'Đời người như giọt sương mai', sống sao không hổ kiếp này mới thôi!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu thành ngữ: "Đời người như giọt sương mai" ví von cuộc đời con người ngắn ngủi, mong manh... nguyên câu này có xuất xứ từ điển cố "Tô Vũ chăn dê" trong sách Hán Thư...

Sau khi Lưu Bang diệt Tần, thắng Hạng Vũ, lập nên triều Hán thì vùng biên giới phía Bắc luôn bị dân tộc du mục Hung Nô xâm phạm, người dân chịu cảnh lầm than. Hung Nô còn chiếm khu vực Hà Sáo, hành lang Hà Tây và cả vùng núi Kỳ Liên Sơn, uy hiếp kinh thành Trường An và vùng Trung Nguyên, trở thành nỗi lo lắng thường trực của vương triều Tây Hán. Trải qua hai triều Văn Đế và Cảnh Đế trị sửa quốc gia, đến thời Vũ Đế - Lưu Triệt thì quốc gia đã cường thịnh, nhiều lần đánh bại quân Hung Nô, đoạt lại hành lang biên giới Hà Tây, xua đuổi Hung Hô đến tận phía bắc sa mạc rồi mới ngừng cuộc chiến.

Năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN), vua Hung Nô là Thiền Vu Hướng Lê Hồ chết, người em là Thả Đê Hầu trở thành Thiền Vu, hòa hảo với nhà Hán. Thiền Vu sai sứ trả lại Lộ Sung Quốc và tùy tùng nhà Hán đi sứ Hung Nô trước kia bị bắt giữ. Trước tình hình này, Hán Vũ Đế quyết định thực hiện chính sách đồng minh hòa hảo với Hung Nô, để báo đáp thiện ý của Thiền Vu.

Tháng 3 năm Thiên Hán thứ nhất (năm 100 TCN), Hán Vũ Đế sai Trung lang tướng Tô Vũ, Phó Trung lang tướng Trương Thắng và tùy viên Thường Huệ đi sứ Hung Nô, trao trả lại sứ giả Hung Nô bị bắt giữ, đồng thời ban tặng Thiền Vu nhiều đồ quý. Tô Vũ tay cầm cờ tiết ngũ sắc tượng trưng cho quyền lực của thiên tử, dẫn sứ đoàn hơn trăm người bước lên con đường xa thẳm. Năm đó Tô Vũ 42 tuổi.

Tô Vũ và sứ đoàn đã hoàn thành sứ mệnh. Nhưng đêm trước ngày trở về, một sự việc quái lạ đã xảy ra với viên phó sứ Trương Thắng. Trương Thắng cùng với một số người Hán trước kia đã quy hàng Hung Nô bí mật lập mưu: thừa lúc Thiền Vu Thả Đê Hầu ra ngoài đi săn thì giết chết Vệ Luật - thân tín của Thiền Vu được mệnh danh là "túi khôn" của Hung Nô, sau đó cướp mẫu thân của Thiền Vu rồi toan chạy trốn về nước Hán.

Kế hoạch bỉ ổi này lại chủ mưu từ quan chức ngoại giao cao cấp khiến mọi người thất kinh. Sự việc bại lộ, Thiền Vu nổi giận, hạ lệnh bắt toàn bộ sứ đoàn. Hung Nô và nhà Hán lại quay trở lại tình trạng chiến tranh.

Kế hoạch bỉ ổi của một viên quan phản quốc đã phá hủy tiến trình hòa giải thâm thù bấy lâu giữa nhà Hán và Hung Nô.
Kế hoạch bỉ ổi của một viên quan phản quốc đã phá hủy tiến trình hòa giải thâm thù bấy lâu giữa nhà Hán và Hung Nô, đẩy hai nước một lần nữa rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc. (Ảnh: Shutterstock)

Toàn bộ sứ đoàn đã gươm giáo chống lại, nhưng cuối cùng ít không địch nổi nhiều nên đã bị bắt. Trương Thắng lộ nguyên hình, đã đầu hàng Hung Nô. Tô Vũ bị dẫn đến trước mặt Thiền Vu, ông ta nói: "Ta có ấn tượng sâu sắc đối với ông, nếu ông đầu hàng thì ta sẽ tha tội".

Tô Vũ không chấp nhận, ông còn giải thích rằng: "Tuy tôi không liên quan đến âm mưu này, nhưng tôi phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của phó sứ. Tôi xin dùng cái chết để gánh trách nhiệm, nhưng tuyệt đối không đầu hàng Hung Nô".

Vì vậy Thiền Vu càng có ấn tượng tốt hơn đối với Tô Vũ, cho rằng Tô Vũ là bậc anh dũng phi thường. Thế là Thiền Vu sai đại thần thân tín là Vệ Luật đi khuyên Tô Vũ đầu hàng.

Đầu tiên Vệ Luật uy hiếp, dùng cái chết để đe dọa nhưng Tô Vũ chẳng động tâm. Sau đó Vệ Luật đem vinh hoa phú quý ra dụ dỗ, nhưng những thứ này đều bị Tô Vũ cự tuyệt.

Thiền Vu bèn sử dụng nhục hình tàn khốc để ép ông phải đầu hàng, nhưng Tô Vũ vẫn không khuất phục. Thế là Thiền Vu nhốt Tô Vũ trong cái hang dưới lòng đất, cắt đứt nguồn nước uống và thức ăn. Tô Vũ vừa đói vừa khát, nhưng quyết không phản bội quốc gia.

Thiền Vu biết Tô Vũ ý chí kiên định nên không còn ảo tưởng nữa, bèn đưa ông đi lưu đày ở một nơi không có dân cư ở Bắc Hải để chăn dê, đồng thời nói: "Khi nào dê đực có sữa thì thả ông về".

Thiền Vu muốn người anh hùng này cả đời chăn dê, cô đơn tịch mịch chết nơi đất khách quê người. Tô Vũ cầm theo cờ tiết đến Bắc Hải, ban ngày chăn dê bên bờ biển, ban đêm đơn côi một mình trong túp lều vắng vẻ. Đến mùa đông, người Hung Nô còn cố ý không cung cấp lương thực cho ông, Tô Vũ phải bắt chuột hoang, đào rễ cỏ ăn.

Tùy viên đồng hành Thường Huệ cũng cự tuyệt đầu hàng. Thường Huệ bị Hung Nô nhốt ở nhà tù quan phủ Tù Si, bị hành hạ bằng lao dịch nặng nề. Nhưng ông vẫn không quên mình là sứ tiết của nhà Hán, càng khổ cực thì ý chí càng kiên cường, 19 năm kiên trì chịu cực khổ không khuất phục.

Năm 99 - TCN (Tô Vũ bị đi đày năm thứ 2), đại quân triều Hán chia hai đường tấn công Hung Nô. Đường thứ nhất là đại tướng Lý Quảng Lợi xuất quân từ Tửu Tuyền, Cam Túc, tiến sâu vào Tây Vực đến Thiên Sơn thì bị quân Hung Nô đánh bại.

Đường tiến đánh thứ hai là đại tướng Lý Lăng, bạn thân của Tô Vũ cầm quân, tình cảnh càng xấu hơn. Lý Lăng dẫn 5000 bộ binh, xuất quân từ Diên Hải, Nội Mông cổ tiến lên phía Bắc vào sâu trong sa mạc. Hành quân hơn 30 ngày tiến đến núi Tuấn Kê thì gặp 3 vạn quân của Thiền Vu Thả Đê Hầu. Lý Lăng nghênh chiến giết được mấy nghìn quân. Thiền Vu Thả Đê Hầu gọi quân tiếp viện, khoảng 8 vạn kỵ binh, Lý Lăng đành phải rút lui.

Nhưng quân bộ binh dũng mãnh nhất cũng không thoát được sự truy kích của kỵ binh. Quân Hung Nô chia làm 2 cánh, triển khai hai phía tả hữu, kẹp quân Lý Lăng ở giữa. Lý Lăng vừa đánh vừa chạy, tổng cộng giết được hơn một vạn kỵ binh Hung Nô. Thiền Vu Thả Đê Hầu thân chinh dẫn tinh binh nhiều gấp 16 lần, truy kích hơn 10 ngày vẫn không giành được thắng lợi khiến ông ta tức giận phát cuồng, công kích càng mãnh liệt hơn. Cuối cùng 5000 quân bộ binh không địch nổi hơn 8 vạn quân kỵ binh, quân Lý Lăng đánh đến tận lực, hết sạch cả lương thực và cung tên, toàn quân sụp đổ, Lý Lăng bị bắt làm tù binh, sau đó đầu hàng.

Lý Lăng với 5000 quân đã kiên cường chiến đấu tiêu diệt hàng vạn quân của Hung Nô.
Lý Lăng với 5000 quân đã kiên cường chiến đấu tiêu diệt hàng vạn quân của Hung Nô. (Ảnh: Shutterstock)

Hán Vũ Đế nghe tin Lý Lăng đầu hàng, tin theo tin đồn rằng Lý Lăng giúp quân Hung Nô huấn luyện quân đội, bèn giết mẹ già và vợ con Lý Lăng, tịch thu gia tài. Sử quan Tư Mã Thiên cảm động vì biết trước giờ Lý Lăng vốn là người chính trực, không phải phường tham sống sợ chết, bèn nói giúp Lý Lăng trước mặt Hán Vũ Đế. Không ngờ, ở bên vua như ở bên hổ, chính vì vậy đã gây đại họa, bị nhục hình. Tư Mã Thiên ở vào hoàn cảnh thống khổ vô cùng cả về tinh thần và thể xác. Nhưng vì chưa hoàn thành sự nghiệp, ông vẫn gắng chịu sống tiếp, sau này đã để lại trước tác vĩ đại tỏa sáng ngàn thu - Sử ký.

Thiền Vu sai hàng tướng triều Hán là Lý Lăng đến khuyên Tô Vũ đầu hàng. Khi đó Tô Vũ đơn độc một mình sống ở bên hồ Bối Gia Nhĩ đã hơn 10 năm. Lý Lăng nói với Tô Vũ rằng:

"Ban đầu tôi là giả đầu hàng Hung Nô để mưu đồ trở về Đại Hán. Không ngờ Vũ Đế nghe tin đồn đã giết mẫu thân và vợ con tôi, tịch thu gia sản, đã cắt đứt con đường trở về của tôi, lúc đó tôi mới hàng thật. Tôi vốn không dám đến gặp ông, mệnh của Thiền Vu không thể không đi. Ông cuối cùng cũng không trở về triều Hán được nữa, việc gì phải tự chịu khổ nơi hoang dã không người? Vùng hoang vắng hàng trăm dặm có mỗi mình ông, cảm giác đó như thế nào? Còn ai biết đến lòng trung trinh của ông nữa?

Anh trai ông làm chức quan phụng xa (đánh xe cho hoàng đế), một lần đánh xe trong cung, đâm vào cột, bị Vũ Đế trị tội đại bất kính, đã phải tự vẫn mà chết, được ban 200 vạn tiền an táng. Em trai ông phụng mệnh hoàng đế đi bắt tội phạm, vì không hoàn thành nhiệm vụ trong kỳ hạn nên sợ hãi quá uống thuốc độc mà chết. Khi tôi xuất chinh Hung Nô, thái phu nhân (tức mẫu thân Tô Vũ) cũng đã không may qua đời, tôi đưa tiễn đến Dương Lăng. Vợ ông nghe nói đã cải giá. Con trai con gái ông, 10 năm trước đã không có tin tức, còn sống hay đã chết cũng không biết.

Đời người như giọt sương mai, sao phải tự làm khổ mình như thế này? Hơn nữa Vũ Đế tuổi tác đã cao, pháp lệnh thất thường, đại thần vô cớ bị lục soát tịch thu nhà cửa đến mấy chục người. Cứ cho rằng ông thực sự trở về được thì lành dữ ra sao còn không biết. Ông chịu khổ như thế này vì ai? Hãy nghe lời tôi đi, đừng kiên trì nữa. Trở về cũng không có ý nghĩa gì rồi".

Tô Vũ trả lời rằng: "Vì giang sơn Đại Hán, tôi thà thịt nát tan xương cũng cam lòng. Dẫu búa rìu băm bổ, bị ném vạc nước sôi, tôi cũng tình nguyện. Bề tôi thờ vua như con thờ cha. Con chết vì cha không oán hận. Xin đừng nói nữa. Nếu nhất định ép tôi đầu hàng, tôi thà lập tức chết ngay".

Lý Lăng thấy Tô Vũ một lòng trung trinh với quốc gia thì than rằng: "Ông đúng là nghĩa sĩ. Tôi là kẻ đầu hàng so với ông chí thành như thế này thì quả thực là tội nhân tội ác tày trời". Nói rồi, Lý Lăng hổ thẹn lủi thủi ra về.

"Ông đúng là nghĩa sĩ. Tôi là kẻ đầu hàng so với ông chí thành như thế này thì quả thực là tội nhân tội ác tày trời".
"Ông đúng là nghĩa sĩ. Tôi là kẻ đầu hàng so với ông chí thành như thế này thì quả thực là tội nhân tội ác tày trời". (Ảnh: Secret China)

Không lâu sau, Vũ Đế qua đời, Hán Chiêu Đế lên ngôi.

Năm Thủy Nguyên thứ 2 (năm 85 TCN) Thiền Vu Hồ Diễn Đê lên ngôi, muốn thân thiện với triều Hán, thế là Hung Nô và Hán hòa hảo.

Một lần sứ giả triều Hán đến Hung Nô, yêu cầu Thiền Vu thả Tô Vũ, Thiền Vu nói dối Tô Vũ đã chết rồi. Sứ giả không biết rõ sự thật nên nhất thời không biết làm thế nào. Lúc này, Thường Huệ năm xưa cùng đi sứ với Tô Vũ ngầm đem tình hình của Tô Vũ bí mật nói cho sứ giả nhà Hán biết. Sứ giả nhà Hán không tiện vạch trần hành động nói dối của Thiền Vu, bèn nói vòng vo với Thiền Vu rằng: "Hán Đế đi săn bắn được một con chim ưng, chân chim ưng có buộc một phong thư, thuật lại Tô Vũ vẫn đang chăn dê ở Bắc Hải".

Thiền Vu thất kinh, cho là việc này có Thiên Thần trợ giúp, đành phải đồng ý thả Tô Vũ và những người khác về.

Tin tức truyền đi, Tô Vũ vui mừng rơi lệ, nước mắt rơi ướt vạt áo.

Lý Lăng mở tiệc tiễn đưa, khi rượu ngà ngà say, Lý Lăng múa và hát rằng:

"Vượt vạn dặm này, vượt sa mạc
Làm đại tướng này, đánh Hung Nô
Bước đường cùng này, cung đao gẫy
Quân sĩ diệt này, đã ô danh
Mẹ già đã chết, tuy muốn báo ân biết về đâu?"

Hát xong, kêu lớn mấy tiếng rồi che mặt bước đi.

Năm Thủy Nguyên thứ 6 (năm 81 - TCN), không làm nhục sứ mệnh, 19 năm như 1 ngày, Tô Vũ và Thường Huệ cùng nhóm người cuối cùng đã trở về đến triều Hán. Sứ đoàn năm xưa trên trăm người, kẻ chết, người hàng, chỉ còn lại 9 người cùng Tô Vũ trở về cố hương.

Khi Tô Vũ trở về thì tóc đã bạc trắng. Nhìn thấy hình dáng tiều tụy râu tóc bạc trắng của Tô Vũ và chiếc cờ tiết đã rụng hết lông vẫn không rời thân ông, hoàng đế và văn võ bá quan khắp triều đình đều nhỏ lệ xúc động.

Đời người như giọt sương mai, khí tiết và lòng trung thành của Tô Vũ như mặt trăng mặt trời chiếu sáng ngàn năm.

Trung Hòa (biên dịch)
Theo epochtimes.com.

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

'Đời người như giọt sương mai', sống sao không hổ kiếp này mới thôi!