Gia tộc Medici đã giúp cướp biển trở thành giáo hoàng như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

John XXIII "đối lập" nổi tiếng trong lịch sử Kitô giáo đã lên nắm quyền như thế nào? Làm thế nào mà Giovanni di Bicci de' Medici đạt được bước nhảy vọt về chất cho gia tộc mình? Cosimo bị các đối thủ chính trị ám sát, mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, liệu ông có thể trốn thoát?

Đó là tháng 5 năm 1410, tại tòa thành nhỏ ven biển Pisa của Ý (chính là tòa thành nổi tiếng thế giới với Tháp nghiêng Pisa). Pisa vào đầu mùa hè có nhiệt độ dễ chịu với từng đợt gió biển, là thời gian đẹp nhất. Nhưng ở một gian phòng của Nhà thờ lớn Pisa lại là một khung cảnh hoàn toàn khác.

Các giám mục hồng y từ những thành bang của Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các tiểu quốc Đức ở phương Bắc đang tổ chức một cuộc họp quan trọng trong gian phòng đóng kín này. Cách đây không lâu, Giáo hoàng Alexander V vừa qua đời, và người kế nhiệm ông sắp được bầu tại cuộc họp này. Và chọn ai làm giáo hoàng tiếp theo là một vấn đề đáng lo lắng.

Để có thể leo lên vị thế cao cấp là giám mục hồng y, mỗi người này đều có vài chục gia tộc lớn đứng sau chống lưng, chọn ai hay không chọn ai là một trò chơi quyền lực và lợi ích. Theo bước những thị vệ của thánh điện không ngừng ra vào, vô số viên sáp chứa thư tín bên trong cũng được bí mật chuyển đến tay mỗi vị giám mục. Với hành động tưởng đâu đơn giản là mở ra và vò nát những mẩu giấy nhỏ, đã truyền tải vô số lợi ích, quyền hành và dòng chảy ngầm. Biểu hiện của các giám mục chỉ đơn giản là: nan giải, trông vậy mà không phải vậy!

Dù sao, sau một số cuộc bỏ phiếu quyết liệt, cuối cùng một chàng trai tên là Baldassarre Cossa đã nổi lên và trở thành Giáo hoàng mới: Antipope John XXIII. Và người góp công lớn nhất vào thành công của anh chính là Medici, một gia đình chủ ngân hàng mới nổi ở Florence!

Câu chuyện lần này bắt đầu với Giovanni de Medici (1360-1429), người lãnh đạo thế hệ đầu của Medici.

Người lãnh đạo thế hệ đầu Giovanni Medici

Một ngày nọ, gia đình của Giovanni hoảng hốt vì một tiếng gõ cửa thô lỗ. Sau khi mở cửa, một người đàn ông cao lớn, quần áo lam lũ, mặt mũi bơ phờ đứng trước cửa, đẩy gia nhân ra rồi đi thẳng vào.

“Này này, anh đang làm gì vậy!” - Gia nhân ngăn lại.

“Tôi đang tìm chủ nhà, mau kêu Giovanni ra gặp tôi!” - Anh chàng thản nhiên ngồi xuống chiếc ghế rộng rãi, vơ lấy thức ăn và trái cây trên bàn, và bắt đầu nhai nuốt như chốn không người!

Gia nhân giận quá định lấy gậy đánh, thì có tiếng nói từ trên gác vọng ra: “Mang rượu vang ngon mời khách”.

Một người đàn ông trung niên dáng người tầm thước xuất hiện ở cầu thang, ông ta là người cai quản gia tộc Medici - Giovanni Medici. Gia nhân đành miễn cưỡng mang đến một thùng rượu ngon. Giovanni tự mình rót đầy ly rượu cho vị khách và lịch sự đặt nó trước mặt anh ta: “Xin mời, đừng khách khí!”

Vị khách lạ mặt không chút khách sáo, chẳng buồn nhìn Giovanni, anh ta cầm ly rượu lên uống một hơi cạn sạch. Sau đó, anh ta đặt ly xuống, lau miệng và hài lòng nói: “Chà, rượu ngon, rượu ngon! Lâu lắm rồi tôi mới được uống rượu ngon như vậy! Thêm một ly nữa chứ?”

Giovanni vẫn bình tĩnh, mỉm cười và rót đầy một ly khác cho anh ta.

Rồi Giovanni bước sang phía bên kia bàn và ngồi xuống, nhìn vị khách ngang tàng trước mặt. Người này cao lớn vạm vỡ, dưới mái tóc đen rối bù có một đôi mắt sáng ngời, thỉnh thoảng lộ ra một chút gian xảo và ngạo nghễ! Mặc dù người này cư xử thô lỗ và có vẻ mặt hung dữ, nhưng anh ta lại có một khí chất bất phàm, và anh ta trông giống như một tay hiệp khách giang hồ. Nghe qua khẩu âm thì anh ta phải đến từ Napoli. Napoli, dân tình hung mãnh, thích tranh đấu, rất đông cướp biển! Nguồn gốc của anh chàng này là gì? Phải chăng là...?

Giovanni di Bicci de' Medici, người sáng lập triều đại Medici của Florence nổi tiếng, là cha của "Quốc phụ" Cosimo de' Medici và là ông cố của Lorenzo de’ Medici Hào hoa. (Phạm vi công cộng)

Cướp biển trở thành giáo hoàng như thế nào?

Đúng vậy, Giovanni đã đoán đúng, người này chính là thủ lĩnh của đám cướp biển làm kinh hoàng các thương thuyền ở vùng biển Napoli, tên là Baldassarre Cossa. Và đúng, chính là Giáo hoàng John XXIII mà chúng ta vừa nhắc đến. Làm thế nào mà cướp biển lại trở thành giáo hoàng?

Sau khi ăn uống no nê, Cossa thỏa mãn ợ vài cái rồi thả người trên chiếc ghế dài, uể oải nhìn Giovanni. Giovanni vẫn im lặng, đến lúc này mới mở miệng: “Ngài đến đây ắt phải có yêu cầu. Chỉ cần nói với tôi, tôi - Giovanni, nhất định sẽ giúp!”

Cossa cười lớn. Anh ta đột ngột ngồi dậy, tỏ vẻ nghiêm túc, nhìn chằm chằm vào mắt Giovanni và nói từng chữ một: “Tôi hy vọng ngài có thể giúp tôi trở thành giám mục!”

Giovanni nhìn anh chàng ngông cuồng trước mặt bằng đôi mắt như chim ưng, nhấn từng chữ một: “Vậy thì, tôi có thể nhận lại được gì?”

Cossa lại cười ngang tàng, uống cạn ly rượu còn lại trước mặt, dằn ly xuống, nhìn Giovanni chằm chằm và nói: “Chỉ có giám mục mới đủ tư cách tranh cử giáo hoàng, phải không?”

Giovanni đã bị sốc khi nghe điều này! Gã này quả là to gan!

Ở châu Âu vào thời điểm đó, Giáo hội Công giáo có vai trò thống trị. Lợi dụng ảnh hưởng to lớn của tôn giáo và quyền lực ngày càng mở rộng của giáo hội, giáo hoàng đứng ở vị trí ngang hàng với các chính quyền thế tục. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các phe phái trong Tòa thánh đang hỗn loạn và đấu đá lẫn nhau. Các thế lực khác nhau đang vắt óc tìm cách đưa người của mình lên thành giáo hoàng. Một khi thành công, không chỉ có trợ giúp rất lớn đối với quyền thế và của cải của gia tộc, mà còn có thể nhân danh Chúa tạo bước nhảy vọt đưa gia tộc thành đại tộc danh giá!

Mấy năm nay gia tộc Medici trong tay Giovanni đã làm ăn phát đạt, tài sản tích lũy nhanh chóng, hiện tại họ là một thế lực không thể xem thường trong những gia tộc chủ ngân hàng của Florence. Tuy nhiên, vẫn khó đạt được bước nhảy về chất nếu không có sự can thiệp của một thế lực lớn mạnh. Người đàn ông trước mặt Giovanni có vẻ đầy tham vọng, thủ đoạn và can đảm! Nếu anh chàng này thật sự có thể lên ngôi giáo hoàng thì sẽ có lợi cho Medici vô cùng!

Giovanni dốc sức giúp cướp biển lên ngôi

Có lẽ anh chàng này sẽ thực sự trở thành giáo hoàng vào một ngày nào đó! Giovanni âm thầm hạ quyết tâm, hãy đánh cược một lần! Ông ngẩng đầu lên và đưa tay phải về phía Cossa. Cossa nở một nụ cười hiểu ý khi nhìn thấy hành động này. Anh ta lập tức thay đổi bộ dáng ngông cuồng, cung kính đi tới gần Giovanni, quỳ một gối xuống, hôn nhẹ tay phải Giovanni, sau đó đứng sang một bên.

Nghi thức quan trọng đã hoàn thành, Giovanni quyết định đặt cược vào cướp biển, và hỗ trợ anh ta lên đỉnh cao bằng tất cả khả năng của mình. Và kể từ đó về sau, Cossa cũng coi Giovanni là cha đỡ đầu của mình!

Lúc này, trên cầu thang có một cậu bé ghi nhớ sâu sắc cảnh tượng này trong đầu, cậu là con trai cả của Giovanni: Cosimo de’ Medici, quốc phụ tương lai của Cộng hòa Florence, người thực sự sẽ mang lại vinh quang cho gia tộc này!

Còn Cossa, xuất thân từ một gia đình lâu đời ở Napoli, trở thành cướp biển vì không muốn sống trong cảnh nghèo khó. Sau, anh ta dần chán những tháng ngày dao búa máu me, nhưng làm thế nào có thể thực hiện được hoài bão lớn hơn của mình? Anh ta nhắm vào giáo hội, vì vậy quyết định gia nhập giáo hội, tìm kiếm một chức vị, thậm chí tương lai còn tiến thêm một bước, hy vọng trở thành giáo hoàng! Nhưng muốn tiến vào thượng tầng của giáo hội mà không có tiền, không có quyền thì không thể nào! Sau một số điều tra bí mật, anh ta rất thích gia tộc Medici, thế là hôm nay anh ta trực tiếp đến khảo sát!

Cũng kể từ đó, Giovanni đã dốc sức để Cossa lên như diều gặp gió trong giáo hội. Từ linh mục bình thường đến giám mục giáo phận, từ giám mục giáo phận đến giám mục hồng y. Năm 1410, canh bạc của Giovanni cuối cùng cũng được đền đáp, và Cossa đã thành công trong việc trở thành Giáo hoàng John XXIII. Việc đầu tiên mà Tân Giáo hoàng làm sau khi đắc cử chính là trả nợ cho “Bố già” của mình, vì vậy, Ngân hàng Medici đã tiếp quản tài khoản của Tòa thánh Vatican và trở thành “Ngân hàng của Chúa”. Đồng thời, Giovanni cũng có được hợp đồng thuế trọn gói từ Tòa thánh và quyền kinh doanh nhiều mỏ phèn chua.

Phèn chua là một nguyên liệu quan trọng cần thiết để chế biến muối, chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm da và sản xuất giấy ở châu Âu thời trung cổ! Vì vậy, sở hữu một mỏ phèn chẳng khác gì sở hữu một mỏ vàng!

Bằng cách này, thông qua nỗ lực của Giovanni, gia tộc Medici không chỉ nhanh chóng trở thành gia tộc giàu có nhất châu Âu, mà còn dần nổi lên trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và chính trị! Phải nói rằng đặt cược vào Cossa là vụ đầu tư thành công nhất trong đời Giovanni!

Cossa đã thành công trong việc trở thành Giáo hoàng John XXIII. (Miền công cộng)

Tuy nhiên, thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu. Chỉ 4 năm sau, vào năm 1414, tại Công đồng Công giáo Constance, Giáo hoàng John XXIII vốn mang tham vọng thống nhất thế giới công giáo, lại bất ngờ gặp phải một cuộc đảo chính đã được lên kế hoạch. Giáo hoàng không những bị phế truất mà còn bị cầm tù.

Giovanni không bỏ rơi người cũ, Medici vụt biến thành danh gia vọng tộc ở châu Âu

Ngay khi John đang ở trong tù, đói khổ và bệnh tật, chính cha đỡ đầu của ông là Giovanni đã giang tay giúp đỡ một lần nữa, quyên góp một số tiền lớn để chuộc ông ra, và cầu xin Tân Giáo hoàng để John có thể an hưởng chức vị giám mục hồng y. Giáo hoàng đương nhiệm rất cảm phục lòng trung thành của Medici đối với khách hàng, vẫn hỗ trợ khách hàng ngay cả khi người đó không còn hữu ích nữa! Điều này quả là hiếm có trong ngành ngân hàng tham lam trục lợi. Sự thủy chung và trọng nghĩa khinh tài của Giovanni đã chiếm được lòng tin của rất nhiều khách hàng quan trọng đối với gia tộc.

Do đó, không chỉ Giáo hoàng tiếp tục tin tưởng Medici với tư cách là chủ ngân hàng của Tòa thánh, mà cả các quân chủ, chức sắc và giới nhà giàu ở các nước châu Âu cũng giao tiền cho Medici quản lý. Gia đình Medici cuối cùng đã trở thành danh gia vọng tộc ở châu Âu.

Mặc dù việc chi rất nhiều tiền để giải cứu Giáo hoàng John XXIII bị phế truất là quyết định của Giovanni, nhưng con trai cả Cosimo de Medici của ông chắc chắn là người thúc đẩy và lên đối sách quan trọng cho toàn bộ kế hoạch. Người con trai này đã nhận được một nền giáo dục nhân văn trong những năm đầu đời, với đầu óc nhạy bén và hành sự điềm tĩnh.

Năm đó, ở tuổi 25, Cosimo tham gia Công đồng Công giáo Constance với tư cách là hầu cận của Cossa lúc đó vẫn còn là hồng y. Tại các cuộc gặp gỡ, ông đã kết bạn với nhiều quân chủ châu Âu và lãnh đạo thương nghiệp các nước, sự thông thái, nhanh nhạy và tao nhã của ông đã khiến ông trở thành bạn của nhiều người trong giới tinh hoa.

Năm 1429, Giovanni 69 tuổi lâm bệnh, biết mình không còn nhiều thời gian, ông gọi Cosimo đến bên giường. Chàng trai năm nào giờ đã là một người đàn ông trung niên 40 tuổi với nhiều năm nắm quyền điều hành gia tộc! Cosimo, người đang ở độ tuổi sung sức nhất, có tài năng tuyệt vời, phương pháp cứng rắn và tầm nhìn độc đáo. Ngân hàng Medici do ông phụ trách không chỉ làm ăn phát đạt mà còn ngày càng lớn mạnh về tầm ảnh hưởng. Nhìn cậu con trai đảm đang này, Giovanni cũng yên lòng nhắm mắt.

Trước khi chết, ông đã dặn dò con trai mình: Đừng đến Tòa thị chính trừ khi được gọi; Đừng phô trương sự giàu có trước mặt người khác; Đừng thu hút quá nhiều sự chú ý; Đừng làm những việc trái với ý muốn của đại chúng; Hết sức tránh tố tụng pháp lý và tranh cãi chính trị. Bởi Giovanni thấy rõ rằng dưới vẻ ngoài bình lặng của Florence thực chất đang ẩn chứa nguy cơ cực lớn.

Giovanni qua đời, âm mưu chống lại Medici nổi lên

Tranh giành phe phái ở Florence luôn nguy hiểm. Gia tộc Medici vì khối tài sản khổng lồ và sự đồng cảm với thường dân, nên không ngừng thu hút sự oán hận của giới đầu sỏ cầm quyền. Hơn nữa, do sự trỗi dậy đột ngột của Medici, gia tộc Albizzi từ lâu đã nắm giữ vị trí thống trị ở Florence cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng!

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Cosimo, quyền bính của Nước Cộng hòa đã dần được chuyển từ Albizzi sang Medici. Không chỉ vậy, sự thành công của Medici còn khiến Rinaldo, người đứng đầu gia tộc Albizzi ghen tị, và ông ta đã thầm thề sẽ diệt trừ đối thủ này. Vì vậy, một âm mưu chống lại Medici bắt đầu được nhen nhóm!

Năm 1433, bốn năm sau cái chết của Giovanni già, ngay trong mùa thu, tin tức chiến trận đã kinh động Florence. Cuộc chiến với Lucca do Cosimo chỉ huy thất bại, Florence đứng trước tình thế phải nhượng đất và bồi thường. Thất bại này đã cho gia tộc Albizzi một cái cớ tuyệt vời! Vậy là, chiến dịch loại bỏ Medici nhanh chóng triển khai.

Vài ngày sau, Cosimo nhận được lệnh triệu tập khẩn cấp từ Tòa thị chính của Florence. Dù cảm thấy bất an, ông vẫn quyết định đến. Khi đến nơi, anh thấy lính canh có vũ trang đang tập trung trước tòa thị chính. Ông bị yêu cầu bỏ kiếm lại và đưa lên lầu một mình. Khi đi qua một phòng giam, Cosimo ngạc nhiên khi thấy một mưu sĩ của gia tộc mình đang bị nhốt trong đó, người đầy vết bầm tím, rõ ràng là đã bị tra tấn để lấy lời khai. Khoảnh khắc ánh mắt của hai người chạm nhau, Cosimo hiểu rằng Rinaldo đã hành động!

Đội trưởng đội cận vệ đưa Cosimo đến một phòng giam nhỏ trên đỉnh tòa tháp của Tòa thị chính, có thể nói tính mạng của Cosimo đang ngàn cân treo sợi tóc.

Florence là một nước cộng hòa, và dưới thể chế cộng hòa, sự sống chết của công dân không thể được xác định một cách tùy tiện. Vì vậy, gia tộc Albizzi đã dốc toàn lực để khiến cho đoàn chấp chính bỏ phiếu xác nhận Cosimo phản quốc nên bại trận! Tuy nhiên, giới cầm quyền đã chia rẽ về việc liệu bản án nên là tử hình hay lưu đày.

Nhà Medici tích cực giải cứu, Cosimo vinh quang trở về!

Lúc này, nhà Medici cũng tích cực triển khai giải cứu. Tiền bắt đầu được đổ ra! Các khách hàng và đồng minh của Medici trong và ngoài nước cũng gây áp lực lên chính quyền Florence. Venice thậm chí còn tuyên bố rằng nếu chính quyền dám xử tử Cosimo, Venice sẽ không ngần ngại chiến tranh với Florence! Cuối cùng, ngay cả giáo hoàng cũng phái một đặc phái viên từ Rome đến, hy vọng rằng các nhà chức trách sẽ đối xử khoan dung với Cosimo.

Vì vậy, đoàn chấp chính đã quyết định tổ chức một cuộc phổ thông đầu phiếu, để người dân Florence quyết định số phận của Cosimo!

Từ cửa sổ phòng giam của tòa tháp cao, Cosimo râu ria xồm xoàm lo lắng nhìn xem cuộc bỏ phiếu quyết định sự sống chết của chính mình! Cuối cùng, Cosimo bị kết án 10 năm lưu đày.

Mặc dù Rinaldo đã tạm thời đuổi được Cosimo ra khỏi Florence, nhưng bản thân ông ta thực sự thiếu tài năng chính trị. Hơn nữa, không có sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ của gia tộc Medici, nền kinh tế của Florence nhanh chóng đi vào bế tắc, và những tiếng nói đòi trả lại vị trí cho Medici bắt đầu lan rộng.

Hơn nữa, vào năm thứ hai sau khi Cosimo bị trục xuất, Florence thua trận trước Milan, và sự bất mãn của người dân trỗi dậy, chính quyền buộc phải tổ chức bầu cử lại, và một nhóm người vốn ủng hộ mạnh mẽ gia tộc Medici lên nắm quyền. Họ ngay lập tức thu hồi bản án lưu đày trước đó và chính thức mời Cosimo trở lại Florence.

Vào mùa thu vàng năm 1434, sau khi bị lưu đầy một năm, Cosimo trở lại thành phố ngàn hoa - Florence, được hộ tống bởi hàng trăm binh lính. Suốt dọc đường, dân chúng reo hò, tỏ lòng thành kính, khắp hang cùng ngõ hẻm tấp nập người háo hức chờ đợi. Cuối cùng, Medici đã trở lại trong vinh quang!

Tất nhiên, giống như vô số thành bại hưng suy trong lịch sử, người chiến thắng sẽ được hưởng vinh quang, và kẻ thua cuộc sẽ bị trừng phạt. Bây giờ cuối cùng Medici đã thắng, Albizzi sẽ phải chịu trả thù! Nhưng Cosimo lại chọn cách trả thù ôn hòa, kết án Rinaldo và gia tộc (trừ em trai Luca là người ủng hộ Cosimo) bị lưu đày và suốt đời không được quay lại Florence.

Cosimo di Giovanni de' Medici (27 tháng 9 năm 1389 - 1 tháng 8 năm 1464) là một nhà chuyên chế Florentine nổi tiếng (người cai trị quốc gia không chính thức) và là một doanh nhân vĩ đại trong thời kỳ Phục hưng Ý. Chân dung của Bronzino. (Phạm vi công cộng)

Cosimo một tay thiết lập chế độ tiếm quyền

Cuộc bể dâu này khiến Cosimo nhớ đến những lời cuối cùng của cha mình trước khi qua đời. Ông nhận ra rằng, nếu muốn cai trị thành công Florence, tốt nhất là nên bồi dưỡng thế lực thân tín và cai quản chính trị ở hậu trường. Thế là, ông bắt đầu củng cố quyền thế và địa vị của mình bằng những cách vô cùng khéo léo.

Trong tiểu sử của ông có viết: Để tránh tối đa sự ghen tị, khi Cosimo muốn đạt được điều gì đó, ông sẽ làm cho đề xuất mang vẻ do người khác nói ra. Dần dần, Cosimo một tay thiết lập chế độ chuyên chế!

Kể từ đó, Cosimo trở thành người cai trị trên thực tế của Cộng hòa Florence, mặc dù không nắm giữ bất kỳ chức vụ chính thức nào, nhưng các chính sách lớn của đất nước trên thực tế đều do Cosimo quyết định. Nếu quân chủ các nước châu Âu gặp vấn đề chính trị quốc tế, họ sẽ đến nhà Medici để xin ý kiến ​​của ông. Ngay cả Giáo hoàng Pius II cũng từng nói: “Các vấn đề chính trị được giải quyết trong nhà của ông ấy, những người ông ấy chọn sẽ điều hành chính phủ, ông ấy quyết định chiến tranh hay hòa bình, và ngay cả luật pháp cũng nằm trong tầm kiểm soát của ông ấy. Ngoại trừ việc thiếu một danh hiệu, ông ấy là vua thực sự”.

Cosimo hiểu rõ rằng, của cải có thể trợ giúp quyền lực to lớn thế nào! Vì thế, ngoài việc chính sự bận rộn, ông cũng chăm chút cho việc kinh doanh của gia tộc cẩn thận hơn. Dưới tay ông, Ngân hàng Medici đã mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn bộ lục địa Châu Âu, thậm chí đến tận Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Cosimo không chỉ là một doanh nhân khôn ngoan mà còn là một chính trị gia rất quyền lực! Ông tiếp tục sử dụng mọi cơ hội để mở rộng sự nổi tiếng và ảnh hưởng của Medici.

Trong thời kỳ cai trị của ông, Florence không chỉ ngừng chiến tranh với kẻ thù cũ Milan mà còn kết liên minh với nó, và thành lập một liên minh hùng mạnh với Venice. Sự cai trị của Cosimo đã mang lại nền hòa bình đã mất từ ​​lâu cho miền bắc nước Ý. Cosimo có một câu nói nổi tiếng, đó là: đất nước không thể được cai trị bởi chuỗi hạt mân côi. Thật vậy, ở châu Âu vào thời điểm đó, thực sự không thể dùng tôn giáo tiến hành “vô vi mà trị”!

Cosimo thúc đẩy phát triển nghệ thuật, danh tiếng gia tộc Medici lên đến đỉnh cao

Vai trò của Medici với tư cách là người thúc đẩy quan trọng nhất của nghệ thuật Phục hưng và người bảo trợ nghệ thuật bắt đầu từ Cosimo. Trên thực tế, cha của ông, Giovanni, đã từng tài trợ cho nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư. Nhưng đến Cosimo, vấn đề bảo trợ nghệ thuật mới trở thành một mục tiêu lớn lao hẳn hoi!

Mái vòm khổng lồ của Vương cung Thánh đường Nhà thờ chính tòa Đức Bà Ngàn Hoa nổi tiếng thế giới cuối cùng đã được hoàn thành bởi Filippo Brunelleschi, kiến ​​trúc sư vĩ đại nhất của thời kỳ Phục hưng, với sự tài trợ của Cosimo!

Khi Florence bắt đầu xây dựng Thánh đường này vào hơn một trăm năm trước, những người bảo trợ ban đầu quá tham vọng và khiến cho tổng thể chiều ngang của tòa nhà quá lớn, kết quả là họ phát hiện ra rằng, phần mái không thể đóng lại được! Vào thời điểm đó, không ai biết làm thế nào để có được một mái vòm tròn ổn định trên một tòa nhà rộng lớn như vậy! Ngôi thánh đường không mái này đã bị bỏ dở hơn trăm năm! Vào thời điểm đó, nhà thờ lớn có ý nghĩa biểu tượng cực kỳ quan trọng đối với một thành phố! Do đó, dự án dang dở này khiến Florence rất mất mặt!

Đến đây, một kiến ​​trúc sư thiên tài với tính khí lập dị - Brunelleschi - đã xuất hiện! Những người khác không hiểu ông, họ đều cho rằng ông là một kẻ mất trí! Nhưng chỉ có Cosimo mới có nhãn quan sâu sắc để nhận ra tài năng, không chỉ tài trợ rất nhiều cho nghiên cứu của ông mà, còn mạnh dạn sử dụng ông với tư cách là người thiết kế mái vòm nhà thờ.

Brunelleschi thông thạo vật lý và toán học, thông qua tính toán, ông đã thiết kế mái vòm như một cấu trúc hỗn hợp với các lớp bên trong và bên ngoài. Và ông quyết định sử dụng gạch đỏ thay vì đá cẩm thạch để giảm trọng lượng của mái vòm. Để công trình được thuận lợi, ông còn đặc biệt thiết kế, chế tạo một thiết bị nâng hạ rất hữu ích, có thể vận chuyển hơn 4 triệu viên gạch lên nóc nhà thờ một cách dễ dàng. Sau 16 năm, tư duy thiên tài của Brunelleschi cuối cùng đã trở thành sự thật!

Một mái vòm khổng lồ hoành tráng chưa từng thấy đã chính thức được khánh thành. Toàn bộ Florence bùng nổ! Người đương thời ca ngợi: mái vòm màu đỏ tuyệt đẹp chạm vào bầu trời, khắp vùng Tuscany cũng trông thấy. Giáo hoàng và nhiều hồng y đã đích thân đến tham dự buổi lễ khánh thành, và tiệc mừng hoành tráng kéo dài hơn 5 giờ! Những người đến xem đã rơi nước mắt, và danh tiếng của gia đình Medici lên đến đỉnh điểm.

Với vai trò người bảo trợ nghệ thuật quan trọng nhất thời kỳ Phục hưng, Cosimo đã tài trợ và ủy thác nhiều bậc thầy quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật vào giữa thế kỷ 15. Có một ghi chép rằng Cosimo đã chi khoảng 660.000 đồng tiền vàng florin để tài trợ cho nghệ thuật trong suốt cuộc đời của mình! Đây là một con số khổng lồ! Mức độ nó như thế nào? Tương đương với gần chục tỷ đô la Mỹ ngày nay! Nó cũng tương đương với tổng doanh thu tài chính 6 năm của Cộng hòa Florence vào thời điểm đó! Không thể không ngạc nhiên trước sự hào phóng của ông và sự giàu có của gia đình Medici!

Sự nhiệt tình của Cosimo đối với nghệ thuật không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật, mà quan trọng hơn, sự tài trợ của Medici đã thay đổi toàn bộ diện mạo của nghệ thuật phương Tây lúc bấy giờ. Hơn nữa, sau Cosimo, gia tộc Medici vẫn tiếp tục truyền thống này, điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa và nghệ thuật Florence, khiến nơi đây dần trở thành nơi tụ tập của các nghệ sĩ tài năng ở Ý và thậm chí là toàn bộ Châu Âu, nhờ thế mà thời kỳ Phục hưng đã bắt đầu từ đó.

Cosimo rất yêu cháu nội Lorenzo

Cháu trai của Cosimo là Lorenzo Hào hoa. Khi Lorenzo còn nhỏ, Cosimo đã rất yêu quý đứa cháu thông minh này, ông yêu nó đến mức độ nào? Có một câu chuyện, rất thú vị.

Trong một dịp nọ, Cosimo đang đàm phán với một phái bộ ngoại quốc đến thăm. Cậu bé Lorenzo bước vào với một cành cây, nũng nịu với ông nội và yêu cầu ông làm cho mình một chiếc sáo. Cosimo ngay lập tức tạm dừng cuộc họp và chạy ra làm sáo cho cháu trai mình, hoàn toàn không để ý đến phái đoàn đang ngơ ngác nhìn nhau. Đại sứ phản đối: “Thưa ngài Cosimo, tôi kinh hoàng trước hành vi của ngài. Tôi thay mặt vua nước tôi đến bàn việc quốc sự với ngài, nhưng ngài lại bỏ chúng tôi đi theo một đứa trẻ”.

Cosimo mỉm cười trả lời: “Thưa ngài, tôi yêu đứa cháu trai này hơn cả bản thân mình. Đừng nói đến việc làm sáo, nếu nó yêu cầu tôi thổi một bài hát, tôi cũng sẽ làm như vậy”.

Và đứa cháu trai này cũng không phụ tình yêu của ông, khi lớn lên không chỉ trở thành một quân chủ vĩ đại, còn một tay đưa nghệ thuật Phục hưng đến tột đỉnh vinh quang!

Bức tượng bán thân của Lorenzo de' Medici (1480) của Verrocchio. (Phạm vi công cộng)

Vào mùa hè năm 1464, Cosimo, 76 tuổi, dự cảm rằng cuộc đời mình đã đến khúc vĩ thanh. Trong thời gian đó, ông thích ngồi nhắm mắt một mình trong căn nhà trống. Có người hỏi ông tại sao cứ nhắm mắt, ông nói: Dù sao sớm muộn gì cũng phải nhắm mắt, nên luyện tập trước.

Trước khi mùa hè kịp kết thúc, Cosimo đã qua đời. Tang lễ của ông được tiến hành theo truyền thống cổ xưa của gia tộc Medici, những người đưa tang đã đục một lối đi lớn trên tường phòng ông, đưa thi thể ông qua đó, đặt vào quan tài và an táng trong một nhà thờ do Brunelleschi thiết kế - Vương cung Thánh đường San Lorenzo.

Ngày nay, khi đến Phòng trưng bày Uffizi ở Florence, sẽ thấy một bức tượng bằng đá cẩm thạch tinh xảo trong hốc bên trái lối vào chính của nó, đó là bức tượng Cosimo de Medici. Ông còn được gọi là Cosimo the Old trong nhiều cuốn sách để phân biệt ông với Cosimo I, người sau này trở thành Đại công tước đầu tiên của Tuscany. Bên dưới bức tượng có khắc một dòng chữ Latin: “Cosimo Pater Patriae” - “Cosimo Quốc phụ”. Danh hiệu này được Cộng hòa Florentine truy tặng sau khi ông qua đời.

Gia tộc bị trục xuất và lãng quên, nhưng kiến ​​trúc và nghệ thuật lưu danh sử sách

Cosimo từng nói: “Có thể trong vòng 50 năm nữa, gia tộc ta sẽ bị trục xuất và bị lãng quên, nhưng những công trình kiến ​​trúc và nghệ thuật này sẽ trường tồn mãi mãi”. Thật đúng đắn làm sao.

Chúng ta không nói rằng sẽ không có Phục hưng Ý nếu không có Medici, nhưng nếu không có Medici, Phục hưng Ý chắc chắn sẽ không như chúng ta thấy ngày nay. Vì vậy, không quá khi phóng đại tầm ảnh hưởng của gia tộc này!

Sau hơn 300 năm, vào năm 1737, Gian Gastone de Medici, Đại công tước thứ 7 của Tuscany, qua đời mà không để lại người thừa kế, vì vậy dòng họ huyền thoại và nổi tiếng này đã chấm dứt. Điều đó không có nghĩa là không còn những người khác trong gia tộc nữa, chỉ là không còn nam giới thừa kế chính thức.

Và khi nữ thừa kế cuối cùng của gia đình - Anna de Medici - hấp hối, bà đã để lại lời trăn trối: tất cả các bộ sưu tập của gia đình Medici phải được lưu giữ ở Florence và mở cửa cho công chúng. Kết quả là, tòa nhà văn phòng của gia đình Medici đã trở thành một trong bốn phòng trưng bày nghệ thuật lớn trên thế giới ngày nay: Phòng trưng bày Uffizi!

Câu chuyện về gia tộc huyền thoại này vẫn được lưu truyền! Ảnh hưởng của gia tộc Medici đối với văn hóa, nghệ thuật và lịch sử châu Âu vẫn được các thế hệ sau biết đến, và vinh quang của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Giống như trong bài từ “Ly đình yến” của Trương Biện đời Tống:

“Một dải giang sơn như họa, cảnh sắc mùa thu tiêu sái
Nước pha màu trời chảy khôn dứt, ánh sáng sau mưa phản chiếu
Bãi cỏ đảo lau, thấp thoáng rào trúc lều tranh
Mây như treo trên buồm, sương rót vào chén rượu
Bao chuyện hưng phế của Lục triều, giờ thành chuyện phiếm của dân gian
Một mình trên lầu cao xa trông, mặt trời lạnh lùng xuống trời Tây”

Theo Lý Hạo - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Gia tộc Medici đã giúp cướp biển trở thành giáo hoàng như thế nào