Đức hạnh nâng cao con người: Thông điệp của kiệt tác “Hercules được phong Thần”  

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu mười hai chiến công hiển hách đã viết nên huyền thoại Hercules, thì Hercules được phong Thần mới là kỳ tích đáng mong đợi nhất. Kỳ tích ấy cũng là nguồn cảm hứng cho François Lemoyne tạo nên kiệt tác “The Apotheosis of Hercules”.

Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ ngược dòng thời gian và leo lên đỉnh Everest của “The Apotheosis of Hercules” để cùng tìm hiểu ý nghĩa và thông điệp sâu sắc đằng sau kiệt tác có một không hai này.

Trước hết, mời quý độc giả cùng trở lại với huyền thoại Hercules và câu chuyện Hercules được phong Thần trên đỉnh Olympus.

Huyền thoại Hercules

Hercules là con trai của Thần Zeus với công chúa Alcmene, một phụ nữ dưới phàm trần. Mang trong mình dòng máu của vị Thần tối cao trên đỉnh Olympus lại được uống dòng sữa bất tử của nữ Thần Hera, Hercules từ nhỏ đã có được sức mạnh phi thường. Tên gọi Hercules, còn viết là Heracles, có ý nghĩa là "vinh quang của Hera".

Mặc dù vậy, vợ của Thần Zeus là nữ Thần Hera vì ghen ghét người con riêng của chồng nên đã nhiều lần giáng xuống tai họa. Khi cậu bé mới được vài tháng tuổi, Thần Hera sai hai con rắn độc bò vào nôi hòng cắn chết Hercules, nhưng không ngờ chính con rắn lại bị cậu bé bắt được dễ dàng. Ở tuổi đôi mươi, chàng một mình chiến đấu với mãnh thú, bắt giết con sư tử to lớn và hung dữ, diệt trừ ác thú, bảo vệ dân lành.

Sau này, khi bị vua Eurystheus xứ Mycenae đày đọa, chàng liên tiếp đối mặt với những thử thách không tưởng mà nhà vua yêu cầu: Khi thì vào đầm lầy chiến đấu với rắn Hydra - quái vật khổng lồ có bảy cái đầu bất tử; khi thì xuống địa ngục, vượt qua sông Styx - ranh giới giữa cõi trần và âm gian để bắt con chó ngao Cerbere của Thần Hades; khi thì dấn thân vào vùng đất của các nữ chiến binh Amazons để đem về chiếc đai lưng của nữ hoàng Hippolyte; khi thì dời non xẻ núi tạo ra eo biển Gibraltar, khai thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương; khi lại vào rừng sâu, vượt qua con rồng ba đầu, đánh vật với Thần Antaeus, đối mặt với muôn vàn thách thức để đến nơi cùng trời cuối đất, cuối cùng lấy được ba quả táo vàng của các nàng tiên Hesperides…

Sau khi hoàn thành mười hai kỳ công nói trên, Hercules còn lập nhiều chiến công khác, như tham gia cùng những người anh hùng tàu Argonauts để đoạt lại bộ lông cừu vàng, đánh hạ thành Troy, v.v. Sau khi hạ được thành Troy, Hercules mặc chiếc áo đã nhiễm nọc độc của con long xà ở Lerna, chiếc áo ấy găm vào da thịt khiến chàng đau đớn như thiêu đốt tâm can. Nỗi đau đớn tột cùng khiến Hercules sống không bằng chết, chàng nói với các chiến hữu hãy thiêu chàng trên đỉnh núi Oeta.

Đúng vào lúc ngọn lửa bùng lên tiễn đưa Hercules về cõi vĩnh hằng thì trời đất bỗng tối sầm lại. Một tiếng sét rung chuyển cả bầu trời, Thần Zeus ra hiệu cho các thiên sứ đánh cỗ xe vàng xuống trần gian đón con trai trở về. Từ đó, Hercules cũng trở thành một vị Thần bất tử trên đỉnh Olympus. Còn nữ Thần Hera, vì để hóa giải mối thù hận lâu năm, bà đã gả con gái mình là nữ Thần Hebe cho Hercules. Bầu trời cao xa vời vợi, ánh sáng thanh khiết, cuộc sống bất tử là phần thưởng cao quý nhất cho người anh hùng.

Hercules được phong Thần

Trở lại với “The Apotheosis of Hercules” (tạm dịch: Hercules được phong Thần), đây là tác phẩm hội họa được François Lemoyne hoàn thành vào năm 1736 trên trần salon cùng tên tại Cung điện Versailles, nước Pháp. Chữ “Apotheosis” trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là ‘được biến đổi từ con người thành Thần’. Bức tranh khắc họa niềm vinh quang của Hercules khi rũ bỏ thân xác phàm, thăng thiên trở thành một sinh mệnh cao tầng.

“The Apotheosis of Hercules” (1736), François Lemoyne (Ảnh: Wikimedia)

Đây là tranh trên trần lớn nhất tại châu Âu, khắc họa 142 nhân vật, mô tả cảnh các vị Thần Olympus cùng tụ tập để chờ đợi sự xuất hiện của một người anh hùng. Xung quanh sự thăng thiên của Hercules là chín nhóm nhân vật được trình bày rõ ràng, trong đó có Thần Zeus, Thần Hera, Thần Hebe, Thần Apollo và Đền Ký ức, Thần Bacchus, Pandora, Diana, v.v. Màu sắc được phân bổ hài hòa, viền ngoài là mảng màu sẫm tối và đậm, ở giữa trắng sáng tạo cảm giác như đi từ dưới lên trên, từ bóng tối đến ánh sáng, từ cõi trần ô trọc thăng hoa lên Thiên Đường…

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Ở chính giữa bức tranh, nơi ánh sáng tỏa ra rực rỡ chính là vị trí của Zeus - vị Thần của sấm sét và bầu trời, cùng với con đại bàng Aquila đậu ngay dưới chân ngài. Ngồi bên cạnh là Hera - vợ của Thần Zeus, đồng thời cũng là nữ Thần cao quý trên đỉnh Olympus. Một tay Thần Zeus nắm lấy tay con gái ngài là nữ Thần tuổi trẻ Hebe, một tay ngài chỉ về phía trước, dường như muốn giới thiệu nàng với chàng trai đứng trên cỗ xe vàng vinh quang và hiển hách - Hercules.

Hercules đứng trên Chiến xa Khải hoàn được kéo đi bởi các tiểu thiên sứ. Thần tình yêu Cupid nắm lấy tay chàng, mắt hướng về phía Thần Zeus đang ngự trên mây lành.

Bên dưới cỗ xe, Đố kỵ, Giận dữ, Hận thù và những tội lỗi khác rơi rớt khỏi người anh hùng. Riêng Đố kỵ dù bị đánh hạ xuống nhưng cánh tay vẫn còn giơ lên con rắn độc như muốn đe dọa, và mặt thì ngước lên nhìn Hercules với ánh mắt đầy ghen tức và hằn học.

Đố kỵ, Giận dữ, Hận thù, Bất hòa và các tội lỗi khác bị giáng xuống từ Thiên Đường. (Ảnh: Khu vực công cộng)

Chứng kiến khung cảnh trang nghiêm và thần thánh ấy là các vị Thần trên đỉnh Olympus. Mỗi vị Thần đều mang theo biểu tượng của riêng mình: Thần rượu nho Bacchus với những chùm nho chín mọng, Thần Mercury với cây trượng Caduceus trong tay, nữ Thần Diana với chiếc vòng mặt trăng trên đầu, Thần chiến tranh Minerva cầm cây giáo, Thần nông nghiệp Ceres với vương miện lúa mì, nữ Thần Cybele với cỗ xe sư tử kéo, Thần biển Neptune cầm cây đinh ba, Thần Saturn cầm lưỡi hái và Thần mùa xuân Flora với những chùm hoa… Họ tán thưởng và ca ngợi chiến công kỳ vĩ của người anh hùng, đồng thời cất lên lời chúc tụng khi Hercules được phong Thần.

Bên dưới, các thiên sứ thổi kèn báo hiệu với thế gian về sự hồi sinh vĩ đại của một vị Thần. Nhìn lên phía xa xa, chúng ta thấy Đền Ký ức mở ra, các tiểu thiên sứ gắn huy chương vinh danh người anh hùng. Thần Apollo ngự trên đám mây ngay phía trước Đền Ký ức, tay ra hiệu cho buổi hòa nhạc sắp bắt đầu.

Đức hạnh nâng cao con người

Trong “The Apotheosis of Hercules”, người anh hùng lên thiên đường trên Chiến xa Khải hoàn. Các thiên sứ kéo cỗ xe tượng trưng cho Tình yêu và Đức hạnh. Còn những ác quỷ đang tìm cách ngăn cản và rồi bị đánh hạ xuống là tượng trưng cho những si tâm và ác niệm của con người, gồm có đố kỵ, giận dữ, hận thù, tranh đấu… Chính Tình yêu và Đức hạnh sẽ chỉ dẫn cho con người thăng hoa lên cảnh giới của các vị Thần, trong khi quái vật và ác quỷ trong tâm sẽ bị ném xuống trong cái nhăn nhó và hờn ghen bất tận.

Những bức tượng thạch cao ở bốn góc trần nhà đại diện cho các giá trị đạo đức của bậc anh hùng: Sức mạnh, Công lý, Kiên định và Thận trọng. Bốn đức tính ấy đã giúp Hercules chống lại ác quỷ, mà đi đầu là Đố kỵ - thứ "nguy hiểm nhất trong tất cả các tệ nạn, và là kẻ duy nhất có cơn thịnh nộ vượt ra ngoài cái chết". Bốn đức tính nói trên cũng chính là những giá trị phổ quát giúp chúng ta vượt qua khó khăn, theo đuổi điều tốt đẹp, và chống lại những cám dỗ trên đường đời.

Điều đó đã thể hiện ý nghĩa của kiệt tác “The Apotheosis of Hercules”. Theo bài viết của Dezallier d’Argenville đăng trên “Mercure de France” vào tháng 10 năm 1736, câu chuyện Hercules được phong Thần truyền tải thông điệp: Tình yêu nhân đức nâng con người lên trên bản thân mình, giúp con người vượt qua mọi khó khăn và nguy hiểm. Các chướng ngại vật sẽ tan biến khi con người được dẫn dắt bởi sự kiên định, lòng trung thành, và thận trọng. Vì lẽ đó, François-Bernard Lépicié đã ca ngợi tác phẩm tuyệt vời này "đóng vai trò như một Đài tưởng niệm rực rỡ về Thần thánh, chứng minh cho sự tiến bộ của hội họa dưới triều đại vua Louis XV".

Minh Hạnh
Theo Par Ludovic Genic - Epoch Times France

Tham khảo:
1. « L’amour de la vertu élève l’homme au-dessus de lui-même » : le message universel du chef-d’œuvre de L’Apothéose d’Hercule
2. Plafond d’un Salon du Château de Versailles, qui précède celui de la Chapelle du Roy, appelé le Grand Salon de Marbre



BÀI CHỌN LỌC

Đức hạnh nâng cao con người: Thông điệp của kiệt tác “Hercules được phong Thần”