Giải mã tương lai: Chiến hỏa liên miên, xung đột không ngừng, trăm họ lầm than

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2021 sắp trôi qua, nhưng chúng ta vẫn chưa đi hết chặng đường đầy chông gai sóng gió. Thế giới hôm nay là dịch bệnh, thiên tai, ngoại bang, nội loạn… Vậy còn tương lai, đó sẽ là những ngày sóng yên bể lặng, hay vẫn còn gió táp phong ba? 

Trong bài phú nổi tiếng của vị danh quan thời nhà Tống có đoạn viết rằng:

“Trời chẳng được thời, Nhật Nguyệt cũng tối tăm,
Đất chẳng được thời, cỏ cây không phát triển,
Nước chẳng được thời, sóng gió dấy lên,
Người chẳng được thời, vận may chẳng đến”
(“Phá Diêu Phú”, Lã Mông Chính)

Con người sống giữa đất trời, tiến hay lùi, tồn hay vong, phát đạt hay lụi tàn thì trước hết cần nhìn Thiên thời, sau là Địa lợi, cuối cùng mới đến Nhân hòa. Muốn biết thời vận ra sao thì cần xem Thiên tượng, hiểu được quy luật vận động của vũ trụ, từ đó mà xem xét thế thời.

Với nhiều năm nghiên cứu về Kinh Dịch, phong thủy, bát tự và ngũ thuật, nhà tiên tri nổi tiếng người Malaysia là ông Dato Anthony Cheng đã nhận định: “Tiến vào ‘cửu hỏa vận năm 2024’ sẽ là thời đại chiến hỏa lan tràn. Nếu như không có quốc gia chủ trương hòa bình nào đứng ra gây áp lực thì thế giới sẽ điêu đứng, trăm họ sẽ lầm than”.

Liệu tương lai có thực sự ảm đạm đến như vậy hay không? Chúng ta hãy cùng đàm luận về vấn đề này ngay dưới đây:

Tam nguyên cửu vận

Muốn liễu giải cục diện thế giới và thời vận tương lai, trước hết hãy cùng tìm hiểu về “Tam nguyên cửu vận”.

Khi nhắc đến các khái niệm trong Dịch học và Thiên văn học, có người thắc mắc: Vì sao nói Ngũ hành mà không phải Lục hành? Vì sao một Giáp có 60 năm mà không phải 50 năm hay 100 năm? Thiên Can vì sao là 10, và Địa Chi vì sao là 12? Là ai đã quy định những điều này?

Ngũ hành cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ như thế nào? | NTD Việt Nam (Tân Đường Nhân)
Khoa học hiện đại đã thừa nhận vũ trụ được tạo nên bởi Ngũ hành, nhân loại cũng là một phần trong vũ trụ, do đó cũng do ngũ hành tạo nên. (Hình: NTDVN)

Chúng ta có thể đặt ra rất nhiều quy tắc trong cuộc sống, ví dụ như mỗi tuần làm việc 5 ngày nghỉ 2 ngày, hoặc làm việc 4 ngày nghỉ 3 ngày. Nhưng các con số trong Huyền học và Dịch học lại hoàn toàn không phải do con người quy định, mà là do người tu Đạo xưa tham ngộ ra quy luật của tự nhiên và cơ chế vận hành của tinh tượng mà truyền lại cho hậu thế.

Tương tự như vậy, những khái niệm như “cửu hỏa vận” (đại vận cửu hỏa) và “Tam nguyên cửu vận” cũng là nhận thức của tiền nhân về quy luật của vũ trụ và tự nhiên.

Vậy, “Tam nguyên cửu vận” là gì?

“Tam nguyên cửu vận” là một khái niệm phân chia thời gian, cứ mỗi 180 năm là một vòng tuần hoàn. Sở dĩ lấy chu kỳ 180 năm làm mốc xoay chuyển là vì chín đại hành tinh trong Thái Dương hệ cứ sau 180 năm lại trở về nằm cùng trên một đường thẳng. 180 năm này chia làm ba nguyên, trong đó 60 năm đầu gọi là Thượng nguyên, 60 năm giữa gọi là Trung nguyên, và 60 năm cuối gọi là Hạ nguyên. Trong mỗi nguyên lại chia làm ba khoảng thời gian gọi là vận, mỗi vận kéo dài 20 năm.

Đối ứng với Thượng nguyên là vận Nhất - Nhị - Tam, đối ứng với Trung nguyên là vận Tứ - Ngũ - Lục, đối ứng với Hạ nguyên là vận Thất - Bát - Cửu. Vận Nhất bắt đầu từ năm Giáp Tý, đi hết Tam nguyên là trọn vẹn chu kỳ 180 năm rồi lại trở về vận Nhất của Thượng nguyên lúc ban đầu. Nếu tính theo năm thì “Tam nguyên cửu vận” gần đây nhất là:

Thượng nguyên:

- Vận Nhất: năm 1864-1883 (Nhất bạch Thủy tinh)

- Vận Nhị: năm 1884-1903 (Nhị hắc Thổ tinh)

- Vận Tam: năm 1904-1923 (Tam bích Mộc tinh)

Trung nguyên:

- Vận Tứ: năm 1924-1943 (Tứ lục Mộc tinh)

- Vận Ngũ: năm 1944-1963 (Ngũ hoàng Thổ tinh)

- Vận Lục: năm 1964-1983 (Lục bạch Kim tinh)

Hạ nguyên:

- Vận Thất: năm 1984-2003 (Thất xích Kim tinh)

- Vận Bát: năm 2004-2023 (Bát bạch Thổ tinh)

- Vận Cửu: năm 2024-2043 (Cửu tử Hoả tinh)

Tinh tượng đối ứng với “Tam nguyên cửu vận” chính là chín đại hành tinh trong hệ Mặt Trời, hoàn toàn nhất trí với quy luật vận hành của các tinh thể trong Thái Dương hệ.

Ngũ hành vận hành theo thứ tự, thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa. Nếu bộ phận nào xuất hiện vận động bất thường thì sẽ xảy ra những tai họa tương ứng (Nguồn ảnh: pixabay)
Tinh tượng đối ứng với “Tam nguyên cửu vận” chính là chín đại hành tinh trong hệ Mặt Trời, hoàn toàn nhất trí với quy luật vận hành của các tinh thể trong Thái Dương hệ. (Ảnh: Pixabay)

Đối ứng Thiên tượng

Trong các chương trình dự đoán của thần đồng tiên tri Ấn Độ Abhigya Anand, chúng ta thường nghe thấy cụm từ “Thổ Mộc tương hợp”.

“Tương hợp” (Appulse) là một thuật ngữ Thiên văn học để chỉ hai hành tinh di chuyển đến vị trí rất gần nhau. “Thổ Mộc tương hợp” cũng là tinh tượng trong “Tam nguyên cửu vận”.

Trong Thiên văn học, sao Thổ quay quanh Mặt Trời hết 30 năm, sau 30 năm Thổ tinh lại trở về vị trí xuất phát ban đầu. Còn chu kỳ của sao Mộc là 12 năm.

Cứ mỗi vận (20 năm) sao Thổ và sao Mộc sẽ gặp nhau một lần trên cùng một đường thẳng. Đây chính là “Thổ Mộc tương hợp”.

Cứ mỗi nguyên (60 năm) sao Thổ, sao Mộc và sao Thủy sẽ gặp nhau một lần trên cùng một đường thẳng. Đây gọi là “Tam tinh liên châu”. Nếu lấy số năm sao Mộc, sao Thổ, sao Thủy tương hợp làm chuẩn, thì vừa khớp chính là một Giáp.

Cứ mỗi chu kỳ “Tam nguyên cửu vận” (180 năm), toàn bộ chín đại hành tinh sẽ ở cùng một bên so với Mặt Trời, phân bố ở một góc nhỏ. Đây gọi là “Cửu tinh liên châu”.

Nếu như vận Nhất của Thượng nguyên bắt đầu từ Giáp Tý thì năm 2067 TCN được coi là năm Giáp Tý đầu tiên trong Tam nguyên cửu vận. Mỗi chu kỳ 60 năm là một vòng tuần hoàn của một năm Giáp Tý, tính đến nay chúng ta đã tiến nhập vào vòng tuần hoàn thứ 79. Còn nếu kết hợp Tam nguyên cửu vận với số năm, Ngũ hành và chín đại hành tinh, thì chúng ta đang ở 60 năm Hạ nguyên.

Năm 2004-2023 là vận giữa Hạ nguyên, Ngũ hành thuộc Thổ, nằm ở vận Bát, là vận Thổ.

Năm 2024-2043 là vận cuối Hạ nguyên, Ngũ hành thuộc Hỏa, nằm ở vận Cửu, là vận Hỏa.

Cổ nhân quan sát Thiên tượng và nhìn nhận sự vận chuyển của các hành tinh trong Thái Dương hệ là “Thiên đạo”. Trong văn minh cổ đại phương Đông, sự biến hóa của tinh tượng hoặc của Thiên đạo là có quan hệ mật thiết và tương phụ tương thành với hưng suy dưới nhân gian. Theo đó, biến hóa của Thiên đạo sẽ dẫn đến biến hóa của thế đạo, từ biến hóa của thế đạo mà có thể dự đoán Thiên đạo, từ dự đoán Thiên đạo mà suy ra tiến trình của thế đạo.

Chính là nói, khi Thiên đạo dẫn động Địa đạo và Nhân đạo, thì thuận theo Thiên lý sẽ là Ngũ hành hòa hợp, vạn sự vạn vật theo đó mà tương sinh. Chỉ cần thuận theo Thiên đạo, phù hợp với Ngũ hành, thì thế đạo cũng sẽ mưa thuận gió hòa, phồn vinh thịnh vượng.

Thiên tai hay kiếp nạn đều không ngẫu nhiên xảy ra. Không phải Thiên Thượng vô cớ giáng họa xuống thế gian, mà là do đạo đức suy đồi, nhân tâm bại hoại, dẫn đến thế đạo suy bại, nên mới khiến Thượng Thiên nổi giận.

Các bậc Thánh nhân hiểu được quy luật này nên có thể dự đoán trước tương lai sẽ phát sinh sự việc gì, cũng có thể căn cứ vào đó mà cải biến thế đạo, cải biến tương lai.

Gia Cát Lượng cả đời vì nước, "cúc cung tận tụy đến chết mới thôi"
Các bậc Thánh nhân hiểu được quy luật này nên có thể dự đoán trước tương lai sẽ phát sinh sự việc gì, cũng có thể căn cứ vào đó mà cải biến thế đạo, cải biến tương lai. (Ảnh: Tổng hợp)

Cửu tử hỏa vận

Căn cứ vào tinh tượng đối ứng trong “Tam nguyên cửu vận”, từ năm 2024 đến năm 2043 là vận Cửu thuộc Hạ nguyên, ứng với quẻ Ly trong Kinh Dịch.

Chúng ta biết, mở đầu Kinh Dịch bằng hai quẻ Càn và Khôn (trời và đất), tới giữa Kinh Dịch là hai quẻ Khảm và Ly (nước và lửa).

Ba hào thuần dương là Càn, lấy một hào của Khôn thay vào hào giữa của Càn là thành Ly. Ba hào thuần âm là Khôn, lấy một hào của Càn thay vào hào giữa của Khôn là thành Khảm. Do đó hai quẻ Ly và Khảm là “thiên địa chi trung”, ở giữa trời đất. Công dụng tạo hóa của trời đất là nhờ nước và lửa. Khảm ứng với Thủy, Ly ứng với Hỏa. Khảm ở chính bắc, Ly ở chính nam, Khảm ở giữa đêm, Ly ở giữa trưa. Khảm ở giữa là nét dương, liền, thực, cho nên đức của nó là trung thực. Ly ở giữa là nét đứt, hư, rỗng, cho nên đức của nó là sáng láng, là văn minh.

Nói riêng về quẻ Ly (|:||:|) trong Bát Quái. Ly là một quẻ “trung cát”, một hào âm ở trong, hai hào dương ở ngoài. Ngoại cương nội nhu, nội bộ không hư (ngoài cứng trong mềm, bên trong trống rỗng), bên ngoài quang minh, ở giữa âm hư, là hình quẻ ngoại phương dương thực. Trên dưới là hào dương, ở giữa là hào âm, trông giống như ngọn lửa đang hừng hực cháy, tượng trưng cho Hỏa của giới tự nhiên.

Giai đoạn 2024-2043 ứng với quẻ Ly, mang vận Hỏa, do đó các yếu tố về Hỏa sẽ chi phối vạn sự vạn vật giữa đất trời. Dưới đây sẽ phân tích cụ thể về quẻ Ly:

Nói về Thoán của quẻ Ly

Thoán từ viết: “Lợi trinh, hanh, súc tẫn ngưu, cát”.

Dịch thơ:

Nương tựa chính trung, lợi lại hay,
Nhu thuận một lòng sẽ mắn may.
Ví như nuôi được con trâu cái,
Vừa khỏe, vừa ngoan, thật tốt thay. (*)

Ly ứng với lửa. Lửa muốn cháy thì cần phải gắn vào vật thể dẫn lửa. Vạn vật trong trời đất cũng như vậy, cần phải dựa vào sự chính thường thì mới có thể tồn tại. Do đó, giữ vững theo chính đạo thì mọi việc sẽ được thuận lợi, hanh thông. Giữ tròn được tấm lòng nhu thuận, tuân phục lẽ công chính, cũng ví như nuôi được con trâu cái hiền lành, được như vậy thì sẽ được may mắn, cát tường.

Lửa muốn cháy thì cần phải gắn vào vật thể dẫn lửa. Vạn vật trong trời đất cũng như vậy, cần phải dựa vào sự chính thường thì mới có thể tồn tại. (Ảnh: Pixabay)

Nói về Đại Tượng của quẻ Ly

Quẻ tượng viết: “Minh lưỡng tác, Ly, đại nhân dĩ kế minh chiếu vu tứ phương”.

Dịch thơ:

Tượng rằng: Ly là sáng láng liên canh,
Đại nhân cố giữ lòng mình sáng trong.
Sáng soi cùng khắp non sông,
Sáng soi rạng rỡ, khắp cùng bốn phương. (*)

Giống như ánh quang minh liên tiếp thăng khởi, quẻ Ly đại biểu cho Thái Dương. Mặt Trời mọc ở phía đông, lặn ở phía tây, ánh sáng tròn đầy, quang minh rực rỡ. Ánh Mặt Trời chiếu sáng khắp thiên không, bậc vĩ nhân cần phỏng theo hiện tượng này, để mỹ đức như ánh Thái Dương chiếu rọi khắp tứ phương.

Quẻ Ly trên dưới đều minh, trước sau đều minh. Người quân tử thấy vậy thì cần chau chuốt cho tâm hồn ngày một thêm rạng sáng, để ánh sáng của mỹ đức có thể chiếu soi khắp bốn phương. ‘Kế minh’ chỉ về thời gian, ý nói trước cũng như sau, con người đừng bao giờ quên làm bừng sáng ngọn đuốc thiên chân tiềm ẩn tự đáy lòng.

Nói về hào Sơ Cửu của quẻ Ly

Từ viết: “Lý thác nhiên, kính chi, vô cữu”.

Tượng viết: “Lý thác chi kính. Dĩ tỵ cữu dã”.

Dịch thơ:

Bỡ ngỡ đưa chân bước vào đời,
Phải nên cẩn trọng, khỏi lầm sai.
Tượng rằng: Cẩn thận bước đi,
Cho nên mới tránh được nguy, được lầm. (*)

Hào Sơ bình rằng: Tuy Ly là sáng láng, nhưng vào lúc con người mới bước chân vào đường đời, thời thiện ác còn hỗn tạp khó phân, thì mỗi bước đi đều dễ mắc lỗi lầm. Vậy phải biết cẩn trọng, kính úy mới tránh được những điều lầm lỗi.

Nói về hào Lục Nhị của quẻ Ly

Từ viết: “Hoàng ly, nguyên cát”

Tượng viết: “Hoàng Ly nguyên cát. Đắc trung đạo dã”.

Dịch thơ:

Văn minh rực rỡ, huy hoàng,
Mà mình trung chính, đàng hoàng tốt thay.
Tượng rằng: Huy hoàng, rực rỡ mà hay.
Là vì trung chính, thẳng ngay đạo Trời. (*)

Sắc vàng đại biểu cho Thổ, đại biểu Trung, con người cần kiên trì giữ vững chính đạo mới có thể được đại cát đại lợi. Công chính là Thiên lý, tư tà là nhân dục, con người cần dựa vào sự công chính thì mới là trân quý. Vậy nên, làm người thì phải sống thuận theo Thiên lý, thực hiện được Thiên đức, hòa hợp được với quy luật của vũ trụ, của đất trời.

Nói về hào Cửu Tam của quẻ Ly

Từ viết: “Nhật trắc chi Ly. Bất cổ phẫu nhi ca. Tắc đại điệt chi ta. Hung”.

Tượng viết: “Nhật trắc chi Ly. Hà khả cửu dã”.

Dịch thơ:

Mặt trời đã xế ngang đầu.
Sao không gõ chậu, ca âu thanh nhàn.
Đời người còn được mấy gang,
Cái già xộc đến, phàn nàn nỗi chi. (*)

Hào Cửu Tam chủ trương rằng: Khi thân thể đã già, mặt trời đã xế bóng, con người nên quẳng bớt gánh lo, buông bỏ mọi ưu phiền mà sống hồn nhiên trong cái vui trời đất. Nếu tuổi đã già mà lòng chưa được an vui, vẫn còn xót xa, phàn nàn, oán thán, thì quả là khổ biết mấy mươi năm.

Khi thân thể đã già, mặt trời đã xế bóng, con người nên quẳng bớt gánh lo, buông bỏ mọi ưu phiền mà sống hồn nhiên trong cái vui trời đất. (Ảnh: Pixabay)

Nói về hào Cửu Tứ của quẻ Ly

Từ viết: “Đột như kỳ lai như. Phần như. Tử như. Khí như”.

Tượng viết: “Đột như. Kỳ lai như. Vô sở dung dã”.

Dịch thơ:

Từ đâu vụt đến, lố lăng.
Phừng phừng như muốn đốt phăng ngôi rồng,
Hung hăng sẽ bị tử vong.
Mọi người ruồng rẫy, ai dung cho nào.
Tượng rằng: Từ đâu vụt đến lố lăng,
Mọi người ruồng rẫy, ai dung cho nào. (*)

Hào Cửu Tứ là dương cương, nên nóng nảy, muốn tiến lên một cách ào ạt, phừng phừng như muốn thiêu hủy cả đấng quân vương trên mình. Làm như vậy là trái với sự sáng suốt, cho nên sẽ bị mọi người ruồng bỏ, rồi sẽ đi đến diệt vong. Như vậy, có minh triết mới có thể bảo mệnh.

Nói về hào Lục Ngũ của quẻ Ly

Từ viết: “Xuất thế đà nhược. Thích ta nhược. Cát”.

Tượng viết: “Lục ngũ chi cát. Ly vương công dã”.

Dịch thơ:

Đầm đìa nước mắt nhỏ sa,
U buồn than thở, rồi ra gặp lành.
Tượng rằng: Lục ngũ gặp lành,
Là vì ngôi vị của mình Vương công. (*)

Hào Lục Ngũ âm nhu, ở ngôi tôn, bị ép giữa hai hào dương, mắc vào hoàn cảnh khó khăn, cho nên mới “nước mắt ròng ròng”. Đã thất vị mà dưới lại không ứng, nay lại ở gần kề Cửu Tứ là dương cương, như ngọn lửa phừng phừng bốc cháy lên để thiêu rụi mình. Như vậy có khác nào một vị quân vương hiền đức nhưng lại bị bạo thần lăng bức đâu? Trong trường hợp ấy, nếu biết lo họa hung thì sẽ tiêu trừ được hung họa. Lục Ngũ sở dĩ “cát” là vì đã được ngôi vị Vương công vậy.

Nói về hào Thượng Cửu của quẻ Ly

Từ viết: “Vương dụng xuất chinh. Hữu gia. Triết thủ. Hoạch phỉ kỳ xú. Vô cữu”.

Tượng viết: “Vương dụng xuất chinh. Dĩ chính bang dã”.

Dịch thơ:

Vua dùng chinh thảo cũng hay,
Giết người đầu đảng, tha bầy côn quăng.
Giết, tha, minh bạch đàng hoàng,
Việc mình, ai dám phàn nàn, chê bai.
Tượng rằng: Vua dụng xuất chinh.
Cốt là dẹp loạn, trị bình, giang san. (*)

Thượng Cửu là điểm cao nhất của quẻ Ly, là cực điểm quang minh. Hào này thuộc dương, dương cứng mà dứt khoát, có thể dụng binh, trừng phạt kẻ ác. Nhưng trong lúc chinh phạt thì cần phải giữ vững chính đạo, không được lạm sát người vô tội, chỉ trảm kẻ thủ lĩnh mà thả kẻ tùy tùng, cho nên gọi là “vô cữu”. Hào này nói rõ: Tà ác thì cần diệt trừ, nhưng chỉ giết kẻ ác đứng đầu, không nên đuổi cùng giết tận.

Xuất binh chinh phạt là vì để trị lý quốc gia, chứ không phải để diễu võ dương oai, lạm sát vô cớ. Chỉ có tiến hành chiến tranh chính nghĩa mới không phát sinh tai họa.

Lời kết

Những gì miêu tả trong các hào Sơ Cửu, Lục Nhị và Cửu Tam trên đây có liên hệ mật thiết tình thế hiện nay: Bá đạo thịnh hành, không còn vương đạo.

Tới đây chúng ta có thể lý giải vì sao ông Dato Anthony Cheng nhìn nhận rằng: “Cửu hỏa vận” năm 2024 sẽ là “thời đại chiến hỏa liên miên”, nếu như không có quốc gia chủ trương hòa bình nào đứng ra gây áp lực thì thế giới sẽ “sinh linh đồ thán” - dân chúng lầm than.

Từ cục diện hiện nay mà xét, có thể nói thế lực hắc ám vẫn chưa hoàn toàn bị thanh trừ, những quốc gia và tập đoàn đi theo thế lực hắc ám này vẫn còn lan tràn phổ biến.

Vậy nếu muốn để thế giới quay về hòa bình và truyền thống, thì bậc vương giả nhất định phải xuất chinh. Chỉ bằng cách thanh trừ triệt để thế lực tà ác mới có thể khôi phục hòa bình. Do đó, chiến tranh là tất yếu, chiến họa liên miên cũng là điều khó tránh.

Nhưng vẫn còn một giải pháp khác, chỉ có điều giải pháp này lại rất khó thực hiện. Muốn thực hiện được, thì cần phần lớn các quốc gia có thể lý giải và làm theo tiêu chuẩn trong quẻ tượng quẻ Ly.

Cũng chính là nói, vạn vật trong trời đất cần phải phù hợp với quy luật vận hành của Thiên địa Ngũ hành. Nhân tâm cần được quy chính trên diện rộng, cần bỏ ác theo thiện mới có thể xuất hiện kỳ tích. Tuân theo Thiên lý, đi theo chính đạo mới có thể được lưu tồn, mới có thể tránh khỏi tai họa chiến loạn, mới có được cát tường.

Nhưng cho dù tương lai phía trước có bi quan thế nào, thì đối với mỗi cá nhân, chỉ cần giữ vững chính tín vào Thần, giữ vững Thiện trong tâm, thì sẽ có thể cải họa thành phúc, biến nguy thành an.

Minh Hạnh
Theo Vision Times

(*) Theo bản dịch thơ của Nhân tử Nguyễn Văn Thọ và Huyền Linh Yến Lê



BÀI CHỌN LỌC

Giải mã tương lai: Chiến hỏa liên miên, xung đột không ngừng, trăm họ lầm than