Gia Cát Lượng sáu lần xuất Kỳ Sơn: Nhìn thế cục thiên hạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tam quốc chí” có ghi chép rằng, trong 7 năm cuối đời của Gia Cát Lượng, 5 lần Bắc phạt, 6 lần xuất chinh Tào Ngụy. Vào lần Bắc phạt cuối, ông đã hao tổn hết sinh mệnh, tâm lực kiệt quệ mà chết ở gò Ngũ Trượng. 

Trong lều cỏ vạch kế hoạch chia 3 thiên hạ

Ban đầu khi Lưu Bị “Tam cố mao lư” (Ba lần đến thăm lều cỏ), Gia Cát Lượng long trọng phân tích đại thế thiên hạ cho Lưu Bị, đồng thời giúp Lưu Bị chế định sách lược nhất thống thiên hạ, phục hưng nhà Hán: Trước tiên lấy Kinh Châu, sau đó chiếm Ích Châu (chủ yếu là đất Thục), cùng Tôn Quyền, Tào Tháo chia 3 thiên hạ. Sau đó giao hảo với Đông Ngô, bắc phạt Trung Nguyên.

Đông Ngô chiếm cứ Giang Nam, trong lịch sử chính quyền Giang Nam chủ yếu lấy Trường Giang làm phòng tuyến, sông Hoài làm bổ trợ. Một khi phá vỡ phòng tuyến Trường Giang, chính quyền Đông Ngô sẽ diệt vong. Đất Ích Châu ở thượng du Trường Giang, Trường Giang chảy từ đất Thục, sau khi chảy qua địa thế hiểm trở vùng Tam Hiệp, đến Kinh Châu.

Lưu Bị theo sách lược này, sau khi chiếm Kinh Châu và Ích Châu, thực lực trở lên vượt trội, việc chiếm cứ vị trí hiểm yếu trung, thượng du Trường Giang có thể nói là chặn ngang yết hầu của Đông Ngô. Sau này khi Tư Mã Viêm diệt Đông Ngô, ở Ích Châu chế tạo chiến thuyền, huấn luyện thủy quân, sau đó chiếm lấy trung, thượng du Trường Giang, thuận dòng mà đi, thủy lục cùng tiến, chiếm Nam Kinh, diệt Đông Ngô.

Gia Cát Lượng. (Tranh: zhengjian)

Quan Vũ để mất Kinh Châu phá hỏng sách lược của Gia Cát Lượng

Gần hai nghìn năm sau, chúng ta nhìn lại lịch sử, bất giác không khỏi bội phục Gia Cát Lượng trí tuệ siêu phàm, hùng tài đại lược, trong tình thế như vậy, ông chế định kế hoạch cho Lưu Bị làm người ta tấm tắc: Sau khi lấy Kinh Châu và Ích Châu, trực tiếp chiếm cứ vị trí hiểm yếu trung, thượng du Trường Giang, vừa nổi lên là đã chặn yết hầu Đông Ngô, chia ba thiên hạ.

Thục Hán như vậy đã chiếm hết phần địa lợi của Đông Ngô, làm Đông Ngô cơ hồ như con rùa trong chum vậy, bị đặt vào thế bị động. Tiếp theo là liên hiệp Đông Ngô, cùng đối phó với thế lực lớn nhất là Tào Ngụy, để phòng tránh trước sau thọ địch. Lần lượt lấy Kinh Châu và Ích Châu làm căn cứ địa, phát triển thế lực, sau đó xuất binh tiến vào Trung Nguyên và Quan Trung, bắc phạt Tào Ngụy, dần dần mở rộng phạm vi thế lực về dải Quan Trung và Trung Nguyên.

Nhưng vào thời khắc quyết định, Quan Vũ lại để mất địa bàn mấu chốt là Kinh Châu, Lưu Bị sau đó chỉ vì phục thù cho Quan Vũ mà phát binh đánh Đông Ngô, trận Di Lăng bị Lục Tốn đánh đại bại, đốt cháy doanh trại, chủ lực tổn thất. Mối liên kết bang giao này bị phá vỡ, làm nguyên khí Thục Hán tổn thương nặng, tổn thất thảm trọng, chỉ còn cách lùi về cố thủ đất Thục, lưu lại tàn cục, phương án chiến lược của Gia Cát Lượng bị phá vỡ hoàn toàn. Gia Cát Lượng đành phải sắp xếp lại sách lược trên cơ sở cờ tàn, để kéo dài khí số của Thục Hán.

Quang Công bắt Bàng Đức. (Phạm vi công cộng)

Gia Cát Lượng chơi nước cờ tàn

Sau khi Lưu Bị phó thác con cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế, Gia Cát Lượng chỉ nghỉ dưỡng sức quân trong vòng 5 năm ngắn ngủi, tiếp tục bắc phạt 5 lần. Tại sao trong tàn cục này, Gia Cát Lượng không dựa vào địa thế hiểm trở, đoạn tuyệt thông đạo, cố thủ bảo an nơi đất Thục, mà lại hao tận sinh mệnh lực 5 lần xuất chinh đánh cường địch Tào Ngụy?

Trước tiên hãy nhìn vị trí địa lý đặc thù của đất Thục, Lý Bạch từng than: “Thục đạo nan, nan ư thượng thanh thiên!” (Đường Thục khó đi, khó như lên trời vậy)

Đất Thục bốn mặt là núi cao bao bọc, chỉ có vài thông lộ ra vào, nhưng đều rất hiểm trở, dễ thủ khó công. Thông đạo phía đông đất Thục là Trường Giang, có thể thông với địa khu Giang Nam. Trường Giang sau khi chảy qua đất Thục, đi qua Tam Hiệp có địa thế cực kỳ hiểm yếu, hai bên vách đá cao vút dựng đứng, dòng chảy xiết xoáy, sau đó 200 km là đến Nghi Xương. Từ đất Thục có thể một mạch xuôi dòng đến Giang Nam, nhưng thế lực Giang Nam không thể ngược dòng qua Tam Hiệp mà tiến công đất Thục. Cho nên đất Thục chiếm lợi thế tuyệt đối với Giang Nam, trong lịch sử khi đánh Giang Nam, đều trước tiên phải lấy đất Thục, chiếm lấy trung, thượng du sông Trường Giang.

Phía bắc thông đạo đi qua dải Tần Lĩnh, địa khu Hán Trung của đất Thục bị ngăn cách với địa khu Quan Trung phía bắc bởi dãy Tần Lĩnh, nếu từ Quan Trung vượt Tần Lĩnh tới Hán Trung, tự cổ có 4 đạo lộ, hiểm trở vô cùng. Mà cho dù vượt qua Tần Lĩnh đến được Hán Trung, thì vẫn phải qua Đại Ba sơn không kém phần hiểm trở mới tới được bình nguyên. Đây chính là đạo lộ mà Lý Bạch nói “Khó như lên trời vậy”, nếu tại nơi hiểm yếu mà đặt quan ải, thì quả là một người trấn giữ vạn người khó qua. Ví dụ trong trận chiến Tư Mã Chiêu diệt Thục, Khương Duy chỉ dựa đội quân dùng kiếm mà chặn đứng 15 vạn đại quân chủ lực, làm đại quân của địch không thể tiến vào bình nguyên Thành Đô.

Ngoài ra Thành Đô là kho lương lớn của quân Thục, được gọi là Thiên phủ chi quốc, cho dù có đoạn tuyệt quan hệ với bên ngoài, thì nơi đây vẫn có thể tự cung tự cấp, vật tư dồi dào. Cho nên đất Thục rất dễ dàng hình thành lên tiểu vương quốc độc lập, dễ thủ khó công, chỉ cần thủ vững vài thông đạo, thì bên ngoài rất khó tiến nhập. Cho nên tự cổ đã lưu truyền câu nói: “Thiên hạ vị loạn Thục tiên loạn, thiên hạ dĩ trị Thục hậu trị” (Thiên hạ chưa loạn Thục đã loạn, thiên hạ đã bình trị rồi sau Thục mới yên trị).

Lực lượng bên ngoài rất khó đánh vào đất Thục, nhưng ngược lại Thục cũng khó đánh ra ngoài, địa hình đặc thù ấy giúp Thục phòng thủ kiên cố, nhưng cũng tự nhiên trói buộc nó, làm lực lượng bị bó cứng trong phạm vị nhỏ hẹp không thể lớn mạnh phát triển. Nếu gặp cảnh thiên hạ đại loạn, các bên phân tranh, đất Thục dễ hình thành lên tiểu quốc, trở thành nơi an lạc cách ly với bên ngoài. Nhưng khi thiên hạ an định hoặc thống nhất, thì đất Thục lại trở thành nhà lao, do vị trí đặc thù của nó mà dễ bị chính quyền bên ngoài thò tay bắt rùa trong chum, nhanh chóng bị diệt vong. Ngoài ra, địa khu Quan Trung do dãy Tần Lĩnh ngăn cách với đất Thục, là yết hầu có thể trực tiếp đánh vào Thục, mà Quan Trung lại nằm trong tay của chính quyền Tào Ngụy.

Trong Tam quốc, thế lực Tào Ngụy là mạnh nhất, luôn chuẩn bị thống nhất thiên hạ, mà khi tiến hành thì đầu tiên phải diệt Thục Hán, lấy đây làm bàn đạp, huấn luyện thủy quân, thủy lục cùng tiến, rồi diệt Đông Ngô. Nếu đoạn tuyệt thông lộ đất Thục, bảo an một phương, thì chính quyền Thục Hán sẽ không lâu bền, nhanh chóng sẽ bị Tào Ngụy thôn tính. Cho nên sau khi để mất Kinh Châu, chính quyền Thục Hán bắt buộc phải đi ra khỏi đất Thục, thoát khỏi nhà lao đó, phát triển ra bên ngoài, lấy công làm thủ, nếu không sẽ là ngồi chờ chết. Do vậy nên Gia Cát Lượng mới thu thập tàn cục, sau khi nghỉ dưỡng quân ngắn ngủi, liền 6 lần xuất Kỳ Sơn, bắc phạt Tào Ngụy, cho đến khi kiệt sức mà đi.

Chúng ta cùng xem địa khu Quan Trung, nơi đây có vị trí cực kỳ trọng yếu, qua Đồng Quan (Hàm Cốc quan) phía đông có thể tiến thẳng Trung Nguyên, phía nam qua Tần Lĩnh có thể lấy đất Thục; phía đông nam qua Vũ Quan, có thể đến đất Nam Dương, nếu lấy được Nam Dương, Kinh Tương thì sẽ đột phá phòng tuyến Trường Giang, Hoài Hà. Đồng thời Quan Trung địa thế hiểm yếu, nối thông với bốn cửa biên, tiến khả công, thoái khả thủ. Chỉ cần trấn thủ Vũ Quan và Đồng Quan là có thể chặn đứng lực lượng Trung Nguyên bên ngoài.

Năm ấy, Tần quốc nắm giữ đất Quan Trung mà thống nhất được thiên hạ. Ngoài ra khi Hán, Sở phân tranh, Lưu Bang bị Hạng Vũ vây trong đất Thục, đồng thời cho đặt Tam Tần trấn thủ Quan Trung, muốn vây chết Lưu Bang trong đất Thục. Nhưng vài tháng sau, Lưu Bang nhân lúc thiên hạ đại loạn, dùng mưu lược của Hàn Tín, minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương (Bí mật tu sửa sạn đạo, ngầm tiến quân vào đất Trần, Thương), âm thầm từ Trần Thương vượt Tần Lĩnh nhập Quan Trung, nhanh chóng chiếm Quan Trung, sau đó lấy Quan Trung làm cơ điểm tranh bá với Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ.

Tự cổ, Quan Trung là nơi tất phải tranh chấp của nhà binh, là yết hầu của Trung Nguyên và đất Thục, cũng có thể nói, có Quan Trung là có thể đắc thiên hạ. Nhưng khi Gia Cát Lượng bắc phạt Tào Tháo, lại không trực tiếp đánh chiếm Quan Trung, mà đầu tiên xuất Kỳ Sơn đánh chiếm Lũng Hữu. Tại sao vậy? Từ Hán Trung qua Tần Lĩnh trực tiếp tới Quan Trung, có 4 đạo lộ, từ đông sang tây phân thành: Tử Ngưu đạo, Thảng Lạc đạo, Bao Gia đạo, Trần Thương đạo, đều hiểm trở khó đi. Ngoài ra lại có Kỳ Sơn đạo lộ, đường này tương đối bằng phẳng dễ đi, nhưng đường lại xa, mà chỉ đến được địa khu Lũng Hữu, không trực tiếp đến được Quan Trung.

Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng. (Phạm vi công cộng)

Tại sao Gia Cát Lượng không nghe theo kế sách của Ngụy Diên

Ngụy Diên nhiều lần đề xuất mưu kế, sử gọi là “Tử Ngưu Cốc kỳ mưu”, đó là Ngụy Diên dẫn 5 nghìn quân tinh nhuệ theo đường Tử Ngưu đánh úp Trường An, nếu như công thành gặp bất lợi, thì cho quân chiếm đồng Quan và Vũ Quan, chặn viện binh của Tào Ngụy bên ngoài biên ải. Đồng thời, Gia Cát Lượng dẫn chủ lực theo đường Bảo Gia tiến đánh Quan Trung, hội sư cùng Ngụy Diên, có thể lấy được Quan Trung. Nhưng Gia Cát Lượng không dùng kế này của Ngụy Diên, do quá mạo hiểm, khả năng thành công rất thấp, không cẩn thận sẽ tổn thất thảm trọng. Quan Trung là trọng điểm quân sự để đoạt thiên hạ của Tào Ngụy, tất nhiên sẽ phòng thủ tầng tầng cẩn mật, hơn nữa lại rất gần đô thành Lạc Dương của Tào Ngụy, khi có biến, lập tức có chủ lực viện binh, trong ngoài hiệp công. Mấy nghìn quân tinh nhuệ không thể địch nổi.

Ngoài ra, đường đi gian nan, lương thảo vận chuyển cực kỳ khó khăn, binh lực Thục Hán không thể duy trì lâu dài, đồng thời quân chủ lực của Gia Cát Lượng có thể bị chặn mà không đến kịp hội sư, Ngụy Diên cô độc thâm nhập, không còn đường lui, có thể toàn quân bị diệt. Kể từ khi Quan Vũ để mất Kinh Châu và Lưu Bị đánh trận Di Lăng, Thục Hán lâm vào tàn cục, không thể chịu nổi tổn thất và mạo hiểm như vậy, bắt buộc phải từng bước vững chắc, vừa công vừa thủ. Cho nên Gia Cát Lượng lựa chọn đường Kỳ Sơn, đường Kỳ Sơn thẳng tới phía tây mạch núi Lũng Sơn, địa khu Lũng Hữu, cách trở Quan Trung qua dãy Lũng Sơn, mượn thế núi hiểm trở lợi cho phòng thủ, đồng thời nếu vượt Lũng Sơn men theo Thiên Hà Hà Cốc thì có thể đánh thẳng vào Quan Trung. Ngoài ra, đường Kỳ Sơn tương đối bằng phẳng, dễ hành quân, nếu xuất binh bất lợi thì vẫn có thể toàn mạng thoái lui về Hán Trung.

Đất Lũng Hữu bằng phẳng phì nhiêu, đồng cỏ tốt tươi, có nhiều ngựa quý, thích hợp nuôi gia súc, có thể phát triển kỵ binh. Đồng thời có thể cấy trồng trên diện tích lớn, có thể giải quyết vấn đề khó khăn khi vận chuyển lương thực, không cần vận chuyển lương thực từ đất Thục, rất thích hợp cho việc đồn binh và phát triển, có thể nói thế lực Thục Hán đã đến được vùng đất có địa thế bàn đạp thuận lợi nhất. Ban đầu tổ tiên người Tần cũng ở Lũng Hữu nuôi ngựa chăn gia súc cho thiên tử nhà Chu mà phát triển thành hùng mạnh, sau đó nắm giữ đất Quan Trung, đắc được thiên hạ.


Ngụy Diên (Miền công cộng)

Gia Cát Lượng lựa chọn trước tiên chiếm lấy đất Lũng Hữu, sau đó từ đây phát triển cứ điểm làm bước đệm, ổn định thế lực xong sẽ tiến bước đoạt Quan Trung, sau đó mưu đoạt thiên hạ. Sách lược của Gia Cát Lượng khi ấy, có thể nói là vô cùng hoàn mỹ, thực tế, chắc chắn, nhưng ý Trời không cho Thục Hán.

Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên

Lần thứ nhất bắc phạt xuất Kỳ Sơn, đại quân Thục Hán thế như nước lũ, lấy ngay ba quận Lũng Hữu, thắng lợi thấy ngay trước mắt, nhưng ở thời khắc then chốt, Mã Tốc ương ngạnh tự dụng, không nghe sự sắp đặt của Gia Cát Lượng, vứt bỏ đất yết hầu Nhai Đình, làm lần bắc phạt thứ nhất thất bại, đành phải lui quân.

Lần thứ 4 bắc phạt xuất Kỳ Sơn, Gia Cát lượng dùng trâu gỗ chuyển lương thảo, cũng thắng lợi liên tiếp, ở vào lợi thế, nhưng cũng lại vào thời khắc then chốt, hậu phương lại bị gian thần làm loạn, không giám sát được vận chuyển lương thảo, Lưu Thiện lại tin lời gièm pha, lệnh Gia Cát Lượng lui binh, làm lần bắc phạt thứ tư chỉ còn chút nữa thành công mà lại thành công cốc.

Lần bắc phạt cuối cùng, Gia Cát Lượng tự biết thời gian không còn nhiều, lần này ông không đi đường Kỳ Sơn, mà đi đường Bao Tà xuyên qua Tà Cốc khẩu tiến nhập Quan Trung, trú binh gò Ngũ Trượng. Nhưng Tư Mã Ý kiên trì tử thủ, không ra nghênh chiến, cuối cùng Gia Cát Lượng tổn hao tâm lực, an bài xong hậu sự, bệnh chết ở Ngũ Trượng.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có luận chữ “Nghĩa”, Lưu-Quan-Trương kết nghĩa vườn đào, Quan Vũ nghĩa át mây trời. Nhưng trộm nghĩ, cái Nghĩa lớn nhất lại thuộc về Gia Cát Lượng. Ông biết rõ không thể trái ý Trời, biết không thể làm mà vẫn làm; ông nhìn thấu Thiên ý, nhưng nguyện nghịch thiên nhi hành, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Đến thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, khi sức cùng lực kiệt, vẫn không quên di nguyện phục hưng nhà Hán của Lưu Bị, cầu Trời xin thọ để hoàn thành di nguyện, hồi báo ân nghĩa Lưu Bị ba lần đến lều tranh, phó thác con ở thành Bạch Đế. Thật là:

Xuất sư vị tiệp thân tiên tử
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm

Dịch thơ (Nguyễn Phước Hậu):

Ra quân chưa thắng, thác thân
Anh hùng nhỏ lệ ướt dầm áo khăn

Mỗi khi ngâm câu thơ này, đều thấy trong lòng dâng niềm bi thương. Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị với lực lượng mong manh mà chia ba thiên hạ, về sau còn chèo chống tàn cục Thục Hán, 5 lần xuất chinh đánh Tào Ngụy hùng mạnh, xuất kỳ bất ý, làm Tào Ngụy mệt mỏi ứng phó mà nhiều lần bại lui. Nếu không phải là Thiên ý diệt Thục Hán, mà dùng đại trí tuệ của Gia Cát Lượng mà bình định thiên hạ, thì dễ như một cuộc trò chuyện. Nay nhìn lại dòng lịch sử, bất giác buông một tiếng thở dài.

Thái Bình
Theo Lý Đạo Chân - Visiontimes

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Gia Cát Lượng sáu lần xuất Kỳ Sơn: Nhìn thế cục thiên hạ