Gia Cát Lượng mới rời lều tranh đã đại thắng Xích Bích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận Xích Bích này là lấy ít thắng nhiều, lấy yếu chế mạnh, là một sự kiện lịch sử hào hùng không chỉ được giới văn học xưa miêu tả qua các bài thơ, bài văn mà còn được truyền tụng rộng rãi từ hàng nghìn năm nay, đã đi sâu vào lòng người dân. Ngoài ra, Trận Xích Bích còn đặc biệt nổi tiếng với câu chuyện đầy trí tuệ của Gia Cát Lượng.

Vào thời điểm đó, Tào Tháo đã bình định phương Bắc, đại thể cũng thống nhất Trung Nguyên, chư hầu Quan Trung cũng thuần phục Tào Tháo; tiếp đó ông bắt đầu đề ra kế hoạch viễn chinh Kinh Châu, xuống Giang Đông, và triệu tập các tướng lĩnh để thương nghị về cuộc chinh phạt phương Nam này.

Hạ Hầu Đôn đề cử: “Nghe nói gần đây Lưu bị ở Tân Dã, ngày ngày thao diễn binh lính, để trừ hậu hoạn, tốt nhất là nên tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt.”

Sau đó Tào Tháo mệnh lệnh cho Hạ Hầu Đôn làm đô đốc, và Vu Cấm, Lý Điển, Hạ Hầu Lan, Hàn Hạo làm phó tướng, chỉ huy mười vạn binh lính trực chỉ Bác Vọng thành, nhắm về Tân Dã.

Gia Cát Lượng vừa xuất lều tranh đã lập công trạng hiển hách

Lại nói về Lưu Bị, từ khi có được Gia Cát Khổng Minh, thì đôi bên đối xử với nhau hết sức tôn trọng. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị chỉ có vài nghìn quân, nên đã chiêu mộ 3.000 dân chúng Tân Dã làm dân binh, do đích thân Khổng Minh dạy trận pháp.

Vừa hay ngay dịp Tào Tháo phái Hạ Hầu Đôn dẫn 10 vạn binh thôn tính Tân Dã.

Lưu Bị hội ý với Gia Cát Lượng, sau đó Gia Cát Lượng bắt đầu triệu tập tất cả lại để điểm tướng, giao nhiệm vụ.

Gia Cát Lượng lệnh Quan Vũ đem 1.000 nhân mã mai phục Dự Sơn (Dự Châu), để quân đi tiên phong, rồi cấp tốc xuất kích khi thấy lửa hiệu. Còn Trương Phi mang theo 1.000 nhân mã mai phục trong thung lũng, nếu nhìn thấy ngọn lửa thì tấn công đồi Bác Vọng. Quan Bình và Lưu Phong đem 500 nhân mã chia làm hai nhánh đợi ở phía sau đồi Bác Vọng, một khi quân địch đến thì lập tức phóng hỏa. Lại điều Triệu Vân từ Phàn Thành về làm quân tiên phong, chỉ được bại chứ không được thắng, mục đích dẫn dụ địch vào đồi Bác Vọng. Riêng Lưu Bị mang 1.000 nhân mã làm hậu viện.

Chư tướng hành sự theo mệnh lệnh của Gia Cát Lượng, giết được vô số quân Tào, tàn binh còn lại tháo chạy tán loạn. Gia Cát Lượng mới dụng binh lần đầu, mà thần cơ diệu toán, giành được toàn thắng. Quan Vũ và Trương Phi phải phục sát đất.

Gia Cát Lượng mới dụng binh lần đầu, mà thần cơ diệu toán, giành được toàn thắng.
Gia Cát Lượng mới dụng binh lần đầu, mà thần cơ diệu toán, giành được toàn thắng. (Ảnh: Epoch Times)

Quân Tào Tháo tấn công Kinh Châu

Vào tháng 7 năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo đích thân thống lĩnh khoảng 15 đến 60 vạn đại quân từ Nghiệp Thành xuống phương Nam tấn công Kinh Châu. Lúc ấy quân đội của Lưu Biểu tổng cộng chưa tới 10 vạn người, chưa kể là dưới sự lãnh đạo của Lưu Biểu, người không tinh nhuệ quân sự, đội quân ấy chưa trải qua kinh nghiệm thực chiến trong nhiều năm, trong khi quân Tào Tháo lại vô cùng tinh nhuệ đã nam chinh bắc chiến tung hoành khắp nơi, có thể nói là chiếm ưu thế tuyệt đối. Tào Tháo áp dụng chính sách tấn công thần tốc, đại quân đi qua huyện Diệp (nay là huyện Diệp, tỉnh Hà Nam), Uyển Thành, trực chỉ Phàn Thành, Tương Dương, nhân lúc đối phương không phòng bị thì tấn công bất ngờ khiến quân địch trở tay không kịp, ra sức đánh bại lực lượng chủ lực của Kinh Châu, hoặc buộc Lưu Bị phải đầu hàng.

Tháng 8 năm 208, Lưu Biểu bệnh qua đời. Ông có hai người con trai, trưởng tử là Lưu Kỳ, tiểu tử là Lưu Tông. Lưu Biểu cử Lưu Kỳ làm Thái thú Giang Hạ, sau khi chết ông để Lưu Tông làm người kế vị lãnh đạo quân đội. Khi Lưu Biểu lâm trọng bệnh, trưởng tử Lưu Kỳ từ Giang Hạ đến thăm cha, nhưng bị giữ ở ngoài, không cho vào gặp Lưu Biểu. Sau khi Lưu Biểu mất, Lưu Kỳ định lợi dụng cơ hội tang lễ mà phát binh tấn công Lưu Tông, nhưng lúc này đại quân Tào Tháo đã áp sát biên giới.

Trong trận Quan Độ, các thuộc hạ của Lưu Biểu là Hàn Tung, Lưu Tiên, Khoái Việt đã từng khuyên Lưu Biểu quy phục Tào Tháo, nhưng Lưu Biểu không đồng ý. Lúc này, dưới tình hình đại quân Tào Tháo đang áp đảo, Khoái Việt, Phó Tốn và Vương Xán - một đại tộc sống ở Kinh Châu v.v. cùng nhiều nhân sĩ khác đã thuyết phục Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo: Bởi vì Tào Tháo cầm cờ hiệu thiên tử đến, nếu như kháng cự, thì chính là làm trái đạo bề tôi, không thuận lý; hơn nữa nếu Kinh Châu kháng cự quân Tào hùng mạnh, có thể cũng chẳng có cơ may chiến thắng; nếu lợi dụng Lưu Bị để đối kháng với Tào Tháo, thì lực lượng đôi bên chênh lệch quá lớn, cơ hội thắng cũng mong manh, không chắc chắn. Cứ cho rằng Lưu Bị đẩy lùi được Tào Tháo, ông ta cũng sẽ không cam tâm khuất phục, thay vì bị Lưu Bị kiểm soát, chi bằng sớm hàng Tào Tháo có phải hay hơn không. Vì vậy mà Lưu Tông quyết định nghênh Tào. Khi Tào Tháo đến Tân Dã, ông ta đã chấp nhận sự đầu hàng của Lưu Tông.

Lưu Tông quyết định nghênh Tào, Gia cát lượng
Lưu Tông quyết định nghênh Tào. Khi Tào Tháo đến Tân Dã, ông ta đã chấp nhận sự đầu hàng của Lưu Tông. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Lúc này, Lưu Bị đang đóng quân ở Phàn Thành, không hề hay tin quân Tào Tháo tiến đến phương Nam cũng như chuyện Lưu Tông đã đầu hàng. Cho đến khi đại quân của Tào Tháo đến Uyển Thành, thì Lưu Bị mới biết tin Lưu Tông đã quy hàng, nhưng lực lượng của Lưu Bị không đủ để kháng Tào nên đành phải nhanh chóng rút lui về Giang Lăng. Giang Lăng vốn là trị sở của Kinh Châu nên vẫn còn quân nhu được cất giữ ở đó.

Lưu Bị chỉ huy Quan Vũ dẫn thủy quân đưa hàng trăm chiến thuyền đi dọc sông Hán về phía Nam, còn quân chủ lực do đích thân Lưu Bị chỉ huy cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân và cả gia quyến rút lui theo đường bộ. Nhiều thuộc hạ của Lưu Tông và người dân Kinh Châu lánh nạn theo Lưu Bị chạy về phương Nam, khi họ đến Đương Dương (nay là phía Đông Đương Dương, Hồ Bắc) thì đội ngũ trở nên đông đúc với hơn mười vạn người, và hàng nghìn xe chở hành lý lớn nhỏ chen chúc kín cả lối đi, nên hành quân rất chậm, mỗi ngày chỉ có thể đi được 10 dặm đường.

Một số người khuyên Lưu Bị nên để lại dân chúng mà nhanh chóng đi bảo vệ Giang Lăng. Lưu Bị nói: “Muốn thành tựu đại sự phải lấy dân làm gốc, hôm nay người người quy tụ đông như thế, ta sao nỡ nhẫn tâm bỏ rơi!”

Một lý do khiến Tào Tháo muốn tấn công Kinh Châu ngay lập tức, ấy là ông ta không muốn Lưu Bị giành được chỗ đứng ở Kinh Châu. Bởi chỉ trong mấy năm ở Kinh Châu, Lưu Bị đã nhận được sự kính trọng và ủng hộ của hầu hết dân chúng nơi đây, nếu để Lưu Bị thay Lưu Biểu mà nắm Kinh Châu trong tay thì sẽ là một rắc rối không hề nhỏ cho Tào Tháo.

Tào Tháo biết có quân nhu ở Giang Lăng, sợ Lưu Bị chiếm trước, liền vội vàng đến Tương Dương, nhưng Lưu Bị đã vượt Tương Dương đến Giang Lăng rồi. Trên đường đi, Lưu Bị bảo hộ hơn 10 vạn bách tính nên tốc độ hành quân khá chậm, Tào Tháo biết được tình hình nên phái 5.000 kỵ binh tinh nhuệ truy đuổi, ngày đêm hành quân hơn 300 dặm, và bắt kịp Lưu Bị ở Tương Dương - Trường Bản.

Lưu Bị không địch lại quân Tào, đành phải bỏ lại vợ con cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi và Triệu Vân mà tháo chạy cùng vài chục quân kỵ, nhờ có Trương Phi cản hậu nên cuối cùng cũng chạy thoát khỏi quân Tào. Tuy nhiên, Lưu Bị không thể đến Giang Lăng như kế hoạch. Lưu Bị chạy rẽ sang Hán Tân, vừa hay gặp được thủy quân của Quan Vũ, qua sông Miện, hội với trưởng tử của Lưu Biểu là Lưu Kỳ, thái thú Giang Hạ, rồi cùng đến Hạ Khẩu tạm lánh (nay là Hán Khẩu).

Trên đường đi, Lưu Bị bảo hộ hơn 10 vạn bách tính nên tốc độ hành quân khá chậm
Trên đường đi, Lưu Bị bảo hộ hơn 10 vạn bách tính nên tốc độ hành quân khá chậm. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Trận Xích Bích hào hùng

Sau khi tin tức về việc Tào Tháo chinh phạt Kinh Châu và cái chết của Lưu Biểu được truyền đến Giang Đông, Lỗ Túc thỉnh Tôn Quyền phái ông đến Kinh Châu để thăm dò tình hình quân sự dưới danh nghĩa viếng tang. Khi Lỗ Túc đến Kinh Châu thì Tào Tháo đã tiến quân về phương Nam rồi. Lỗ Túc gặp Lưu Bị ở Tương Dương, và cùng nhau đến Hạ Khẩu, Lưu Bị phái Gia Cát Lượng cấp tốc theo Lỗ Túc đến Ngô quốc để bàn bạc kế sách liên minh chống Tào, đồng thời chuyển từ Hạ Khẩu đến Phàn Khẩu (nay ở phía Tây Bắc huyện Ngạc Thành, tỉnh Hồ Bắc).

Khi đó Tôn Quyền đang ở Sài Tang (nay là thành phố Cửu Giang, Giang Tây), Tôn Quyền mặc áo vải thô, tiếp sứ giả ở doanh trại dựng tạm. Gia Cát Lượng giỏi xét người, mới đến cửa đã đoán được cá tính của Tôn Quyền, nên ông dùng kế khích tướng, cường điệu uy thế của Tào Tháo và khuyên Tôn-Lưu nên liên minh với nhau, Gia Cát nói: “Dự Châu tuy mới thua, nhưng Quan Vân Trường còn thống lĩnh hàng vạn tinh binh; Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có chừng vạn quân sĩ. Quân Tào Tháo từ xa đến, tất cũng mỏi mệt; mới đây, lại đuổi Dự Châu, quân khinh kỵ đi ba trăm dặm một ngày, khác nào nỏ cứng giương lên đã đuối sức, chưa chắc bắn thủng được mảnh lụa mỏng. Vả lại người phương Bắc không quen đánh thủy; quân dân ở Kinh Châu gặp thế bí phải phục Tào, chớ không phải là tự nguyện. Nay tướng quân thật muốn đồng tâm hiệp lực với Dự Châu, thì làm gì không phá được Tào Tháo? Quân Tào mà bị phá, tất phải kéo về Bắc, thì thế Kinh, Ngô lại mạnh, mà hình thành thế chân vạc được. Cơ hội được thua, chỉ trong lúc này, xin tướng quân hãy nghĩ cho kỹ mà quyết đi!”

Tôn Quyền nghe xong những lời này của Gia Cát Lượng thì trong tâm an định một chút.
Tôn Quyền nghe xong những lời này của Gia Cát Lượng thì trong tâm an định một chút. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Tôn Quyền nghe xong những lời này của Gia Cát Lượng thì trong tâm an định một chút. Lại nói, trước khi liên minh Tôn-Lưu được thành lập, khi Tào Tháo đến Giang Lăng thì gửi thư cho Tôn Quyền, trong đó nói tới việc Tào Tháo đang thống lĩnh hơn 80 vạn binh mã và đề nghị Tôn Quyền đầu hàng. Triều thần Đông Ngô lúc này chia làm hai phe chủ hàng và chủ chiến, phe chủ hàng do Trương Chiêu đứng đầu dựa vào lý lẽ quân số vượt trội của Tào Tháo, phe chủ chiến do Chu Du, người chỉ huy quân đội của Tôn Quyền, cùng Lỗ Túc, Gia Cát Lượng lại đề nghị Tôn Quyền lập một liên minh chống Tào với Lưu Bị. Lúc này, Chu Du phân tích rằng: Con số hơn 80 vạn quân mà Tào Tháo tuyên bố chỉ là phóng đại, ông cho rằng quân số thực của Tào Tháo chỉ khoảng 15-16 vạn, số còn lại chỉ là dân phu đi theo hỗ trợ tải lương mà thôi. Trong số 15-16 vạn quân này thì phần lớn là người phương Bắc không thạo thủy chiến, số thạo thủy chiến thì phần lớn là hàng quân Kinh Châu, vốn chưa phục vụ Tào Tháo lâu dài nên không sẽ không có ý chí chiến đấu cao. Thời tiết hiện rất lạnh, ngựa không có cỏ ăn. Binh sĩ Trung Nguyên không quen thủy thổ phương Nam, sẽ sinh bệnh tật. Địch vừa mệt vừa không đồng lòng nên dẫu đông cũng không đáng sợ, chỉ cần 50 vạn binh là đủ khắc chế.

Tôn Quyền nghe Chu Du phân tích xong, nói: “Ngươi nói rất hợp ý Cô, thực là Trời đem ngươi đến cho ta vậy!” rồi chụp lấy thanh đao chém đứt góc bàn, nói: “Ai còn dám nói đến chuyện đón rước Tháo, sẽ như cái bàn này.”

Vậy là Tôn Quyền đã nghiêng về phe chủ chiến, ông cử Chu Du, Trình Phổ cùng Lỗ Túc dẫn 30 vạn binh mã ra mặt trận, liên minh với Lưu Bị chống quân Tào.

Đến đây thì hiệp định liên minh Tôn-Lưu kháng Tào đã hoàn tất. Tào Tháo từ Giang Lăng tiến về phía Đông, còn liên quân Tôn-Lưu thì đi ngược dòng lên từ Phàn Khẩu và Hạ Khẩu. Hai đội quân gặp nhau ở Xích Bích (Hồ Bắc ngày nay).

Đến đây thì hiệp định liên minh Tôn-Lưu kháng Tào đã hoàn tất.
Đến đây thì hiệp định liên minh Tôn-Lưu kháng Tào đã hoàn tất. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Chiến sĩ của quân Tào phần lớn là người phương Bắc, không hợp thổ nhưỡng phương Nam, trước khi giao chiến, dịch bệnh đã lây lan trong quân đội. Ngay khi giao chiến, quân Tào đã gặp bất lợi phải rút về Ô Lâm (phía Bắc của Trường Giang). Để giảm sự tròng trành của thuyền chiến (làm quân Tào vốn không quen với thủy chiến thường xuyên rơi vào trạng thái say sóng), Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối nhiều thuyền lại với nhau. Quan sát động thái này của Tào, tướng Hoàng Cái bên phía Đông Ngô đã kiến nghị Chu Du dùng kế trá hàng và được Chu Du tán đồng. Việc gửi thư trá hàng của Hoàng Cái lập tức được Tào Tháo tin theo. Việc trá hàng thuận lợi, Hoàng Cái chuẩn bị một đội thuyền để bơi sang đánh úp vào thuỷ trại Tào.

Thuyền chiến mạnh được mô tả như những mông xung đấu hạm, có thuyết cho rằng đó là những thuyền chiến được bọc da, theo một thuyết khác thì “mông xung” có nghĩa là “được che đậy bảo vệ để xông thẳng vào tấn công hàng ngũ thuyền địch” còn “đấu hạm” nghĩa là “có thể chở lính tham gia cận chiến”. Các mông xung đấu hạm này được chất đầy vật liệu dễ cháy cùng mồi lửa để chuyển thành hỏa thuyền.

Khi đội “hàng binh” của Hoàng Cái đến giữa sông thì các hỏa thuyền bắt đầu được châm lửa và chúng theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội của Tào. Trong điều kiện gió lớn và bị xích vào nhau, các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh mã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông.

Gia cát lượng trận xích bích
các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh mã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Trong lúc quân Tào đang hoảng hốt vì đám cháy thì liên quân Tôn-Lưu do Chu Du dẫn đầu đã chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng của Tào Tháo, buộc ông ta phải ra lệnh rút lui sau khi phá hủy một phần số thuyền chiến còn lại. Tào Tháo cùng bại binh rút lui về phía đường cái Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía Bắc hồ Động Đình. Trong điều kiện mưa nặng hạt khiến đường rút lui càng trở lên lầy lội, Tào Tháo phải ra lệnh cho binh lính, kể cả những người bị thương, vác theo các bó cỏ để lấp đường. Khó khăn cho quân Tào càng trầm trọng khi Chu Du và Lưu Bị không ngừng đuổi theo họ cho tới tận Nam Quận. Cuối cùng, thiệt hại nặng nề khiến Tào Tháo phải bỏ miền Nam rút về Nghiệp Quận. Mặc dù thất bại trận Xích Bích nhưng Tào Tháo vẫn hy vọng có thể giữ được Kinh Châu nên đã để lại Tào Hồng và Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương và Mãn Sủng giữ Đương Dương.

Liên quân Tôn-Lưu thừa thắng truy kích. Tào Nhân ở lại giữ Giang Lăng được khoảng một năm, vì quân đội đơn độc xa xôi khó tiếp tế hay chi viện nên cuối cùng cũng phải rút lui về phương Bắc. Nhưng Tào Tháo cũng đã chiếm Tương Dương và có được một vùng đất rộng lớn ở phía Bắc Kinh Châu với Tương Dương là trung tâm. Còn Tôn Quyền chiếm Giang Lăng, Hạ Khẩu, Lục Khẩu (nay là Tây Nam Gia Ngư, Hồ Bắc) và nửa miền đông của Kinh Châu. Lưu Bị có được bốn quận phía Nam của Kinh Châu làm đại bản doanh, ấy là: Vũ Lăng, Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng (nay là Hồ Nam và phía Tây Hồ Bắc). Về sau Tôn Quyền đã nhường Giang Lăng lại cho Lưu Bị. Đây là bức tranh tổng quan về quá trình chia cắt mảnh đất Kinh Châu của ba nhà Tào, Lưu và Tôn.

Sau trận Xích Bích, thu hoạch nhiều nhất lại là Lưu Bị, lực lượng trở nên hùng mạnh, thực lực gia tăng, trong 10 năm sau đó đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng từ Kinh Châu đến Tây Xuyên (Ích Châu), cuối cùng thành lập chế độ Thục Hán, đặt cơ sở đầu tiên cho cục diện thế chân vạc Tam Quốc.

Trận Xích Bích này là lấy ít thắng nhiều, lấy yếu chế mạnh, là một sự kiện lịch sử hào hùng không chỉ được giới văn học xưa miêu tả qua các bài thơ, bài văn mà còn được truyền tụng rộng rãi từ hàng nghìn năm nay, đã đi sâu vào lòng người dân. Ngoài ra, Trận Xích Bích còn đặc biệt nổi tiếng với câu chuyện đầy trí tuệ của Gia Cát Lượng.

Trận Xích Bích còn đặc biệt nổi tiếng với câu chuyện đầy trí tuệ của Gia Cát Lượng.
Trận Xích Bích còn đặc biệt nổi tiếng với câu chuyện đầy trí tuệ của Gia Cát Lượng. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Ấy là, khi đại quân Tào Tháo áp đảo biên giới, nhân tâm Đông Ngô đều dao động, đa số hy vọng được giảng hòa với Tào Tháo, điều này tạo thành trở ngại không hề nhỏ cho Lưu Bị với nguyện vọng liên minh Tôn-Lưu kháng Tào. Muốn thuyết phục được Tôn Quyền đứng về phía mình, đầu tiên cần căn cứ trên lý lẽ để tranh luận, khiến cho Tôn Quyền và bá quan văn võ phải tâm phục khẩu phục. Vì thế mới có cảnh Gia Cát Lượng khẩu chiến với cánh nho sĩ Giang Đông; về phía trên sông, cung tên là sự lựa chọn hàng đầu cho vũ khí tấn công và phòng thủ, Chu Du lo lắng về nguồn cung cấp 10 vạn mũi tên, Gia Cát Lượng ký quân lệnh và hứa sẽ giao nộp 10 vạn mũi tên nội trong ba ngày, thế là giai thoại Thuyền cỏ mượn tên ra đời; dùng hỏa công kích thủy quân Tào, gió Đông là quan trọng nhất, có thể gọi là vạn sự đủ cả, chỉ thiếu gió Đông, đây là điểm then chốt bậc nhất trong trận Xích Bích, vì vậy, sẽ không phải là khoa trương khi nói rằng: Nếu không có Gia Cát Lượng mượn gió Đông, thì mãi mãi không có được đại thắng Xích Bích của liên quân Tôn-Lưu.

Với điển tích này, về sau thi sĩ đời Đường là Đỗ Mục có một bài thơ với tiêu đề Xích Bích hoài cổ:

Tạm dịch nghĩa:

Mũi kích gãy nằm trong cát, sắt chưa mòn hết,
Tự tay mình mài rũa, đã nhận thấy dấu vết triều đại vừa qua.
Gió đông ví không thuận tiện cho chàng Chu Du,
Thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khoá chặt hai nàng Kiều.

Hay theo bản dịch thơ của học giả Phan Kế Bính:

Dưới cát gươm chìm, sắt chửa tiêu
Giũa mài nhận biết việc tiền triều
Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khóa nhị Kiều!

Cao Nguyên
Theo Epoch Times

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Gia Cát Lượng mới rời lều tranh đã đại thắng Xích Bích