Giải mã y thuật của Thần y Hoa Đà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong sử sách, có rất ít thông tin về thời trẻ của Thần y Hoa Đà. Các nhà sử học chỉ với vài ba câu ít ỏi, đã mô tả y thuật thần kỳ của ông. Kết quả là, trên vũ đài lịch sử, y thuật của Hoa Đà đã tỏa sáng rực rỡ, và trong hàng ngàn năm, y thuật của ông vẫn ở mức độ không thể sánh kịp. Khi ông qua đời, vô số người phải thở dài tiếc nuối cho những tuyệt kỹ đã thất truyền.

Thế nhưng, sở dĩ mọi người cảm thấy tiếc thương là vì Hoa Đà được xem là một Thần y, nên thở dài tiếc nuối vì y thuật thần kỳ của ông bị thất truyền. Nhưng nếu mọi người có thể thay đổi quan niệm của mình và nhìn Hoa Đà từ một góc độ khác, chúng ta sẽ có thể mở lòng và cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Yêu thích tầm Tiên học Đạo hơn danh lợi ở thế gian

Hoa Đà và Tào Tháo là đồng hương, đều là người ở huyện Tiều nước Bái. Ông tính tình điềm đạm, thông minh hiếu học, mặc dù thông hiểu kinh điển, nhưng lại thích học phương thuật tu luyện hơn. Ngày thường ông thích đến núi cao, hang sâu để tìm Tiên học Đạo

Trong Trung Tạng Kinh có chép lại một câu chuyện thú vị, kể lại chuyện Hoa Đà nhận được Thiên thư trên núi.

Một ngày nọ, sau khi uống rượu, như thường lệ Hoa Đà lên núi đi dạo, cảm thấy hơi say, ông liền vào một hang động cổ trên núi Công Nghi nghỉ ngơi. Lúc này, ông chợt nghe thấy có người đang đàm luận về phương pháp trị bệnh. Hoa Đà cảm thấy rất kỳ lạ, không kiềm được mà đến gần cửa động nghe trộm.

Một lúc sau, ông nghe một người nói: "Hoa Đà cũng ở gần đây, chúng ta có đem phương pháp trị bệnh này giao lại cho hắn”.

Nhưng một người khác lại cố tình nói: "Hoa Đà bản tính tham lam, không biết thương xót sinh linh, làm sao có thể giao cho hắn được?"

Hoa Đà vừa nghe không khỏi giật mình, mồ hôi lạnh toát ra, lập tức nhảy vào trong động, vội vã biện hộ cho mình, chỉ thấy hai ông lão đang ngồi ngay ngắn ở trong. Họ mặc quần áo làm từ vỏ cây, đầu đội mũ cỏ, đang mỉm cười nhìn ông.

Hoa Đà nhanh chóng cung kính cúi đầu nói: “Vừa nãy vãn bối nghe nói hai vị hiền giả đang đàm luận phương pháp trị bệnh, vãn bối cảm thấy rất có hứng thú, nghe xong quên cả về nhà. Hơn nữa, vãn bối từ trước đến nay luôn thích học Đạo để cứu giúp dân chúng, nhưng vẫn không tìm thấy cách hữu hiệu, trong lòng luôn có cảm giác tiếc nuối. Hy vọng hai vị tiên sinh có thể minh xét tấm lòng chân thành của vãn bối, xin hãy khai sáng trí huệ cho vãn bối, cả đời này vãn bối sẽ không phụ ân tình của hai tiên sinh".

Lúc này, ông già ngồi ở trên mở miệng nói: "Chúng ta không tiếc truyền thụ Đạo thuật cho ngươi, nhưng chỉ sợ về sau sẽ liên lụy đến ngươi! Nếu ngươi cứu người, có thể không phân biệt giàu nghèo cao thấp, không bị tiền tài mua chuộc, không sợ gian khổ, có thể thương xót người già yếu, thì mới có thể tránh được tai họa."

Hoa Đà vội vã bái tạ nói: "Vãn bối nhất định sẽ ghi nhớ lời căn dặn của hai tiên sinh, một câu cũng không dám quên, tuân theo lời chỉ dạy mà làm"

Hai ông già liền mỉm cười chỉ đến một hang động ở phía đông và nói: “Trên giường đá có một hộp sách, ngươi tự đi lấy, mau chóng rời khỏi đây, tuyệt đối không thể để người khác xem, cần phải giữ bí mật."

Hoa Đà nhanh chóng cầm sách quay lại, đã không thấy bóng dáng của hai ông già. Hoa Đà lại nhanh chóng rời khỏi sơn động, vừa bước ra khỏi cửa động, đột nhiên một đám mây đen ập đến, bỗng chốc mưa to gió lớn, cả hang động đổ sập.

Hoa Đà nhanh chóng cầm sách quay lại, đã không thấy bóng dáng của hai ông già. (Tranh Zhiqing)

Thì ra, Hoa Đà tìm đến nơi vắng vẻ là để cầu Đạo, còn tình cờ gặp được Tiên nhân tặng sách. Thế nên về sau, tướng nước Bái là Trần Khuê và Thái úy Hoảng Uyển đề cử ông làm quan, ông đều không tiếp nhận.

Kỳ duyên trong núi

Kỳ duyên trong núi của Hoa Đà có thể nói không chỉ một lần. Từ một số ít sử liệu, có thể suy đoán rằng, Hoa Đà từ trong núi thu được truyền thừa của Tiên gia ít nhất có một bộ khí công hướng dẫn tu mệnh dưỡng sinh, cùng với dược thảo để dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ

Bí quyết Hoa Đà dùng để dưỡng sinh là một loại thực vật gọi là Thanh niêm (tức là nấm Hoàng chi, hay linh chi vàng). Sau khi một nhóm người ở trong núi từng thấy Tiên nhân ăn, đem chuyện này kể với Hoa Đà. Hoa Đà sau khi ăn, cảm thấy hiệu quả rất tốt, liền trở thành phương pháp dưỡng sinh bí mật của ông.

Hoa Đà có hai người đệ tử: Ngô Phổ và Phàn A. Hoa Đà truyền cho Phàn A phương pháp dùng Thanh niêm dưỡng sinh. Phàn A sống đến trăm tuổi, nhưng khí lực vẫn cường thịnh, tóc vẫn đen mượt. Mọi người cảm thấy rất kỳ lạ, không ngừng hỏi Phàn A bí mật. Một lần Phàn A uống rượu, uống đến say khướt, liền nói ra phương pháp này. Mọi người sau khi dùng, quả nhiên hiệu quả vô cùng tốt.

Rất nhiều y thuật của Hoa Đà đến ngày nay đã thất truyền.

Hoa Đà dạy cho người đệ tử còn lại Ngô Phổ phương pháp dưỡng sinh "Ngũ Cầm Hí". Ngũ Cầm Hí là "thứ mà lúc Tiên nhân xưa đạo dẫn, … để trẻ mãi không già", chủ yếu là mô phỏng tư thế của năm loài động vật: hổ, hươu, gấu, vượn, chim, có thể trừ được bệnh tật, tăng cường sức của đôi bàn chân, đồng thời giúp khí mạch thông suốt. Ngô Phổ chiểu theo đó mà thực hành, đến hơn chín mươi tuổi vẫn tai thính mắt tinh, hàm răng vẫn còn nguyên vẹn.

Tu luyện có thành tựu

Tóm lại có thể thấy rằng, Hòa Đà vốn là người tu luyện có chí cầu đạo, nhân duyên tác hợp, có được Tiên thư về y đạo, từ đó dốc lòng nghiên cứu. Nội dung của Tiên thư đặc biệt kỳ lạ, nhưng lại có thần hiệu, vì vậy Hoa Đà vẫn không ngừng đi sâu nghiên cứu. Ngoài ra, Hoa Đà vô tình biết được nấm linh chi, nhiều năm sử dụng, đồng thời tập được một bộ dẫn đạo dưỡng sinh kéo dài sinh mệnh, từ đó bước trên con đường tu Đạo và hành nghề y.

Việc tu luyện của Hoa Đà quả thật đã thành tựu. Trong sử truyện vẫn lưu truyền rằng, ông "hiểu thuật dưỡng sinh, dẫu trăm tuổi vẫn tráng kiện, người thời đó cho là Tiên." Hoa Đà hiểu được phép tu Đạo dưỡng sinh, vì vậy dù gần trăm tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, cho nên người đương thời đều xem ông như Thần Tiên.

Tinh thông châm cứu, bốc thuốc, Hoa Đà còn là bậc Thánh thủ ngoại khoa

Hoa Đà truyện trong "Tam quốc chí" đặc biệt giới thiệu y thuật tuyệt diệu của Hoa Đà. Ngay đoạn mở đầu đã miêu tả Hoa Đà tinh thông bốc thuốc, nhưng đơn thuốc không kê quá nhiều loại, khi phối thuốc chỉ cần nghĩ trong đầu về số lượng một chút, cũng không cần dùng cân. Nếu phải châm cứu, cũng chỉ châm một vài huyệt vị, nhưng lại có hiệu quả thần kỳ.

Kỹ thuật châm cứu của Hoa Đà cao siêu tuyệt diệu. Có người sau khi phát bệnh, hai chân tàn phế không đi được, ngồi trên kiệu đến tìm Hoa Đà trị bệnh. Hoa Đà sau khi xem bệnh, bảo ông ta cởi quần áo ra, sau đó làm khoảng mười mấy kí hiệu ở trên lưng bệnh nhân, ngang dọc cách nhau một thốn hay năm thốn không đều nhau.

Hoa Đà nói với bệnh nhân: “Tôi sẽ cứu khoảng mười mồi ngải ở mỗi chỗ ký hiệu này, đợi đến khi vết sẹo liền lại thì ông có thể đi lại được".

Sau đó mọi người kiểm tra lưng của người bệnh, phát hiện vị trí cứu đều phân bố ở hai bên xương sống, hai cái cách nhau một thốn, đồng thời trên dưới ngay thẳng, hơn nữa còn xếp hàng đều đặn, tựa như kéo một đoạn dây thừng.

Hoa Đà còn là bậc thầy về ngoại khoa, khoảng hơn 1700 năm trước, ông đã hiểu được công dụng của thuốc gây mê "ma phí tán", và tiến hành phẫu thuật thành công bằng dao.

Phẫu thuật chủ yếu là đối với những bệnh tích tụ trong cơ thể, khi châm cứu và thuốc không thể trị được. Trước tiên, Hoa Đà dùng rượu với ma phí tán, đợi bệnh nhân mất đi tri giác, sau khi gây mê đầy đủ, mới rạch da mở bụng, lấy ra hoặc cắt ra những thứ dơ bẩn tích tụ trong thân thể. Nếu như là bệnh dạ dày, đường ruột, cần dùng kéo cắt ruột, rửa sạch khử độc, bỏ đi những thứ dơ uế, sau đó khâu lại, bôi cao. Khoảng bốn, năm ngày vết thương sẽ khép lại, trong vòng một tháng có thể hồi phục như cũ

Quan sát sắc mặt, bắt mạch, đoán rõ hư thực

Trong sử sách có ghi lại không ít trường hợp, cho thấy sự tỉ mỉ thấu đáo trong y thuật của Hoa Đà.

Đầu tiên, Hoa Đà đương nhiên rất tinh thông phương pháp "vọng, văn, vấn thiết" trong Đông y.

Hoa Đà đương nhiên rất tinh thông phương pháp "vọng, văn, vấn thiết" trong Đông y. (Tranh NTDVN)

Nghiêm Hân người huyện Diêm Độc cùng vài người khác cùng nhau đợi Hoa Đà. Hoa Đà vừa đến, ngẩng đầu nhìn Nghiêm Hân, liền hỏi: “Thân thể của ngài có khỏe không?”

Nghiêm Hân nói: “Vẫn như bình thường, không có chỗ nào không khỏe”.

Hoa Đà nói: “Sắc mặt của Ngài nhìn có vẻ đang bệnh nặng, không nên uống nhiều rượu."

Nghiêm Hân ngồi một lát rồi trở về, mới đi được vài dặm, Nghiêm Hân liền choáng váng, ngã khỏi xe. Mọi người đỡ ông dậy, đưa về nhà, không ngờ đến nửa đêm đã qua đời.

Cùng một triệu chứng bệnh, Hoa Đà đều có thể phân biệt rõ nguyên nhân thực hư, kê đơn khác nhau.

Phủ lại là Nghê Tầm và Lý Diên, hai người cùng đến, đều có triệu chứng sốt, đau đầu. Hoa Đà nói rõ: “Nghê Tầm phải dùng thuốc xổ, Lý Diên cần dùng đơn thuốc để ra mồ hôi."

Mọi người cảm thấy rất kỳ lạ, cùng một triệu chứng vì sao kê đơn không giống nhau. Hoa Đà lại nói: "Nguyên nhân bệnh của Nghê Tầm là do tà khí bên ngoài xâm nhập mà thành, còn biểu hiện bệnh của Lý Diên là từ trong cơ thể sinh ra, vì vậy phương pháp điều trị không giống nhau."

Hai người sau khi uống đơn thuốc do Hoa Đà kê, quả thật sáng sớm hôm sau đã có thể ra khỏi giường.

Một lần nọ, Hoa Đà xem mạch cho phu nhân của Cam Lăng Tướng. Phu nhân đã có thai được sáu tháng, nhưng vẫn luôn đau bụng không yên. Hoa Đà sau khi xem bệnh nói: "Thai nhi đã chết rồi".

Thế là cho người đưa tay vào tử cung, quả thực sờ được cơ thể của đứa bé. Thế rồi Hoa Đà cho chén thuốc để đưa bào thai ra, bệnh của phu nhân liền khỏi hẳn.

Đốc Bưu Từ Nghị mắc bệnh, mời Hoa Đà đến chẩn trị. Từ Nghị nói với Hoa Đà: “Hôm qua sau khi thầy thuốc Lưu Tô giúp tôi châm cứu dạ dày xong, tôi cứ ho khan liên tục, đến cả nằm cũng chẳng yên".

Hoa Đà nói: "Châm của ông ta không tới dạ dày, mà lại đâm nhầm đến gan, cảm giác muốn ăn của ông sẽ càng ngày càng giảm, năm ngày sau sẽ không thể cứu được nữa".

Sau đó mọi việc xảy ra giống như lời của Hoa Đà.

Nhìn thấu cơ thể người, bài xuất giun khỏi cơ thể

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, sẽ có thể phát hiện ra trong sử sách miêu tả phương pháp trị bệnh của Hoa Đà, dường như vượt xa học thuyết “vọng, văn, vấn, thiết” của người đời sau.

Một ngày nọ, Hoa Đà đang đi xe trên đường, nhìn thấy bên đường có một người cổ họng bị tắc nghẹn, muốn ăn cũng không ăn được, người nhà đang muốn dùng xe ngựa đưa anh ta đi chữa bệnh. Hoa Đà nghe được tiếng rên rỉ đau khổ của ông ta, trong lòng không chịu được, liền dừng xe lại xem, lập tức nói với anh ta: “Phía trước bên đường có bán dấm ngâm tỏi hẹ, anh mua ba thăng uống, bệnh sẽ tự khỏi."

Người nhà chiểu theo lời Hoa Đà nói mà làm, người bệnh lập tức nôn ra một con giun, bệnh cũng khỏi.

Hoa Đà dựa vào mắt nhìn, liền có thể biết được trong bụng bệnh nhân có giun.

Một chuyện kỳ lạ khác cũng có liên quan đến bệnh nhân có giun trong bụng

Thái Thú Quảng Lăng Trần Đăng bị bệnh, trong ngực thường cảm thấy nhức nhối, sắc mặt đỏ đậm, không ăn được thứ gì. Sau khi xem mạch, Hoa Đà nói: "Trong dạ dày của ngài có rất nhiều giun, đã hình thành một khối u, là do ăn thịt chưa nấu chín gây ra."

Thế là Hoa Đà liền đun hai thăng thuốc, trước tiên cho bệnh nhân uống một thăng, lúc sau sẽ uống hết thăng còn lại. Vừa mới uống xong, trong miệng nôn ra ba thăng giun đỏ, thân vẫn còn ngoe nguẩy, nửa thân dưới giống như mang cá sống. Sau đó bệnh liền khỏi.

Hoa Đà liền đun hai thăng thuốc, trước tiên cho bệnh nhân uống một thăng. (Fotolia)

Thế nhưng, Hoa Đà nói với Trần Đăng: "Bệnh này ba năm sau sẽ tái phát, nếu gặp được thầy thuốc giỏi mới có thể trị được."

Ba năm sau, Trần Đăng quả nhiên phát bệnh, lúc đó Hoa Đà đúng lúc không ở đó, Trần Đăng chết.

Trường hợp này có hai điểm khiến người khác ngạc nhiên. Thứ nhất, Hoa Đà có thể nhờ vào bắt mạch liền biết trong dạ dày Trần Đăng có giun, hơn nữa còn do ăn thịt cá sống tạo thành! Thứ hai, Hoa Đà biết trước ba năm sau Trần Đăng sẽ phát bệnh, hơn nữa nếu không có thầy thuốc giỏi bên cạnh sẽ chết.

Lời nói của Hoa Đà, tưởng chừng như có công năng thiên mục, giống như nhìn thấu được ruột của Trần Đăng, thậm chí còn khéo léo báo trước cái chết của Trần Đăng.

Biết trước cái chết

Tam Quốc chí cũng ghi lại nhiều trường hợp, càng đi sâu vào cách hành văn, càng không thể tin được.

Trường hợp Hoa Đà trị bệnh cho Quân lại Lý Thành, có thể biết trước Lý Thành mười tám năm sau sẽ chết.

Lý Thành thường xuyên khổ vì ho khan, ngày đêm đều không thể ngủ được, thường nôn ra máu mủ, vì vậy đặc biệt đến thỉnh giáo Hoa Đà. Hoa Đà nói: "Trong ruột của ngài có một khối u, những thứ ho ra, không phải từ trong phổi. Tôi sẽ đưa ngài hai tiền thuốc tán, ngài dùng thuốc tán xong sẽ nôn ra hai thăng máu mủ, nghỉ ngơi cho tốt, một tháng sau có thể đứng dậy một chút, dưỡng bệnh tốt thì 1 năm sẽ khôi phục sức khỏe. Tuy nhiên, mười tám năm sau sẽ phát tác, không nghiêm trọng, uống thuốc tán này, cũng rất nhanh sẽ khỏi, nếu lúc đó không có thuốc, sẽ chết."

Thế là ông đưa cho Lý Thành hai tiền thuốc bột, Lý Thành lấy thuốc rồi đi.

Năm, sáu năm sau, người nhà của Lý Thành mắc bệnh, tình trạng bệnh cũng giống như Lý Thành, thế là liền nói với Lý Thành: "Hiện tại ngài cơ thể khỏe mạnh, tôi sắp chết, ngài sao có thể nhẫn tâm nhìn tôi không có thuốc trị bệnh? Chi bằng ngài cho tôi mượn thuốc bột trước, sau khi tôi khỏi bệnh, tôi sẽ thay ngài đến gặp Hoa Đà xin thuốc."

Lý Thành liền đưa thuốc cho ông ta. Sau đó người thân thích này còn đặc biệt đến huyện Tiều. Lúc đó đúng lúc Hoa Đà bị bắt, trong lúc bối rối không dám xin thuốc. Mười tám năm sau, bệnh của Lý Thành quả nhiên phát tác, không có thuốc uống, cuối cùng phải chết.

Từ y thuật thần diệu, cho đến thấu thị nhân thể, cuối cùng còn có thể biết trước tuổi thọ của người bệnh, tác giả của Tam Quốc Chí Trần Thọ viết đến đây, trong câu chữ tràn ngập sự nghi hoặc.

Có công năng túc mệnh thông, biết trước quá khứ và tương lai

Nếu đơn thuần chỉ từ góc độ của người thầy thuốc mà xét, quả thật rất khó giải thích, nhưng nếu từ góc độ tu luyện mà xét, thì có thể thấy ngay.

Người tu luyện có thể có công năng đặc dị, bao gồm cả thiên mục, có thể thấu thị nhân thể, và công năng túc mệnh thông có thể biết trước sinh tử. Chúng ta có thể suy luận một cách hợp lý rằng, Hoa Đà tu luyện đã có thành tựu và có nhiều loại công năng.

Con trai hai tuổi của Trần Thúc Sơn ở huyện Đông Dương mắc bệnh, trước khi tiêu chảy đều khóc thút thít không ngừng, thân thể mỗi ngày một yếu. Thế là Trần Thúc Sơn bèn đến thỉnh giáo Hoa Đà, Hoa Đà nói: "Lúc mẹ của đứa trẻ mang thai, dương khí tắc nghẽn ở trong, lúc cho bú thân thể suy nhược, hàn khí xâm nhập, vì thế hàn khí từ cơ thể mẹ xâm nhập vào cơ thể đứa trẻ, cho nên mới không thể khỏi bệnh."

Hoa Đà liền cho đơn thuốc “Tứ vật nữ uyển hoàn”. Mười ngày sau bệnh của đứa trẻ đã khỏi.

Hoa Đà có thể thấy được bệnh của đứa trẻ là do trong quá khứ lúc còn trong bụng mẹ, và lúc cho bú sinh ra, là bởi vì ông thấy được tình huống cụ thể khi đứa trẻ lúc còn nhỏ.

Một trường hợp khác là cái chết của Quân Lại Mai Bình

Mai Bình mắc bệnh, vì vậy từ chức về quê. Quê nhà của ông ở quận Quảng Lăng. Nhưng khi đi chưa đến hai trăm dặm, trên đường đi, ông muốn trước tiên đến ở nhà người thân một thời gian.

Một ngày nọ, Hoa Đà vừa đến căn nhà đó, chủ nhà mời Hoa Đà xem xét tình trạng của Mai Bình, Hoa Đà nói với Mai Bình: “Ngài nếu gặp tôi sớm một chút, cũng không phải đến thế này. Hiện tại bệnh của ngài đã rất sâu, hãy mau về nhà đi, còn thể kịp gặp người nhà, năm ngày sau tính mệnh không giữ được nữa."

Mai Bình mau chóng trở về, năm ngày sau, Mai Bình trút hơi thở cuối cùng. Tất cả đều như Hoa Đà nói, không sai chút nào.

Sống chết có số, thầy thuốc cũng không làm gì được

Cùng với việc tu luyện ngày càng thâm sâu, Hoa Đà dần dần hiểu được rằng, có rất nhiều bệnh là để trả nợ nghiệp đời trước, dù y thuật cao siêu đến đâu cũng không thể chữa khỏi được, cùng lắm chỉ tạm thời khiến bệnh không phát tác mà thôi.

Hoa Đà vốn có công năng túc mệnh thông, biết rõ sống chết có số, hơn nữa nhiều bệnh là có nhân duyên nghiệp quả. Bệnh nghiệp của đời này có thể là hoàn trả nợ nghiệp của đời trước, không hẳn là chuyện xấu, chẩn trị y học có lúc không cần thiết. Vì vậy, ông bắt đầu ít tích cực trong việc chẩn trị cho người bệnh, cũng xem nhẹ danh lợi được mất của nghề y.

Bởi vì tầng thứ tu luyện của ông đã vượt qua hiểu biết của người thường, vì vậy lời nói ra có thể khiến người khác không hiểu được, thậm chí còn hiểu nhầm. Vì vậy ở phần cuối sử truyện đều có câu phê bình: "Nhưng vốn là kẻ sĩ, hành nghề y, ý thường tự hối lỗi"; “Vì tính xấu nên khó được như ý, nên xấu hổ khi hành nghề y".

Ý nghĩa chính là Hoa Đà hối hận đã chọn trở thành thầy thuốc, hơn nữa còn có tính xấu, khó khiến người khác yêu mến. Kỳ thực, đó là bởi vì không hiểu được bản chất Hoa Đà là một người tu luyện.

Trong sử truyện có chép một trường hợp có tính đại biểu nhất

Có một sĩ đại phu thân thể không thoải mái, Hoa Đà nói: “Bệnh của ngài đã rất sâu rồi, phải mở bụng để trị. Sau đó, ngài sống thọ thêm mười năm. Nhưng mà, trước mắt bệnh này sẽ không làm ngài chết (từ cao tầng mà xét, chịu đựng đau khổ có thể bồi thường nợ nghiệp, cũng là một việc tốt), nếu ngài có thể chịu đựng mười năm, lúc đó tuổi thọ cũng vừa đến thời hạn, không cần phải vì chuyện này mà nhất định phải phẫu thuật"

Vị sĩ đại phu này không muốn chịu đựng thân thể vừa đau vừa ngứa, chắc hẳn cũng không hiểu tại sao Hoa Đà thân làm thầy thuốc, lại muốn ông chịu đựng đau khổ suốt mười năm, vì vậy khăng khăng nhất định phẫu thuật chữa bệnh. Hoa Đà chỉ có thể phẫu thuật điều trị cho ông ta. Bệnh của ông ta cũng rất nhanh chữa khỏi, biểu hiện trên bề mặt của bệnh đã được trừ đi, nhưng mười năm sau ông cũng thật sự phải chết.

Oan nghiệt của Hoa Đà và Tào Tháo

Hoa Đà lần nữa gặp người đồng hương là Tào Tháo. Sau khi Tào Tháo chiếm được Nghiệp Thành. Tào Tháo rất có hứng thú đối với tu Đạo dưỡng sinh, liền bắt đầu chiêu nạp rất nhiều người tu Đạo nổi tiếng đến Nghiệp Thành, Hoa Đà cũng là một trong số đó. Trong đó còn có Tả Từ, Cam Thủy, Lãnh Thọ Quang, Lỗ Nữ Sinh cùng Khích Kiệm v.v… Những người này đều sống đến hơn hai trăm tuổi, nhưng dung mạo vẫn còn trẻ, còn có cả công năng có thể phân thân ẩn hình.

Bệnh đa nghi đã giết Tháo, giết cả Hoa Đà.
Bệnh đa nghi đã giết Tháo, giết cả Hoa Đà. (Ảnh tổng hợp)

Tào Tháo từ trước đến nay vốn có bệnh đau đầu, mỗi lần phát bệnh đều tâm loạn mờ mắt, nhưng chỉ cần Hoa Đà châm cứu điều trị, chỉ một lát liền giải trừ đau đớn. Vì vậy, Tào Tháo thường giữ Hoa Đà bên mình. Thế nhưng Hoa Đà lại nói với Tào Tháo: "Bệnh này rất khó trị khỏi, điều trị lâu dài, từng bước giảm bớt, có lẽ có thể kéo dài tính mệnh."

Kỳ thực, Hoa Đà có công năng túc mệnh thông, có thể nhìn thấy nhân duyên đời trước của Tào Tháo. Ông cũng biết Tào Tháo sẽ vì bệnh này mà chết, mà chính mình cũng nhất định sẽ chết trong tay Tào Tháo. Vì thế Hoa Đà tìm cớ về quê.

Tào Tháo mấy lần phái người mời ông quay lại, ông đều lấy cớ vợ mắc bệnh chưa khỏi, cố gắng trì hoãn trốn tránh. Thế là Tào Tháo phái người đến nhà Hoa Đà điều tra sự việc, căn dặn thuộc hạ: “Nếu quả thật vợ của ông ta mắc bệnh, thì ban cho bốn ngàn thăng đậu đỏ, kéo dài thời hạn, nếu như lừa dối, hãy lập tức bắt lại, áp giải đem về”.

Sau đó Tào Tháo phát hiện Hoa Đà nói dối, trong lòng cảm thấy tức giận, cho nên đem giam vào ngục

Lúc đó Tuân Úc còn thay ông thỉnh cầu: “Y thuật của Hoa Đà thật sự vô cùng cao minh, sống chết của ông ta có liên quan đến mạng người, nên bao dung tha tội cho ông ta."

Nhưng Tào Tháo cho rằng Hoa Đà cố ý không chữa trị cho Tào Tháo, lấy đó để nâng cao giá trị của mình, là một tiểu nhân thiếu y đức, vì vậy Tào Tháo khinh bỉ Hoa Đà, còn gọi ông là "con chuột". Cuối cùng, Hoa Đà cũng không thể thoát được số mệnh của chính mình, phải chết trong ngục, mà Tào Tháo cuối cùng cũng chết vì chứng bệnh kia.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả, Hoa Đà trước khi chết mang y thư tự mình biên soạn "Thanh Nang thư" tặng cho một cai ngục tốt bụng. Không ngờ vợ của tên cai ngục lại đem đốt đi, người đời sau "thương thay người mất sách cũng không còn, hậu nhân chẳng còn thấy Thanh nang"!

Một đời của Thần y Hoa Đà đã trở thành thiên cổ truyền kỳ, hiển nhiên là vì y thuật tuyệt diệu. Tuy nhiên nếu nghiên cứu thực chất hơn, còn bởi vì ông là một người tu Đạo có thành tựu, vì vậy mới có thể thấy điều người khác không thể thấy, trị được những bệnh người khác không thể trị. Thế nhưng, nhân quả tuần hoàn, nghiệp lực luân báo, con người có số mệnh, thế duyên cũng đến lúc hết.

Hoa Đà tu luyện đến tầng thứ cao, cuối cùng ngộ được y thuật chỉ có thể tạm thời chữa được bệnh trong nhất thời, không bằng tu Đạo có thể thoát được khổ nạn của thế gian, phản bổn quy chân, vĩnh viễn tự tại.

Trong điển tịch của Đạo giáo, Hoa Đà sau khi trải qua truyền kỳ ở nhân gian, đã trở thành chân nhân, được xưng là: “Thanh Nang Tế Thế Hoa Chân Nhân”.

Đức Nhân
Theo Lý Dực Vân - Epochtimes

Tư liệu tham khảo:

“Trung tàng kinh”, “Hoa Đà biệt truyện”, “Tam quốc chí. Phương Kỹ truyện”, “Hậu Hán Thư. Phương thuật liệt truyện hạ”, “Bác vật chí, quyển 5”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Nguyên thủy Thiên tôn thuyết Bắc đế phương Bắc đế Phục ma pháp sám”.



BÀI CHỌN LỌC

Giải mã y thuật của Thần y Hoa Đà