoàng Đạo Thúy cho rằng mục đích của giáo dục là: “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Từ mục đích đó, thầy cho rằng nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” thì là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.

Đến thời nay, người ta có câu: “Thái độ quan trọng hơn trình độ”.

Thái độ này hiểu cho đúng nghĩa, không phải là thái độ xun xoe, xiểm nịnh, cố ý lấy lòng người để được việc mình, nó phải là tâm thái chính trực, lương thiện, có cốt cách làm người, lấy đạo đức làm tiêu chuẩn cao nhất trong ứng xử.

Đạo đức không phải một lời nói suông, mà là hành động thực tế; không phải đạo đức có điều kiện, mà là vô điều kiện trong mọi hoàn cảnh; không phải là hiền lành không “va chạm” với ai, mà là có bản lĩnh chịu đựng gian khó; Không phải là chỉ đi “chỉnh người”, mà phải “rèn mình” trước… tâm có tĩnh, trí mới sáng, chỉ có như vậy người học mới có năng lực làm chủ kiến thức.

Socrates, người thầy dạy thanh niên về đức hạnh, sẵn sàng lựa chọn cái chết để bảo vệ chân lý; Thầy Khổng Tử, Mạnh Tử bôn ba cả đời, chịu đựng mọi nỗi nhọc nhằn để khôi phục đạo đức cho thiên hạ, dù bao phen lâm cảnh ngộ cũng không đánh mất tiết tháo, ấy là “có thực mới vực được Đạo” (chữ “thực” là “thực chất”, không phải đồ ăn thức uống.)

Như thế, mới gọi là dạy làm người.

Socrates, người thầy dạy thanh niên về đức hạnh, sẵn sàng lựa chọn cái chết để bảo vệ chân lý. (Miền công cộng)

Nhiều chủ doanh nghiệp ngày nay than vãn rằng học sinh, sinh viên ra trường không có năng lực làm chủ bản thân, ứng xử vụng về thiếu hiểu biết, vào việc thì lúng túng, đa phần doanh nghiệp phải tốn công tốn của để dạy lại, thậm chí với cả những người có kết quả học tập cao… đó là vì sự học đã chệch hướng.

Nói như phát ngôn gần đây của một vị trí thức nổi tiếng thì: “giáo dục không phải là lạc hậu, mà là lạc hướng”. Nó sai ngay từ triết lý giáo dục, tức là cách đặt vấn đề đại loại như: “Mục đích của việc dạy và học là để có được kiến thức, kỹ năng, mà không dạy làm người trước hết.”

Chiến lược gia bậc thầy thời Xuân Thu là Quản Trọng, trong cuốn “Quản Tử” có viết:

Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,
Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.

Giáo dục là một vòng tuần hoàn, người thầy góp phần lớn “trồng” nên học trò, học trò ấy lớn lên có thể làm thầy, tiếp tục “trồng” nên các học trò khác. Hỏi trách nhiệm của người thầy có nhỏ hay không? Và người thầy có cần tiếp tục tu dưỡng hay không?

Học làm thầy là học không ngừng nghỉ

Người Á Đông xưa có truyền thống trọng thầy, nào là “tầm sư học Đạo – tìm thầy học Đạo”, “Minh sư xuất cao đồ - thầy hay mới có trò giỏi”, “Minh sư như minh đăng – thầy giỏi như đèn sáng”. Người Việt cũng thường nói:

“Tôn sư trọng Đạo”;
“Nhất tự vi sư bán tự vi sư – dạy cho một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”;
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”;
“Không thầy đố mày làm nên”;
v.v.

Cũng bởi người thầy thời xưa có nhân phẩm đáng kính trọng, lấy mình làm gương mọi nơi mọi lúc.

Trong “Lễ ký – Học ký” có viết: “*Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học.” Tạm hiểu là “Thầy nghiêm chỉnh thì Đạo được tôn kính. Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học”.

Thầy Khổng Tử suốt đời bôn ba lao khổ, mà học trò không bỏ thầy, họ tin thầy, kính trọng và yêu quý thầy. Trong số ấy không thiếu những con người tài năng được vua chúa các nước chiêu mời, săn đón như Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Cống, Tử Lộ, Tử Hạ, Mẫn Tổn Khiên v.v. Như đại phú gia Tử Cống tài cao chí lớn, đi đâu cũng được vua chúa các nước trọng vọng, nhưng một mực bảo vệ thầy, coi thầy như mặt trăng mặt trời, còn mình chỉ là con đom đóm.

Vì thầy Khổng Tử không ngừng bồi dưỡng phẩm đức, thầy dạy rằng: “trách mình thì nghiêm, trách người thì nhẹ, như vậy tránh được oán.” (3) Thầy tự nhận mình là “học không biết chán, dạy người không biết mỏi.” (4)

Thầy Chu Văn An xưa khi làm quan trong triều thì chính trực, liêm khiết, mẫn cán; khi làm thầy ở dân gian thì mực thước, tận tụy, thương dân. Những học trò thành đạt, chức lớn như tể tướng Phạm Sư Mạnh, đại thần Lê Quát lúc về thăm thầy vẫn giữ lễ học trò cung kính khép nép, thậm chí có lúc còn quỳ gối chịu lỗi với thầy vì làm sai lời thầy dạy. Sở dĩ như vậy là vì thầy Chu Văn An vẫn luôn tâm niệm và làm cho được lời: “muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”.

Thầy Chu Văn An xưa khi làm quan trong triều thì chính trực, liêm khiết. (Tranh NTDVN)

Thầy Hoàng Đạo Thúy cũng viết rằng: “Cái nghiêm của ông thầy xưa, nay ta lại thêm vào tấm lòng yêu thấm thía và mạnh mẽ thì sẽ tạo nên một không khí dễ cho việc dạy dỗ vô cùng.

Trong không khí ấm áp và trong sạch ấy, các phương pháp nói trên đem ra dùng. Cốt làm gương đã, cái gương luôn luôn trong sáng. Những người hay chống chế vẽ ra câu chuyện đời công và đời tư. Nhưng thầy giáo không thể nào có một đời công ở trong trường và một đời tư ở ngoài trường. Lúc nào, lúc nào, thầy cũng vẫn làm như lời thầy dạy. Đừng để cho đứa trẻ đang tôn mình mà phải thở dài: ‘thầy dạy ta chính, nhưng vị tất thầy đã chính’ “.

Danh xưng “thầy” không nên là lời khuôn sáo

Xã hội hiện đại vô cùng phức tạp, người thầy cũng chịu vô vàn áp lực. Quan niệm về sự học thay đổi, hồn cốt của giáo dục thay đổi, biến cải cả quan hệ thầy trò và quan niệm về người thầy. Trong cuộc nhân sinh này, đáng buồn là chẳng phải người thầy nào cũng giữ được cốt cách của người thầy theo đúng nghĩa.

Nhưng nghề làm thầy dầu sao cũng là một nghề thật đặc biệt, đến mức thầy Hoàng Đạo Thúy đã phải viết cuốn sách “Nghề thầy” để chia sẻ về cái nghề đặc biệt ấy. Thiết nghĩ, nó đặc biệt vì người thầy là người nắm giữ tinh thần của các thế hệ học trò, và lòng tin vào đạo đức của xã hội. Một người bình thường hư hỏng đau xót một, một người thầy sa ngã đau xót gấp bội lần.

Vì thế đã được gọi là thầy thì ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải gắng giữ nhân phẩm, tư cách của người thầy, như thầy Hoàng Đạo Thúy đã viết: “Những người hay chống chế vẽ ra câu chuyện đời công và đời tư. Nhưng thầy giáo không thể nào có một đời công ở trong trường và một đời tư ở ngoài trường. Lúc nào, lúc nào, thầy cũng vẫn làm như lời thầy dạy. Đừng để cho đứa trẻ đang tôn mình mà phải thở dài: ‘thầy dạy ta chính, nhưng vị tất thầy đã chính’ “.

Lời ấy chí lý vì nó tiếp nối tinh thần của những người thầy vĩ đại trong lịch sử: thầy Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Socrates, Plato, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v. những người đã giáo dục bằng lời, và cả không lời - lấy cuộc đời mình làm tấm gương giáo hóa cho thế hệ nối tiếp thế hệ…

Cũng vì để người thầy mãi xứng đáng với lòng tin cậy, trân quý, mến phục của toàn xã hội, để hai tiếng “thưa thầy” không chỉ hời hợt trên cửa miệng mà rung động mãi trong tim.

(Bài viết chỉ thể hiện ý kiến của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Chú thích: (1), (2), (3), (4): trích “Luận ngữ” của Khổng Tử, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê.



BÀI CHỌN LỌC

Để trong lòng mãi ngân lên hai tiếng: Thưa thầy