Đức tính hiếu thảo là sự tôn vinh mối ràng buộc thiêng liêng giữa con cái và cha mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nền văn hóa cổ đại và truyền thống hàng thế kỷ nay trên khắp thế giới đều tin rằng Thiên thượng đã sắp đặt tất cả các mối quan hệ của chúng ta, là một món quà tiền định từ Thần.

Sự thật là, trong mỗi người chúng ta đều có mối nhân duyên với cha mẹ và tổ tiên của mình. Những người có đức tin công nhận rằng chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Có lẽ gia đình của chúng ta ở đây trên Trái đất này cũng được ân điển từ Thần.

Tuy nhiên, trong buổi biểu diễn vĩ đại được gọi là cuộc sống, khi các vai diễn được thực hiện, một số mối quan hệ trở nên gần gũi và ấm áp, trong khi những mối quan hệ khác lại xa cách và lạnh lùng.Và cũng giống như cách mà các cảnh thay đổi khi rèm sân khấu được kéo lên xuống, số phận của nhân vật cũng thay đổi. Nhưng có một đức tính không chỉ được gìn giữ trong bất kỳ gia đình nào mà còn trường tồn theo thời gian, đó là lòng hiếu thảo.

Sự cao cả của lòng hiếu thảo đã được thể hiện trong các câu chuyện lịch sử, đem sự ảnh hưởng đạo đức của nó cải biến những việc làm sai trái và giữ gìn danh dự gia đình.

Sự tôn trọng thiêng liêng đối với việc một con người sinh ra trên đời chính là việc trân quý gia đình bạn và những người xung quanh trong xã hội. (Ảnh: Yuganov Konstantin/ Shutterstock)

Lòng hiếu thảo là một đức hạnh cao cả

Trong thời đại ngày nay, hầu như lúc nào tất cả chúng ta cũng đều đổ lỗi và chỉ tay vào nhau. Trẻ em cũng không khác gì, chúng phàn nàn rằng cha mẹ đòi hỏi quá mức hoặc khó làm hài lòng, trong khi người lớn lại phàn nàn rằng những đứa trẻ thì ngỗ ngược. Cách nuôi dưỡng lòng hiếu thảo thay vì đấu tranh và chinh phục về việc ai đúng ai sai thật đáng suy ngẫm, vì điều này đã hướng dẫn tổ tiên của chúng ta khuất phục chính thử thách này một cách hiệu quả hơn.

Đạo hiếu là quy tắc đạo đức. Đó không phải là một nguyên tắc lạc hậu, lỗi thời, hay là một tuyên bố thời thượng về việc nuôi dạy con cái đúng đắn. Nó không liên quan đến việc trẻ em trở nên hư hỏng, cũng không phải thái cực ngược lại của sự bỏ mặt trẻ dưới chiêu bài “trẻ em nên được chăm sóc chứ không phải lắng nghe”.

Nó không phải nói về việc đòi hỏi của cha mẹ hoặc con cái trở nên cực đoan, nơi mà cái tôi được xem trọng và nuông chiều. Đúng hơn, đó là một chuẩn tắc đạo đức đưa con cái và cha mẹ đến gần hơn với đấng thiêng liêng bằng cách đối xử lẫn nhau một cách vị tha, nhưng cũng cần lan tỏa sự ấm áp của đức tính này ra ngoài mối quan hệ gia đình như bạn bè, người lạ và xã hội.

Lòng hiếu thảo thể hiện đức hạnh và tôn kính đối với cha mẹ cả đời và sau khi mất. Ngoài gia đình ra, lòng hiếu thảo được thể hiện khi phục vụ đất nước và mang lại sự hòa hợp xã hội ở mức độ lớn hơn.

Lòng hiếu thảo thể hiện đức hạnh và tôn kính đối với cha mẹ cả đời và sau khi mất. (Ảnh: pexels)

Tu dưỡng đạo hiếu đòi hỏi người ta có tấm lòng quảng đại. Lý tưởng nhất là, nó sẽ bắt đầu từ bên trong con người với ý thức muốn làm điều đúng và trở thành một người tốt. Sau đó, cảm hứng tâm linh cao cả này được tu dưỡng từ bên trong và sẽ lan toả trong gia đình, thông qua việc kính trọng cha mẹ, tổ tiên và được mở rộng ra cộng đồng.

Nền văn hoá của phương Đông và phương Tây, đều nói về việc nuôi dạy con cái đúng cách. Hiếu thảo là một đức tính mà nhà triết học Trung Quốc cổ đại Khổng Tử (551–479 TCN) nhấn mạnh là quan trọng nhất để giữ cho trật tự xã hội vận hành hài hòa đồng thời tôn vinh thiên tính bên trong mỗi con người.

Đức hiếu cũng được bàn đến trong “Luận ngữ”. Đây là những lời dạy mà Khổng Tử để lại, để hướng dẫn cách cư xử đúng mực, và có thể được tóm gọn trong Hán tự là chữ Hiếu (孝) là một nguyên tắc truyền thống thể hiện sự tôn kính đối với cha mẹ và tạo điều kiện để nuôi dưỡng một nhân cách tuyệt vời trong bản thân mỗi người.

Chữ Hiếu trong Hán tự là ‘xiào’ (孝) bao gồm chữ Tử là trẻ nhỏ (子) bên dưới ký tự là người già/ cha mẹ (老), biểu thị vai trò đức hạnh của người trẻ trong việc chăm sóc người già.

Chữ Hiếu trong Hán tự, xiào (孝). (Ảnh: The Epoch Times)

Theo lời dạy của Khổng Tử thì có nhiều mức độ hiếu thảo khác nhau. Tăng tử tóm lược như sau: "Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng".

Nghĩa là: "Hiếu đạo có 3 điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ".

Ở cấp độ thấp, một người lao động nuôi dưỡng cha mẹ, không màng đến sự khó khăn của bản thân để cha mẹ sống một đời tốt đẹp.

Cấp trung thì người ta chú trọng đến danh dự, sự nghiệp của mình, phải sống sao cho được tôn trọng và có trách nhiệm. Ở cấp độ cao nhất, một người con hiếu thảo toàn tâm toàn ý không thiếu sót, và lan truyền sự tử tế đem lại lợi ích cho tất cả.

Có lẽ hình thức cao nhất của lòng hiếu thảo là tu thân dưỡng đức để trở thành bậc thánh nhân, với thành tựu cao nhất là giác ngộ và đạt được sự giải thoát.

Khổng Tử là nhà triết học, nhà giáo dục cổ đại Trung Quốc và là người sáng lập ra Nho giáo. (Ảnh: Shutterstock)

Tu dưỡng đức hiếu mang lại điều tốt lành

Người ta có thể tự hỏi, lòng độ lượng có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh của đạo hiếu? Ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, quan niệm về sự nhường nhịn lẫn nhau đã xây dựng thành lòng hiếu thảo. Điều thiện lành sẽ không đến nếu không có sự hiện hữu của việc nhường nhịn một cách nhân từ để tạo thành nó thông qua đạo hiếu.

Tâm của những người tận lực hiếu thảo và ân cần rất trong sáng và chân thành. Lòng hiếu thảo giúp cả cha mẹ và con cái nuôi dưỡng ý thức tôn trọng mối quan hệ đã được an bài bởi các tầng thứ cao hơn của vũ trụ.

Ngay cả khi cha mẹ là những người ‘vô đạo đức’ thì chuẩn tắc của Nho giáo vẫn ủng hộ người con hiếu thảo khi họ có thể chỉ ra những việc làm sai trái của phụ mẫu để tránh nghiệp báo và giúp chuyển hóa sự oán giận và khó khăn trở thành lòng nhân từ. Tu dưỡng đức hiếu cũng có thể giúp một người cải thiện hoàn cảnh khó khăn của gia đình họ.

Người ta phải luôn luôn nhớ đến và biết ơn tổ tiên, cho dù sự khởi đầu của họ có khiêm tốn đến đâu.

Câu chuyện sau đây về vị hoàng đế huyền thoại của Trung Quốc tên là Ngu Thuấn (hay Đế Thuấn) là một trong vô số câu chuyện về lòng hiếu thảo được lưu lại trong lịch sử từ thời Trung Quốc cổ đại, rất lâu trước khi đảng CSTQ lên nắm quyền.

Vua Ngu Thuấn, còn được gọi là Trọng Hoa hoặc Đại Thuấn. (Ảnh: Xiao Ping/ Zhengjian)

Thuấn sinh ra trong một gia đình có người mẹ tốt bụng nhưng bà mất sớm, để lại ông phải chịu đựng một người cha và mẹ kế rất khó tính. Ông không được yêu thương và phải chịu đựng sự ngược đãi từ gia đình, phải lao động nặng nhọc, ăn thực phẩm kém chất lượng và mặc quần áo mỏng trong mùa đông lạnh giá. Bất chấp sự đối xử khắc nghiệt của gia đình, ông vẫn tôn trọng cha mẹ và có trách nhiệm với những đứa em cùng cha khác mẹ của mình.

Suy nghĩ đầu tiên của Thuấn khi mẹ kế hoặc anh chị em ngược đãi mình là: “Ta hẳn đã làm điều gì sai khiến họ tức giận và đối xử với ta theo cách này”. Suy ngẫm về những khuyết điểm của mình trong khi vẫn hiếu thuận với cha mẹ đã khiến ông thốt lên trong một ngày đang làm việc trên đồng rằng: “Tại sao ta không thể mang lại niềm vui cho gia đình mình?”

Truyền thuyết kể rằng mọi người cảm động trước sự quan tâm vị tha của Thuấn bất chấp ‘vai trò thấp kém’ của ông trong gia đình. Người ta nói rằng tấm lòng chân thành của ông cũng đã thấu được trời cao. Sau này, khi làm việc ngoài đồng, ông được thưởng một con voi để giúp cày ruộng, còn chim chóc thì xuống nhổ cỏ. Thời gian trôi qua, chàng trai trẻ này là chủ đề bàn tán của thôn làng.

Nhiều năm sau, khi Đế Nghiêu đã già yếu, ông tìm người kế vị và nhờ các quan đại thần giúp tìm người thay thế tốt nhất, và họ tiến cử Thuấn. Tất cả họ đều nghĩ rằng, vì Thuấn đã chịu đựng nhiều gian khổ và làm việc một cách ân cần, với tinh thần cao cả là lòng hiếu thảo, bao gồm cả việc luôn tìm kiếm thiếu sót của bản thân, nên đủ để đảm bảo rằng ông có thể kế nhiệm vương quốc.

Khi Thuấn trở thành hoàng đế, ông vẫn suy nghĩ như ngày xưa và thậm chí còn tuyên bố:

“Ngay cả bây giờ, cha mẹ ta vẫn không thích ta. Làm hoàng đế có ích lợi gì?”

Người dân đã cảm động trước những lời nói của ông và cha mẹ ông cũng vậy, cuối cùng, họ đã đối xử tốt với ông. Đức tính cao nhất của lòng hiếu thảo mà Thuấn thực hiện chứng tỏ rằng, với tấm lòng vị tha, hy sinh và duy trì sự hòa hợp trong cuộc sống sẽ mang lại may mắn.

Tu dưỡng đức hiếu cũng có thể giúp một người cải thiện hoàn cảnh khó khăn của gia đình họ. (Ảnh: Spaceport9/ Shutterstock)

Đức hiếu trong các nền văn hóa khác nhau

Từ châu Âu đến Bắc Mỹ, các nền văn hóa tôn vinh sự ra đi của cha mẹ và tổ tiên của họ bằng cách thắp một ngọn nến để tưởng nhớ họ, nhưng cũng viếng thăm mộ của họ bằng hoa.

Nhiều nước châu Á có truyền thống là con cái khấu đầu trước cha mẹ, tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn.Trong khi ở Ấn Độ, con cái chạm vào chân cha mẹ, tượng trưng cho ​​thiên đường được kết nối theo bước chân của họ, và sự kết nối khiêm tốn này được tôn vinh cho tới ngày nay.

Lòng hiếu thảo được mở rộng thành “ngày lễ” ở nhiều quốc gia. Những ngày lễ này ghi nhận những người đã phục vụ và hy sinh để bảo vệ đất nước trong thời gian chiến tranh. Ví dụ: “Ngày tưởng nhớ” được tổ chức hàng năm ở nhiều quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung. Canada và Úc có Ngày Tưởng niệm vào ngày 11 tháng 11. Hoa Kỳ cũng kỷ niệm “Ngày Cựu chiến binh” vào cùng ngày.

Không cần thiết để nói rằng một số truyền thống gia đình đáng bị phá vỡ và tạo ra một cái mới. Và dù bạn đến từ đâu, thật thiêng liêng khi tôn trọng mỗi một người đến với thế giới này, bằng cách trân trọng gia đình và những người xung quanh bạn trong xã hội. Đó là con đường trí huệ để củng cố mối quan hệ gia đình và tôn trọng sự thiêng liêng trong mỗi con người chúng ta.

Thiên Hòa

Theo Sarah Annalise - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đức tính hiếu thảo là sự tôn vinh mối ràng buộc thiêng liêng giữa con cái và cha mẹ