Hai nghìn năm trước, Đức Phật đã kể một câu chuyện cho bạn biết nhân sinh là gì

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một buổi hoàng hôn mùa thu cô đơn, giữa vùng rộng lớn hoang vu vô tận, có một vị lữ khách tập tễnh vội vàng bước đi...

Đột nhiên, người lữ khách nhận thấy có những mảnh màu trắng nằm rải rác trên con đường tối. Khi nhìn kỹ hơn, chúng hóa ra là xương người.

Người lữ hành đang băn khoăn và suy nghĩ, đột nhiên có tiếng gầm kinh người từ phía trước. Một con hổ lớn tiến đến gần.

Nhìn thấy con hổ này, người lữ hành liền hiểu ra nguyên lai của những mảnh xương trắng, ông lập tức bỏ chạy thục mạng tới con đường phía trước. Nhưng người lữ hành nhanh chóng bị mất phương hướng, ông chạy đến đỉnh của một vách đá.

Trong lúc tưởng như rơi vào chốn đường cùng, thì may mắn thay, có một cây thông trên vách đá, đồng thời từ một cành cây có một sợi cây leo rủ xuống. Thế là người lữ hành không một chút do dự, ngay lập tức nắm lấy cây leo mà đu mình xuống, có thể nói là thập tử nhất sinh.

Tuy nhiên, con hổ này vốn đang đói ăn lại bị tuột mất miếng mồi ngon, có thể tưởng tượng nó khó chịu như thế nào. Nó gầm lên một cách điên cuồng trên vách đá.

Thật tốt biết mấy! May mắn thay, nơi trú ẩn của cây leo này cuối cùng đã cứu được một sinh mạng quý giá.

Người lữ khách tạm thời thở phào nhẹ nhõm, nhưng khi nhìn xuống dưới chân, không khỏi thốt lên một tiếng "A". Hóa ra dưới chân là biển sâu khó dò, sóng dữ cuồn cuộn, lại có ba con rồng độc đang ẩn mình trong sóng, há miệng mở to như đang chực sẵn. Người lữ hành bất giác toàn thân run rẩy.

tu luyện, đạo đức người xưa
Sóng dữ cuồn cuộn, lại có ba con rồng độc đang ẩn mình trong sóng. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Nhưng đáng sợ hơn cả là cây leo - chỗ dựa duy nhất của sự sống, phía bên trên nơi gốc rễ lại có hai con chuột trắng và đen xuất hiện, chúng đang hợp lực cùng nhau và bắt đầu cắn cây leo.

Người lữ hành liều mình lắc động dây leo, cố gắng xua đuổi chuột, nhưng hai con chuột này một chút cũng không hề sợ hãi. Và mỗi lần lắc động dây leo, liền có giọt nước từ phía trên rơi xuống, đây chính là mật nhỏ giọt từ tổ ong được xây trên cành.

Bởi vì mật ong quá ngọt, người lữ hành hoàn toàn quên mất rằng mình đang ở trong một tình huống vô cùng nguy hiểm, và cứ thế thưởng thức mật ong...

Đây là một câu chuyện được Đức Phật giảng cách đây hơn hai nghìn năm trong "Phật thuyết thí dụ kinh".

Mỗi một sự vật trong câu chuyện đều tượng trưng cho một phần nhân sinh của chúng ta, và người lữ hành trong đó, kỳ thực chính là mỗi con người chúng ta.

kiếp nhân sinh
Mỗi điều trong câu chuyện tượng trưng cho một phần nhân sinh của chúng ta. (Ảnh: Pixabay)

Vùng đất hoang dã là một ẩn dụ cho nhân sinh cô đơn bất tận của bạn.

Hoàng hôn mùa thu là một ẩn dụ cho cảm giác cô tịch của cuộc đời. Mỗi người chúng ta sống trên đời này đều mang trong mình cảm giác cô độc khó diễn tả bằng lời, cảm giác này cho dù là những người thân cận nhất cũng không thể nói ra.

Những mảnh xương bên vệ đường là cái chết của gia đình, người thân, bạn bè,… trong suốt hành trình của cuộc đời của bạn.

Con hổ đói giống như cái chết của chính bạn. Mọi thứ tồn tại trên đời này đều là vô thường, cho nên bạn không thể không chết. Cái chết đối với bạn là điều đáng sợ nhất, vì vậy sử dụng con hổ đáng sợ như một phép tương tự.

Con hổ đói giống như cái chết của chính bạn.
Con hổ đói giống như cái chết của chính bạn. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Cây thông trên đỉnh vách đá mà bạn leo lên, ám chỉ tiền bạc, tài sản, danh tiếng, địa vị, v.v. Những thứ này dù có nhiều đến đâu, khi sắp chết đi cũng không thể nào mang theo được.

Dây leo được ví von như một tâm lý tự an ủi bản thân. Suy nghĩ kỹ một chút: mười năm, hai mươi năm trôi qua cũng chỉ như một giấc mộng, chỉ kịp kêu “A” lên một tiếng liền biến mất. Mấy chục năm tiếp theo trôi qua cũng đồng dạng như vậy.

Hai con chuột đen và trắng liên tục cắn cây leo, ám chỉ ban ngày và ban đêm. Chúng một khắc cũng không ngừng rút ngắn sinh mệnh của bạn.

Cái khổ trong địa ngục chính là ba con rồng độc, tức là ba độc tham, sân, si trong lòng.

Mật ong ám chỉ dục vọng của con người. Trong vòng một ngày, điều bạn không ngừng suy nghĩ và đòi hỏi, không gì khác chính là sự thỏa mãn dục vọng này.

Và cuộc sống mỗi con người cũng là như vậy, mỗi ngày không ngừng liếm "mật ong", bất tri bất giác rơi xuống "đường cùng". Đây chính là lời Đức Phật dạy chúng ta về nhân sinh.

Hòa An
Theo secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Hai nghìn năm trước, Đức Phật đã kể một câu chuyện cho bạn biết nhân sinh là gì