Gia đình của mỗi một người đều là nhân quả: Xuân gieo một hạt thóc, thu gặt muôn hạt vàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất kể là ai, cũng không thể không làm mà hưởng. Cũng vậy, gia đình muốn hạnh phúc mỹ mãn thì phải gieo trồng hạt giống hạnh phúc, không hành động thì đó chỉ là ý nghĩ viển vông. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Mỗi một thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm vun trồng hạt giống ấy.

Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa, sinh tử không bỏ, bên nhau đến già

Tác giả bộ sách “Đông Chu liệt quốc”, nhà văn Phùng Mộng Long thời nhà Minh, Trung Quốc, đã viết một câu chuyện như sau: Vào thời nhà Nguyên, có một người đàn ông tên là Dương Bát Lão, sống ở Tây An phủ, gia cảnh không tốt cũng không xấu. Để kiếm tiền nuôi gia đình, ông đã từ biệt người vợ họ Lý (Lý thị) và đến huyện Chương Phố, Phúc Kiến để làm ăn.

Khi đó, huyện Chương Phố thường xuyên bị cướp biển Nhật Bản xâm chiếm, người dân trong thành luôn trong trạng thái hoảng sợ.

Khi Dương Lão Bát ra ngoài thành, ông bị bọn cướp bắt cóc và đưa đến một hòn đảo hải ngoại, ông ở lại đó trong 19 năm.

Người vợ Lý thị ở nhà chăm con trai, nhìn con đã trưởng thành mà vẫn chưa thấy chồng về.

Mười chín năm sau, Dương Bát Lão trà trộn vào đám hải tặc rồi trở về Phúc Kiến. Khi được giải cứu, ông mới phát hiện ra rằng con trai mình đã trở thành quan huyện, còn vợ ông vẫn đau khổ đợi chờ bấy lâu...

Khổ tận cam lai, bĩ cực thái lai.

Vợ chồng vốn dĩ là hai cánh bèo trôi không liên quan đến nhau, nhờ mưa gió mà xích lại bên nhau. Về sau, vì cuộc sống mà có thể phải sống xa nhau, nhưng chỉ cần trái tim không xa cách, nhất định sẽ trùng phùng và đi bên nhau đến già.

Vợ chồng tốt, là chung sống một cuộc đời bình thường, lặng lẽ bao dung nhau, cùng nắm chặt tay đi qua giông bão.

Trân trọng tình xưa, anh em như thể tay chân

Lũ trẻ ngày nay sẽ không phải trải qua cảnh này, nhưng thời ông bà cụ kỵ xưa kia đã từng có thời anh chị em mặc chung quần áo, thay phiên nhau mặc, nhất là ở nông thôn. Khi ăn, mọi người xúm xít lại, ăn gì cũng thấy ngon.

Thu hoạch lúa xong, anh chị em kẻ đuổi người bắt, tuy mệt mà vui. Lúc mang thóc về nhà vẫn còn có thể nô giỡn. Nhà có điều kiện thì sẽ có xe đạp, anh chị em thay phiên nhau lao vun vút trên đường.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, trong khổ có vui.

Về sau, các anh chị em đều trưởng thành, có gia đình nhỏ của riêng mình và thậm chí đi làm ở các thành phố khác.

Hoài niệm chuyện ngày xưa là một nét đẹp, nhưng trân quý hiện tại còn đẹp hơn. Khi có thể, hãy quây quần và sẵn sàng dang tay giúp đỡ nhau.

Ví như, người em cần xây nhà và muốn vay anh chị một số tiền, anh chị sẽ chẳng do dự mà cho em vay số tiền nhàn rỗi hiện có. Hay con của anh chị đi học đại học, trường học lại gần nhà người em, em chủ động nói với anh chị từ sau cứ để cháu nó ăn uống ở nhà mình.

Tại sao khi nói “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cổ nhân lại đặt gia đình lên vế trước? Vì gia đình là một xã hội thu nhỏ, cái nhỏ có yên ổn thì cái lớn mới có thể thái hòa.

Nếu nhìn rộng hơn, ta sẽ thấy rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều như thể “tay chân”. Được làm người một nhà chính là duyên phận, là lương duyên nhưng cũng có thể là ác duyên, là đến để hóa giải ân oán. Đời này không trả hết duyên nợ, đời sau luân hồi lại tiếp tục.

Dù có phát sinh mâu thuẫn gì cũng không thể đoạn tuyệt quan hệ, sau này còn có lúc cần nương tựa vào nhau. Rốt cuộc thì lòng bàn tay hay mu bàn tay cũng đều là thịt, véo bên nào cũng thấy đau.

Cha mẹ thiện lương, con cái hiếu thuận

You Jin (Vưu Kim), nữ nhà văn người Singapore, đi ăn tiệm cùng con gái. Trong một nhà hàng ở Thượng Hải, một người phục vụ trẻ tuổi đã vô tình làm đổ súp lên người bà. Bà hơi tức giận, nhưng con gái bà đã nhanh chóng đứng dậy và trấn an người phục vụ.

Sau đó, cô con gái cho biết, khi ở Anh, cô vừa học vừa làm và từng làm bồi bàn. Cô cũng từng làm vỡ cốc, làm đổ súp vào người khách hàng, nhưng đều được thông cảm và lượng thứ.

Một chút tấm lòng thiện lương của cô gái cũng đủ để thấy gia giáo của cha mẹ.

Nữ nhà văn đã viết lại câu chuyện này và đăng rộng khắp, nhưng về sau người ta đã xóa tên bà đi và đăng tải lại mà không ghi nguồn. Là một nhà văn, không ai muốn tác phẩm của mình bị ăn cắp. Tuy nhiên, bà lại không hề tính toán so đo việc này, thái độ ấy càng cho thấy phẩm hạnh của bà.

Tục ngữ có câu “Cha nào con nấy”, dùng để nói về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng, trong những năm tháng đầu đời, người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất chính là cha mẹ, đứa trẻ cũng sẽ quan sát để bắt chước theo. Do đó, ngôn hành cử chỉ và nhân phẩm của cha mẹ có thể được truyền lại cho con cái.

Cha mẹ thiện lương sẽ nhận được thiện báo, sẽ nuôi dưỡng được những người con tử tế, thậm chí có được dâu thảo rể hiền.

Khi cha mẹ chồng nuôi dạy con dâu như con gái trong nhà thì gia đình sẽ bớt đi những mối bất hòa. Tình yêu đủ chân thành có thể làm trái tim con người tan chảy.

Trong những năm tháng đầu đời, người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất chính là cha mẹ. (Unsplash)

Vị tư vị lợi, nhà tan cửa mất

Có câu thành ngữ: “Không có lửa làm sao có khói”. Ý nói mọi việc trên đời đều có nguyên nhân của nó, không phải là ngẫu nhiên, cũng tức là có ‘quả’ thì phải có ‘nhân’.

Khi một gia đình sa sút, kỳ thực là bên trong sớm đã có vấn đề, chỉ là chúng ta không sẵn sàng đối mặt và giải quyết.

Thời Tam Quốc, Tào Thực – một người con của Tào Tháo – đã để lại câu thơ: “Bổn thị đồng căn sinh, tương tiên hà thái cấp” (Vốn sinh ra từ chung một gốc, sao lại thiêu đốt nhau khốc liệt đến vậy).

Câu trên nằm trong bài thơ “Thất bộ thi” (thơ bảy bước) của Tào Thực. Ông được anh trai là Tào Phi ra lệnh trong 7 bước làm một bài thơ với chủ đề anh em, nếu không sẽ bị chém đầu. Tào Thực đã mượn hình ảnh dùng cành đậu nấu hạt đậu để ám chỉ việc anh em tương tàn. Sau khi nghe xong, Tào Phi đã tha mạng cho em trai.

Nó phản ánh sự mâu thuẫn giữa anh em, nhưng nếu suy xét một cách nghiêm túc, thì nguồn gốc của sự mâu thuẫn ấy chính là tranh giành “vị trí”.

Nếu cha mẹ rất vị tư, sẽ thiên vị chiều chuộng đứa con này hơn đứa con khác. Khi con cái lớn lên, theo logic thì việc phụng dưỡng cha mẹ sẽ được giao cho người con được cưng chiều ấy. Nhưng thực tế cho thấy, đứa trẻ được cưng chiều hơn thường là đứa phá gia chi tử.

Nếu con cái rất vị tư, sẽ không coi cha mẹ ra gì. Bởi vì thời đại thay đổi, có khoảng cách thế hệ giữa con cái và cha mẹ, thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan cũng trở nên khác nhau. Có những người ở thành phố ngại đưa bố mẹ lên thành phố sống cùng vì nghĩ nhà của mình không đủ rộng; hay có những người đi làm xa cảm thấy cha mẹ ở quê là gánh nặng.

Nếu vợ chồng rất vị tư, ai cũng để dành quỹ riêng mua nhà riêng, lại không muốn góp lương vào khoản chung thì làm sao duy trì được gia đình?

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Gia đình mà chỉ vì lợi ích của riêng mình, dù có ngày ngày chăm bẵm cây thì cũng chẳng thể hé nụ trổ bông, đơm hoa kết trái.

Hôn nhân có thực sự như cá trong lờ?

Một người nổi tiếng từng nói: "Hạnh phúc không phải là phần thưởng, mà là kết quả; đau khổ không phải là hình phạt, mà là báo ứng".

Chúng ta thường so sánh, hôn nhân như cá trong lờ. Có nghĩa là, sau khi một người kết hôn, họ như đi vào trong cái lờ và bị mắc kẹt trong đó.

Cái lờ là một ngư cụ để khai thác cá đồng, chúng được đan sao cho cá dễ đi vào và khó đi ra. Trong cuốn “Tục ngữ và ca dao Việt Nam” của tác giả Mã Giang Lân có bài ca dao sau:

Cá trong lờ đỏ hoe con mắt,
Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô.
Tung tăng như cá trong lờ,
Trong ra không được, ngoài ngờ là vui.

Nhưng nếu chúng ta "nhảy ra khỏi cái lờ để quan sát cuộc hôn nhân ấy", bạn sẽ thấy rằng nó là một "vòng tuần hoàn khép kín".

Nói cách khác, mọi việc bạn làm, dù là thiện hay ác, cũng sẽ quay trở lại ứng lên chính bạn, không thể chối bỏ hay trốn thoát.

Thử ngẫm xem, chẳng phải trái đất cũng tròn, cũng tự quay quanh chính nó và quỹ đạo của trái đất cũng quay quanh mặt trời hay sao.

Muốn sống trong một gia đình hạnh phúc thì phải gieo trồng hạt giống thiện lành. Chỉ cần một người sẵn sàng đặt cái tôi xuống để phá vỡ vòng tuần hoàn ác tính ấy, gia đình sẽ được tận hưởng những ngày xuân ấm áp.

Thế sự vô thường, là các mắt xích móc nối đan xen.

Nhân quả không phải chuyện huyền ảo, có thiện báo và cũng có ác báo.

Nam Phương
Theo Sohu



BÀI CHỌN LỌC

Gia đình của mỗi một người đều là nhân quả: Xuân gieo một hạt thóc, thu gặt muôn hạt vàng