Hàn Tín (2): Cậu bé Hàn Tín bị đánh hấp hối, làm thế nào mà sống lại được?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Cậu bé Hàn Tín sống chết bảo vệ cá, không để bị cướp đi, đám lưu manh liền đánh Hàn Tín thương tích khắp người và cướp những con cá đó rồi bỏ đi. 

Xem lại: Hàn Tín (1): Từ nhỏ mồ côi cha, thành đứa trẻ ăn xin

Thời cổ đại cũng đen tối như thế sao?

Thời kỳ Xuân Thu, Khổng Tử đã cảm thán là thời “Lễ băng nhạc hoại”, sang đến thời kỳ Chiến Quốc, thì đạo đức xã hội càng tụt dốc nhanh hơn nữa. Đến cuối thời Chiến Quốc, 6 nước đều rất nghèo khổ và hủ bại, chỉ nước Tần là thịnh trị, so với 6 nước thì người Tần hạnh phúc hơn nhiều, cơ bản được an cư lạc nghiệp. Khi đó, người dân nước Tần ai dám đánh nhau thì đó là phạm pháp, nếu đánh bị thương người khác thì sẽ bị trị tội, nặng thì bị tịch thu nhà cửa, tài sản và bị bán làm nô lệ.

Nước Sở thời Hàn Tín sống là thời kỳ đại loạn, Hạng Yên đã chiến bại tử trận, nước Sở bị diệt vong. Đại quân nước Tần đang bình định vùng Giang Nam của nước Sở. Thế nên, về cơ bản khi đó là thời loạn lạc, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, người dân nghèo khổ, kiếm miếng ăn cũng không kiếm nổi.

Hàn Tín bị đánh thương tích khắp người, nằm thoi thóp, tính mệnh nguy kịch. May thay một bà lão lạ mặt xuất hiện. Đây chính là cứu tinh của Hàn Tín, và cũng là người góp một phần cho những chiến thắng oanh liệt của Đại tướng quân Hàn Tín sau này.

Hàn Tín sau đó được ai cứu sống?

Bà lão này cõng cậu bé Hàn Tín về nhà. Mẹ Hàn Tín trông thấy thì sợ lắm: “Tại sao con tôi lại bị đánh ra nông nỗi này? Làm gì có tiền mua thuốc đây? Bị thương thế này thì còn có thể sống được không?”

Mẹ Hàn Tín khi đó nước mắt như mưa. Bà lão nói: “Cô đừng khóc nữa, ta biết loại thảo dược, cô theo ta đi kiếm một ít thảo dược về chữa vết thương cho đứa bé”.

Mẹ Hàn Tín nghe nói có thể kiếm được loại thuốc cứu mạng con trai, liền theo bà lão đi hái một loại cỏ đem về.

Cỏ Hàn Tín

Truyền thuyết cỏ Hàn Tín chính là như thế. Kể rằng Hàn Tín bán cá bị đánh đòn hiểm ác, bà lão hàng xóm hái một loại cỏ sắc lấy nước cho Hàn Tín uống. Chỉ vài ngày sau, Hàn Tín đã bình phục.

Sau này Hàn Tín làm đại tướng quân, đã dùng loại thảo dược này để chữa trị vết thương có các binh sĩ, và có hiệu quả kỳ diệu. Các binh sĩ hỏi loại cỏ này tên là gì? Hàn Tín cũng không biết. Có người nói: “Vậy hãy gọi nó là ‘cỏ đại tướng quân’ đi”.

Mọi người nói: “Là Đại tướng quân nào? Có quá nhiều đại tướng quân. Người đời sau sẽ không biết là ai. Gọi là cỏ Hàn Tín đi! Như thế thì ai cũng đều nhớ đến và cảm ơn Đại tướng quân của chúng ta”.

Từ đó trở đi, loại cỏ này được gọi là cỏ Hàn Tín (tức cỏ Scutellaria indica), ngày nay vẫn còn dùng để chữa trị những vết thương do ngã hoặc bị đánh.

undefined
Loại cỏ này được gọi là cỏ Hàn Tín (tức cỏ Scutellaria indica). (Wikipedia)

Về cơ bản, truyền thuyết này là chân thực. Trong lịch sử có rất nhiều những câu chuyện chân thực như thế này không được viết vào sử sách, chỉ lưu truyền ở dân gian qua các thời đại. Nhưng loại cỏ đó lần đầu tiên dùng trị ngoại thương là bà lão đó, người đã bảo mẹ Hàn Tín về loại thảo dược này, chứ không phải là bà lão hàng xóm.

Mọi người có thể nghĩ, đây là lần đầu tiên sử dụng cỏ Hàn Tín chữa vết thương, vậy nghĩa là trước kia chưa từng sử dụng, làm sao bà lão lại biết loại cỏ này có thể trị chữa ngoại thương?

Bà lão thần bí rốt cuộc là ai?

Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện thần kỳ. Bà lão kia không phải là thầy thuốc, và nhà Hàn Tín cũng không có tiền mời thầy thuốc. Nếu bà lão kia là do tổ tiên truyền bài thuốc, thế thì loại cỏ này nhất định đã từng dùng chữa trị cho người khác trước đó rồi, chứ không phải chờ đến lúc cứu Hàn Tín mới lần đầu tiên sử dụng, như thế thì đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, và đã có tên rồi. Hơn nữa, sau khi bà lão cáo biệt, mẹ con Hàn Tín từ đó cũng không bao giờ gặp lại bà lão nữa, cũng không có người nào tìm thấy bà, dường như đã biến mất khỏi nhân gian.

Bà lão cứu mạng Hàn Tín. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Việc này có chút giống như lão ăn mày đã truyền thụ “Tâm kinh” cho Huyền Trang. Sau khi lão ăn mày rời đi, thì không ai thấy tông ảnh của ông ở chốn nhân gian nữa. Câu chuyện lão ăn mày như sau:

Trong sách “Đại từ ân tự Tam Tạng Pháp sư truyện” có câu chuyện chân thực về nguồn gốc “Tâm kinh” trong Phật giáo.

Những năm đầu thời nhà Đường, trước khi đi Ấn Độ thỉnh kinh, Huyền Trang tu tập Phật Pháp ở Thành Đô. Một ngày ông thấy một ông lão ăn mày lưu lạc trên đường phố, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, người đầy mụn nhọt, vô cùng bẩn thỉu, mùi hôi tanh tưởi. Huyền Trang bỗng sinh lòng từ bi, không quản dơ bẩn, đưa ông lão ăn mày về trong chùa, lấy bạc của mình ra đưa cho ông ăn mày. Số bạc này đủ để ông lão ăn mặc đơn giản trong một thời gian.

Ông lão ăn mày rất cảm động, để báo đáp, ông bèn đem “Tâm Kinh” của Quan Âm Bồ Tát truyền thụ lại cho Huyền Trang. Khi Huyền Trang tiễn ông lão cũng không phát hiện ra ông lão ăn mày bệnh tật bẩn thỉu đó có gì khác biệt với người bình thường, nhưng không ai gặp lại ông lão ở chốn nhân gian nữa.

Khi Huyền Trang đi thỉnh kinh, trên đường đi đến sa mạc Mạc Hạ Dịên Tích, thấy những dị tượng quỷ quái vân quanh mình, trước tiên ông niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Âm, những ‘ma quỷ’ đó bị xua đi nhưng không xua đuổi hết được. Khi ông vừa niệm Tâm Kinh thì lập tức ‘ma quỷ’ biến mất hết sạch. Lúc này Huyền Trang mới phát hiện ra sự thần kỳ của Tâm Kinh. Thế là sau này mọi người cho rằng ông lão ăn mày bệnh tật bẩn thỉu đó chính là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm.

Vậy bà lão cứu cậu bé Hàn Tín đó liệu có phải cũng như thế này không? Khả năng chính là như thế. Hơn nữa thời đó cũng, tương truyền là cũng không phải sắc thuốc uống, mà trực tiếp giã nát, sau đó bà lão dùng tay lấy nắm cỏ giã nát đó bôi lên các vết thương, sau vài ngày là vết thương lành, ngay cả các vết sẹo cũng không có, quả là công hiệu thần kỳ.

Xem ra bà lão muốn dùng phương thức này để Hàn Tín ghi nhớ loại thảo dược này, không những giúp ích Hàn Tín trên chiến trường, mà còn lưu lại loài thảo dược quý giá này cho người đời sau. Nó cũng giống như sự ra đời của viên ngọc bích Hòa thị, đều là những câu chuyện bi tráng, như thế người đời sau mới nhận thức được giá trị của nó. Nền tảng lịch sử sâu dày mới khiến người đời sau lĩnh ngộ được những nội hàm thâm sâu mà nó truyền tải.

Có thể đó chính là “Nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và con người” mà Tư Mã Thiên mong muốn, tức là từ lịch sử của nhân gian để nghiên cứu tìm tòi Thiên số, Thiên Đạo.

Vậy Trời sẽ đem trọng trách trao cho cậu bé Hàn Tín nghèo khổ như thế nào? Kính mời quý độc giả theo dõi phần tiếp theo.

(Còn tiếp)

Wenshichanglang
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Tín (2): Cậu bé Hàn Tín bị đánh hấp hối, làm thế nào mà sống lại được?