Trước những sự việc phải - trái, thiện - ác rõ ràng thì không thể đứng trung lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đời luôn có những thái cực đối lập. Đứng trước một sự việc, có người chọn bên trái, người chọn bên phải, người chọn trung lập. Tuy nhiên có những sự việc không cho phép trung lập, như trước sự lựa chọn giữa Thiện - ác, Chính - tà...

Hoàng đế Khang Hy (1654 - 1722) triều Thanh tại vị 61 năm, là hoàng đế có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Khang Hy trí dũng song toàn, hùng tài đại lược, sự nghiệp một đời rạng rỡ, khai mở thời thịnh thế: Khang - Ung - Càn. Có một câu chuyện của Khang Hy được người đời truyền tụng rộng rãi, đó là năm ông 16 tuổi, đã dùng mưu trí bắt sống quyền thần Ngao Bái. Nhưng sau khi bè đảng của Ngao Bái đã bị bắt và chịu sự trừng phạt của pháp luật, thì người đầu tiên bị Khang Hy xử lý lại là Át Tất Long - một đại thần phụ chính quyền cao chức trọng khác. Tại sao lại như vậy?

Chuyện kể rằng: trước đó Hoàng đế Thuận Trị qua đời sớm, theo di chiếu của Thuận Trị, hoàng tử thứ 3 là Huyền Diệp (tức Khang Hy sau này) khi đó mới 8 tuổi kế vị. Bốn vị đại thần là Sách Ni, Át Tất Long, Tô Khắc Tát Cáp và Ngao Bái cùng phụ chính. Ban đầu Ngao Bái có địa vị thấp nhất trong 4 vị đại thần phụ chính nhưng lại ngang ngược, bá đạo, kết bè đảng mưu lợi cá nhân, tích lũy thực lực, nắm quyền quân đội, thế nên dần dần ông ta đã leo lên vị trí lãnh đạo.

Năm Khang Hy thứ 3, Ngao Bái bày đặt thêu dệt tội danh rồi sát hại cả nhà đại thần Phí Dương Cổ. Sau đó Ngao Bái lại thèm thuồng đất phong của Chính Bạch Kỳ, muốn cưỡng chế khoanh vùng chiếm đất. Việc này không chỉ bị đại thần phụ chính Tô Khắc Tát Cáp không đồng ý, mà còn bị ba đại thần khác là: Thượng thư Bộ Lễ Tô Nạp Hải, Tổng đốc trực thuộc Chu Xương Tộ, Tuần phủ Vương Đăng liên kết dâng sớ phản đối. Về sau, Ngao Bái lại tạo dựng tội danh rồi sát hại ba vị đại thần này.

Năm Khang Hy thứ 6, vua Khang Hy vừa tròn 14 tuổi bắt đầu đích thân chấp chính. Trong năm đó, đại thần Sách Ni bị bệnh qua đời, đại thần đứng thứ 2 là Tô Khắc Tát Cáp dâng sớ xin từ chức, Ngao Bái lo lắng sẽ bị mất địa vị đại thần phụ chính, cộng thêm việc khoanh vùng chiếm đất trước đây bị cản trở, khiến ông ta nảy sinh hiềm khích với Tô Khắc Tát Cáp. Bởi vậy Ngao Bái bèn liệt kê ra 24 tội trạng vu oan giá họa cho Tô Khắc Tát Cáp, sau đó dâng tấu ép Khang Hy xử tử họ Tô, nhưng Khang Hy không chuẩn tấu. Cuối cùng Ngao Bái tự ý hành động, làm giả chiếu chỉ rồi giết Tô Khắc Tát Cáp.

Ngao Bái có địa vị thấp nhất trong 4 vị đại thần phụ chính nhưng lại ngang ngược, bá đạo, kết bè đảng mưu lợi cá nhân, tích lũy thực lực, nắm quyền quân đội, thế nên dần dần ông ta đã leo lên vị trí lãnh đạo.
Ngao Bái có địa vị thấp nhất trong 4 vị đại thần phụ chính nhưng lại ngang ngược, bá đạo, kết bè đảng mưu lợi cá nhân, tích lũy thực lực, nắm quyền quân đội, thế nên dần dần ông ta đã leo lên vị trí lãnh đạo. (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi Tô Khắc Tát Cáp chết, Ngao Bái tùy tiện bổ nhiệm con cháu, thân tín của ông ta làm quan. Ở nhà bàn chính sự xong, không thỉnh mệnh hoàng đế mà tự ý thi hành. Hắn cùng bè đảng là Ban Bố Nhĩ Thiện, Mã Nhĩ Tái, A Tư Cáp... đã tùy tiện mắng chửi quan lại, công kích những người không phục tùng bọn chúng, thậm chí còn thỉnh cầu cấm các gián quan dâng tấu. Các đại thần trong triều hận mà không ai dám nói ra, không ai có thể đối chọi với hắn được.

Trước Phải trái, Thiện ác thì không có vị trí trung lập

Đương thời trong triều chỉ có Át Tất Long là có địa vị có thể đối kháng được với Ngao Bái. Át Tất Long chỉ xếp sau Ngũ đại công thần khai quốc triều Thanh. Thuở đầu, Át Tất Long theo Thanh Thái Tông - Hoàng Thái Cực chinh chiến giành được nhiều chiến công, lại chiến thắng trong các chiến dịch Kế Châu, Sơn Đông, Hạ Tân, được ban chức thế tập. Sau khi Thuận Trị kế vị, Át Tất Long theo quân Thanh tấn công Vũ Xương, giết chết cháu của Lý Tự Thành là Lý Cẩm. Do liên tiếp lập được chiến công nên Át Tất Long được ban chức đại thần nghị chính, lãnh thị vệ nội đại thần, thống soái cấm quân trong hoàng cung.

Ban đầu hoàng đế Thuận Trị sắp xếp Át Tất Long làm đại thần phụ chính, mục đích là khắc chế và quân bằng Ngao Bái đang nắm quyền quân đội, nên địa vị của ông ta đứng trên Ngao Bái. Nhưng Át Tất Long không hề khuyên ngăn những việc làm của Ngao Bái, cũng chưa từng dâng tấu hạch tội, thậm chí một số chính sách còn đồng thanh phụ họa Ngao Bái. Sau khi Khang Hy chấp chính, còn đặc biệt phong cho Át Tất Long là Nhất đẳng công, gia phong chức vụ Thái sư. Lúc này Át Tất Long có thể coi là người có quyền cao tột bậc trong quần thần, nhưng ông ta vẫn không ho he gì trước việc ác của Ngao Bái, cũng không biểu lộ thái độ ủng hộ hoàng đế Khang Hy, mà lại giữ thái độ trung lập.

Đến năm Khang Hy thứ 8, hoàng đế Khang Hy tròn 16 tuổi đã quyết định trừ khử bè đảng Ngao Bái. Khang Hy chọn các thị vệ thiếu niên cường tráng vào cung, nói là để học đấu vật, thực tế là ngầm luyện võ. Khi Ngao Bái vào hoàng cung tấu quốc sự, thấy Khang Hy và các thiếu niên chơi trò đấu vật, chỉ coi là vua tuổi thiếu niên ham chơi, trong lòng không hề có ý đề phòng.

Đến tháng 5, Khang Hy mệnh cho các thị vệ thiếu niên rằng: khi Ngao Bái vào cung, thừa lúc hắn không chuẩn bị thì bắt lấy. Ngao Bái tuy võ công cao cường nhưng một mình không chống được số đông, đành chịu thúc thủ. Khang Hy liền phái quân đi bắt bè đảng Ngao Bái, đồng thời liệt ra 30 đại tội và chuẩn bị xử tử. Sau niệm tình Ngao Bái là cựu thần có công lao nên đã đổi tử hình thành cách chức và giam tù, tịch thu gia sản.

Chân dung Hoàng đế Khang Hy lúc còn trẻ.
Chân dung Hoàng đế Khang Hy lúc còn trẻ. (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi Ngao Bái bị bắt, Khang Hy cho rằng Át Tất Long biết rõ việc ác của Ngao Bái mà ngậm miệng không nói, chỉ muốn tốt cho riêng mình, đã phụ trách nhiệm ủy thác của hoàng đế hai triều, cần bắt chờ xét xử. Thế là vua lại sai quân đi bắt Át Tất Long.

Khang Thân Vương Kiệt Thư sau khi tiếp thụ lệnh điều tra đã liệt kê 20 tội danh hạch tội Át Tất Long. Trong khi thẩm vấn, ông ta không những không hối cải, trái lại còn nói năng hàm hồ, đùn đẩy trách nhiệm. Khang Thân Vương cho rằng: Ngao Bái sở dĩ phạm tội lớn, có nguyên nhân chủ yếu là sự im lặng của Át Tất Long. Át Tất Long thấy Ngao Bái tùy tiện sát hại rất nhiều đại thần mà không khuyên ngăn, đối diện với Thiện - ác, Chính - tà lại ngậm miệng im lặng, rõ ràng là đã dung túng, làm tăng sức mạnh cho tà ác.

Khang Thân Vương cho rằng, Át Tất Long ngậm miệng trước Ngao Bái, vô lễ với hoàng đế, không phục tùng dụ lệnh, lừa dối làm hỏng quốc sự... Khi thẩm vấn, ông ta lại không trả lời trung thực, tội rất lớn, cần lập tức cách chức và đề nghị xử tử.

Nhưng Khang Hy niệm tình ông ta có nhiều công tích, là hậu duệ của khai quốc công thần, vì vậy chỉ cách chức và tống giam vào đại lao. Một năm sau, Khang Hy xét thấy ông ta tuổi tác đã cao, hơn nữa thực chất cũng không kết bè đảng với Ngao Bái, thế là phóng thích và cho ông ta đảm đương chức vụ túc vệ. Không lâu sau, Át Tất Long mắc bệnh qua đời. Kết cục của Át Tất Long cũng chẳng tốt hơn Ngao Bái chết trong lao ngục là bao nhiêu.

Nhìn lại cả cuộc đời Át Tất Long, ông ta là người kiêu hùng thiện chiến, đã làm đại thần qua 3 triều hoàng đế, nếu chế ngự, quân bình Ngao Bái, khởi binh cần vương, thì có thể trở thành danh thần lương tướng một đời, tiếng thơm lưu truyền thiên cổ. Đáng tiếc là ông ta lựa chọn đứng ngoài sự việc, ngậm miệng không nói, cuối cùng u uất mà chết. Việc này cũng nghiệm chứng cho câu nói của nhà thơ người Ý Dante: "Nơi nóng bỏng nhất trong địa ngục chính là giành cho những người giữ vị trí trung lập khi xuất hiện nguy cơ đạo đức lớn".

Vậy nên mới nói: Trước Phải - trái, Thiện - ác lớn thì không có vị trí trung lập.

Hoàng Mai (biên dịch).
Theo Nghênh Nhạc - epochtimes.com

Nguồn tham khảo:
- Thanh sử cảo
- Khang Hy triều thực lục

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Trước những sự việc phải - trái, thiện - ác rõ ràng thì không thể đứng trung lập