Giữa 'đức' và 'sắc' đàn ông nên chọn vợ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chín phần mười đàn ông khi chọn vợ sẽ quan tâm tới ngoại hình đẹp hay xấu.

Điều đầu tiên một người đàn ông thường cân nhắc khi chọn vợ là gì? Có lẽ e rằng chín phần mười là về vấn đề ngoại hình đẹp hay xấu. Điều này có gì lạ không? Không hề, vì ngoại hình là ấn tượng, và cảm nhận đầu tiên của chúng ta về người khác khi chưa biết gì về đối phương.

Đương nhiên, việc thực sự nên duyên với một người phụ nữ, không nghi ngờ gì, tư cách đạo đức là quan trọng hơn, trí tuệ có thông minh hay không mới quan trọng hơn. Tại sao? Bởi vì một bông hoa dù đẹp đến đâu, vào một ngày nào đó sau khi ngắm nhìn nó hàng ngày bạn có thể sẽ không cảm nhận được nó nữa. Nói một cách khác, dù phụ nữ sinh ra xinh đẹp ‘hoa nhường nguyệt thẹn’ nhưng tính cách và phẩm hạnh không tốt, chắc chắn theo thời gian sẽ khiến người đàn ông của họ cảm thấy khó chịu.

Lưu Nghĩa Khánh của Nam triều đã kể một câu chuyện như vậy trong “Thế thuyết tân ngữ - hiền viện”:

Có người đàn ông cưới phải cô vợ xấu xí, sau khi hôn lễ xong, anh ta thậm chí chẳng thèm vào động phòng. Mãi tới khi người bạn khuyên nhủ, anh ta mới bước vào. Nhưng vợ anh thực sự quá xấu, đến mức ngay khi nhìn thấy dung mạo của cô, anh chỉ muốn vắt chân bỏ chạy. Vợ anh đoán rằng, nếu lần này anh ta ra khỏi phòng thì sẽ không bao giờ quay lại nữa, vì vậy cô ấy đã nắm lấy quần áo phía trước của anh ta, và ngăn cản anh ta rời đi. Bất đắc dĩ không biết làm thế nào, anh nói với cô: “Phụ nữ có 'tứ đức', cô có được bao nhiêu?”.

Người vợ đáp: “Em chỉ thiếu ngoại hình, nhưng nam tử phải có cả trăm đức tính cao thượng, anh có được bao nhiêu trong số đó?”.

Anh chồng nói: “Tôi có tất cả trăm điều”.

Người vợ lại nói: “Trong trăm phẩm hạnh thì lấy đức làm hàng đầu. Anh thích mỹ sắc, không coi trọng mỹ đức, làm sao anh có thể nói mình có đủ cả trăm phẩm hạnh?”.

Nghe đến đây, người đàn ông lộ rõ vẻ xấu hổ, từ đó trở đi đối đãi với vợ tương kính như tân.

Nhân vật nam chính trong câu chuyện này là Hứa Doãn, một quan viên nổi tiếng của Tào Ngụy trong thời Tam Quốc. Vợ ông họ Nguyễn, được biết đến là Nguyễn thị trong lịch sử.

Họ đến với nhau như thế nào, chúng tôi không rõ lắm - có thể đó là sắp đặt của cha mẹ của hai gia đình: cha của Hứa Doãn là Hứa Cư là quan tới giáo uý điển nông, quận trưởng. Cha của Nguyễn thị là vệ uý Nguyễn Cộng. Có thể nói hai bên môn đăng hộ đối. Gia đình hai bên có thể vì lý do chính trị mà sắp đặt cuộc hôn nhân này. Tuy nhiên, điều khiến Hứa Doãn không hài lòng nhất là ngoại hình của Nguyễn thị quá khó coi. Nhưng điều anh không hiểu là Nguyễn thị tuy xấu nhưng lại là một người phụ nữ rất có nội hàm, ​​chỉ cần những gì cô nói với anh trong buồng tân hôn đã thể hiện trình độ, rất có trí tuệ. Vì vậy, cuối cùng đã khiến anh đã thay đổi ý định.

Trên thực tế, Hứa Doãn đã được hưởng lợi rất lớn khi kết hôn với Nguyễn thị, anh đã nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ của vợ nhiều lần trong cuộc sống sau này. Những điều này đã giúp anh tránh khỏi rất nhiều rắc rối.

Trên thực tế, Hứa Doãn đã được hưởng lợi rất lớn khi kết hôn với Nguyễn thị (Ảnh: pixabay)
Trên thực tế, Hứa Doãn đã được hưởng lợi rất lớn khi kết hôn với Nguyễn thị (Ảnh: pixabay)

Ví dụ, khi Hứa Doãn đảm nhiệm chức quan Lại bộ, rất nhiều quan chức được chọn đều là người cùng làng với anh, vì vậy Nguỵ Minh Đế Tào Duệ đã sai người đến bắt anh. Nguyễn Thị đuổi theo ra cửa và khuyên nhủ: “Một bậc quân vương khôn ngoan sáng suốt chỉ có thể thuyết phục bằng đạo lý, không thể cầu xin dựa vào cảm tình”.

Vì vậy, sau khi tới đại điện, Ngụỵ Minh Đế chất vấn Hứa Doãn, anh đã trả lời: “Khổng Tử từng nói cần tiến cử những người mà bản thân biết. Những đồng hương của thần chính là những người thần hiểu. Bệ hạ có thể kiểm tra xem họ có đủ năng lực hay không, nếu không đúng thì thần xin tự nguyện nhận tội”.

Sau khi kiểm tra, Tào Duệ xác nhận rằng tất cả những người mà Hứa Doãn bổ nhiệm đều là những ứng cử viên phù hợp nên đã thả ông ta ra.

Sau này, khi Tư Mã Ý nắm quyền, Hứa Doãn bị bạn bè liên lụy chết trên đường đi đày. Vì rất đa nghi và để tránh những rắc rối sau này, Tư Mã Ý đã cử một viên quan tên là Chung Hội (con trai của Thư Thánh Chung Diêu) đến nhà Hứa Doãn để kiểm tra xem tài năng của hai con Hứa Doãn có xuất sắc không. Nếu có thì sẽ loại bỏ họ. Chính Nguyễn thị cơ trí đã cảnh báo hai người con trai của mình: “Tuy các con có phẩm đức tốt nhưng tài năng không lớn. Chỉ cần các con nói chuyện chân thành với Chung Hội thì không có gì phải lo lắng cả, cũng đừng quá bi thương. Chung Hội không khóc thì các con cũng đừng khóc, cũng có thể hỏi một chút về sự tình trong triều”.

Các con làm theo lời của người mẹ, cuối cùng quả nhiên may mắn thoát nạn.

“Ai cũng có lòng yêu cái đẹp”, đó là bản năng của con người, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tìm hiểu, hẹn họ, đều muốn người kia phải đẹp. Tuy nhiên, chuyện cưới vợ gả chồng có sự khác biệt, sự khác biệt nằm ở chỗ chúng ta có trở thành một gia đình với nhau và gắn bó lâu dài, thậm chí là trọn đời hay không. Nếu câu trả lời là có, thì “sắc” không quá quan trọng, bởi “nhan sắc cũng sẽ phai theo năm tháng”, đó là quy luật tự nhiên, còn phẩm chất đạo đức của một người là điều rất khó thay đổi.

Vì vậy, trong dân gian có câu “Vợ xấu là báu vật trong gia đình”. “Vợ xấu” này hẳn là người sẽ có phần trở ngại về ngoại hình nhưng phẩm chất đạo đức không thua kém ai. Và cũng như Nguyễn thị, không chỉ có đức hạnh mà là người cơ trí, đương nhiên nên là sự lựa chọn tốt nhất của bậc nam nhi.

Minh An
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Giữa 'đức' và 'sắc' đàn ông nên chọn vợ như thế nào?