Hà Nội xưa: Trích Sài - Hái củi bên Hồ Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Ven Hồ Tây ngày nay có con đường tên là Trích Sài, xưa vốn là làng hái củi, tên chữ là Trích Sài (摘柴: trích nghĩa là hái, sài nghĩa là củi). Để biết rõ về cái tên này, cần ngược dòng lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Hồ Tây.

Lạc Long Quân diệt Hồ tinh

Phía tây đất Long Biên tức Hà Nội ngày nay, xưa có một quả núi, dưới núi có một chiếc hang lớn rất sâu, người dân gọi đó là Hồ Đỗng, nghĩa là Hang Cáo. Đây là hang ổ của một con Hồ tinh 9 đuôi sống trên nghìn năm, gọi là Cửu Vĩ Hồ, nó có thể biến hóa muôn hình vạn trạng, thường bắt người về nhốt ở trong hang, dùng để hút tinh khí để luyện ra những thứ tà ác hơn, hoặc ăn thịt. Cuộc sống người dân không được yên, thường xuyên có người mất tích, khiến dân chúng sợ hãi dần dần bỏ đi, nơi đây thành vùng hoang vắng tiêu điều.

Thời đó, sau khi diệt Ngư tinh ở miền biển, Lạc Long Quân nghe tin Hồ tinh hoành hành, Ngài quyết định tìm đến Hồ Đỗng diệt Hồ tinh. Lạc Long Quân một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó. Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, Hồ tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt Hồ tinh. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu Hồ tinh. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi.

Lạc Long Quân tiêu diệt Hồ tinh (Tranh: NTDVN)

Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo (Hồ thi trạch), đời sau mới gọi là Tây Hồ. Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, tức Hồ Khẩu ngày nay.

Sau khi Hồ tinh bị tiêu diệt, người dân lại dần dân quy tụ, sinh sôi nảy nở đông đúc, hình thành các làng mới như An Thái, Bái Ân, Trích Sài, Võng Thị. Trong đó, Trích Sài vốn là khu rừng rậm nhiều gỗ lim, người dân thường vào rừng hái củi, săn bắt. Sự hình thành làng Trích Sài cũng gắn liền với sự tích hai công chúa con vua Lý Nam Đế diệt Hồ tinh.

Hai công chúa của vua Lý Nam Đế diệt trừ Hồ tinh

Tại chùa Thiên Niên hiện nay còn lưu giữ tấm bia “Hoàn Long, Trích Sài, Thiên Niên tự bi ký” (Bài ký trên bia chùa Thiên Niên, thôn Trích Sài, huyện Hoàn Long). Nội dung văn bia thuật lại Thần tích hai công chúa của vua Lý Nam Đế (503 – 548) diệt trừ Hồ tinh ở Hồ Tây như sau:

“Khu vực Hồ Tây, trước kia là khu rừng rậm mọc toàn gỗ lim. Trong rừng có hòn núi nhỏ, có con cáo chín đuôi đã thành tinh ẩn náu trong hang núi đó, thường thường hiện hình làm hại người và vật, đã lâu ngày không trừ được.

Vua Lý Nam Đế lấy làm lo, sai hai công chúa đi học pháp thuật để trừ hại cho dân. Hai công chúa tu luyện ba năm, kết quả chưa thành, con cáo yêu quái càng quấy nhiễu dữ. Hai công chúa xin sang phương Bắc học Đạo. Thuyền đi đến sông Nguyệt Đức, buổi chiều gặp một vị Đại Tiên. Vị này nói: “Ta nghe hai công chúa có chí trừ yêu quái mà con Hồ tinh lọt lưới ẩn nấp chưa trừ được. Vậy ta đến giúp để cứu dân”.

Hai công chúa mừng lắm, đón vị Đại Tiên về và vào tâu với vua. Vua cho mời vị Đại Tiên, hỏi tường tận về pháp thuật. Đại Tiên bảo hãy chuẩn bị lập đàn ở nơi cao ráo, sạch sẽ, dựng 8 cửa, 8 tháp như hình Bát quái trận đồ và dạy hai công chúa tất cả những bí quyết phù chú.

Trong khoảng 100 ngày, việc học tập đã thành thạo. Bèn chọn ngày tốt, xem địa thế và lập đàn trừ yêu. Dùng cờ và lọng ngũ sắc mỗi thứ 100 cái. Rồi rước vị Huyền Chân Đại Đế ở phương Bắc chủ trì đàn trấn yêu. Lại dựng miếu thờ vĩnh viễn, để con cáo yêu quái sau khi bắt được, không thể lại hiện hình, tác quái được nữa.

Vua theo lời lập 3 đàn, đàn giữa thờ Thiên, Địa, Thần kỳ do vị Đại Tiên chủ trì, đàn tả thờ Dương Thần, đàn hữu thờ Âm Thần do hai công chúa phụng lễ.

Đến ngày lễ đàn, Đại Tiên một tay cầm bùa, một tay cầm kiếm, chỉ vào trước núi đá. Bỗng thấy con cáo từ trong hang núi nhảy vọt ra, đá núi đổ xuống. sóng nước sôi lên, bắn tung tóe ra bốn phía, rừng lim sụt xuống, tất cả biến thành hồ nước, đất sụt tới tận bên cạnh đàn. Trong đàn lửa bốc lên, cờ lọng bị cháy hết. Phía trên đám lửa kết thành một đám mây đen bay lên lưng chừng trời, Đại tiên bắt trói con yêu quái bay lên không trung. Sau cùng không thấy nữa, chỉ còn hai công chúa bắt quyết ngồi ở đàn, lửa chẳng hề bén đến thân thể.

Đại tiên bắt trói con yêu quái bay lên không trung. (Hình minh họa: Trương Đạo Lăng - phạm vi công cộng)

Quan quân báo tin về với vua Lý, vua theo như lời Đại Tiên nói trước, sai dựng đền ở nơi lập đàn, để hai công chúa sớm chiều thờ phụng. Đền ở giáp bên hồ. Sát bờ bên kia hồ cũng lập miếu để thờ Huyền Chân Đại đế và chỗ dựng 8 tháp nơi đàn cũ, xây ngôi chùa để hai công chúa trụ trì. Sau một thời gian, hai công chúa cũng hóa theo Tiên, Phật.

Triều Lý, hai mùa xuân, thu, chùa và miếu đều có lệ quốc tế, giao cho dân trông coi, thờ phụng…”.

Hồ Tây trải qua quá trình lịch sử lâu dài đã có rất nhiều tên gọi gắn với các sự tích khác nhau. Đầu tiên là Đầm Xác Cáo, gắn với sự tích Lạc Long Quân diệt yêu tinh cáo chín đuôi. Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa bi hùng của Hai Bà Trưng, viên tướng nhà Hán Mã Viện đã gọi Hồ Xác Cáo là Lãng Bạc, nghĩa là hồ nổi sóng.

Đến thời nhà Lý, thiền sư Minh Không sang phương Bắc chữa bệnh cho vua Tống, đem đồng đen về đúc chuông. Khi gióng chuông lên, trâu vàng phương Bắc ngỡ tiếng mẹ gọi, chạy sang phương Nam, chạy quanh quả chuông khiến đất sụt xuống, kéo theo cả chuông và trâu vàng xuống, thành cái hồ, từ đó người dân gọi là Hồ Kim Ngưu (tức hồ trâu vàng).

Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoạn được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du ngoạn, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nên huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm. Năm 1573 tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ, hay gọi theo cách dân dã là Hồ Tây.

Nhắc đến Hồ Tây, có lẽ ai cũng sẽ liên tưởng đến câu ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Một Hồ Tây thơ mộng với đầy sự tích huyền thoại, những di tích lịch sử, gắn liền với lịch sử 4.000 năm của người Việt, và lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Hà Nội xưa: Trích Sài - Hái củi bên Hồ Tây