Đường Tăng từng gặp cao nhân ngày đi vạn dặm vừa thần vừa điên

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong “Tây Du Ký”, Đường Tăng có một đồ đệ rất thần thông quảng đại tên là Tôn Ngộ Không, vừa có 72 phép biến hóa lại có khả năng thân hành vạn lý, dùng phép cân đẩu vân có thể đi xa 10 vạn 8 nghìn dặm. Vậy trong hiện thực, liệu có người có khả năng đi xa vạn dặm như thế hay không?

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Bạn có thể cho rằng thần thông chỉ là câu chuyện thần thoại. Nhưng trong lịch sử, Đường Tăng thực sự đã gặp một vị cao nhân có năng lực ngày đi vạn dặm, hơn nữa còn rất giống Tế Công, vừa thần thông lại vừa khùng vừa điên. Câu chuyện về vị cao nhân này được ghi chép trong nhiều bộ chính sử của Phật giáo, trong đó có “Tống cao tăng truyện” và “Thần tăng truyện”.

Cậu bé ngốc nghếch

Theo ghi chép trong “Hộ Pháp luận” và “Tam giáo nguyên lưu sưu Thần đại toàn”, vị cao nhân này tên là Vạn Hồi, sinh ngày 5 tháng 5 năm Trinh Quán thứ 6 (năm 632) thời nhà Đường. Ông vốn là người họ Trương, quê ở Văn Hương, Quắc Châu (nay là huyện Linh Bảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).

Tương truyền, Vạn Hồi là đứa con cầu tự, mẹ ông từng cầu khấn trước tượng Quan Âm rồi mới mang thai. Nhưng đứa trẻ sinh ra lại ngốc nghếch khù khờ, đầu óc không lanh lợi, mãi đến 8, 9 tuổi mới biết nói.

Nếu cậu bé chỉ khờ khạo thì còn đỡ, đằng này lại điên điên khùng khùng, cả ngày cứ chạy đông chạy tây, lúc khóc lúc cười. Cha mẹ cậu thấy vậy chỉ biết thở dài ngao ngán, không còn hy vọng vào đứa con ngốc nghếch này, đành nuôi cậu như nuôi lợn con cún con trong nhà. Cậu bé thường xuyên bị những đứa trẻ hàng xóm bắt nạt, nhưng cậu lại không bao giờ phản kháng lại.

Đáng nói là, cậu bé rất thuần phác thiện lương, đối xử với mọi người rất chân thành, không phân biệt giàu nghèo hay đẹp xấu, với ai cũng đối đãi như nhau. Cậu bé rất hiếm khi nói chuyện với người khác, nhưng nhiều lúc lại tự lẩm bẩm như thể đang chuyện trò với chính mình, hơn nữa còn gọi bản thân là “Vạn Hồi”. Do đó, mọi người liền gọi cậu là Vạn Hồi.

Khi Vạn Hồi lớn hơn một chút, cậu nghe lời cha đi cày ruộng. Cậu cày một luống, thẳng một mạch về phía trước mà không biết quay lại, miệng liên tục nói “bình đẳng, bình đẳng”, chỉ cày một luống mà đi xa mấy chục dặm, mãi cho đến khi gặp con hào dẫn nước thì mới chịu dừng lại. Cha cậu tức giận bèn giơ gậy lên đánh, vậy mà Vạn Hồi vẫn hùng hồn hỏi lại: “Chỗ nào cũng đều phải cày, sao cứ phải phân biệt đây với đó?”.

Cha cậu thấy thực sự không còn cách nào dạy đứa con ngốc nghếch này, ông bèn mắng: “Nhà ngươi lại còn lý do lý trấu! Thôi, về nhà đi! Dù sao ta cũng chẳng thể cày cái ruộng này được nữa rồi”.

Ngày đi vạn dặm

Khi Vạn Hồi 10 tuổi, anh trai của cậu đến An Tây Đô Hộ phủ (tên của một tổ chức quân sự và chính trị thời nhà Đường, cai quản bốn trấn của An Tây) làm lính biên phòng. Đường sá xa xôi cách trở, năm rộng tháng dài, cha mẹ cậu ở nhà mong ngóng tin tức của con nhưng vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín.

Cha mẹ cậu vô cùng lo lắng, trong lòng thấp thỏm không yên: "Phải chăng con ta đã tử trận trên sa trường?". Càng nghĩ lòng càng thắt lại, đến mức hai hàng nước mắt đầm đìa, suốt ngày khóc lóc nỉ non. Hôm ấy, cha mẹ Vạn Hồi bày lễ chay cầu phúc cho con trai, lễ chưa xong mà nước mắt lại ròng ròng đẫm mặt.

Vạn Hồi thấy cha mẹ thương nhớ anh trai mình như thế, bèn nói: “Muốn biết anh trai có bình an hay không thì có khó gì, con sẽ đi thăm anh một chuyến, cha mẹ đừng quá lo lắng nữa”. Nói rồi, cậu liền gói ghém đồ ăn chay và các cúng phẩm rồi bước ra khỏi cửa.

Khi cha mẹ vẫn chưa kịp đáp lời thì Vạn Hồi đã vụt đi mất không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Cả hai không khỏi nghĩ rằng: "Trung Nguyên cách Tây Cương xa xôi vạn dặm, còn con chỉ là đứa trẻ ngốc, sao có thể tìm được anh con đây? Hơn nữa con chỉ đi bộ, trời thì cao đường thì xa, liệu còn có thể trở về được không? Cho dù có thể trở về, thì cũng không biết phải đợi đến năm nào tháng nào nữa!". Càng nghĩ, trong tâm càng lo lắng bất an…

Nào ngờ tối hôm ấy, ngoài cửa có bóng người ló vào, thì ra là Vạn Hồi đã về nhà! Thấy cha mẹ, cậu liền vái lạy rằng: “Xin song thân cứ an lòng, anh trai vẫn ổn, anh còn viết thư gửi về nhà đây”. Cha mẹ cậu mở thư ra xem, quả nhiên là bút tích của con trai cả! Hai người quá bất ngờ, vội hỏi rốt cuộc là chuyện gì, nhưng Vạn Hồi chỉ nín lặng chẳng nói chẳng rằng, cuối cùng cũng không thể biết được duyên cớ vì sao.

Sau này, anh trai cậu trở về quê nhà và kể lại với cha mẹ: "Hôm ấy Vạn Hồi đến quan ải vùng biên cương để thăm anh, cậu đã mang đến cái bánh lớn mời anh ăn, hơn nữa còn chờ anh ăn xong mới chịu rời đi".

Sau chuyện này cả thôn làng đều xôn xao bàn tán: "Đây là việc mà đứa trẻ vừa khùng vừa ngốc có thể làm được sao?"; "Lấy thần đồng nhà tôi đổi cho thằng bé ngốc nhà anh chị liệu có được không?"

Lúc ấy cha mẹ cậu chỉ cười xòa đáp lại: “Con tôi sinh ra, dẫu ngàn vàng cũng không đổi”.

Nhà Vạn Hồi cách An Tây hơn vạn dặm, cậu có thể đi về trong ngày, vạn dặm chỉ trong chớp mắt, do đó gọi cậu bằng cái tên “Vạn Hồi” quả thật chẳng sai!

Nhà Vạn Hồi cách An Tây hơn vạn dặm, cậu có thể đi về trong ngày. (Ảnh chụp video)

Gặp gỡ Đường Tăng

Khi Pháp sư Huyền Trang đến Tây Vực lấy kinh, ông từng thấy trên cây cột ở bàn thờ Phật trong chùa có câu: “Bồ Tát Vạn Hồi, biếm trích đáo Đông Thổ Văn Hương địa phương ma luyện, giáo hóa”, nghĩa là: Bồ Tát Vạn Hồi bị giáng xuống Văn Hương ở Đông Thổ để rèn luyện, giáo hóa.

Sau này, khi lấy kinh về nước, Pháp sư Huyền Trang đã đến thăm huyện Văn Hương và hỏi người dân địa phương: “Xin hỏi, ở đây có Vạn Hồi đại sư không? Xin hãy mời ngài ấy đến đây”.

Sau khi Vạn Hồi đến, Huyền Trang liền chắp tay chào rồi tặng cho ông y phục và bình bát làm lễ vật, sau đó mới rời đi. Về sau Võ Tắc Thiên biết được chuyện này, bà đã mời Vạn Hồi vào triều để xin được thỉnh giáo, nhờ ông dự đoán những sự việc trong đại. Dự đoán của Vạn Hồi mỗi lần đều rất linh nghiệm, chuẩn xác.

Dự ngôn chuẩn xác

Năm ấy, khi Trương Dịch Chi đại nhân tu tạo nhà cửa, Vạn Hồi đã chỉ vào tòa phủ và nói: “Tương tác” (將作). Mọi người nghe xong đều không hiểu là có ý gì. Chẳng bao lâu sau, Trương Dịch Chi phạm tội và bị xử tử, tòa phủ của ông ta quả nhiên được mệnh danh là "Tác": “Tương tác giam ngục chi dụng”, ý nghĩa là: Nhà của Trương Dịch Chi bị dùng như nhà ngục. Đến lúc này mọi người mới hiểu ra lời mà Vạn Hồi nói.

Vi Thứ Nhân là hoàng hậu của Đường Trung Tông, vốn là người rất có thế lực trong triều. Vạn Hồi từng nói với Vi Thứ Nhân và An Lạc công chúa rằng: “Các ngươi sẽ bị Tam Lang giết”. Về sau, Vi Thứ Nhân vì lo sợ bị Trung Tông phế truất nên đã hạ độc Trung Tông. Bà ta chuyên quyền độc đoán, làm điều sai trái mà không chịu tỉnh ngộ, cuối cùng bị Huyền Tông xử tử, ứng nghiệm dự ngôn của Vạn Hồi năm xưa.

Khi Duệ Tông vẫn chỉ là một vị thân vương và chưa kế thừa hoàng vị, ông vẫn thường đi du ngoạn chốn dân gian. Mỗi lần như vậy, Vạn Hồi lại đứng ở giao lộ và những nơi có nhiều người qua lại rồi hô lớn lên rằng: “Thiên tử sắp đến!”. Quả nhiên chỉ trong vòng một, hai ngày, Duệ Tông đã ghé qua nơi ấy. Sau này đúng như lời Vạn Hồi tiên đoán, Duệ Tông được lập làm hoàng đế.

Thái tử Huệ Trang là con trai thứ hai của Duệ Tông. Võ Tắc Thiên nhờ Vạn Hồi xem tướng cho thái tử, Vạn Hồi nói: “Đứa trẻ này vốn là cây đại thụ tinh ở Tây Vực chuyển thế, xin thái hậu hãy chăm sóc dưỡng dục thái tử, như thế sẽ có lợi cho các huynh đệ của ngài ấy”.

Sau này, Duệ Tông sinh được Thân vương, Thân vương thân hình cao lớn, khôi ngô tuấn tú, sớm đã có phong thái của bậc đại tướng, điều này cũng ứng nghiệm với dự ngôn của Vạn Hồi.

Trong những năm Cảnh Long, Vạn Hồi thường hay ra vào cung đình cũng như dinh phủ quan lại, đồng thời cũng du hành giữa chốn dân gian. Từ những quý tộc cao quan cho đến người bình dân thấp kém, ai ai cũng đều nô nức đến thăm viếng Vạn Hồi để hỏi về mọi sự trong đời.

Thái Bình công chúa rất tin tưởng vào năng lực của Vạn Hồi, bà từng xây một tòa nhà bên cạnh dinh phủ của mình và mời Vạn Hồi đến đó. Trong những năm Cảnh Vân, Vạn Hồi đã viên tịch trong tòa nhà này. Trước lúc lâm chung, ông bảo gia nhân đi múc nước sông quê nhà cho mình. Các đệ tử đi tìm nhưng không được, Vạn Hồi nói: “Trước nhà là nước sông”. Sau đó, các đệ tử đào giếng ở đó, đột nhiên thấy có nước phun ra. Thứ nước này rất ngọt rất trong, khác hẳn thứ nước khác trong vùng. Vạn Hồi vừa uống xong liền qua đời, để lại cho hậu thế một câu chuyện truyền kỳ.

Minh Hạnh
Theo Trình Thư Ngữ - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Đường Tăng từng gặp cao nhân ngày đi vạn dặm vừa thần vừa điên