Dùng tiên thuật tiên dược trị bệnh: 3 Đạo sĩ cuối đời Đường đều có thần thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời cổ đại, không ít người tu Đạo trong núi sâu rừng già biết phép thuật, hiểu rõ Tiên thuật. Sau khi được trao Thiên mệnh, họ đến nhân gian chữa bệnh, tạo phúc cho bách tính muôn dân. Thần tích của họ lan ra khắp phố phường, làng mạc thôn trang, được người dân địa phương truyền lưu lại và cuối cùng được ghi vào trong sử sách.

Đạo sĩ Diệp Thiên Thiều có khả năng hô mưa gọi gió

Vào cuối thời nhà Đường, có một người tu Đạo nổi tiếng tên là Diệp Thiên Thiều ở huyện Kiến Xương, Hồng Châu (nay là tỉnh Giang Tây) Trung Quốc. Từ bé ông đã theo hai vị Chân nhân lên Tây Sơn tu tập thuật tịch cốc. Sau khi trưởng thành, ông vẫn một mình ẩn cư trong núi, để tu Chân, ngộ Đạo.

Vào một ngày trời sấm chớp, thêm mưa gió, có một người mặc áo trắng đến thăm, người đó nói với Diệp Thiên Thiều rằng: "Đạo đức của ngươi đã hoàn chỉnh, cảnh giới cũng đã được đề cao. Từ nay, ngươi ở nhân gian hành Thần sự, để tích lũy công đức. Hôm nay sẽ có các vị Thần từ trên Trời xuống, ngươi có thể nhìn thấy họ, không phải lo sợ”.

Người mặc áo trắng nói xong liền biến mất. Vì vậy, Diệp Thiên Thiều bắt đầu thắp hương ngồi thiền, chờ đợi các vị Thần giáng lâm.

Không lâu sau, chỉ thấy một vị Tiên quan mặc áo đỏ cưỡi mây đi đến, theo sau là hơn chục vị Thần tướng, tất cả đều đeo gươm thần và bùa rồng, hổ. Nhìn xung quanh, có rất nhiều binh tốt và tùy tùng theo phía sau. Lúc này, hai vị Tiên quan mặc áo xanh vàng cầm trong tay một quyển sách đến. Tất cả các Thiên binh Thần tướng xếp hàng cúi đầu bái lễ Diệp Thiên Thiều.

Sau đó, vị Tiên quan mặc áo đỏ nói với Diệp Thiên Thiều rằng: “Thiên Đế đã ra lệnh cho ta giao quyển sách này cho ngươi, để ngươi có thể sai những vị Thiên binh Thiên tướng đi cứu giúp dân chúng, tế thế an dân".

Diệp Thiên Thiều cúi đầu bái nhận quyển sách, và mở ra xem, phát hiện cuốn binh thư ghi chép chi tiết, tên tuổi các binh lính, tướng lĩnh y như ở nhân gian. Diệp Thiên Thiều có thể dùng quyển sách này để sai khiến Thiên binh Thiên tướng.

Kể từ đó, Diệp Thiên Thiều có thể hô mưa gọi gió. Huýt sáo một tiếng, núi rừng liền nổi gió mây tuôn; than thở một tiếng, nước mưa chảy qua các đồng quê ruộng đồng; dùng chân giẫm xuống đất liền nổi sấm đùng đùng; dùng tay vẽ lên không trung ở chân trời liền có tia chớp quét qua.


Diệp Thiên Thiều huýt sáo một tiếng, núi rừng liền nổi gió mây tuôn. Bức tranh "Giang thôn phong vũ đồ" của Lữ Văn Anh nhà Minh. (Phạm vi công cộng)

Diệp Thiên Thiều mang theo sứ mệnh xuống núi, vân du tứ xứ, trông như người điên, thường xuyên say sưa lang thang khắp các con phố, ngõ hẻm. Nhưng khi phát hiện nơi nào có tai họa ập tới, Diệp Thiên Thiều đột nhiên thanh tỉnh, sau đó vừa chạy vừa hô. Có người khó hiểu hỏi ông có chuyện gì. Ông đáp: “Có hỏa hoạn, hạn hán ở nơi nào đó, muốn cho mưa đến để cứu dân ở đó”.

Rất nhiều người nghe rồi không tin, nhưng sau khi họ nghiệm chứng, phát hiện lời nói Diệp Thiên Thiều đều là thật.

Kể từ đó, tiếng tăm của Diệp Thiên Thiều vang xa lan rộng. Một số quận huyện gặp hạn hán, Diệp Thiên Thiều tình cờ đi ngang qua, người của quận huyện liền mời ông đến cầu mưa. Mỗi lần, ông đặt bàn hương hướng về trời cầu khấn, địa phương nơi đó rất nhanh đã có mưa. Ở một số quận huyện, trời mưa quanh năm, và bầu trời lúc nào cũng không nắng, sau khi Diệp Thiên Thiều làm phép, trời quang mây tạnh ngay.

Khi ai đó muốn nghe tiếng sấm, ông dùng chân giẫm lên mặt đất. Một lúc sau, từ dưới đất vang lên tiếng sấm. Vào mùa đông, Diệp Thiên Thiều cầu tuyết cho những khu vực hanh khô. Ông chỉ mặc một chiếc áo mỏng và đứng chân trần dưới nắng, to tiếng tụng niệm. Niệm được một lúc, chân trời bắt đầu gió giục mây vần, bông tuyết bay lả tả.

Đôi khi, ông dùng bùa chú để chữa bệnh cho dân. Nhìn mọi người đau đớn vì bệnh tật, ông luôn chạnh lòng. Không đợi người bệnh tìm đến, ông đã đến tận nơi khám. Rất thần kỳ là một số người bị ma quỷ ám, người bệnh nằm trên giường không dậy được chỉ cần nghe đến tên Diệp Thiên Thiều, lập tức khỏi ngay không cần đến thuốc. Nếu người bệnh có được tấm bùa của Diệp Thiên Thiều, căn bệnh ma quái của người bệnh sẽ không bao giờ tái phát.

Vào năm Hàm Thông thứ mười một (năm 870), Diệp Thiên Thiều đến Hào Châu. Vừa đến liền nghe tin Thứ sử trúng gió, rất nhiều danh y nổi tiếng đến vẫn không chữa được, hiện nay đã nguy hiểm đến tính mạng rồi. Vì vậy, Diệp Thiên Thiều liền vội đến nhà Thứ sử, viết ba lá bùa, dán lên vai, mặt và chân của Thứ sử, rồi nói với gia đình ông rằng: "Đừng lo lắng, phong tà trong người ông sẽ từ lòng bàn chân đi ra, ba ngày sau sẽ khỏi".

Nói xong, một luồng gió mát từ lòng bàn chân Thứ sử chạy ra. Đến ngày thứ tư, cơ thể Thứ sử hoàn toàn bình phục.

Vị Thứ sử này là một người uyên bác, ngày thường ông cũng có chí cầu Đạo. Ông từng là Thái thú ở một số nơi, và lần nào ông cũng giành được sự ủng hộ của người dân vì thực thi chính sách thiện đức. Ông nói với người đến thăm mình rằng: "Tôi có tâm hướng Đạo, dù cho có bị trúng gió, Thánh nhân cũng cảm ứng được đến cứu sống tôi. Thuật hồi sinh của Diệp Thiên Thiều có thể so với Đổng Phụng, cho thấy Đạo hạnh của ông ấy không đơn giản!

Sau đó, Thứ sử còn muốn bái Diệp Thiên Thiều làm thầy, theo học Đạo. Nhưng khi ông chuẩn bị món chay và lụa vàng hậu hĩ đi mời Diệp Thiên Thiều, ông phát hiện Diệp Thiên Thiều đã rời khỏi Hào Châu, không biết đi hướng nào.


Đến mùa đông, Diệp Thiên Thiều cầu tuyết ở khu vực hanh khô. "Sơn Thuỷ sách. Tuyết kính tương ngộ” hình của nhà Minh, Thẩm Châu. (Phạm vi công cộng)

Đạo sĩ Tào Đức Hưu giúp người hoàn hồn

Có một người tu Đạo tên là Tào Đức Hưu, luôn ẩn cư trên núi Thanh Dữ ở Đông Hải tu hành. 30 năm sau, diện mạo của ông không thay đổi chút nào. Ông thỉnh thoảng xuống núi gặp những người mắc bệnh, ông dùng bùa chú hay thuốc thang để chữa trị, lần nào cũng hiệu nghiệm. Một gia đình có một cô con gái ngoài hai mươi tuổi sắp lấy chồng. Nhưng một ngày nọ, cô gái đột nhiên mắc một căn bệnh lạ, như bị quỷ ám, luôn hôn mê bất tỉnh. Gia đình đã cho cô uống rất nhiều thuốc thang, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, bệnh tình ngày càng nặng hơn.

Cha cô đã tìm đến Tào Đức Hưu, và trình bày chi tiết về tình trạng của con gái. Tào Đức Hưu nghe xong liền hỏi: “Tôi thấy quả núi cạnh nhà ông có 1 con suối nhỏ, ở đó có cái hang ở đầm nước phải không?”

Cha cô gái đáp: “Có”.

Tào Đức Hưu nói: "Hôm Đạp Thanh (Thanh Minh), con gái của ông đi dạo bên bờ suối, cô ấy bị con giao long trong đầm nước để mắt. Giao long đã lấy đi linh hồn cô ấy, nên cô không tỉnh lại được. Bây giờ tôi sẽ cho ông một lá bùa, ông lấy lá bùa này ném vào trong hang ở đầm nước của con giao long, rất nhanh sẽ có công hiệu".

Cha cô gái nghe lời liền lấy lá bùa đến bên hang đầm lầy. Ngay sau khi lá bùa được ném vào, nước trong đầm quay cuồng dữ dội tạo ra một tiếng động lớn. Một lúc sau, một con giao long màu đen dài khoảng 2 trượng (khoảng 6 mét) trồi lên khỏi đầm lầy, chỉ thấy đầu nó bị tách ra, vì chảy quá nhiều máu nên đã chết.

Khi cha của cô gái trở về nhà, ông nhìn thấy con gái mình đang đứng trước mặt ông với thần thái ổn định, và cơ thể của cô đã hoàn toàn bình phục. Ông nhanh chóng chuẩn bị một món quà hậu hĩnh đi tìm Tào Đức Hưu, nhưng Tào Đức Hưu nhất quyết không nhận.

Tào Đức Hưu nói với mọi người: "Nếu trong gia đình có người ốm đau đến gặp tôi lấy bùa và thuốc thang, thì không cần chuẩn bị vàng bạc, lụa vàng, chỉ cần vẽ một con cá đặt trong khay và mang theo một ấm rượu, người bệnh của gia đình đó tự nhiên sẽ khỏi”. Người dân địa phương làm theo lời ông nói, tất cả đều hiệu nghiệm.

Một ngày nọ, Tào Đức Hưu nói với một người: "Tôi phải đi tu hành ở động Thiên Bảo, Tây Sơn, không thể lưu lại đây lâu được. Trước khi đi, tôi phải nói cho ông biết trước, vào mùa xuân năm sau sẽ xuất hiện bệnh dịch trâu bò ở đây, và tôi sẽ để lại một cái tên, đến lúc đó ông viết ra cho mọi người và dán nó lên sừng con trâu".

Đến mùa xuân năm sau, quả nhiên bệnh dịch trâu bò xuất hiện. Những con trâu sớm được dán tên thì không sao, những con trâu không được dán tên đều chết. Bách tính rất nhớ Tào Đức Hưu, nhưng họ không bao giờ được gặp lại ông.


Những con trâu sớm được dán tên thì không sao, lúc đó những con trâu không được gián tên đều chết. Bức tranh thể hiện một phần "Hình ảnh chăn bò" thời nhà Minh. (Phạm vi công cộng)

Đạo sĩ Từ Điếu Giả có Tiên dược và sở trường câu cá

Một người tu Đạo họ Từ tự xưng mình là người Bồng Lai ở Đông Hải, dung nhan của ông chưa từng thay đổi. Ông học vấn sâu rộng, kinh, sử, tử, tập đều đọc rất nhiều. Khi trò chuyện với mọi người, ông luôn có thể xuất khẩu thành thơ. Câu ông thường tụng niệm nhất là:

Từng thấy cầu đá Tần Thủy Hoàng
Thần Biển thủy triều dâng vội vàng
Bồng Lai cách biển tuy khó đến
Lên thẳng Tam Thanh chẳng xa xăm

Ông thích chèo thuyền câu cá trên sông, và những người quen biết đã gọi ông là "Từ Điếu Giả". Ông từng ngồi trên một chiếc thuyền con và chèo dọc theo sông Dương Tử, An Huy, và 5 con sông ở Giang Tô. Mỗi lần câu được cá, ông đều chở ra thị trấn ven sông đổi lấy rượu. Một số người thấy ông không bao giờ ra về tay không, họ nói đùa với ông rằng, ông phải câu được con số theo quy định. Kết quả là lần nào ông cũng bắt đủ con số quy định. Mọi người đều kinh ngạc, nghĩ rằng ông không phải là người phàm.

Khi Từ Điếu Giả ra ngoài, ông luôn móc một chiếc hồ lô ngang lưng. Khi gặp người ốm, ông liền lấy ra những viên thuốc từ trong hồ lô. Một viên thuốc trông giống như một hạt thóc, nhưng không phải để uống, mà dùng rượu để trộn điều viên thuốc nhão ra rồi bôi lên ở giữa tim và bụng người bệnh. Mỗi lần, người bệnh được bôi thuốc xong, bệnh liền hết.

Có người hỏi ông liệu thuốc có uống được không. Ông nói có thể, nhưng uống xong thuốc thì không muốn ăn cơm nữa. Rất nhiều người tu Đạo đều tìm đến ông xin thuốc, chỉ uống một viên thuốc, 10 năm liền không ăn cơm. Những người này có nước da hồng hào, tóc và răng khỏe mạnh, sống đến tám mươi hoặc chín mươi tuổi.

Sau đó, một số ngư dân nhìn thấy ông trên sông, muốn chèo thuyền tiếp cận ông, nhưng họ không thể bắt kịp. Thuyền của ông ở dưới nước đi nhanh như đang bay, và nhanh chóng biến mất.

(Nguồn: Tục Tiên truyện)

Thuần Chân
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Dùng tiên thuật tiên dược trị bệnh: 3 Đạo sĩ cuối đời Đường đều có thần thông