Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng: Ngôi sao phương Nam soi sáng phương Bắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là "Ông Trọng".

Người khổng lồ giúp Tần Thủy Hoàng đánh Hung Nô

Lý Ông Trọng tên gốc là Lý Thân, là người sống vào thời vua Hùng Vương thứ 18 Hùng Duệ Vương và thời An Dương Vương. Hiện vẫn còn di tích cổ thờ tự ông là Đình Chèm ở xã Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong đền có thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng và vợ là bà Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung - con gái của Tần Thủy Hoàng. Dân gian thường gọi ông là Đức Thánh Chèm.

Theo Việt điện U linh, Lĩnh Nam chích quái Đại Việt sử ký toàn thư thì Lý Ông Trọng cao 2 trượng 3 thước, tức là khoảng 6.8m. Còn theo sách Từ Nguyên Trung Quốc thì Lý Ông Trọng cao 1 trượng 3 thước, tức là khoảng 3m. Lý Ông Trọng sống vào thời vua Hùng Vương thứ 18, bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa. Đến thời Thục An Dương Vương, ông là một tướng giỏi giúp vua đánh thắng Ai Lao và Chiêm Thành, sau đó ông còn được vua cử đi sứ nước Tần.

Bấy giờ nhà Tần hay có nạn giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã cho đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Ông Trọng sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp Tần trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín Hầu. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần hết sức khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu và gả cả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau đó một thời gian, Lý Ông Trọng nhớ quê hương xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.

Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là "Ông Trọng".

Người khổng lồ giúp Tần Thủy Hoàng đánh Hung Nô
Lý Ông Trọng (bên phải) và vợ Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung Công chúa. (Ảnh: Wikipedia)

Đức Thánh Chèm hiển linh

Theo "Việt điện u linh", đời Đức Tông nhà Đường, năm Trinh Nguyên thứ nhất, Triệu Xương qua làm Đô hộ nước An Nam ta thường qua chơi làng của Lý Ông Trọng. Triệu Xương đêm mộng thấy cùng Ông Trọng nói chuyện trị dân, và giảng luận sách "Xuân Thu tả truyện", nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Ông Trọng hồi xưa, thì chỉ thấy mù khói ngang trời, sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rời cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng. Triệu Xương bèn lập lại đền thờ, xưởng cao lầu lớn, rồi chuẩn bị lễ vật đem đến tế Lý Ông Trọng.

Đến lúc Cao Biền đánh phá nước Nam Chiếu, Ông Trọng thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu từ vũ tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thật mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết.

Năm Trùng Hưng thứ 1 (1285) triều nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sắc phong cho Lý Ông Trọng là Anh Liệt Vương, đến bốn năm sau gia phong hai chữ Dũng Mãnh, năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông gia phong Phụ Tín Đại Vương.

Tương truyền vào những năm thời Càn Long nhà Thanh, có một lần vua Càn Long dẫn theo các Hàn lâm học sĩ đi qua một ngôi mộ cổ, vua chỉ tượng người đá cao lớn ở trước mộ và hỏi đây là người nào. Một Hàn lâm học sĩ trả lời rằng: "Người đá này tên là Ông Trọng". Vua Càn Long liền viết bài thơ rằng:

Ông Trọng ngày nay gọi Trọng Ông

Hẳn do học hành chẳng dày công

Ngày nay không được làm học sĩ

Phạt đến Giang Nam làm phán thông

Bài thơ này Càn Long có ý chê viên học sĩ hàn lâm gọi sai tên lẽ ra phải gọi là Trọng Ông (theo cách gọi người Trung Quốc), nên cách chức hàn lâm, giáng chức làm phán thông.

Câu chuyện trên cho thấy đến thời nhà Thanh thì tượng đá Ông Trọng khá phổ biến trong dân gian, nhưng có lẽ cả vị học sĩ và vua Càn Long không biết cái tên Ông Trọng là tên theo cách gọi người Việt, được người các triều đại phương Bắc vẫn gọi theo.

Đức Thánh Chèm hiển linh
Chân dung vua Càn Long. (Ảnh: Wikipedia)

Đến triều nhà Lê, viên quan trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Mại quê Chí Linh, Hải Dương, là người sáng suốt giỏi phá án. Một lần ông qua chợ Gia Bình thấy một người đàn bà đang chửi rủa vì bị mất gà. Nguyễn Mại nói: "Con gà đáng giá bao nhiêu mà ngươi lại độc mồm độc miệng nguyền rủa người ta như thế?".

Nói rồi ông lệnh cho người dân xóm láng vả vào miệng bà ta cho chừa. Mọi người đều tát nhẹ, nhưng có một người tát rất mạnh. Nguyễn Mại hô lính bắt lại nói: "Chính người này là kẻ trộm gà". Ông này nhận tội và đã trả lại con gà.

Một lần trong thôn có người mất trộm, vào đền Chèm cầu khấn thì thấy đồ mất trộm của mình trong đền. Người này hoảng sợ trình báo quan. Nguyễn Mại là người không tin chuyện quỷ Thần, bèn xuống trát đưa Thần đền Chèm đến tra hỏi. Quân lính đến đền thì thấy tên trộm đã chắp tay phủ phục dưới đền. Theo lệnh quan, dân làng dùng kiệu đem lư hương của đền Chèm đến công đường.

Nguyễn Mại dựa vào án chất vấn, có lời bất kính với Thần. Mọi người sợ quá quỳ xuống vái lạy khuyên giải Nguyễn Mại mới thôi, sau đó mới lôi tên trộm ra trị tội. Nguyễn Mại sau bị chúa Trịnh Cương giết chết. Cháu Nguyễn Mại là Nguyễn Tuyển bị diệt cả gia tộc. Người ta cho rằng đó chính là quả bảo của tội khinh nhờn bất kính với Thần.

Công lao của Đức Thánh Chèm được tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng viết trên Thụy Phương đình bi kí (Bia đình Thụy Phương) năm 1917 như sau:

“Nước càng văn minh thì người càng biết yêu nước tổ, càng biết yêu nước tổ thì càng phải nhớ người xưa, nhớ sinh kính, kính sinh thờ; thờ phải có tượng, có đền. Người trước làm, người sau sửa, đều bởi phụng sùng bái anh hùng mà ra. Một nước thế các nước cũng đều thế. Nước ta trên dưới hơn bốn nghìn năm, đệ nhất anh hùng xuất hiện ra làm cho nòi giống mình vẻ vang, sử sách mình rõ ràng, không ai hơn Đức thánh Chèm.(…) ngài đẻ sinh nước ta mà công nghiệp ở cả nước Tàu, chẳng khác gì một ngôi sao mọc ở phương nam mà soi sáng phương bắc".

Trung Hòa

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng: Ngôi sao phương Nam soi sáng phương Bắc