Giáo dục hạnh phúc - Bài 12: Tu tâm dưỡng đức, chí hướng cao xa [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Thà tiến bước hướng tới Tây Thiên một bước rồi chết chứ quyết không lùi về phía Đông nửa bước để sống". Con người đối mặt với sống chết thường sợ hãi, nhưng đối với Huyền Trang mà nói thì ông đã vượt lên trên cả sống và chết rồi.

(Xem thêm: Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16)

Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh

Câu chuyện Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh xảy ra vào thời "Đại Đường thịnh thế". Đường Tăng chân thực trong lịch sử trên đường sang Tây Trúc đã trải qua vô vàn khó khăn gian khổ, cực kỳ không dễ. Ông làm được bởi vì chí hướng của ông là xuất gia.

Từ "xuất gia" ngày nay ý nghĩa đã bị biến đổi nhiều rồi, nghe đến từ này thì không ít người nghĩ, đó là yếm thế, là chán đời, trốn tránh thế tục. Thời xưa thì nghĩa hoàn toàn khác, vì những người xuất gia đều là người ưu tú xuất sắc, đều là con em gia đình ưu tú giàu có, danh gia vọng tộc. Xưa kia người tu hành được mọi người rất tôn kính, đi tu là một việc cực kỳ tốt đẹp.

Thời Tùy Đường yêu cầu đối với xuất gia vô cùng nghiêm khắc, hạn ngạch chỉ có hơn 10 người, còn phải qua thi xét duyệt. Đường Huyền Trang hơn 10 tuổi đã muốn xuất gia, chưa đủ tư cách vì còn quá nhỏ. Nhưng ông rất thông minh nên được đặc cách đồng ý cho xuất gia. Sau này ông đã đi khắp các danh sơn cổ tự, ông phát hiện ra kinh Phật đương thời có nhiều vấn đề nhân sinh không giải đáp được, không thể khiến người tu hành triệt để giác ngộ. Thế là ông có ý đi Ấn Độ để thỉnh chân kinh.

Luật đương thời không cho phép người Trung Nguyên xuất ngoại, do đó Đường Tăng phải lén ra đi. Trên đường sang Tây Trúc, ông bước vào một sa mạc mênh mông. Ông cưỡi ngựa đem theo túi da bò đựng nước, nhưng mới đi được một quãng đường ngắn thì túi nước bị đánh đổ, nước chảy hết ra ngoài. Nếu đi tiếp thì không có nước uống, mà đây lại là sa mạc rộng lớn.

Ông quay ngựa, chuẩn bị quay lại lấy nước, bỗng nhớ đến lời thề: "Thà tiến bước hướng tới Tây Thiên một bước rồi chết chứ quyết không lùi về phía Đông nửa bước để sống". Đây là lời thề khi ông xuất phát từ kinh thành Trường An, ông cần phải tuân thủ theo lời thề của mình. Thế là mặc dù không có nước, ông vẫn quả quyết xông vào sa mạc.

Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh
Ông quay ngựa, chuẩn bị quay lại lấy nước, bỗng nhớ đến lời thề: "Thà tiến bước hướng tới Tây Thiên một bước rồi chết chứ quyết không lùi về phía Đông nửa bước để sống". (Ảnh: Shutterstock).

Người thường ai cũng nghĩ, không có nước mà đi vào sa mạc thì cầm chắc cái chết, nhưng Huyền Trang vẫn cứ đi. Chính lòng kiên định vượt qua sinh tử như thế mới có thể thành công. Huyền Trang cưỡi ngựa đi trên sa mạc khô khan nóng nực liền 5 ngày 4 đêm, lúc này ông khát quá ngất đi, ngựa cũng khát quá ngã vật ra chết giấc. Đến khi có cơn gió sớm mai thổi đến ông mới tỉnh dậy, thấy trước mặt có một cái hồ.

Đây quả là một quan ải rất lớn, làm sao ông có thể vượt qua được? Đó là ông dựa vào chính tín, kiên trì chính tín cứu độ chúng sinh.

Đến Ấn Độ, khi qua một con sông, ông gặp phải toán cướp. Bọn cướp muốn giết một người để tế Trời. Chúng thấy ông trắng trẻo sạch sẽ, quả là hợp để tế Trời. Sắp bị giết nhưng Huyền Trang không mảy may sợ hãi. Ông ngồi đả tọa, tâm an tĩnh, nét mặt an hòa niệm kinh. Khi chúng vừa định giết ông thì đột nhiên gió lớn nổi lên, đất trời mù mịt. Bọn cướp sợ hãi quá vội quỳ trước mặt ông xin tha tội. Lập tức trời lặng gió.

Hai câu chuyện này đều là chuyện lịch sử chân thực về tình hình mà chính Huyền Trang trải qua, sau khi trở về ông có kể cho các đệ tử ghi chép lại.

Thế nên cần phải có chí hướng cao xa. Chí hướng của Huyền Trang là đi lấy chân kinh. Tại sao phải đi thỉnh kinh? "Tây du ký" là có duyên khởi. Giữa thời Tùy - Đường, chiến tranh liên miên, người chết rất nhiều, trong đó có khá nhiều người dân chết oan, muốn siêu độ cho những oan hồn này thì phải niệm chân kinh, đó là duyên khởi của "Tây du ký".

Huyền Trang phát thệ muốn đem chân kinh về để thế nhân được tắm gội trong Phật ân. Ông coi việc này là sứ mệnh của mình, chí hướng của ông không phải là lấy kinh cho riêng mình mà ông muốn hoằng dương Phật Pháp, cứu độ chúng sinh khắp thiên hạ. Thế nên trong tình trạng không có nước uống mà dám xông vào sa mạc, đó là ông muốn lấy được chân kinh nhanh nhất trở về, phải hoàn thành sứ mệnh này. Đó là tấm lòng rộng lớn từ bi với chúng sinh của ông, nên ông đã thành tựu vĩ nghiệp để lại tiếng thơm muôn thuở.

Nguồn gốc của Tây Du Ký
Giữa thời Tùy - Đường, chiến tranh liên miên, người chết rất nhiều, trong đó có khá nhiều người dân chết oan, muốn siêu độ cho những oan hồn này thì phải niệm chân kinh, đó là duyên khởi của "Tây du ký". (Ảnh minh họa).

Thế nên là con người mà nói thì lập chí cực kỳ quan trọng, xác lập mục tiêu đời người. Huyền Trang sở dĩ trở thành Thánh hiền là bởi trước tiên ông có mục tiêu cứu độ chúng sinh, và ông đã thực sự đạt được mục tiêu đó.

Sau khi đem được chân kinh trở về, Huyền Trang dành 17 năm trời miệt mài ngày đêm dịch kinh ở chùa Từ Ân. Hàng ngày ông miệt mài dịch, thời gian nghỉ ngơi rất ít, dốc toàn bộ tinh lực phiên dịch, ngày nào cũng như ngày nào trong vòng 17 năm trời, cho đến tận ngày ông qua đời vẫn còn đang dịch kinh. Ông không chỉ chịu nhiều khổ cực, kiếp nạn trên đường đi lấy kinh mà sau khi trở về vẫn chịu nhiều khổ nhọc như thế.

Sau khi kinh Phật được dịch ra đã khiến nhân tâm đương thời phổ biến đều hướng thiện, khiến Phật Pháp triển hiện ra uy lực, nhờ đó mới tạo ra cảnh thái bình thịnh trị tốt đẹp "Trinh Quán chi trị" vô cùng ở chốn nhân gian.

Thái bình thịnh thế

Đường Thái Tông là một vị Thánh nhân, ông đã thả 3000 cung nữ và 400 tử tù. 3000 cung nữ xinh đẹp lại ôn nhu hiền thục, biết thi thư, hiểu đạo lý. Cung đình xưa giống như trường đại học đào tạo ra những người có đạo đức cao thượng, có tu dưỡng, có tri thức rộng, lại giỏi các môn nghệ thuật như cầm kỳ thư họa. Điều này khác hoàn toàn so với phim ảnh sách báo người hiện nay miêu tả về cung đình xưa. Con người hiện đại với chủ kiến cách nhìn cá nhân, với cái tâm đầy tranh đấu, tham lam, sắc dục, đã phóng đại mặt không tốt của cung đình xưa để thỏa mãn cái tâm hiếu kỳ của con người ngày nay, nó không phản ánh tình hình chân thực tổng thể.

Đường Thái Tông cho 3000 cung nữ xinh đẹp hiền thục về dân gian, thực tế là 3000 sứ giả. Họ đã đem văn minh tốt đẹp và đạo đức cao quý trong cung đình truyền ra dân gian, khiến xã hội cũng nhờ đó mà tốt đẹp.

Còn một sự kiện nữa chưa từng có trong lịch sử, đó là có 400 tử tù, đến hết mùa thu chuẩn bị xử trảm. Đường Thái Tông nói: Năm nay không trảm, và thả hết về, để cho những người chưa tận hiếu, còn thiếu nợ, còn việc chưa hoàn thành... đều được trở về thực hiện nốt nguyện vọng của họ, hẹn mùa thu sang năm trở lại chịu tội. 400 tử tù được thả hết về nhà, đến mùa thu năm sau họ đều tự giác trở lại, không thiếu một người, dù có phải rơi đầu. Đường Thái Tông đã cảm động bởi 400 tử tù sẵn lòng chịu chết để giữ chữ tín, nên ông đã quyết định xá tội tử hình cho tất cả bọn họ.

Phim ảnh ngày nay tô vẽ cung đình xưa là chốn hoan lạc, đầy đủ những sắc tình ái ố
Cung đình xưa giống như trường đại học đào tạo ra những người có đạo đức cao thượng, tri thức rộng, lại giỏi các môn nghệ thuật. Điều này khác hoàn toàn so với phim ảnh sách báo người hiện nay miêu tả. (Ảnh: Shutterstock).

Trong lịch sử nhân loại xưa nay chưa từng có việc này. Bạn thử nghĩ xem, người này giết anh trai họ, giờ tùy tiện được tha tội thì người nhà người ta có chịu không? Người kia giết cha họ, giờ lại dễ dãi thả ra thì cả nhà họ có chịu không? Vậy mà 400 người phạm tử tội, đều là những trọng tội, giờ được thả ra thì đâu chỉ là việc của 400 người đó. 400 gia đình nạn nhân, thân quyến những người bị hại không truy cứu nữa, thế thì tấm lòng họ phải rộng lớn, bao dung như thế nào? Nếu không có một xã hội tốt đẹp, đạo đức toàn bộ xã hội rất cao, thế thì tuyệt đối không thể nào làm được việc như thế.

Bởi vì Huyền Trang đã đem Phật Pháp truyền ra nhân gian khiến nhân tâm hướng thiện, toàn bộ xã hội Đại Đường thời thịnh thế, tuyệt đại đa số đều hướng thiện thì mới đạt được như thế này.

Đường Thái Tông đã làm như thế và đã thành công. Trong những năm thịnh trị thời Trinh Quán triều Đường, mỗi năm có không tới 3 người phạm tội tử hình. Hiện nay thì thế nào? Trên toàn thế giới cứ 100 người phạm tội tử hình thì Trung Quốc có 70 - 80 người.

Theo sử sách ghi chép: "Thương nhân buôn bán đi lại nơi hoang vắng cũng không gặp trộm cướp, nhà tù trại giam thường trống không"; "Ngựa, trâu đầy khắp cánh đồng, cửa nhà không đóng". Mọi người đi xa không cần đem theo lương thực, "hành khách đi qua, mọi người đều cung cấp, tiếp đãi nồng hậu, khi đi còn tặng thêm".

Thời thịnh thế Đại Đường, xã hội tốt đẹp như thế .Đường Thái Tông có tấm lòng rộng lớn. Đường Huyền Trang có chí hướng cao xa, công lao cũng rất vĩ đại, những khổ cực đi lấy kinh cũng không uổng phí, ông đã đem tâm đại thiện tốt đẹp truyền cho xã hội. Thế nên xã hội đó mới tốt đẹp như thế này.

Do đó làm người cần lập chí, nhất là người trẻ tuổi thì càng cần có chí hướng cao xa. Người xưa nói, việc học thì lập chí đứng đầu. Chính vì người xưa có nhiều người có chí hướng cao xa như thế nên mới sáng tạo ra nền văn minh rực rỡ. Văn hóa truyền thống là nền văn hóa nhân bản, dạy con người hướng thiện. Nếu trong xã hội nhân tâm đều hướng thiện thì xã hội mới tốt đẹp, thái bình thịnh thế mới tái xuất hiện chốn nhân gian.

Thanh Hà (biên dịch)
Tác giả: Đồng Hân - zhengjian.org.



BÀI CHỌN LỌC

Giáo dục hạnh phúc - Bài 12: Tu tâm dưỡng đức, chí hướng cao xa [Radio]