GIA ĐÌNH - CHÙM THƠ - Đoàn Thị Lam Luyến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sinh năm 1953, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1996). Sớm được biết đến từ thập niên 80, 90 với tập thơ đầu tay mang tên "Lỡ một thì con gái", bà được nhiều bạn đọc đón nhận và yêu quí.

EM GÁI

Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối phong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công

Mắt thì thăm thẳm mùa đông
Trái tim mùa hạ, tấm lòng mùa thu
Mùa xuân ở phía sa mù
Mà băng giá đến bao giờ cho tan

Gặp cơ nhỡ em cưu mang
Em đâu biết đến lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền

Lấy mất mát để làm yên
Đem duyên làm phúc, lấy tiền làm khinh
Rồi mai em giống chị mình
Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui

LỜI BÌNH

Không phải tình cờ mà Nguyễn Du và Nguyễn Gia Thiều trùng hợp với nhau một quan điểm: một bên:” Đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, và bên kia:” Mà đem phận bạc nằm trong má đào”. Là kẻ sinh rất sau các cụ, tác giả “Em gái” qua trải nghiệm và trắc nghiệm bản thân, vô hình trung nằm trong quỹ đạo “hồng nhan đa truân” này.

Đàn bà nói chung rất tình cảm nên dễ động lòng, đi tới dễ tin và cả tin. Nguyên nhân của mọi tấn bi kịch , thậm chí thảm kịch của cuộc đời họ. Cũng thật khó biết sau này ai là tấm chồng, ai có duyên có thể chiếm lĩnh để rồi quất ngựa truy phong. Nhưng một khi “cá đã nhỡ cắn câu” rồi thì khó lật ngược vấn đề và dễ dàng buông xuôi, cam chịu sau những chống đỡ, những vẫy vùng bất lực. Không một ai lại tìm lỗi rêu phong để đi, cũng không ai lấy sóng làm cầu, chọn khơi xa làm bến, nhưng vì gặp cơ nhỡ đã cưu mang và đã yêu thì yêu chí chết, nên hứng chịu mọi nhỡ nhàng và “vui” với bấy nhiêu cái thất tình.

Một phiên bản khắc gỗ có thể in ra nhiều nghìn bản tương tự.”Em gái” của Đoàn Thị Lam Luyến có thể là phiên bản của em gái cả tin này, chị gái cả tin kia của người đàn bà liều lĩnh ấy và cũng là phiên bản“hồng nhan đa truân” của chính tác giả với bao nhiêu ngộ nhận về người đàn ông mình yêu. Bao nhiêu cặp mắt mùa đông, bao trái tim mùa hạ và tấm lòng mùa thu của bao nhiêu em gái quanh ta đương đồng hội đồng thuyền với “Em gái” trong bài thơ.

Hầu như câu, đoạn nào trong bài cũng có, vừa hạt mầm vừa cây mẹ, vừa nguyên nhân vừa kết quả. Nó không được viết ra với một bố cục máy móc mà với một trật tự ngẫu hứng, như tình cảm dồn nén quá lâu để vụt tràn ra mặt giấy.

“Em gái” đáng được chọn làm một hiện vật sống động cho một bảo tàng về hồng nhan bạc phận.

TRINH ĐƯỜNG

DẠI CỦA, DẠI YÊU

Từ khi cha nằm xuống
Lòng con không được yên
Ngày nào con cũng nguyện
Đêm nay cha về bên

Để được nghe cha mắng
Và trách con thật nhiều
Như khi bé dại của
Lớn rồi thì dại yêu

Con vâng theo lời cha
Làm được nhiều việc tốt
Đôi bận chẳng nghe cha
Mãi là điều dại dột

Giống cha hay giúp đỡ
Việc chi cũng hết mình
Giống cha cả tính thẳng
Dễ mấy ai cảm tình

Nửa đời cha vay nợ
Tiền con dành người vay
Làm phúc mong được phúc
Nào ngờ thành trắng tay!

Đàn bà lừa nẻo bạc
Đàn ông dối nẻo tình
Phận con như sấu đá
Làm sao cất nổi mình

Cả một đời cha dạy
Cả một đời con nghe
Bây giờ cha đi mãi
Biết cậy ai chở che?

MẸ ĐẮC PHÁP

“Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho”
(Ca dao Việt Nam)

Mẹ có sáu con gái
Thành Tỷ Phú Canh Cần
Đứa lấy chồng xa tắp
Mấy tháng lại về thăm

Mẹ luyện Pháp Luân Công
Khi tuổi ngoài chín chục
Trông giống bà Tiên
Tọa thiền trong cõi tục

Mẹ đắc được Đại Pháp –
Pháp này chẳng thường đâu
Ba lần bị trọng bệnh
Ba lần lành rất mau

Mẹ có một nàng dâu
Nấu ăn tài nhất phố
Nhưng thao tác canh cần
Xem chừng còn bỡ ngỡ

Mẹ còn cầu chi nữa
Phúc Lộc Thọ đủ rồi
Mẹ còn chờ chi nữa
Bái Phật đi, Mẹ ơi!

CHÁU NGOẠI

Cháu sinh vào mùng một
Tính cách giống hệt bà
Leo cây, tìm cành bổng
Chẳng thích ngồi cành la

Ngày đầu đón cháu ra
Bà đã thầm ao ước:
Khi nào cháu biết đi
Sẽ cùng bà học Pháp

Mẹ cháu thì nhút nhát
Yêu ai chẳng nói ra
Khi mở được miệng nói
Họ đã có cửa nhà

Cháu biết chạy rất xa
Chẳng như bà mong ước
Mới có mấy tuổi đầu
Đã có nhiều “chấp trước”

Cháu người miệng đi trước
Gặp ai cũng hỏi chào
Cháu mình chỉ nín lặng
Chẳng khác mẹ chút nào

Không như bao trẻ khác
Thích ra cổng, ra vườn
Cháu chỉ mê điện tử
Suốt ngày cầm “Ai - phôn”

Năm tuổi chưa biết hát
Năm tuổi chưa biết ăn
Ai nói gì trái ý
Thì cháu liền dậm chân

Nếu cùng bà học Pháp
Cháu sẽ tốt hơn nhiều
Gặp ai cũng chào hỏi
Mọi người đều mến yêu.

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

GIA ĐÌNH - CHÙM THƠ - Đoàn Thị Lam Luyến