Đường Huyền Tông du ngoạn Cung Trăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện một vị hoàng đế đời Đường đã đến thăm Nguyệt Cung không chỉ được miêu tả bằng lời, mà còn được thể hiện ở những bức tranh đầy màu sắc của các hành lang trong Di Hòa Viên. Vào năm 2013, Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã sáng tác vở vũ kịch "Đường Huyền Tông Du ngoạn Cung Trăng", tái hiện đoạn lịch sử này.

Thời Khai Nguyên, vào một đêm Trung Thu, Đường Minh Hoàng cầm bình rượu, nhìn bầu trời đêm, một mình uống rượu dưới ánh trăng. Ông rượu say mơ màng, đột nhiên chìm vào giấc mơ. Lúc này, một nhóm các Tiên nữ bay đến và nhảy múa duyên dáng trong khu vườn Thượng uyển của Hoàng cung. Trong số đó, một vị Tiên Nga trong trang phục màu hồng đã "đánh thức" Huyền Tông, mời ông đến thăm Cung Trăng. Vì vậy, Thiên tử Đại Đường đã đến Cung Quảng Hàn, thưởng thức âm nhạc và vũ đạo Thần Tiên siêu phàm thoát tục...

Giấc mơ biến mất, Hoàng đế nhìn chằm chằm vào bầu trời đêm, hồi tưởng về chuyến thần du tuyệt diệu và ngắn ngủi.

Giai thoại này đã được ghi lại bằng văn bản từ giữa thời nhà Đường, và có các phiên bản khác nhau, nhưng chủ đề là một. Tỉnh An Huy cũng khai quật được một chiếc gương đồng “Đường Vương du Nguyệt cung" chế tác vào thời nhà Tống. Chiếc gương được chạm khắc cung điện, cây quế to cao, người đàn ông mặc áo bào, đội mũ miện cao, và các Tiên nữ nghênh đón khách, mô tả sinh động chuyến thăm của Hoàng đế chốn nhân gian đến cung Quảng Hàn cõi thanh hư.

Hoàng đế Huyền Tông triều đại nhà Đường tôn sùng Phật giáo và Đạo giáo, 30 năm dưới sự trị vì của ông là thời kỳ đỉnh cao của nhà Đường. Ông cũng là người đa tài, đặc biệt là giỏi âm luật, thích chơi đàn tỳ bà và trống Yết cổ, vì vậy ông được gọi là "Hoàng đế nhạc sĩ". Vũ khúc nổi tiếng nhất thời Đường, "Nghê thường vũ y khúc", là do Huyền Tông nhớ lại khúc nhạc Tiên mà ông đã nghe trên Cung Trăng và sáng tác ra. Ông đã soạn nhạc và biên đạo, đồng thời đích thân dạy các đệ tử Lê viên (tên gọi những nghệ sĩ thời Huyền Tông) diễn tấu. Thật đáng tiếc cả vũ điệu và khúc nhạc đã bị thất truyền.

Nhà thơ nổi tiếng Nguyên Chẩn và Bạch Cư Dị đều có những bài thơ ca ngợi cảnh tượng biểu diễn “Nghê thường vũ y khúc”. Đặc biệt là bài thơ “Nghê thường vũ y ca hòa vi chi” của Hương Sơn Cư sĩ (tức Bạch Cư Dị) đã thuật lại và khắc họa tinh tế về các phương diện như kết cấu, khúc điệu, trang phục, điệu múa, để lại ấn chứng quý báu cho đời sau.

Bài thơ viết: "Án tiền vũ giả nhan như ngọc, bất trước nhân gian tục y phục. Hồng thường hà bí bộ dao quan, điền anh lũy lũy bội san san"

Tạm dịch: “Trước án vũ nữ nhan như ngọc, không phải y phục chốn nhân gian. Xiêm y ráng mây rung rinh mũ, ngọc ngà trang sức tiếng leng keng”.

Thi nhân ca ngợi: “Thiên ca vạn vũ bất khả sổ, tựu trung tối ái Nghê thường vũ”.

Tạm dịch: “Ngàn ca vạn múa không đếm xuể, tựu trung yêu nhất múa Nghê thường”.

Những giai điệu đẹp đẽ, những vũ điệu tao nhã đến từ cõi Trời và Tiên giới, giờ đây đang tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu Shen Yun, mỹ diệu không thể diễn tả bằng lời.

Vũ đạo, nhạc nền, trang phục và bối cảnh trong các tác phẩm của Shen Yun đều bộc lộ một bầu không khí Thần Tiên thanh tao, vừa huyền ảo vừa chân thực, vô cùng hấp dẫn. Tiếng chiêng mở màn, dưới bầu trời đêm xanh thẳm, vị Hoàng đế áo vàng nâng chén hỏi trăng. Tiếng kèn đồng trầm trầm làm nổi bật sự sang trọng và bí ẩn của cung điện, tiếng tỳ bà, sáo và tiếng đàn du dương huyền bí hòa quyện vào nhau, tạo nên một bầu không khí nhẹ nhàng và huyền diệu. Các Tiên nữ mặc y phục màu nhạt, tà váy bay bay, tinh khiết.

Phông nền động sáng tạo đặc biệt của Shen Yun là phần mở rộng của sân khấu, từ thành Trường An đến cung Quảng Hàn, sự thay đổi của khung cảnh dẫn khán giả du hành xuyên thời gian và không gian, mở rộng tầm nhìn, mở rộng tư duy và tâm cảnh. Xem trực tuyến đã thấy chấn động rồi, nếu được trực tiếp đến nhà hát xem thì sẽ kinh ngạc biết nhường nào!

Một người xem đã để lại lời nhắn trên trang web "Shen Yun Zuo Pin" và nói: "Tôi rất thích xem điệu múa này, và đã hiểu nguồn gốc của “Nghê thường vũ y khúc”. Văn hóa Thần truyền đã mở ra con đường truyền thống, mọi người thiện lương. Shen Yun đã nói với mọi người về lịch sử huy hoàng của nền văn hóa thịnh vượng thực sự của triều Đường".

Đường Huyền Tông du ngoạn Cung Trăng - Tranh màu ở hành lang Di Hòa Viên. (Wikipedia)

“Người nay đâu thấy Trăng xưa; Trăng nay soi tỏ Người xưa đã từng” (Lý Bạch “Bả tửu vấn nguyệt” - Lão Nông dịch thơ). Trăng là một yếu tố quan trọng trong văn hóa truyền thống phương Đông, và nó cũng là hình ảnh chính thường xuyên xuất hiện trong văn học cổ đại. Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, là một trong những lễ hội tiêu biểu thưởng trăng và ăn bánh trung thu. Hàng nghìn năm qua, những lời thơ ca ngợi vầng trăng phản ánh suy nghĩ của người xưa về cuộc sống, và khao khát về một không gian khác.

Ngày nay, đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun khôi phục phong cách và diện mạo của thời đại thịnh thế với vũ điệu và âm nhạc sáng tạo phi thường, diễn giải truyền thuyết về các vị hoàng đế và truyền cảm hứng cho mọi người bước vào những khám phá mới và trời đất mới.

Tác giả Cao Thiên Vận - NTDTV

Hoàng Mai biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đường Huyền Tông du ngoạn Cung Trăng