Giải mã bí ẩn Trái Cấm và lý do khiến Adam và Eva bị đày xuống trái đất [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái cấm có phải là trái trí tuệ không? Vì sao Adam và Eva ăn trái cấm lại bị đuổi khỏi vườn Eden? Tình yêu thương của Thiên Chúa là to lớn vĩ đại nhẽ nào lại trách phạt con người khi được mở ra trí tuệ, có thể phân biệt điều thiện và điều ác? Những tình tiết tưởng chừng như nhỏ bé trong Kinh Thánh có thể lại là một thiên cơ về sự sống, ý nghĩa sinh tồn của nhân loại trên Trái đất này và điều chờ đợi của nhân loại trong tương lai.

Câu chuyện Adam và Eva trong Kinh Thánh

Khi Eva và Adam ăn trái cấm, đã bị Thiên Chúa trừng phạt đuổi ra khỏi vườn Eden. Trong một cuốn sách về Kinh Thánh ghi lại sự việc đó như sau: “Thiên Chúa đã lấy da thú kết thành chiếc áo dài cho vợ chồng Adam rồi mặc vào cho họ. Thiên Chúa nghĩ ích kỷ: "Này, loài người đã trở nên một bậc như chúng ta, biết phân biệt điều thiện và điều ác. Vậy bây giờ hãy coi chừng, kẻo loài người đưa tay hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng”. Vì vậy, Thiên Chúa truyền cho loài người ra khỏi vườn Eden để cày xới đất đai, là nơi con người từ đó mà ra. Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn. Tại phía đông vườn Eden, Ngài đặt các vị thần hộ giá với thanh gươm sáng chói, xoay mọi hướng, để canh giữ Eden và con đường đi đến cây sự sống. (Nguồn vi.wikipedia.org)

Có nhiều người đã thắc mắc, tại sao Thiên Chúa không cho con người ăn trái cấm? Nhẽ nào Thiên Chúa không muốn con người trở nên thông minh hay sao? Ăn trái cấm để phân biệt thiện ác nhẽ nào lại không tốt? Thiên Chúa yêu thương con người tại sao chỉ vì việc đó lại trừng phạt con người nặng như vậy? Nhiều người có đức tin vào Thiên Chúa đã trả lời cho những thắc mắc đó như sau:

Bởi vì tội lỗi của Adam và Eva là không vâng lời Thượng Đế. Thay vì lắng nghe lời Đức Chúa Trời, họ đã làm theo những gì họ muốn… Họ đã nghe theo lời của quỷ Satan và những lý lẽ riêng của họ, họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã giấu họ một số điều tốt đẹp nào đó. Và cũng giống như tất cả chúng ta, chúng ta nghĩ chúng ta hiểu biết hơn Đức Chúa Trời. Chúng ta nghĩ Đức Chúa Trời đang hạn chế chúng ta, Ngài đã giấu chúng ta một số điều, và rồi chúng ta có một cách tốt hơn. Cũng giống như Adam và Eva, chúng ta bị cám dỗ và đã chọn tin vào quỷ Satan hơn là tin vào Đức Chúa Trời. Đây là sự minh chứng: “Người nữ thấy trái của cây đó trông vừa ngon vừa đẹp mắt thì cả tin mà hái xuống rồi ăn, và đưa cho chồng cùng ăn.”

Kể từ giây phút đó họ đã trở nên bị ngăn cách về phần tâm linh với Đức Chúa Trời - Ngài đã đuổi họ ra khỏi vườn Địa Đàng (vườn Eden), ngăn cấm họ đến cây sự sống, thay vì họ được sống đời đời, giờ đây họ chỉ sống ngắn ngủi và cuối cùng phải chịu chết. Kinh Thánh chép rằng: “Hậu quả cuối cùng của tội lỗi là sự chết”. Đây là lý do tại sao Chúa Giê-su đã đến để cứu rỗi con người khỏi sự chết.

Đó là những lời giải thích cho những thắc mắc trên. Nhưng Thiên Chúa là yêu thương con người, tình yêu thương này rộng lớn bao trùm toàn nhân loại, nhẽ nào không thể bao dung hay tha thứ cho một tội lỗi mà Adam và Eva mới phạm lần đầu? Kinh Thánh dạy ai ăn năn thì sẽ được miễn tội, nhưng ở đây Adam và Eva còn chưa có cơ hội để ăn năn sửa sai đã bị đuổi ra khỏi Eden rồi. Vậy có thực sự chỉ là tội không vâng lời, ăn trái cấm mà bị đày xuống trái đất hay còn có nguyên nhân khác?

Thiên Chúa tạo dựng Adam. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Tình yêu thương của Chúa và tâm Từ bi của Phật

Ở Phương Đông tình yêu, tình thương là cái Tình của con người trong tam giới. Còn Thiện tâm biểu hiện là một tấm lòng rộng lớn, khoan dung với những tội lỗi của người khác, có thể buông bỏ những điều ác mà người khác gây cho mình, vượt trên những điều đó là tâm Từ bi. Khi nói đến tình yêu thương thì người ta sẽ liên hệ đến những tình cảm tốt đẹp của con người dành cho nhau. Nhưng trong văn hóa Phương Tây tình yêu thương có thêm một nghĩa rộng lớn hơn.

Trong văn hóa Phương Tây không có từ chỉ Từ bi mà chỉ có từ tình yêu thương để chỉ con người cần phải sống Thiện. Một ví dụ cụ thể cho thấy điều đó, chúa Giê-Su nói: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù của mình”. Đối với con người mà nói, làm sao có thể “yêu thương” kẻ thù của mình được; thương yêu người thân, bạn bè thì còn được chứ với kẻ thù thì rất khó mà đối đãi tử tế chưa nói là “yêu thương”. Chỉ khi người tu Phật tu xuất tâm Từ bi, không còn thất tình lục dục của người thường nữa mới có thể đối đãi với kẻ thù của mình như đối đãi với người thân.

Vậy tình yêu thương của Thiên Chúa và tâm từ bi của Phật có giống nhau không? Thiên Chúa cứu rỗi người Phương Tây, Đức Phật cứu độ người Phương Đông, đều là các vị Thần tới cứu độ nhân loại, đưa con người thoát khỏi lão bệnh tử hay sự chết ở nơi trái đất. Cho nên với tấm lòng khoan dung rộng lớn ấy có thể nói là tương đương. Người Phương Đông khi nói tới “tình yêu thương” của Thiên Chúa trong Kinh Thánh có lẽ nên hiểu là tâm Từ bi, là Thiện tâm đã siêu thoát khỏi thất tình lục dục của con người. Nếu nói Thần có “tình yêu thương” giống như tình yêu thương của con người dành cho nhau thì chính là đang mạo phạm Thần, vì Thần không có cái Tình của con người.

Thiên Chúa cứu rỗi người Phương Tây, Đức Phật cứu độ người Phương Đông, đều là các vị Thần tới cứu độ nhân loại, đưa con người thoát khỏi lão bệnh tử hay sự chết ở nơi trái đất. (Ảnh: Pixabay)

Tiêu chuẩn của thiên giới

Một người như thế nào có thể tiến vào thiên quốc của Phật? Người ấy phải tu tâm trừ bỏ thất tình lục dục, trải qua một chặng đường tu luyện gian khổ, thấp nhất cũng phải đạt tới quả vị La Hán sơ quả mới được tiến vào Phật giới. Ở cảnh giới ấy, trong đầu xuất một tà niệm thì lập tức sẽ rớt trở lại cõi người. Chẳng hạn như Kim Thiền Tử chỉ vì ngủ gật mà bị đày xuống cõi người tu lại, trải qua 81 kiếp nạn mới trở về được thiên quốc. Ở Thiên đình, Trư Bát Giới xuất một tà niệm sắc dục liền bị đày xuống nhân gian làm lợn. Điều đó cho thấy sự nghiêm khắc của thượng giới, cũng là luật của vũ trụ. Ai tâm tính không đủ tốt ở tầng thứ ấy nữa thì lập tức bị hạ xuống.

Quay lại sự việc Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Eden. Khi hai người họ ăn xong trái cấm thì “Mắt của hai người mở ra và nhận thức được sự trần truồng của mình”. Có thể suy đoán được trái cấm đó có chứa vật chất sắc dục, ban đầu hai người họ không có sắc dục nên không cảm thấy mình trần truồng, cũng không thấy xấu hổ. Nhưng khi đã ăn trái cấm, sắc dục đã ngấm vào thân thể, ở tầng thứ đó con người không được phép có vật chất sắc dục. Nên theo luật vũ trụ, họ phải bị hạ xuống tầng thấp hơn - Trái đất.

Do đó, không phải “Thiên Chúa nghĩ ích kỷ” không cho con người hái trái cây sự sống nữa, khi con người tự mình sa đọa thì Thiên Chúa cũng không có cách nào, vì đấy là luật của vũ trụ. Con người chỉ có cách làm theo lời dạy của Thần, tu tâm mới có thể trở về. Thiên Chúa cũng không thể làm trái luật của vũ trụ. Con người dùng cách nghĩ của mình để đo lường sự việc của Thần, có thể vô ý mà phạm tội với Thần.

Thiên cơ về con người

Chúng ta biết rằng ở trên tất cả các vị Thần chính là Sáng Thế Chủ, Pháp của Ngài mới là tối cao trong vũ trụ, Đạo của Ngài truyền mới là chân lý vĩnh hằng của vũ trụ. Chúa Giê-Su hay Phật Thích Ca Mâu Ni đều thuận theo sự chỉ dẫn của Sáng Thế Chủ mà đến thế gian, đặt định ra một văn hóa Thần truyền và lưu lại dự ngôn một ngày nào đó Sáng Thế Chủ sẽ đến thế gian. Đến lúc này con người mới thực sự có thể được cứu rỗi, mới thực sự có sự sống vĩnh hằng, đời đời kiếp kiếp.

Chúng ta biết rằng ở trên tất cả các vị Thần chính là Sáng Thế Chủ, Pháp của Ngài mới là tối cao trong vũ trụ, Đạo của Ngài truyền mới là chân lý vĩnh hằng của vũ trụ.

Trái cây sự sống, chỉ bất tử hay sự vĩnh hằng của sinh mệnh, điều tốt đẹp ấy chỉ xứng với một tâm hồn thuần khiết, thiện lương. Con người mà trong tâm có chứa dục vọng, sự xấu xa nhẽ nào lại có thể hái trái cây sự sống để ăn được? Điều này không được phép, vì sự xấu xa sẽ làm ô nhiễm thiên đàng, sẽ như Lucifer ích kỷ và ngạo mạn làm vô số thiên thần sa ngã mà mất đi sự sống. Thiên đàng là có tiêu chuẩn, sự bất tử của sinh mệnh đồng nghĩa với việc sinh mệnh ấy mãi mãi tốt, trong hoàn cảnh nào cũng là tốt.

Nếu ngẫm kỹ lại câu Thiên Chúa nói: “Này, loài người đã trở nên một bậc như chúng ta, biết phân biệt điều thiện và điều ác.” Thì trong đó ẩn chứa một thiên cơ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự xuất hiện của loài người. Thiên cơ này được nói rõ hơn trong văn hóa Phương Đông. Trong tất cả sinh mệnh trên Trái Đất thì chỉ có con người là có thể tu thành Phật, Đạo, Thần. Còn lại các sinh mệnh khác nếu tu thành cũng chỉ là yêu, ma, động vật mà có công tăng cao cũng sẽ bị trời diệt, sẽ bị sét đánh chết.

Tại sao con người được ưu ái như vậy? Phải chăng vì loài người được tạo ra với thân thể giống Thần, nhưng chưa có trí huệ của Thần. Khi ăn trái cấm, con người được mở ra trí tuệ, nhưng lý của vũ trụ là công bằng, con người muốn được cái này thì phải mất đi cái khác. Trong kinh sách Phật gia có giảng về lý của vũ trụ: “Bất thất bất đắc, đắc tựu đắc thất”, con người không mất thì không được, muốn được thì phải mất. Con người đắc được trí tuệ thì lại mất đi sự sống đời đời và đầy đủ ở thượng giới; khi con người chịu nỗi khổ đáng sợ nhất của sinh mệnh là sự chết ở nơi trái đất này thì cái đắc được chính là có cơ hội tu thành Phật, thành Thần.

Loài người đã trở nên một bậc như chúng ta”. Con người được xếp đứng cùng hàng với Thần, vậy điều gì khiến con người vẫn trở nên yếu kém, không có năng lực gì? Phải chăng do trong thân thể chứa điều gì đó không tốt nên phải chịu phong bế như vậy? Theo sự tu luyện trong Phật giáo, con người cần phải từ bỏ lục dục: sắc dục, thính dục, vị dục, khứu dục, xúc dục và niệm dục. Tại sao phải từ bỏ chúng? Lục dục này được cho là do các ma thiên trong tam giới cai quản. Khi nào con người còn những vật chất này thì ma còn có thể không chế và điều khiển.

Trái cấm không chỉ chứa sắc dục mà có lẽ nó chứa thứ đáng sợ hơn, là vật chất ma tính, theo văn hóa Phương Đông chính là thất tình lục dục. Một sinh mệnh có chứa vật chất đó sẽ bị quỷ sắc dục điều khiển, ở thiên đàng thì điều này tuyệt đối không được phép xảy ra. Nên mới nói lý do thật sự Adam và Eva bị đuổi ra khỏi vườn Eden là do trong thân thể đã bị ô nhiễm bởi vật chất thất tình lục dục, không thể ở lại.

Bí ẩn trong trái cấm cũng dần được hé mở, trong đó ẩn chứa trí tuệ có thể phân biệt thiện ác đồng thời cũng ẩn chứa vật chất ma tính. Người ta thường ví hoa hồng đẹp nhưng cành hồng có gai, trái cấm còn đáng sợ gấp nhiều lần sự ví von ấy, ăn trái cấm có thể đắc được trí tuệ nhưng bị nhiễm thất tình lục dục, sau đó chìm trong “bể khổ” không biết ngày nào có cơ hội thoát ra, trong vô minh làm điều xấu ác thì dẫn đến sự chết thật sự, tiêu tán toàn bộ linh hồn.

Tại sao Thiên Chúa lại đặt Adam và Eva vào tình huống thử thách như vậy. Vì trước đó trong vũ trụ này không tồn tại con người, nếu tra lại tất cả các cuốn sách kinh điển, đều sẽ thấy rằng loài người được tạo ra sau cùng. Adam, Eva là những con người đầu tiên. Một sản phẩm mới được tạo ra của Thượng Đế sẽ sống, suy nghĩ và hành xử ra sao? Có đạt tiêu chuẩn của thiên đàng hay không? Bởi vậy quỷ sa tăng dụ dỗ như là một phép thử, người nào qua được thì mới xứng được cứu rỗi.

Chúng ta cũng vậy, luôn luôn có sự cám dỗ về rất nhiều phương diện, sự lựa chọn của bản thân đôi khi cũng rất khó khăn cho một quyết định. Làm theo lời dạy của các vị Thánh Nhân hay chạy theo cảm xúc của bản thân? Ta chọn thiện lương hay trôi theo dòng xã hội? Mỗi một tình huống trôi qua có thể nó chẳng đọng lại gì trong ký ức, nhưng tập hợp vô số tình huống như thế trong đời lại, nó sẽ hình thành một bức tranh toàn cảnh, bức tranh ấy như một lời tiên tri cho biết chúng ta sẽ đi về đâu!

Vân Hải

Tham khảo https://vi.wikipedia.org/



BÀI CHỌN LỌC

Giải mã bí ẩn Trái Cấm và lý do khiến Adam và Eva bị đày xuống trái đất [Radio]