Điện ảnh và truyền thông đã bóp méo thời Trung Cổ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Châu Âu thời Trung Cổ trong hình dung của nhiều người là nơi nông dân đói nghèo nhếch nhác ngước mắt trông chờ những hiệp sĩ mang giáp nặng che kín người. Người Trung Cổ không tắm rửa, ăn thịt ôi, cho rằng Trái Đất phẳng, bảo vệ các thiếu nữ đeo đai trinh tiết, và tra tấn kẻ thù bằng các hình cụ khủng bố. Tuy nhiên, tất cả những điều trên là hư cấu, với mục đích giật gân câu khách hoặc tuyên truyền của điện ảnh và truyền thông hiện đại.

Vậy, toàn bộ những điều hoang đường về thời Trung Cổ này đến từ đâu? Và thực tế ra sao?

1. Đêm trường Trung Cổ tăm tối

“Trung Cổ” (Medieval, Middle Ages) đề cập đến khoảng thời gian 1000 năm từ khi La Mã sụp đổ ở thế kỉ thứ 5 cho đến thời kì Phục hưng ở Ý vào thế kỉ 15. Mặc dù đôi khi nó cũng được dùng ở các nơi khác trên thế giới, nhưng thuật ngữ này thường mặc định đề cập về Châu Âu.

Nhờ các bộ phim của Hollywood mà rất nhiều người tin rằng thời Trung Cổ chỉ toàn những con người cuồng tín và dốt nát. Nhưng thực tế, các nhà sử học hàng đầu đã bác bỏ sự hiểu lầm này.

Có vẻ sự bêu riếu thời kỳ Trung Cổ chủ yếu đến từ mục đích tuyên truyền. Dễ thấy trọng tâm tôn sùng của điện ảnh và truyền thông hiện đại là “Thời kỳ Khai sáng”, “Cách mạng khoa học”, “Cách mạng Pháp 1789”. Các nhà tư tưởng Khai sáng thế kỷ 17-18 khi ca ngợi sự duy lý của mình, cũng đã nhân cơ hội để mô tả thời Trung Cổ là mê tín dị đoan và phi lý. Để làm nổi bật vai trò “cứu thế” của những phong trào và các cuộc cách mạng đó, thì cần làm lu mờ thời kỳ lịch sử trước kia, bôi đen và lật đổ Thần học, tôn giáo, tín ngưỡng, vương triều, chế độ phong kiến v.v…

Đến thế kỉ 19, một vài nhà văn đã hư cấu về xã hội Cơ Đốc giáo khép kín thời Trung Cổ, để làm nổi bật những cuộc phiêu lưu kỳ thú của các hiệp sỹ. Thực ra thời Trung Cổ đã có các cuộc giao lưu quốc tế quy mô lớn. Các học thuyết và công nghệ tràn vào Châu Âu theo đường thương mại và chiến tranh của Byzantine, Hồi Giáo và Mông Cổ. Và các thương nhân, trí thức, nhà ngoại giao từ nhiều nơi đã đến thăm các thành phố Châu Âu thời Trung Cổ.

Một giảng đường thời Trung Cổ. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Khoa học và triết học thời Trung Cổ rất phát triển, một phần nhờ việc các trường đại học xuất hiện ở khắp châu Âu. Kiến thức cổ đại cũng không bị mất đi; các văn bản Hy Lạp và La Mã vẫn tiếp tục được nghiên cứu vào thời kỳ này. Thời Trung Cổ cũng cho ra đời những tác phẩm vĩ đại trong các lĩnh vực như nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Dược phẩm thời đó vẫn còn sơ khai, nhưng nó đã có nền tảng và luôn đón nhận những ý tưởng mới, nhờ đó chúng ta mới có những phương thuốc hiện đại ngày nay.

“Trái Đất phẳng” và “Trái Đất là trung tâm vũ trụ” là hai mệnh đề gán với thời Trung Cổ bị mang ra chế giễu nhiều nhất. Nhưng đó vốn là kiến thức Thần học đã bị thô thiển hóa, trong khi nếu nhìn lại dưới góc độ vật lý lượng tử và quan sát thiên văn ngày nay thì chúng không sai: “mọi điểm trên Trái Đất đều ở chung trong một trường thời - không” cho thấy Trái Đất phẳng theo một nghĩa nào đó; “Trái Đất là nơi duy nhất có sự sống hữu cơ”, “các thiên hà khác đang đồng loạt di chuyển ra xa khỏi dải Ngân Hà chứa Trái Đất” cho thấy Trái Đất là trung tâm vũ trụ theo một nghĩa nào đó. Thực tế nhiều nhà toán học thời Trung Cổ đã nhận thức được Trái Đất có hình cầu và tính toán ra chu vi của nó, ngoài ra các tu sĩ như Nicolas Oresme và Nicholas xứ Cusa đã tranh luận về thuyết Nhật tâm mà không chịu bất kỳ sự đàn áp, trừng phạt nào.

Nhiều nhà toán học thời Trung Cổ đã tính chu vi Trái Đất. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Nói chung thời Phục Hưng rực rỡ không thể đột nhiên xuất hiện từ hư vô, mà phải trải qua bước đệm Trung Cổ hết sức quan trọng.

2. Người Trung Cổ đói khát, bẩn thỉu, thê thảm

Đây hoàn toàn là một hiểu lầm. Nông dân thời đó có khẩu phần cháo và bánh mì tươi hàng ngày cùng với bia để uống. Thêm vào đó, mỗi ngày họ sẽ có thêm một vài loại thịt, pho mát cùng với rau và hoa quả tươi được nuôi trồng trong khu vực. Gia cầm như gà, vịt, chim bồ câu và ngỗng cũng thường xuất hiện trên bàn ăn của những người nông dân. Về cơ bản, khẩu phần ăn hàng ngày của họ là tương đối ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ý kiến cho rằng người Trung Cổ ăn thịt ôi và dùng nhiều gia vị để che mùi được phổ biến rộng rãi vào những năm 1930 bởi một quyển sách của Anh. Nó đã dịch sai một công thức nấu ăn thời Trung Cổ và lấy sự tồn tại của các điều luật cấm việc buôn bán thịt ôi như là bằng chứng cho việc thịt ôi được tiêu thụ thường xuyên.

Thực tế, người Châu Âu Trung Cổ đã tránh ăn các loại thức ăn ôi thiu và có phương pháp bảo quản thịt an toàn, như là ướp chúng với muối. Gia vị tuy đã phổ biến nhưng chúng còn đắt tiền hơn cả thịt. Vì vậy nếu ai đủ tiền mua gia vị, họ cũng sẽ mua được thực phẩm không bị hư hỏng.

Sử gia người Pháp Jules Michelet ở thế kỉ 19 gọi thời kì Trung Cổ là “một nghìn năm không tắm”. Nhưng kể cả các thị trấn nhỏ cũng có những nhà tắm công cộng. Sự sạch sẽ và vệ sinh được đánh giá rất cao, tới mức mà việc tắm rửa được lồng ghép vào nhiều nghi lễ thời đó. Mọi người thoa xà phòng làm từ những thứ như mỡ động vật, tro, và thảo mộc có mùi thơm. Và họ đã sử dụng nước súc miệng, vải chà răng với kem hoặc bột làm từ các hương liệu và thảo mộc cho hơi thở thơm mát. Một số người tắm hàng ngày, những người khác thì ít hơn, nhưng hầu hết tất cả đều rất ý thức được việc vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, họ còn sử dụng cả nước nóng vào việc tắm rửa. Người Pháp đã đúc kết ra một câu nói bằng tiếng Latinh: “Venari, ludere, lavari, bibere! Hoc est vivere!”, có nghĩa là “Đi săn, chơi bời, tắm rửa, uống rượu, như vậy mới là sống!”.

Trên phim chúng ta thường thấy thời Trung Cổ với những con đường bùn lầy lội, những căn nhà gỗ mốc meo xám xịt, tạo cảm giác ẩm thấp, tăm tối, thê thảm. Thực tế, sơn là một trong những phát minh sớm nhất của loài người, người Trung Cổ thường ở trong những căn nhà được sơn sáng sủa đẹp đẽ, lợp mái ngói tử tế, họ cũng không thể nào lười biếng hơn người hiện đại để mà không quét nhà quét đường được.

Một ngôi làng thời Trung Cổ. Nguồn: Maxpixel, phạm vi công cộng.

Người nông dân thời Trung Cổ cũng thường được miêu tả có cuộc đời khắc nghiệt không khác loài vật bao nhiêu, thường trực bị áp bức, cướp bóc, giết chóc. Nhưng đó là điều chỉ xuất hiện vào những thời kỳ đặc thù ngắn ngủi, mà thậm chí đến ngày nay vẫn còn xảy ra. Thời Trung Cổ, phần lớn thời gian người nông dân nhận sự bảo vệ từ các lãnh chúa và quân vương. Về phần mình, những người cai trị cũng không thể tùy tiện đối xử tàn bạo với người dân, nếu muốn quyền lực được lâu dài, đặc biệt là trước nguy cơ trừng phạt của Giáo hội. Tất nhiên nông dân thời Trung Cổ làm việc rất vất vả. Nhưng họ cũng thường xuyên có các lễ hội (cả truyền thống và tôn giáo), trong đó bao gồm cả những hoạt động như ca hát, nhảy múa, vui chơi và thi đấu. Rất nhiều trò chơi thời đó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay như đánh cờ, chơi xí ngầu cùng nhiều trò chơi khác. Dù chúng có vẻ kém thu hút so với những trò chơi ngày nay nhưng đó vẫn là dịp để người dân thời đó giải trí và nghỉ ngơi.

Một lễ hội thời Trung Cổ. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng

3. Vô pháp vô thiên

Phim ảnh cũng thường miêu tả thời Trung Cổ là vô pháp vô thiên, mạng người như cỏ rác.

Thực tế, hệ thống hành pháp xuất hiện từ thời Trung Cổ và các phiên xử án đều rất công bằng. Các biện pháp xử lý bao gồm việc xử phạt, bỏ tù, sỉ nhục công khai, và các hình thức trừng phạt thân thể.

Một phiên tòa thời Trung Cổ. Nguồn: Picryl, phạm vi công cộng.

Án tử hình được coi là án nghiêm trọng và chỉ được áp dụng cho các tội trạng như giết người, phản quốc và cố ý gây hỏa hoạn. Những vụ xử tử nơi công cộng không giống những gì diễn ra trong các bộ phim – nó chỉ được áp dụng cho những người có nhiều ảnh hưởng, và thường không diễn ra ở nơi đông người. Tra tấn và hành quyết cũng đã từng xảy ra, nhưng các hình phạt bạo lực đặc biệt như phân thây thì nhìn chung được dành cho các tội nghiêm trọng như phản quốc. Phương pháp hành hình thông dụng là treo cổ, trong khi đó hình thức hỏa thiêu cực kì hiếm và thường chỉ được sử dụng sau khi tội phạm đã bị treo cổ chết trước đó.

Tòa án dị giáo cũng không phải nơi tắm máu người như những gì mà các bộ phim miêu tả, và các nhà sử học hiện đại cũng đã công nhận điều này. Nghiên cứu sử học đã chứng minh chỉ có khoảng 826 vụ hành hình được ghi nhận trong quãng thời gian 160 năm, trong tổng số 45.000 phiên tòa. Vào thời đó những vấn đề như diệt chủng hay giết người hàng loạt hầu như không được biết đến.

4. Dụng cụ tra tấn kinh khủng

Vào những năm 1890, bộ sưu tập “chứng tích khủng khiếp của thời đại bán man rợ” được trưng bày. Trong số đó, chiếc tủ đứng có đinh nhọn bên trong (iron maiden) rất thu hút người xem - nhưng nó là vật được chế tạo ra vào thế kỷ 19. Không có bằng chứng nào chỉ ra rằng “iron maiden” thực sự tồn tại ở thời Trung Cổ. Hay như công cụ bịt miệng “quả lê cay đắng” (pear of anguish) từng được văn hào Alexandre Duma nhắc đến trong tiểu thuyết hư cấu “Hai mươi năm sau” - đây là một thứ được chế tạo sau này, với công dụng có vẻ là để đón gót giày, kéo căng tất và găng tay, chứ không phải để tra tấn.

Thực tế, những cái gọi là “công cụ tra tấn thời Trung Cổ” hầu hết là các phát minh gần đây.

Thế còn đai trinh tiết thì sao, chúng có thật không? Câu trả lời là không. Phim ảnh và truyền thông hiện đại muốn cổ xúy cho giải phóng tình dục, nên thường khắc họa người thời Trung Cổ coi trọng trinh tiết đến mức cực đoan, ngu ngốc. Nhưng thực tế người Trung Cổ không ai sử dụng thứ quái đản như đai trinh tiết cả. Nó lần đầu được nhắc đến bởi một kĩ sư người Đức ở thế kỉ 15, như là một dụng cụ chơi khăm, cùng với “đệm ngồi xì hơi” và “vải tàng hình”. Từ đó, nó trở thành chủ đề trào phúng phổ biến, đến nỗi về sau đã bị nhầm lẫn là hiện thực thời Trung Cổ.

Thực tế, những cái gọi là “công cụ tra tấn thời Trung Cổ” hầu hết là chế tạo gần đây. Nguồn: Pixabay, phạm vi công cộng.

5. Phụ nữ bị áp bức

Vào những năm 1960 và 1970, ý tưởng về việc phụ nữ bị đàn áp dưới thời Trung Cổ bắt đầu nở rộ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần nghĩ đến một vài hình tượng phụ nữ nổi bật thời đó để thấy rằng điều này hoàn toàn không chính xác. Ví dụ như Thánh Joan of Arc là một phụ nữ trẻ nắm toàn quyền chỉ huy quân đội Pháp. Sự sụp đổ của bà là do chính trị và điều đó vẫn sẽ xảy ra không liên quan gì đến sự phân biệt nam nữ. Hay như Hildegard von Bingen – nữ bác học luôn nhận được sự kính trọng từ các vị vua, giáo hoàng và các vị lãnh chúa. Dù rằng phụ nữ không có chỗ đứng trong Giáo hội nhưng họ chắc chắn có quyền lực ở những nơi khác. Ngoài ra, luật của các hiệp sĩ yêu cầu phụ nữ phải được đối xử một cách trang trọng nhất. Bất kỳ kẻ nào xâm hại phụ nữ, cũng sẽ chịu sự trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc của pháp luật.

Thánh Joan of Arc. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Điện ảnh và truyền thông hiện đại, dù mục đích kích thích người xem để kiếm lời hay có dụng ý gì khác, hoặc vô tình hoặc cố ý, đều đã bóp méo nghiêm trọng thực tế lịch sử, khiến đại đa số người hiện đại có cái nhìn sai lệch về lịch sử, dẫn đến cách nhìn nhận và tư duy sai lệch, thật giả lẫn lộn, đổi trắng thay đen, tự giam mình vào những nhận thức sai lầm mà vẫn tự coi mình là sáng suốt thông minh... Nguy hại hơn, những nhận thức lệch lạc này khiến con người hiện đại càng trở nên kiêu ngạo và cuồng vọng, càng xa rời các giá trị truyền thống, càng phóng túng dục vọng, buông thả bản thân, khiến đạo đức xã hội trượt dốc không phanh, xã hội loạn lạc, người người đấu đá, tranh giành, hãm hại, giết chóc lẫn nhau. Nếu con người có thể lý trí, thoát khỏi sự dẫn dắt của phim ảnh và truyền thông hiện đại, tìm hiểu về văn hóa lịch sử xưa, thì có lẽ xã hội vẫn còn hy vọng.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Điện ảnh và truyền thông đã bóp méo thời Trung Cổ như thế nào?