Đền Cùng Giếng Ngọc: Công đức 2 công chúa của vua Hùng

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - “Dù ai đi lễ bốn phương; Không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng”

Di tích Đền Cùng Giếng Ngọc

Ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm là ngày làng Diềm mở hội tát giếng. Đó là một phong tục đặc biệt đối với truyền thuyết dân gian về Đền Cùng Giếng Ngọc, nằm trong cụm di tích lịch sử quốc gia ở phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (chỉ với bán kính chưa đầy 2 km) gồm có:

  • Đền thờ Đức Vua Bà (Quả Cảm)
  • Đền Cùng Giếng Ngọc
  • Đền thờ Vua Bà thủy tổ quan họ làng Diềm
  • Chùa làng Diềm

Và một di tích quốc gia mới được xây dựng, đó là Nhà hát Dân ca quan họ của tỉnh Bắc Ninh như một chiếc thuyền rồng cách điệu tuyệt đẹp nằm trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng.

Nơi đây “sơn thủy hữu tình”. Đền Cùng Giếng Ngọc của làng Viêm Xá (làng Diềm) là chốn địa linh của một vùng có núi rừng, sông nước, bãi mía, nương dâu, thờ mẫu linh thiêng che chở sự sống muôn loài. Tín ngưỡng thờ mẫu là tâm hồn bản sắc văn hóa Việt Nam. Đền Cùng càng linh thiêng hơn bởi sự hiển linh của Giếng Ngọc, cá thần, mạch nước giếng bắt nguồn từ mẹ núi che chở cho các ông cá (cá: người dân ở đây gọi là các quan).

Đền Cùng Giếng Ngọc còn linh hiển nổi tiếng khắp dân gian từ các thời Lý, Tiền Lê. Lý Thường Kiệt có đến chốn này cầu đảo và ứng nghiệm, đã đánh tan quân xâm lược Tống. Thời vua Lý Thánh Tông sinh con mình hổ cũng đến đây cầu đảo, hoàng tử đã tai qua nạn khỏi, vạn sự như ý. Trước đây khu Đền Giếng này rất nhỏ nay đã được mở rộng rất nhiều.

Đền Cùng, Giếng Ngọc còn linh hiển nổi tiếng khắp dân gian từ các thời Lý, Tiền Lê. (Ảnh: Lê Chân)

Từ cổng ngoài bước vào khuôn viên của Đền Giếng, ta bắt gặp một ngôi nhà làm trên tám trụ đá, gọi là Cầu Giếng. Nơi đây khi xưa theo tục lệ của làng, những ai khi từ giã cõi đời ở nơi khác đưa về, đều phải đưa vào trong đây, không được đưa vào trong làng, họ sợ bị xúi quẩy. Để ở trong ngôi nhà đá này, các con cháu phải túc trực ở đó ba ngày ba đêm. Nhưng ngày nay ngôi nhà này được sử dụng làm nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các nam thanh, nữ tú, các liền anh liền chị quan họ thường đến đây giao lưu văn nghệ, những màn quan họ giao duyên được du khách vô cùng yêu thích.

Thần tích Đền Cùng Giếng Ngọc

Giếng Ngọc lúc ấy là một giếng nhỏ thiên tạo, ở dưới chân hai ngọn núi Kim Lĩnh và Kim Sơn. Hai ngọn núi này có hình đầu rùa chầu xuống sông Như Nguyệt uống nước. Tục truyền rằng, vào thời vua Hùng Vương thứ 6, nơi đây là vùng hoang vu cây cối rậm rạp, có rất nhiều thú dữ. Nơi đây có một con hổ đã thành tinh. Mỗi ngày nó phải ăn thịt một người và để lại đầu (người) trên núi. Lũ quạ được thể rỉa nốt phần còn lại của xác. Rỉa xác xong lũ quạ lại lao xao bay xuống Giếng Ngọc uống nước.

Đó là nỗi kinh hoàng đối với người dân trong vùng khi có việc phải đi qua đây. Vua đã cử nhiều Võ Tòng trong cung điện đi diệt con hổ tinh quái này nhưng không ai đánh nổi. Những người đi đều không thấy trở về. Vua cha có hai nàng công chúa xinh đẹp lại tinh thông võ nghệ là Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa. Hai nàng đã xin với vua cha cho đi diệt trừ yêu quái để trừ họa cho dân. Nhưng vua cha bảo: Bao nhiêu anh hùng hào kiệt đến đó còn một đi không trở về. Các con là phận nữ nhi “chân yếu tay mềm” làm sao đánh nổi con yêu tinh ấy.

Thế rồi một hôm, hai nàng công chúa: một người trên cạn, một người dưới nước (họ đều là những Thần Tiên trên Thiên thượng đầu thai xuống hạ giới để cứu thế độ nhân) trốn vua cha đến vùng Đền Giếng. Hai nàng ở đây quan sát xem quy luật đi lại, sinh sống của con hổ hai ngày. Đến ngày thứ 3 thì hai nàng ra tay diệt hổ tinh.

Một trận chiến quyết liệt đã diễn ra.

Cả một vùng rừng cây cối bị đổ rạp, khói bụi mù mịt, muông thú chạy tán loạn. Con hổ bị chém nhiều nhát, mình bê bết máu điên cuồng chống trả. Cuối cùng hổ dữ cũng bị diệt, hai nàng để lại mũ áo, trang phục, cung kiếm rồi hóa về trời. Vua cha cho sứ giả đi tìm, được sứ giả báo tin hai nàng đã diệt được yêu hổ và có một bức tâm thư để lại cho vua cha. Cũng từ thời đó, một ngôi đền thờ nhỏ có có cột đá xanh, tường bằng đá ong được lập nên ở đâu để tỏ lòng kính ngưỡng với hai công chúa dũng cảm có công giúp dân trừ họa.

Đến ngày thứ 3 thì hai nàng ra tay diệt hổ tinh. (Tranh: LM)

Những năm phong kiến Trung Quốc đô hộ nước ta, Cao Biền (một thầy phong thủy giỏi nổi tiếng của Trung Quốc) đến vùng đất này. Hắn thấy nước Việt có rất nhiều người tài giỏi. Quan sát phong thủy, hắn đã chọn Giếng Ngọc để cắt đứt long mạch của người Việt. Nhưng khi đào giếng lên, hắn thấy dấu chân phong thủy của cụ Tả Ao ở dưới Giếng Ngọc lên hắn không làm gì được.

Lại nói về nguồn nước Giếng Ngọc, nước ở đây rất trong mát, khi pha trà có hương vị thơm ngon đặc biệt mà không nguồn nước ở nơi nào có được. Người dân ở đây truyền tai nhau rằng: Nước giếng ở đây, dù là người làng hay người nơi khác đến, sau khi được uống nước giếng đều trở nên xinh đẹp, khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Vậy nên không chỉ người làng Diềm, mà những du khách thập phương cũng mang những vật dụng như can, bình đến đây để xin lộc lấy may.

Lễ hội tát giếng

Lễ hội tát giếng ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm không biết có tự thuở nào, nhưng đến nay vẫn được duy trì tiếp nối. Trước đây tát giếng bằng phương pháp thủ công, thì những người tát giếng được lựa chọn phải là những trai làng khỏe mạnh, chưa lập gia đình. Thường tập trung từ nửa đêm, cởi trần đóng khố xuống giếng sau khi đã làm lễ.

Nhưng ngày nay, làng sử dụng những đồng niên theo từng năm. Họ lấy bàn chải cọ rửa sạch bóng từng viên đá, lại lau chùi thật sạch xuống tận đáy giếng. Đáy giếng là những vỉa đá nhiều màu sắc rất đẹp, lấp lánh ánh kim. Tát giếng xong, 3 ngày đầu người ta lấy nước để cúng tế ở đền Vua Bà, cúng Thành hoàng ở đình làng, cúng trong chùa. Sau ba ngày 3 ngày lấy nước cúng tế các nơi linh thiêng, thì người dân mới được đến lấy nước về sử dụng.

Các cụ kể rằng nạn lụt năm 1971, ở đây nước tràn ngập khắp nơi. Giếng Ngọc cũng bị chìm trong biển nước. Vậy mà tất cả các ông cá không hề theo dòng nước bơi đi, tất cả đều ở lại trong giếng. Khi nước rút, Giếng Ngọc được làm sạch, nước lại trong xanh. Kỳ lạ là bất kỳ trời mưa to kéo dài đến mấy, hay nắng hạ đến đâu, thì mực nước trong giếng không bao giờ thay đổi.

Lễ hội tát giếng ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm không biết có tự thuở nào, nhưng đến nay vẫn được duy trì tiếp nối. (Ảnh: Lê Chân)

Người xưa có thơ về Bà Chúa Giếng như sau:

Dù ai khấn bái mười phương
Dâng văn sự tích thắp hương Đền Cùng.

...

Đất viêm trang lan điền sơn thủy
Giếng Đền Cùng có một không hai.

.....

Ai lên tới Giếng Tiên Núi Lĩnh
Hỏi thăm đền Chúa Giếng nơi nao
Theo dòng Như Nguyệt mà vào
Trước đền Chúa ngự cây cao xanh ngàn
Gió bốn phương hương bay ngào ngạt
Tới cửa đền hoa ngạt ngào thơm

...

Thỉnh là công chúa Sơn Tinh
Da ngần ngần trắng má in vẻ hồng
Thoảng mùi hương chân đi nhã nhặn
Mặc áo xiêm chân dận giày hoa
Chạnh lòng vàng đá người ta
Ngọc Dung mặt phượng da ngà
Lông mày lá liễu nết na ai tày
Núi Kim Lĩnh cảnh tình hữu thủy
Dòng sông Cầu nước chảy lượn quanh
Đền thờ đẹp tựa bức tranh
Thời vua nhà Lý xây thành non cao
Tam ba tháng mấy năm nào…
Khắp bốn phương kêu cầu vọng bái
Ai có lòng Chúa đoái lòng thương
Lòng thành thắp một tuần hương
Chắp tay lễ bái Chúa ban lộc tài

Sự linh thiêng của ngôi đền ngày càng lan tỏa cả trong và ngoài nước, nên không chỉ ba tháng xuân mà bất kỳ thời điểm nào trong năm khi có điều kiện đến Bắc Ninh mọi người đều muốn ghé thăm Đền Cùng, Giếng Ngọc (thuộc cụm di tích tâm linh của xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Có thời gian mời bạn hãy ghé thăm nơi đây.

Lê Chân

 



BÀI CHỌN LỌC

Đền Cùng Giếng Ngọc: Công đức 2 công chúa của vua Hùng