Đồ tể chuyển sinh làm quan lớn, ba lần gặp Lã Động Tân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cung Hoàn Thúy có đôi câu đối kể về người đồ tể từng chuyển sinh thành quan Nhất phẩm. Trong luân hồi chuyển thế ông từng phát nguyện tu hành và được gặp Tiên nhân. Vậy kết quả thế nào? Ông đã có cơ duyên tu luyện, liệu có thể theo Tiên nhân trở về hay không?

Mong diệt trừ tâm hỏa, muốn gặp Lã Động Tân

Vào thời Minh mạt, ở phía nam Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có một người đồ tể họ Triệu.

Một ngày, Triệu Mỗ muốn giết mổ bò mẹ nhưng lại không tìm được dao, ông đã chạy đi lục lọi khắp trong nhà mà vẫn không thể tìm thấy được. Lúc ấy bê con đang nằm bên cạnh bò mẹ kêu lên những tiếng bi ai thảm thiết. Triệu Mỗ giơ roi lên xua bê con sang một bên, bất ngờ nhìn thấy con dao ngay dưới chỗ bê con vừa nằm. Thì ra bê con đã dùng thân mình giấu con dao ấy, cứu mẹ trong gang tấc.

(Ảnh: Pixabay)

Vào khoảnh khắc đó, Triệu Mỗ ngỡ ngàng không thốt nên lời, ông bất giác buông con dao trong tay và dắt bò mẹ cùng với bê con lên sống ẩn cư ở núi Tây Sơn, Côn Minh (còn gọi là Bích Kê Sơn, Ngọa Phật Sơn). Ông có mong muốn tu hành, ngày ngày tụng niệm câu “diệt trừ tâm bốc hỏa, muốn gặp Lã Động Tân” để khuyến khích bản thân, đồng thời cũng tự nhủ rằng không được dễ dàng nổi giận, cần thời thời khắc khắc dưỡng tính, tu tâm.

Tiên nhân vừa mới đến, lửa giận lại bùng lên

Ngày nọ có vị Đạo nhân đi qua sơn động nơi Triệu Mỗ ẩn cư. Ngọn núi này thường ngày hiếm thấy bóng dáng người lại qua, vậy mà hôm nay lại có Đạo nhân ghé thăm, thật là hỷ sự, hỷ sự! Triệu Mỗ mừng rỡ mời Đạo nhân vào trong động. Ông kính cẩn lấy ra bộ ấm chén cổ mà ông nâng niu như bảo vật mời Đạo nhân dùng trà. Nào ngờ Đạo nhân lỡ tay làm tách trà rơi xuống vỡ tan tành. Vào khoảnh khắc ấy, Triệu Mỗ ngẩn ngơ tiếc của mất một lúc, trong lòng đầy phẫn nộ…

Chưa kịp nói gì thì Đạo nhân bỗng nhiên biến mất, nhưng tách trà vỡ trên đất kia thì vẫn còn la liệt như lúc đầu. Nằm giữa những mảnh vỡ có một mẩu giấy, trên đó viết:

“Động Tân phương tài đáo, tâm đầu hỏa hựu sinh” (Động Tân vừa mới đến, lửa giận đã bùng lên).

Triệu Mỗ vừa hổ thẹn vừa ân hận, không ân hận sao được khi đã bỏ công phu “diệt trừ tâm bốc hỏa” mà vẫn không chịu được một đòn khảo nghiệm! Ý nguyện gặp Tiên nhân đã thực hiện được, nhưng ngài vừa đến lại rời đi, chỉ còn lại nỗi thất vọng tan tành như khói mây.

Tâm tình của Triệu Mỗ trở nên rối bời, hụt hẫng. Một ngày nọ ông đưa mắt nhìn xa xăm, thấy trên hồ Côn Minh ở phía xa xa có đoàn quân đang diễn tập thủy chiến. Bất giác trong lòng ông dấy lên nỗi khát khao, trong mông lung ông cứ như thế mà qua đời.

(Ảnh: Shutterstock)

Kiếp trước đồ tể, kiếp này quan viên

Tây Sơn vẫn còn đó, mấy độ bóng dương hồng, chớp mắt đã mấy chục năm trôi qua.

Cuối thời nhà Minh có vị Đô ngự sử tên là Trần Dụng Tân (1550-1617), tự Đạo Hanh, hiệu Dục Đài. Khi còn làm quan trấn phủ Vân Nam, ông từng đến Tây Sơn ở Côn Minh du lãm. Cảnh sắc nơi nơi đều thân quen kỳ lạ, phảng phất như ấn tượng từ những ngày xa xưa. Trong tâm ông không khỏi bồi hồi, đôi chân lãng du đưa ông đến một sơn động bỏ hoang, trên vách đá khắc rõ ngày X tháng X năm Gia Tĩnh thứ 29 (năm 1550). Trần Dụng Tân bất giác kinh ngạc, vì đây chính là ngày sinh nhật của ông! Thì ra Triệu đồ tể đã qua đời vào đúng ngày hôm ấy, trong sơn động này nơi ông sống ẩn cư hơn 30 năm về trước.

Chỉ trong nháy mắt, sự việc từng khiến ông thắc mắc đã hoàn toàn vén mở. Trần Dụng Tân nhận ra rằng ông chính là Triệu đồ tể trong tiền kiếp.

Trước khi Trần Dụng Tân đến Vân Nam, có một vị Đạo nhân đến dinh phủ thăm ông. Lúc ấy, ông rót trà mời khách, Đạo nhân vừa đón lấy tách trà liền hỏi: “Ngài đã diệt được tâm bốc hỏa hay chưa?”. Lúc ấy ông hoàn toàn không hiểu lời Đạo nhân nói có ý gì. Trước khi chia tay, Đạo nhân lại hẹn gặp ông ở Anh Vũ Sơn (núi Con Vẹt). Ông chưa từng nghe nói đến Anh Vũ Sơn, núi Anh Vũ rốt cuộc là ở chốn nào?

Sự việc chẳng rõ chẳng ràng này được cất giữ sâu trong một góc ký ức. Mãi đến lúc này, đứng trước sơn động năm xưa ông mới đột nhiên khai ngộ. Trong tiền kiếp chính tại sơn động này, Tiên nhân Lã Động Tân đã đến tìm ông. Ước nguyện cháy bỏng trong sinh mệnh vẫn còn đó, chỉ là đã bị bụi trần che lấp đi rồi. Thì ra, ngài vẫn luôn ở bên ông, vẫn âm thầm dõi theo ông cho tới tận kiếp sau để thức tỉnh người trong mê.

Mãi đến khi làm quan trấn phủ tại Vân Nam, ông mới biết ở Côn Minh quả thực có một ngọn núi tên là Anh Vũ Sơn. Ngọn núi này nằm trong quần thể núi ở phía đông bắc, người Vân Nam gọi đó là Tướng Độ Sơn, cũng gọi là Minh Phụng Sơn. Ông đến núi Anh Vũ, gặp một vị Đạo sĩ đầu chốc đang đứng trên sơn thạch, dáng vẻ trông như thể đợi chờ ai đó.

Đạo sĩ cầm hai chiếc bình đối nhau, miệng bình kề vào nhau rồi cười hỏi ông rằng: “Quân Môn (tôn xưng dành cho quan võ trấn phủ một phương) vẫn ổn chứ? Giờ thì, ngài muốn nhảy ra theo hướng nào?”.

Đám tùy tùng theo hầu liền hét lên rằng không được vô lễ với đại nhân! Tiếng hét vừa dứt, vị Đạo sĩ đầu chốc liền biến mất không còn tung tích.

Trần Dụng Tân ngộ ra rằng: Hai chiếc bình đối miệng vào nhau là chữ “Lã” (呂), đứng trên sơn thạch là chữ “Nham” (岩), và Lã Nham là tên thật của Lã Động Tân. Không còn nghi ngờ gì nữa, vị Đạo sĩ vừa xuất hiện trước mắt ông chính là Tiên nhân Lã Động Tân!

(Ảnh: Shutterstock)

Sau cuộc gặp gỡ đầy nuối tiếc ấy, Trần Dụng Tân cho xây một cây cầu trên núi Anh Vũ, đặt tên là cầu Nghênh Tiên, ở lưng chừng núi tạc một bức tượng Lã Động Tân, sau đó lại xây dựng cung Hoàn Thúy. Trong “Hoàn Thúy cung ký”, Trần Dụng Tân đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ và hoài niệm đối với Lã Động Tân qua dòng bút ký:

Dư Phủ Điền năm thứ ba, lệnh cho các quan xây dựng cung Hoàn Thúy núi Minh Phụng, trong đó có tòa gác thờ Lã Sư (Lã Động Tân)… Đã thành ngày lễ, tưởng nhớ như còn thấy.

Cả hai đời đều có duyên với Tiên nhân, vậy rốt cuộc ông sẽ lựa chọn con đường nào? Là Nghênh Tiên? Hay là lưu thân nơi công hầu?

Trong cung Hoàn Thúy có đôi câu đối, có người nói đây là bút tích của Trần Dụng Tân, lại có người cho là hậu nhân sáng tác. Hai câu đối tiết lộ rằng Trần Dụng Tân vì giấc mộng phàm trần mà lỡ mất cơ duyên tu Đạo. Trên đó viết:

“Xuân mộng quán mê nhân, cửu hoàn tiên cốt, ngộ trước liễu nhất phẩm triều y, nhậm kê minh tử mạch, mã đạp hồng trần, quân môn hướng nả đầu khiêu xuất?

Không sơn tằng ước bạn, lục chiếu bôi trà, do ký đắc thất mân phiến ngữ, khán kiếm ảnh hoành thiên, địch thanh xuy hải, tiên sinh tòng hà xứ phi lai?”

Tạm dịch:

Người mê trong xuân mộng, cửu hoàn Tiên cốt, lỡ khoác bộ áo quan Nhất phẩm, tất bật trên con đường Kê Minh (ẩn dụ cho con đường làm quan, vinh quang hão huyền), ngựa giẫm bụi trần, tướng quân nhảy về đâu?

Núi trống từng hẹn bạn, Lục Chiếu tách trà, bởi nhớ lời Thất Mân (Thất Mân là bảy nhóm dân tộc ở Phúc Kiến), nhìn bóng kiếm ngang trời, tiếng sáo vang trên biển, tiên sinh từ đâu bay đến đây?

Mộng hồng trần đã vỡ, đường tu Đạo cũng tan

Trần Dụng Tân xuất thân là người huyện Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, đỗ tiến sĩ vào năm Long Khánh thứ năm đời Minh Mục Tông (năm 1571), đã kinh qua nhiều chức quan như Huyện lệnh, Đốc học, Tham nghị, Tham chánh…

Ông là vị quan thanh liêm, rất siêng năng, chính trực và yêu dân như con. Khi còn làm Huyện lệnh ông luôn bài trừ tệ nạn, giảm nhẹ thuế khóa, nhanh chóng giải quyết các vụ án kiện tụng một cách công bình, giúp dân giải trừ mối ưu lo. Trong những việc khảo thí, tiến cử hoặc truy xét luận tội khi dùng người, ông luôn quang minh chính trực, chí công vô tư. Sau này ông được thăng chức làm Bố chánh sứ tại Hồ Quảng. Đến năm Vạn Lịch thứ 21 (năm Quý Tỵ 1593), Minh Thần Tông thăng chức cho Trần Dụng Tân làm Đô ngự sử Tuần phủ Vân Nam. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này trong 16 năm.

(Ảnh: Shutterstock)

Trần Dụng Tân bẩm sinh đã có tài quân sự, văn thao võ lược, rất giỏi dụng binh. Tại Vân Nam ông đã nhiều lần bình định thảo tặc ở Điền Tây, nhờ có công lao to lớn ấy mà được tấn thăng làm Hữu phó Đô ngự sử kiêm Binh bộ Hữu thị lang.

Năm Vạn Lịch thứ 36 (năm 1608), một tiểu quan ở Võ Định, Vân Nam, tên là A Khắc đã dấy binh nổi loạn đánh chiếm dinh phủ, tri phủ địa phương vì sợ hãi mà bỏ chạy lấy mạng. Trước tình thế ấy, Trần Dụng Tân vì muốn cứu nguy cho dân nên đành để A Khắc đoạt ấn phủ Võ Định và rút lui. Sau này ông bình loạn và lấy lại được ấn phủ, nhưng vẫn bị các đối thủ chính trị vì tư thù cá nhân mà vu cáo ông là “bỏ ấn tín”. Sau đó, Trần Dụng Tân bị bắt giam và xử tội chết, dẫu ông một mực kêu oan thì vẫn không qua khỏi thủ đoạn của những kẻ tiểu nhân.

Trần Dụng Tân đường đường là một vị quan Nhất phẩm nhưng lại gặp họa chín năm, bị giam trong ngục tối và đổ bệnh trước khi qua đời. Theo thuyết nhân quả, chín năm tai ách ấy là nghiệp báo trong tiền kiếp, chỉ có tu hành mới có thể cải biến nhân sinh. Tiếc rằng con đường ông lựa chọn lại không phải tu hành.

Từ văn tự và bút ký do Trần Dụng Tân lưu lại, ví dụ như “Ngộ chân thiên chú sớ”, “Y Xuyên tam đại nạn sự thuyết”, v.v. có thể thấy ông thân ở chốn hồng trần nhưng tâm vẫn ở trong Đạo. Chỉ tiếc là cuối cùng ông lại lựa chọn Mê lộ, Hiểm lộ, và Nan lộ của nhân gian! Ngắm nhìn cầu Nghênh Tiên hoang vu trơ trọi trên núi Anh Vũ, người đời sau không khỏi bùi ngùi rơi lệ.

Mộng hồng trần mời gọi, danh lợi tình quấn thân, sinh mệnh muốn thoát tục thành Tiên thật là khó lắm thay!

Tác giả: Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  • “Doanh liên tùng thoại toàn thiên - Doanh liên tùng thoại cố sự”
  • “Minh Sử”
  • “Minh thực lục Thần Tông thực lục”
  • “Tấn Giang huyện chí Đạo Quang bản”
  • “Điền chí - Nghệ văn chí”



BÀI CHỌN LỌC

Đồ tể chuyển sinh làm quan lớn, ba lần gặp Lã Động Tân