Dự ngôn cuối cùng của năm 2021 - Khi nhân tâm sinh thiện niệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay lịch sử lặp lại, thiên tượng liên tục cảnh báo, thiên tai, dịch bệnh, địa chấn, tai họa xảy ra khắp nơi. Rất nhiều tiên tri cổ đại và hiện đại như đã đề cập, cảnh báo về tai họa của nhân loại nếu con người không quay trở về với lối sống đạo đức, và lòng tin vào Thần Phật, để cải biến cách đối đãi ứng xử với nhau và với môi trường sống. 

Những ngày cuối năm thường là lúc chúng ta tổng kết những việc trong năm cũ. Trong năm nay, trên các phương tiện truyền thông xã hội, nếu bạn đọc để ý thống kê, sẽ thấy một hiện tượng thú vị.

Năm 2021, chủ đề chính vẫn là dịch bệnh, vì nó trực tiếp liên quan mạng sống và sinh kế - hai vấn đề được cho là thiết thân nhất. Đó cũng là chủ đề được đọc và tìm kiếm nhiều nhất. Không chỉ thông tin cập nhật về sự lây lan hay các phương pháp phòng chống dịch, độc giả còn tìm kiếm những tiên tri hay dự ngôn về dịch bệnh hoặc thiên tai trong thời gian sắp tới.

Cụm từ “dự ngôn 2022” cho 13,9 triệu kết quả tìm kiếm, trong khi cụm từ “tiên tri Ấn Độ” cho 24,9 triệu kết quả tìm kiếm trên Google. Trên các trang tin văn hóa, những bài viết về dự ngôn, tiên tri thường có số “view” (số lượt xem) cao nhất.

Tất nhiên chúng ta đang đề cập đến những dự ngôn có độ khả tín cao, hoặc được xuất ra bởi những nguồn có uy tín. Ví như Việt Nam xưa kia có sấm Trạng Trình; Trung Hoa có Mã Tiền Khóa của Gia Cát Lượng, Thôi Bối Đồ của Lý Thuần Phong - Viên Thiên Cang, và ba dự ngôn lớn của Lưu Bá Ôn; phương Tây có Thánh Kinh “Khải Huyền”, tiên tri của Nostradamus, dự ngôn của Edgar Cayce… Thời hiện đại có tiên tri của cậu bé thần đồng Anand người Ấn Độ, nhà tiên tri Dato Anthony Cheng người Malaysia v.v.

400 năm trước Nostradamus đã tiên đoán Omicron bùng phát?
400 năm trước Nostradamus đã tiên đoán Omicron bùng phát? (Ảnh: Tổng hợp)

Tiên tri, dự ngôn có một cộng đồng độc giả, khán thính giả rộng lớn. Có thể tạm xếp họ vào một nhóm, gọi là nhóm 1.

Nhóm 1: Những người quan tâm đến dự ngôn

Đó là những người tin vào chuyện huyền bí, những vấn đề khoa học hiện đại chưa lý giải được nhưng thực tế vẫn xảy ra và không thể coi là trùng hợp ngẫu nhiên. Tỷ dụ như, cậu bé Anand thông qua khoa chiêm tinh cổ đã nhiều lần đoán đúng về diễn biến của đại dịch COVID-19, gây được một uy tín nhất định trong cộng đồng.

Do vậy, những dự đoán của cậu được nhiều người lấy làm một trong các căn cứ quan trọng để phác thảo kế hoạch cho tương lai của họ và thân quyến.

Ví như dự báo về nạn đói trong khi dịch COVID hoành hành sẽ là căn cứ để nhiều người tích trữ lương thực, hay đầu tư vào nông nghiệp; dự báo về khủng hoảng năng lượng, sẽ khiến người ta phải cân nhắc khi mua sắm phương tiện vận tải vào lúc chưa thực sự cần thiết, hoặc tích trữ năng lượng dùng cho sinh hoạt cá nhân, nhất là những nơi có khí hậu khắc nghiệt v.v.

Một số người từ bỏ những kế hoạch kinh doanh lớn, và âm thầm chuẩn bị kiến thức, vốn liếng, quan hệ bạn hàng… để khởi sự trong một tương lai hy vọng rằng sẽ sáng sủa hơn.

Dứt khoát hơn nữa, có người lên kế hoạch để di tản toàn bộ gia đình, sản nghiệp để tới một vùng lãnh thổ khác mà họ cho rằng an toàn hơn, như là từ Trung Quốc chạy sang Mỹ chẳng hạn.

Một số người khác nhờ tìm hiểu tiên tri, dự ngôn, cũng có thay đổi tích cực, trở nên hướng thiện và sống đúng mực, làm người tốt hơn.

Một số người khác nhờ tìm hiểu tiên tri, dự ngôn, cũng có thay đổi tích cực, trở nên hướng thiện và sống đúng mực, làm người tốt hơn. (Ảnh: Tổng hợp)

Nhưng cũng có rất nhiều người không quan tâm đến dự ngôn, tiên tri, có thể chia họ thành hai nhóm nữa, và lý do của hai nhóm này có thể rất khác nhau.

Nhóm 2: những người không có niềm tin

Nhóm này gồm những người chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe, tin vào chứng cứ khoa học hoặc những điều đã được khoa học chứng minh. Họ cũng bao gồm người vô Thần phủ nhận siêu hình; hoặc là những người không tin vào ai hay bất cứ điều gì.

Tất nhiên, cuộc sống hiện đại nhiều rủi ro là điều ai cũng thấy, nhưng nhóm này chủ trương không tin vào huyền bí, vào những người, những việc có vẻ như xa vời mà họ không tự mình kiểm chứng được. Họ có thể lấy tham khảo từ những người sống xung quanh mà họ tin cậy, hoặc từ thông tin khoa học trên các phương tiện truyền thông chính thống, hoặc chẳng cần từ đâu cả, cuộc đời sống sao thì họ xuôi theo vậy.

Đó là lựa chọn cá nhân, và niềm tin thì không thể cưỡng ép nếu nó không tự khởi lên từ nội tâm. Nhưng đa phần họ không thể hiện sự bất mãn hay ra mặt chống đối.

Một số người khác phản ứng cực đoan hơn, soi tìm chỗ thiếu chính xác trong kết quả dự đoán để phản đối toàn diện, phủ định triệt để, tố cáo tiên tri, dự ngôn mê hoặc lừa người, cần xóa bỏ và trừng trị…

Thiển nghĩ, một cơ quan khí tượng với hàng trăm hàng nghìn nhà khoa học với nhiều phương tiện tối tân mà nhiều lúc còn dự báo sai, như dự báo cơn bão Chan Chu năm 2006 thiếu chính xác khiến hơn 200 người thiệt mạng và mất tích… thì tiên tri, dự ngôn cũng có thể có lúc sai lắm chứ. Phải chăng cần điều chỉnh góc nhìn cho khách quan hơn?

Tuy vậy có một nhóm người có niềm tin rất mạnh mẽ nhưng lại chẳng cần quan tâm đến các dự ngôn, hay nói đúng hơn, họ quan tâm đến tiên tri, dự ngôn theo một cách khác. Họ là những ai?

Nhóm 3: những người có đức tin chân chính vào Thần

Kinh Thánh Cựu Ước, phần Sáng Thế Ký có chép câu chuyện về Đại Hồng Thủy và gia đình Noah. Khi đời sống phát triển, loài người sinh sôi nảy nở đông đúc thì đạo đức cũng dần dần trở nên sa sút, rồi bại hoại, nền văn minh nhân loại bên bờ vực sụp đổ.

Khi đời sống phát triển, loài người sinh sôi nảy nở đông đúc thì đạo đức cũng dần dần trở nên sa sút, rồi bại hoại, nền văn minh nhân loại bên bờ vực sụp đổ. (Ảnh: Pixabay)

Giữa một xã hội sa đọa, chỉ có Noah giữ được cho bản thân và gia đình một lối sống với tiêu chuẩn đạo đức cao, và nhất là đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa của người Do Thái. Và vì vậy, chỉ duy nhất có ông là nghe hiểu được lời phán truyền của Thiên Chúa, hay những cảnh cáo mà Thiên Chúa gửi đến cho con người, những dấu hiệu liên tục bị con người bỏ lơ và họ vẫn tiếp tục lối sống độc dữ của mình.

Thậm chí là cả kế hoạch thanh tẩy Địa Cầu bằng Đại Hồng Thủy cũng không khiến họ sờn lòng mà thay đổi lối suy nghĩ và cách hành xử.

Noah có quan tâm đến lời cảnh báo của Thiên Chúa hay không? Chắc chắn là có. Nhưng ông hiểu rằng, nguy hiểm không đến với ông, một người vẫn giữ được tiêu chuẩn đạo đức và sự vâng lời đối với Thiên Chúa - vị Thần duy nhất của dân Do Thái. Điều ông quan tâm là sinh mạng của những người không giữ được đạo đức và chính tín vào Thần. Những cảnh báo, năn nỉ mong con người sám hối của Noah chỉ nhận lại những trận cười nhạo và giễu cợt. Và việc gì xảy ra đã xảy ra như ta biết, chỉ còn Noah và gia đình an toàn vượt sang thời đại mới. Ngày nay chứng cứ về trận Đại Hồng Thủy, về con tàu của Noah đã không còn là điều bí mật gì nữa.

Sau thời Noah, Abraham - ông tổ của dân Do Thái và Ả Rập cũng nhận được dự ngôn của Thiên Chúa, được gửi đến thông qua các Thiên sứ, về sự hủy diệt của hai đô thành bại hoại Sodom và Gomorrah. Abraham kêu nài Thiên Chúa hãy khoan dung nếu như trong thành dù chỉ còn mười người chính trực. Rốt cục, chỉ còn có Lót - người tốt duy nhất và hầu hết các thành viên gia đình của ông ta thoát nạn.

Ngày nay lịch sử lặp lại, thiên tượng liên tục cảnh báo, thiên tai, dịch bệnh, địa chấn, tai họa xảy ra khắp nơi. Rất nhiều tiên tri cổ đại và hiện đại đã cảnh báo về tai họa diệt chủng của nhân loại nếu con người không quay trở về với lối sống đạo đức, và lòng tin vào Thần Phật, để cải biến cách đối đãi ứng xử với nhau và với môi trường sống.

Có những người không khác gì Noah hay Abraham đi cảnh báo thế nhân. Những người này cũng học khoa học, làm khoa học, nhưng họ hiểu rõ khoa học có những ưu điểm, nhưng lại có rất nhiều hạn chế. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì dường như môi trường càng ô nhiễm, tài nguyên càng cạn kiệt, con người càng chìm đắm trong hưởng thụ vật chất và Trái đất càng kiệt quệ. Khoa học không chứng minh được Thần, thì con người quá tin khoa học đến mức phủ nhận Thần cũng đánh mất đức tin và đạo đức.

Thực ra, nếu nhìn theo góc độ của người tín Thần, thì mọi việc đều tuân theo quy luật Nhân - Quả, chỉ có điều khi tiêu chuẩn đạo đức đã méo mó thì người ta có thể làm trái với đạo đức mà không hay biết.

Chẳng hạn xưa kia cho tà dâm là một trọng tội. Văn hóa phương Đông giảng “nam nữ thụ thụ bất thân”, chúa Jesus phương Tây cho rằng một ý niệm bất chính khi nhìn thấy một người đàn bà đẹp cũng là mắc tội tà dâm, thì khoa học lại cho dâm dục là bản năng cơ bản của con người. Thế là xuất hiện các phong trào giải phóng tình dục và đạo đức nhân loại càng bại hoại hơn.

Mà đạo đức, thì không phải do con người tự đặt ra, cũng không ở trong luật pháp vốn dĩ bất định, mà có tiêu chuẩn từ Thần Phật, các Thánh giả, những vị đã đặt định văn hóa cho loài người, nó cũng được truyền thừa bền vững qua các thế hệ nhờ văn hóa truyền thống hay các giá trị phổ quát của nhân loại.

đạo đức không phải do con người tự đặt ra, cũng không ở trong luật pháp vốn dĩ bất định, mà có tiêu chuẩn từ Thần Phật, các Thánh giả, những vị đã đặt định văn hóa cho loài người. (Ảnh: Pixabay)

Nếu có thể sống tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức, thì không cần quan tâm đến các dự ngôn. Đây cũng là thông điệp mà từ các ngôn sứ cổ đại cho đến những nhà tiên tri hiện đại, như Anand, Dato, Parker… luôn luôn nhấn mạnh.

Người ta cũng không cần phải vượt biên đi tìm vùng đất hứa, một hành trình vốn sớm muộn cũng bị nghiệp lực cá nhân đuổi kịp, và tai họa không đến dưới hình thức này, thì sẽ đến dưới hình thức khác. Thay đổi tích cực nhất và mang tính quyết định, không phải là thay đổi nơi ở, hay là những giải pháp đối phó, mà là sự thức tỉnh lương tâm và thay đổi gốc rễ từ trong hành xử theo đạo đức. Đó mới là nội hàm chân chính của: “đời thay đổi khi chúng ta đổi thay”.

"Lòng người hướng thiện, tai họa thành phúc lạc" là dự ngôn đáng tin cậy nhất

Những ngày cuối cùng của năm cũ, có lẽ ai trong chúng ta cũng thầm mong chờ một tương lai tốt đẹp, những tiên tri ảm đạm, dự ngôn buồn bã sẽ không trở thành hiện thực. Nhưng chắc hẳn sẽ chẳng có một vị Thần, một giải pháp khoa học, hay một toan tính cá nhân nào có thể làm được điều ấy… điều duy nhất ta có thể trông cậy, chính là sự thay đổi tích cực từ trong tâm ra đến hành xử bên ngoài.

Vì sao dự ngôn, tiên tri có thể thay đổi? Là vì lòng người thay đổi; nhân tâm hướng thiện, tai họa có thể biến mất hoặc biến thành phúc lạc; nhân tâm sa đọa tà vạy, thì phúc lạc cũng biến thành tai họa.

Những năm thời Đông Hán, ở đất Thục dịch bệnh hoành hành, Trương Đạo Lăng - một trong ba vị tổ của Đạo giáo - đã giúp người dân chữa khỏi bệnh một cách độc đáo. Ông yêu cầu những người bị nhiễm bệnh nhớ lại tất cả những lỗi họ đã mắc phải trong đời, viết ra giấy và ném xuống nước, đồng thời phát lời thề với Thần linh sẽ không làm những điều sai trái và tồi tệ đó nữa. Nếu họ mắc sai lầm lần nữa, mạng sống của họ sẽ bị chấm dứt. Người dân lần lượt đều làm theo phương pháp này, quả nhiên hiệu nghiệm. Dân chúng cứ như vậy, một truyền mười, mười truyền trăm, chẳng mấy chốc bệnh được chữa khỏi và bệnh dịch cũng biến mất. Chẳng phải bệnh họa đều chung gốc rễ với ác tâm hay sao?

Trong danh tác “Tây du ký” ở hồi thứ 8 có một bài thơ tựa rằng:

"Nhân tâm sinh nhất niệm,
Thiên địa tận giai tri,
Thiện ác nhược vô báo,
Càn khôn tất hữu tư"

Tạm dịch:
“Một niệm thiện ác sinh
Cả Đất Trời đều biết
Thiện ác mà không báo
Vũ trụ tư tâm sao

Khi nhân tâm đã thường an lạc trong cái thiện, tiên tri hay dự ngôn mới thực sự chẳng còn là mối bận tâm của chúng ta nữa.

(bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Dự ngôn cuối cùng của năm 2021 - Khi nhân tâm sinh thiện niệm