Đức sinh phúc; phúc sinh phú quý (P-1): Tổ tiên chẳng tích đức, con cháu đời sau hư hỏng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân cho rằng: phúc phận đều từ đức mà đến, tổ tiên nếu không tích đức cho con cháu, thì đời sau ắt khuynh gia bại sản. Những câu chuyện dưới đây sẽ minh chứng cho điều này...

Các cụ ta thường có câu: “làm gì thì làm cũng phải để đức lại cho con cháu", hay: "hãy tích đức, tích đức, tổ tiên tích đức, người này có đức, người kia thất đức"... Quả thực những lời khuyên răn đó vô cùng chính xác. Đức ấy không phải chỉ là tiêu chuẩn tinh thần của con người cận đại, mà người xưa đều cho rằng nó là thứ thực sự tồn tại. Phúc phận đều từ đức mà đến, tổ tiên nếu không tích đức cho con cháu, thì đời sau ắt khuynh gia bại sản. Những câu chuyện dưới đây sẽ minh chứng cho điều này

Câu chuyện thứ nhất:

Vào những năm triều đại nhà Thanh, có một người tên là Khương Nguyên Long thuộc thôn Trương Yển, huyện Kim Sơn. Ông được biết đến là một phú hào nổi tiếng. Toàn bộ đất đai mà Khương Nguyên Long mua được đều được dụng tâm lên kế hoạch chính xác tỉ mỉ: Một phần dựa vào cho vay nặng lãi, thấy ai có nhà đất tốt, vị trí đẹp, ông ta luôn săm soi nhân cơ hội lúc họ khó khăn liền tranh thủ tìm mọi cách cho vay nặng lãi. Nếu trong thời gian dài mà người ta không trả được, Khương Nguyên Long liền tranh thủ thời cơ đó lấy đi tài sản ruộng đất của gia đình nọ. Cái việc lợi dụng lúc khó khăn của người để trục lợi cho mình cứ liên tiếp diễn ra như vậy trong suốt 20 năm, cuối cùng đất đai của ông nhiều vô kể. Sau này Khương Nguyên Long sinh hạ được một người con trai, đặt tên là Khương Đức Chương.

Sau này, khi Khương Nguyên Long qua đời, gia sản nhà họ Khương được giao lại cho người con trai duy nhất là Khương Đức Chương kế thừa. Khương Đức Chương tính tình vốn đã ham chơi lại lười nhác không muốn ngó ngàng gì đến việc làm ăn của gia đình. Vậy nên đến năm 20 tuổi, điều duy nhất mà anh ta thông thạo đó là đánh bạc. Mỗi lần chơi, Khương Đức Chương đều đem theo một tờ khế ước đất làm vốn. Mỗi ván anh ta thường vay nặng lãi 12 lượng bạc người khác để chơi, đánh thua rồi lại tiếp tục mượn tiền. Ngay ngày hôm sau khi viết giấy trả nợ, người khác nhân cơ hội lại lừa anh ta: “Hôm qua rõ ràng là anh mượn tôi 52 lượng, sao có một đêm ngủ dậy mà đã quên rồi?” Khương Đức Chương cũng không cãi lại, liền viết 52 lượng đưa cho chủ nợ, anh ta có lẽ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc trả tiền để giữ đất. Còn những người khác thấy Khương Đức Chương quá dễ bắt nạt, xúm lại lừa anh ta. Chưa đến 10 năm sau, Khương Đức Chương đã phung phí toàn bộ tài sản, cuối cùng nghèo đến nỗi chết vì đói.

Còn những người khác thấy Khương Đức Chương quá dễ bắt nạt, xúm lại lừa anh ta.
Còn những người khác thấy Khương Đức Chương quá dễ bắt nạt, xúm lại lừa anh ta. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Câu chuyện thứ hai:

Chu Thánh Chương là người Hoàng Yển Kiều, huyện Đan Dương, gia đình ông thuộc dạng khá giả trong vùng. Trong những năm Càn Long, có năm nọ lúa mì được mùa, sản lượng nhiều vô kể, giá lúa giảm mạnh, mỗi tạ chỉ vỏn vẹn 200 đồng bạc. Chu Thánh Chương có hàng trăm mẫu lúa mì, chất lượng lại tốt hơn hẳn người khác, tuy vậy ông vẫn dùng một lượng tiền lớn để tiếp tục mua lúa mì từ bà con trong vùng, tích luỹ trong kho gần 4000 tạ lúa. Sang năm thứ hai không ngờ vụ xuân và thu liên tiếp hoa màu mất mùa, giá gạo và lúa mì rất đắt. Trong tình cảnh khó khăn như vậy, Chu Thánh Chương lại đóng lẹm cửa, không bán thóc gạo, lúa mì cho dân. Cho đến mùa đông khi nước trong kênh đã cạn, nông phu không thể điều tiết được lượng nước, cuối cùng đến ngay cả hạt giống lúa mì cũng đã ăn sạch. Lúc này duy chỉ nhà Chu Thánh Chương là còn lúa mì tích trữ. Người dân trong vùng đổ đến mua lúa mì của ông. Ban đầu Chu Thánh Chương nhất quyết không đồng ý, đợi đến khi những người khác lần lượt đến năn nỉ, ông ta mới đồng ý bán, nhưng lại ra giá: một tạ lúa đổi lấy một mẫu ruộng. Đã vậy những bao lúa mì Chu Thánh Chương bán bên trong sẽ trộn thêm cám. Cứ như thế ông ta đã dùng 4000 tạ lúa để đổi lấy 5000 mẫu ruộng. Chu Thánh Chương vốn tham tích luỹ nhưng bản tính keo kiệt bủn xỉn, cuối cùng ông ta thâu tóm được một lượng đất đai khổng lồ. Chỉ vỏn vẹn trong vài năm làm ăn, Chu Thánh Chương đã có trong tay hơn vạn mẫu ruộng, tiền chất như núi.

Tuy vậy, gia đình Chu Thánh Chương mãi vẫn không sinh hạ được con cái. Ông ta đi khấn vái tứ phương, đến khi về già mới có được một mụn con, vì Chu Thánh Chương sinh con năm 68 tuổi nên ông đặt tên con là Lục Bát. Chu Lục Bát khi ấy chưa đến 10 tuổi thì Chu Thánh Chương đã tổ chức mừng thọ rồi. Chu Lục Bát khi trưởng thành, coi tiền như cỏ rác. Mỗi lần ra ngoài đều đem theo rất nhiều tiền, tiêu hết xong mới trở về nhà. Có lúc quả thực tiêu không hết, Chu Lục Bát liền cầm tiền ném bên lề đường.

Sau này, khi Chu Thánh Chương qua đời, cũng là vào lúc triều đình ban hành luật xã hội, chọn một hộ khá giả trong thôn làm "xã chính". Không ngờ Chu Lục Bát được người dân đề cử và tuyển trúng. Người trong thôn bèn nhân cơ hội này bắt nạt anh ta, vì Lục Bát còn trẻ mà lại khờ dại, phàm là người mượn gạo từ kho của xã hội thì đều không có khả năng trả nợ, vậy nên mỗi năm Chu Lục Bát phải đền bù rất nhiều lương thực. Chu Lục Bát khi sinh bản tính vốn ham mê cờ bạc, một lần chơi mất cả ngàn lượng. Tiền tiêu dần dần cũng hết, việc làm ăn của Chu gia ngày càng đi xuống, không còn cách nào khác anh ta đành bán nốt số gia sản còn sót lại để sống qua ngày.

Khi Chu Lục Bát bán tài sản, khế ước đất viết không kịp, đành khắc theo bản mẫu in ra cả loạt, vậy nên gia sản nhà họ Chu vèo một cái bị bán sạch. Khi Chu Lục Bát qua đời, nhà anh ta không có lấy một phòng, không còn nổi một mẫu đất.

Uông Đạo Đỉnh, người sống cùng thời đó có kể lại như sau: “Khi cha tôi nhậm chức Chủ bạ(*) huyện Đơn Dương, con trai của Chu Lục Bát sống cuộc sống khốn khó bần hàn, phải làm kẻ gác cổng. Cho đến tận ngày nay người ở huyện Đơn Dương nếu có mắng ai là đứa con phá gia chi tử, thì đều nói bóng gió: “Đúng là Chu Lục Bát".

(Còn tiếp…)

Anh Kỳ (biên dịch)
Theo: Secretchina

- Giải nghĩa từ:
(*) Chủ bạ: Tên một chức quan có từ thời nhà Hán, trông coi việc sổ sách văn thư bộ tịch một cơ quan ở trung ương hoặc địa phương.



BÀI CHỌN LỌC

Đức sinh phúc; phúc sinh phú quý (P-1): Tổ tiên chẳng tích đức, con cháu đời sau hư hỏng