Động Thiên đáy giếng, lạc vào Long cung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xưa có người con hiếu thảo xuống giếng đào gạch cổ rồi tình cờ lạc vào động Thiên. Cậu đã trải qua một hành trình kỳ lạ, lúc dưới đất, khi lên trời… Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

Xuống giếng tìm gạch cổ, chuông reo chẳng thấy người

Theo ghi chép trong “Dạ Vũ Thu Đăng Lục” quyển thứ sáu, xưa ở Ôn Châu có một tòa dinh phủ rất uy nghi hoành tráng, chủ nhân của tòa dinh phủ tên là Tôn Trấn Quân. Khi mới nhậm chức, Tôn Trấn Quân từng ra lệnh sửa sang dinh phủ, nhân đó đào được một thanh kiếm cổ. Đây là cổ vật có từ thời nhà Minh khi tướng quân Thích Kế Quang còn làm quan trấn thủ Ôn Châu. Trên thanh kiếm khắc hoa văn Thất tinh và tên gọi của Thích Kế Quang.

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Vốn bản tính hiếu kỳ, Tôn Trấn Quân háo hức muốn tìm thêm nhiều cổ vật khác nữa. Trong mạc phủ lúc ấy có một vị tăng nhân tinh thông về kỹ nghệ chạm khắc đá và vàng. Một ngày, vị hòa thượng chỉ vào chiếc giếng cổ dưới điện đường và nói: “Trong giếng có gạch cổ, nếu lấy gạch ấy làm thành nghiên đài thì có thể sánh ngang với nghiên mực cổ chế tác bằng đất nung tại Hương Khương Các ở Bắc Tề”.

Tôn Trấn Quân rất hứng thú, bèn lấy cớ nạo vét giếng để sai người trèo xuống, nhưng thực chất là thu thập nguyên liệu để làm nghiên mực.

Sau khi chọn ngày lành tháng tốt, Tôn Trấn Quân tuyển mộ dịch phu múc cạn toàn bộ nước giếng, nhưng thấy giếng sâu hun hút nên không ai dám mạo hiểm đi xuống. Tôn Trấn Quân phải treo thưởng một món tiền lớn, hứa sẽ trao cho vị tráng sĩ nào dám buộc dây cầm đuốc hạ xuống giếng.

Trong vùng có một chàng trai nghèo tên là Trương Tiểu Lục. Cậu còn trẻ và rất gan dạ, trong nhà lại có mẹ già cần sớm hôm phụng dưỡng, vì thế cậu đã nhận lời xuống giếng. Tôn Trấn Quân cẩn thận dặn rằng nếu gặp tình huống nguy cấp thì hãy lập tức rung chuông.

Lúc ấy là mùa hè tiết trời oi bức, Trương Tiểu Lục mặc chiếc áo ngắn bằng da cừu hạ xuống giếng. Ước chừng sau khoảng một thời gian bằng một bữa ăn, nhóm người đợi trên giếng đột nhiên nghe thấy tiếng chuông rung liền vội vàng kéo dây lên, nhưng dây thừng nhẹ bẫng hoàn toàn không có người. Ai nấy đều vô cùng hoảng hốt, vội vàng gọi lớn tên Trương nhưng không có tiếng hồi âm. Sau đó mọi người thay phiên nhau túc trực bên giếng, nhưng tuyệt nhiên chẳng có tin tức gì.

Bà Trương hay tin con trai mất tích bèn kêu trời kêu đất gào khóc thảm thiết. Bà than thở: “Tôi chỉ có một đứa con trai, hẳn là đã bị giao long dưới giếng ăn thịt mất rồi!”.

Tôn Trấn Quân bèn an ủi: “Nếu con trai bà gặp nạn, tôi sẽ thay cậu ấy chăm sóc bà”.

Động Thiên đáy giếng, lạc vào Long cung

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Chuyện Trương Tiểu Lục mất tích làm dấy lên những lời xì xào bàn tán suốt thời gian dài. Đột nhiên đến một ngày Trương Tiểu Lục trở về, mặt mày rạng rỡ, trên y phục còn tỏa ra thứ hương thơm kỳ lạ như hoa lan và xạ hương. Tôn Trấn Quân vội sai người gọi cậu đến hỏi xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Trương Tiểu Lục kể lại những trải nghiệm kỳ lạ của mình: Khi vừa xuống đến nơi, cậu thấy đáy giếng trông giống như đúc bằng sắt, trên bề mặt tạc bảy chiếc lỗ. Vì để ngăn nước ngầm phun ra, cậu phải loay hoay bịt miệng lỗ lại. Khi giơ ngọn đuốc lên xem xét xung quanh, cậu thấy trên thành giếng phía đông có cánh cửa lớn bằng đá đã khóa chặt, cổng đá có tấm biển nằm ngang, mặt biển khắc dòng chữ theo lối Triện văn.

Trương Tiểu Lục đã từng đọc sách và có thể nhận biết chữ, cậu kiễng chân lên định bụng xem cho rõ tấm biển đề những gì. Nhưng vì cửa đá quá cao, cậu có làm cách nào cũng không thể nhìn được. Chính lúc ấy, một trận gió từ đâu thổi đến và cửa đá bất ngờ mở ra, phía sau cánh cổng là cả một thế giới rực rỡ huy hoàng. Nơi ấy có lâu đài điện các nguy nga, có những hành lang hoa lệ với lan can quanh co uốn lượn, trước sân là cây đại thụ trong suốt như pha lê và những đóa hoa màu ngọc tía.

Tiểu Lục đứng ngoài cửa len lén nhìn vào trong, bỗng từ sau cây đại thụ có các mỹ nhân mặc trang phục cổ, họ mỉm cười nhìn cậu rồi ghé tai thì thầm với nhau điều gì đó. Trước nay cậu chưa từng gặp cảnh tượng nào như thế nên đứng ngẩn ngơ mê mẩn mất một lúc. Bất giác cậu tiến vào trong cổng đá, nhưng vừa mới đi được hơn mười bước thì cánh cổng liền đóng chặt lại.

Trương Tiểu Lục quá đỗi sợ hãi, cậu vừa khóc vừa cầu cứu. Một mỹ nhân thở dài nói: “Đây là nơi nào mà cho phép ngươi tự do ra vào như thế? Dù sao cũng đến đây rồi, ta cũng nên dẫn người đến gặp chủ nhân mới phải”.

Trương Tiểu Lục thấy tầng tầng lớp cửa mở ra, rèm châu cuộn lên cao. Trong căn phòng lớn có một vị vương tử anh tuấn mình khoác long bào, đầu đội vương miện, tay cầm ngọc khuê màu xanh đang ngự trên điện đường. Một mỹ nhân bước vào bẩm báo, sau đó truyền Trương Tiểu Lục vào diện kiến.

Trương Tiểu Lục phủ phục dưới thềm, thưa rõ danh tính và liên tục khấu đầu xin tạ tội. Một mỹ nhân mặc áo vàng dâng lên bộ sách, mỹ nhân áo trắng đón lấy rồi trình lên chủ nhân. Vị chủ nhân vừa xem qua cuốn sách thì tỏ rõ vẻ vui mừng, bèn hỏi Trương Tiểu Lục: “Ngươi từ đâu đến?”. Cậu bèn kể rõ đầu đuôi câu chuyện.

Một vị mỹ nhân mặc áo tím bước đến nói: “Thưa chủ nhân, Thiên phù đã đến”. Chủ nhân rời khỏi ngai rồng để bước ra nghênh tiếp, lát sau một vị quý nhân đầu đội mũ sa, thân mặc áo đỏ thẫm bước lên điện.

Trương Tiểu Lục ngước lên nhìn, thấy chủ nhân khom người bái kiến và cung kính đón nhận Thiên phù, còn quý nhân thì mỉm cười gật đầu rồi chắp tay cáo từ.

Long cung thi hành chỉ lệnh

Ngay sau khi nhận được Thiên phù, chủ nhân lập tức thi hành chỉ lệnh của Thiên đình. Các vị mỹ nhân cũng nhanh chóng mặc áo giáp mềm, hông đeo kiếm, tay cầm bình, lò, chén, hũ. Đội tùy tùng tiến vào cung điện, ai nấy đều đội mũ vàng, mình mặc áo giáp, tay cầm gươm đao giáo mác, xếp thành hàng ngay ngắn hai bên. Chủ nhân bước lên xe báu, bên trái có lực sĩ thị vệ, bên phải có mỹ nhân hầu hạ, mỗi hàng có hơn mười người. Trương Tiểu Lục co mình nằm nép trong góc xe, khi lực sĩ phát hiện ra ông đã vô cùng tức giận, định dùng roi mà trị tội, dùng gậy mà đánh, nhưng may nhờ mỹ nhân đỡ lời nên cậu mới tránh khỏi bị trừng phạt.

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Sương khói bay lên không trung, hai con rồng kéo chiếc xe báu hướng thẳng lên trời. Trương Tiểu Lục len lén nhìn xuống hạ giới, bên dưới là đại hải mênh mông khiến cậu sợ hãi mặt biến sắc. Chủ nhân nhìn thấy Trương Tiểu Lục như thế cũng không khỏi bật cười. Đoàn xe rất nhanh đã lên đến đỉnh núi cao, một vị Bạch y lão nhân đang kéo chiếc xe trâu cực đại, trên xe bày la liệt hàng chục thùng gỗ, mỗi thùng gỗ trông như chiếc vại khổng lồ. Bạch y lão nhân thấy xe báu liền quỳ bái ở bên đường, chờ nghe chỉ lệnh của chủ nhân.

Chủ nhân truyền cho lão nhân dẫn đường. Khi đến một nơi mênh mông sóng nước, đầu xe trâu đột ngột lặn xuống sông, còn đuôi xe thì dựng đứng lên cao nối liền với xe báu, đoàn xe trùng trùng điệp điệp vừa cao như núi, lại vừa giống như một chiếc thang mây.

Sau khi dừng xe, Bạch y lão nhân dắt trâu ra giữa sông, chỉ thấy con trâu ấy lăn lộn vùng vẫy gây ra những con sóng lớn cao như ngọn núi, vọt lên như muốn vươn đến các vì sao. Lão nhân vung roi lên, con trâu liền quay đầu nhả nước vào trong thùng gỗ. Lão nhân hạ roi xuống, con trâu lại lăn mình vào dòng sông. Tùy theo cây roi vung lên hay hạ xuống, con trâu lại nhả nước hút nước như nhảy theo điệu nhạc. Cảnh tượng ấy thật là một kỳ quan mãn nhãn! Khi thùng gỗ sắp đầy, trên bầu trời bỗng vang lên tiếng sấm ầm ầm như đất lở trời long. Sau đó, chiếc xe trâu và xe báu lại bay lên thiên không, dường như đang gấp rút cho kịp thời giờ.

Một lúc sau tiếng sấm lại vang lên dữ dội, Trương Tiểu Lục run rẩy sợ hãi đến ngất đi. Sau khi tỉnh dậy, cậu phát hiện mình đang nằm ở một nơi hoang vu của huyện lân cận. Sấm chớp đã tan, mưa đã tạnh, Tiểu Lục bèn phơi khô quần áo rồi men theo các hương thôn thành trấn mà tìm đường về nhà. Người dân địa phương thấy trên quần áo của cậu tỏa ra thứ hương thơm kỳ lạ, liền hỏi cậu là chuyện gì? Trương Tiểu Lục kể lại cuộc kỳ ngộ của bản thân mình, mọi người lắng nghe thích thú bèn thi nhau mời cậu về nhà làm khách, sau lại chu cấp cho cậu đồ ăn thức uống và tặng cậu lộ phí về nhà. Cứ như thế, cuối cùng Trương Tiểu Lục cũng về đến nhà.

Tôn Trấn Quân nghe xong thì vừa mừng vừa kinh ngạc, ông bèn phái Trương Tiểu Lục dẫn theo người hạ xuống giếng lần nữa. Nhóm người thấy chiếc cổng đá vẫn còn ở đó, nhưng lần này lại đóng chặt không cách nào mở ra được. Tấm biển đề trên đó khắc sáu chữ Triện: “Thái Dung đệ nhất động Thiên”. Kiểm tra kỹ xung quanh, họ thấy lớp gạch cổ khảm chặt vào vách giếng, hoàn toàn không thể đẽo đục ra được. Trên bề mặt gạch lồi lên hình tượng Phật Như Lai và hình bảo tháp, nhưng không có dấu tích văn tự. Họ bèn lau khô vết nước, rồi dùng giấy và mực để in lại hàng chữ Triện trên tấm biển và hoa văn trên mặt lớp gạch cổ. Tôn Trấn Quân liền đem những thứ ấy lưu trữ trong thư phòng của dinh phủ, bổ sung vào các văn tự trên kim thạch.

Hôm sau, giếng cổ phun ra dòng nước trong suốt và ngọt như Cam Lộ. Tôn Trấn Quân cho là điềm lành, bèn trọng thưởng cho Trương Tiểu Lục.

Lại nói, Trương Tiểu Lục chỉ là một thôn dân nghèo, vì sao có vinh hạnh gặp Tiên nhân? Sau khi Tôn Trấn Quân thăm dò, ông nhận ra cậu hoàn toàn không có gì xuất chúng, duy chỉ có thiên tính chí hiếu, đặc biệt rất hiếu thuận với mẹ già. Còn về hương thơm trên y phục, ai nấy đều cho rằng ấy là vì Trương Tiểu Lục lỡ chạm vào nước dãi rồng mà thành ra như vậy. Từ đó, người dân trong thôn đều gọi cậu là “hiếu tử Hương Trương Lục”.

Câu chuyện của Trương Tiểu Lục khiến người ta liên tưởng đến tấm gương của Đế Thuấn năm xưa. Vua Thuấn nổi tiếng là người con hiếu thảo, hiềm một nỗi cha ruột và mẹ kế đều muốn hại ông, những lần như thế ông lại được Tiên nhân cứu giúp. Cha sai Thuấn trèo lên chữa kho thóc nhưng lại bí mật rút thang và châm lửa đốt, may nhờ chiếc áo lông chim của Điểu Công nên ông mới bay thoát được. Lần khác, cha sai Thuấn xuống giếng đào đất, sau đó lại bất ngờ đổ đất xuống lấp giếng. Lần này Thuấn nhờ áo tiên của Long Công nên có thể thoát chết trong gang tấc.

Trương Tiểu Lục một mình mạo hiểm xuống giếng sâu, vậy mà lại có cơ duyên bước vào Tiên cảnh, sau đó lại trở về quê hương một cách thần kỳ. Ai có thể lên chín tầng trời không ngã, xuống chín suối không ngập? Duy chỉ có bậc trung lương và người con hiếu thảo mới làm được mà thôi.

Tác giả: Đỗ Nhược - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Động Thiên đáy giếng, lạc vào Long cung