Hàn Tín (1): Từ nhỏ mồ côi cha, thành đứa trẻ ăn xin

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Binh Tiên Hàn Tín đánh ắt thắng, tấn công ắt giành được, là đại tướng quân của Lưu Bang, công thần khai quốc của triều Hán. Bản sự lớn như thế, Hàn Tín học được của ai? Tư liệu lịch sử không nói đến vấn đề này, nhưng thực tế Hàn Tín là có sư phụ. Vậy sư phụ của Hàn Tín là ai?

Từ nhỏ mồ côi cha, thành đứa trẻ ăn xin

Hàn Tín là người nước Sở, chào đời vào thời kỳ Tần Vương Doanh Chính sắp thống nhất Trung Quốc. Hàn Tín lên 6 tuổi thì cha tử trận, gia cảnh vô cùng nghèo, và không có ruộng đất, mẫu thân làm công việc lặt vặt cho người ta, và rất khó có được bữa no. Bà đành để con trai đến các nhà trong làng xin cơm ăn.

Sau này, Hàn Tín đến ăn nhờ ở nhà Đình trưởng, được ăn đầy đủ hơn chút, nên cậu bé thường xuyên đến đó. Ăn được mấy tháng thì vợ Đình trưởng không cho ăn nữa. Sử sách có ghi chép: Cậu bé Hàn Tín không muốn bị người ta khinh miệt, nên từ đó không đến nhà Đình trưởng nữa. Khi đó cậu mới 7 tuổi.

Sau đó, cậu bé Hàn Tín đi hái rau dại và hái nấm ăn, khi nào đói quá thì đi xin cơm. Vào những năm tháng chiến tranh loạn lạc thời đó, trừ nước Tần ra, còn lại hầu hết đều nghèo khổ. Cậu bé Hàn Tín không chỉ xin ăn cũng rất khó khăn mà hái rau dại cũng khó nhọc, vì cũng bị người ta hái hầu như gần hết rồi. Thế nên cậu thường đến tận khi trời sắp tối mới đem được ít rau dại trở về nhà. Mẹ cậu luôn nói là bà đã ăn rồi, bà đem chút thức ăn kiếm được đó nấu cháo rau dại cho con trai, còn bà chỉ uống chút nước rau.

Sau này Hàn Tín phát hiện ra bí mật của mẫu thân, cậu cũng đã lớn lên chút rồi, nên đi ra ngoài giúp việc người ta, và nhân cơ hội xin chút đồ ăn đem về cùng ăn với mẫu thân.

Tuổi thơ của Hàn Tín trôi qua trong sự thê thảm như thế đó. Bởi vì cậu nghèo nhất, lại không có cha, nên lũ trẻ ức hiếp cậu, không chơi với cậu. Câu chuyện Hàn Tín câu cá, xin cơm của bà Phiếu mẫu (người phụ nữ làm nghề giặt giũ) thì như thế nào?

Xin ăn của bà Phiếu mẫu, câu cá bán bị đánh đến mức tính mạng nguy kịch

Có người hỏi, câu chuyện Hàn Tín câu cá, xin cơm bà Phiếu mẫu liệu có thật không? Về đại thể, việc này là có thật. Khi đó Hàn Tín 10 tuổi, rất ít đứa trẻ biết câu cá, bởi vì câu cá là việc cần sự nhẫn nại, những đứa trẻ thường không nhẫn được. Đôi khi câu chơi một chút thì còn được, chứ chưa ai nghe nói đến có đứa trẻ nào ngày ngày câu cá, liên tục trong hơn 1 tháng trời.

Nếu đứa trẻ mà câu được nhiều cá thì sao người lớn không đi câu? Nhàn nhã mà lại duy trì được cuộc sống thì ai còn phải vất vả làm lụng trên cánh đồng nữa?

Cậu bé Hàn Tín ra bờ sông nhìn thấy có cá, bèn kiếm một cây gậy gỗ, một đầu mài nhọn để đâm cá. Việc này không phải người bình thường có thể làm được. Hàn Tín bẩm sinh có căn cơ học võ nghệ, nhanh tay nhanh mắt, có lúc cậu đâm được mấy con cá nhỏ. Tuy nhiên, ven sông không có nhiều cá, còn ở giữa sông thì cậu không dám lội xuống. Thời kỳ đó không có người nào sống bằng nghề câu cá.

Một hôm, bà Phiếu mẫu đang giặc y phục cho người ta ở ven sông, trông thấy cậu bé này đói quá rồi, cứ nhìn chằm chằm vào nắm cơm bà mang theo, bà liền đưa nắm cơm cho cậu ăn.

Sử sách cũng có ghi chép về việc này. Cứ như thế, Hàn Tín ăn liền mấy chục ngày no nê. Cậu nói: “Cháu nhất định sẽ báo đáp bà”.

Bà Phiếu mẫu không mưu cầu được báo đáp. Sau này Hàn Tín làm Sở Vương, báo đáp tạ ơn bà Phiếu mẫu 1000 lượng vàng. Đây chính là điển cố “Bát cơm ngàn vàng” (Nhất phạn thiên kim), là từ Hàn Tín lưu lại. Tuy nhiên, phúc báo sau này của bà Phiếu mẫu không chỉ dừng lại ở đây.

Quay trở lại câu chuyện cậu bé Hàn Tín. Khi đó cậu 12 tuổi. Một ngày nọ, cậu có vận khí đặc biệt tốt, ra bờ sông đâm được mấy con cá khá to, cậu vui mừng hớn hở chạy lên phố để bán hoặc đối lấy đồ ăn, lòng thầm nghĩ: “Hôm nay hai mẹ con mình sẽ được ăn một bữa cơm no nê rồi”.

Thế nhưng, khi cậu đến phố, vừa bày hàng ra thì có mấy tên lưu manh đến, chúng bắt cậu bé Hàn Tín phải nộp tiền. Hàn Tín làm gì có xu nào. Không có được tiền, chúng liền cướp cá. Cậu bé Hàn Tín dốc sức bảo vệ, không cho chúng cướp, liền bị chúng đánh cho một trận, nhưng Hàn Tín vẫn không chịu đưa cá cho chúng. Cậu nghĩ: “Các người không cho ta bán cá thì ta sẽ đem về cho mẫu thân ăn, không thể cho các người được”.

Hàn Tín bị đánh thương tích đầy mình, chỉ còn thở thoi thóp. Nhóm lưu manh liền cướp cá đem đi, bỏ mặc cậu bé Hàn Tín trong tình trạng tính mệnh nguy kịch nằm đó.

Cậu bé Hàn Tín đáng thương làm thế nào mà sống lại? Xin mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo.

Wenshichanglang
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Tín (1): Từ nhỏ mồ côi cha, thành đứa trẻ ăn xin