Hán Vũ Đế (phần 10): Hội tụ tài tử - Kiệt tác truyền đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hán Vũ Đế dẫn dắt quần thần, thành tựu lên một thời đại thịnh vượng nhất tính từ thời Tần Thủy Hoàng xưng đế, các lĩnh vực văn trị, võ công, kỹ thuật, nghệ thuật đều đạt tới đỉnh cao trước đây chưa từng có. Hán Vũ Đế hùng tài đại lược, đồng thời còn là một đế vương tài tử thông hiểu âm luật, văn học. Ông sưu tầm văn hiến, hưng Hán phú, trợ nhạc phủ, làm văn  học nghệ thuật của vương triều Tây Hán cường thịnh phồn vinh.

Xem lại: Hán Vũ Đế (Phần 9): Chế độ sáng rõ - Vương Bá đều dùng

Đại phú tung hoành

Một triều Thiên tử một triều văn hóa, hậu nhân tổng kết rằng, mỗi vương triều Trung Hoa đều có những văn hóa kinh điển độc đáo, mà các triều đại khác đều không thể so bì, do vậy mới nói “ Nhất đại chi văn học” (Văn học của một thời đại). Sở có Sở từ, Hán có Hán phú, rồi Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, đều là hình thức văn học xuất sắc nhất thời đó. Hán phú là hình thức văn học điển hình nhất thời Hán, đặc biệt phồn vinh ở thời Hán Vũ Đế. Kinh tế giàu có, sản vật dồi dào, quân sự thắng lợi, chính trị minh bạch, bốn phương tụ hội, tạo lên khí thế hùng vĩ của vương triều nhất thống. Điều đó được thể hiện ra trong ngòi bút của văn nhân, trở thành những áng văn rực rỡ, hiển dương sự phồn vinh của văn học, đó là thể văn - Hán đại phú.

Tác phẩm tiêu biểu "Thượng lâm phú" của Tư Mã Tương Như, mô tả rõ nét cảnh hùng tráng Thiên tử đi săn cùng cảnh hào hoa tráng lệ của cung thất. Tranh "Thượng lâm đồ" của Cừu Anh, đời Minh - Bảo tàng cố cung Đài Bắc (Miền công cộng).

Hán đại phú có phong cách của tản văn, cũng có tiết tấu vận luật của biền văn (thể văn có hai vế đối nhau), là loại văn yêu cầu văn từ chau chuốt trong sáng, truyền tải ý tưởng rõ ràng. Nó phần nhiều là miêu tả sự tráng lệ, uy nghiêm của cung điện, đô thị, cảnh sinh hoạt hoàng gia, đồng thời ở cuối bài có vài dòng khuyên nhủ. “Văn tâm điêu long” định nghĩa Hán đại phú là “phô thái si văn, thể vật tả chí” (Bộc lộ sắc thái văn phong, thể hội sâu sắc nói rõ chí hướng). Trước thời Hán Vũ Đế, thể văn phú này đã xuất hiện, có ảnh hưởng của Sở từ, là thể phú tao nhã. Đến thời Hán Vũ Đế, xã hội phát triển và được Hoàng đế ủng hộ, thể văn đại phú đã sinh ra và phồn thịnh từ đây.

Khi Hán Vũ Đế vừa lên ngôi, ông ngưỡng mộ tác gia viết phú tên là Mai Thừa, cho xe êm đến triệu vời. Nhưng Mai Thừa tuổi cao sức yếu, nên qua đời trên đường vào cung, làm Hán Vũ Đế rất tiếc thương. Nhưng Mai Thừa còn có một người con tên là Mai Hao, cũng là một tác gia nổi danh về thể phú, thông qua dâng thư tự tiến cử, nói rõ thân phận là con của Mai Thừa. Hán Vũ Đế vui mừng, vời ông tới đại điện viết phú, đồng thời phong chức Lang trung. Về sau, Mai Hao trở thành cận thần của Hán Vũ Đế, theo cạnh Hán Vũ Đế đi khắp nơi tuần hành, du ngoạn. Mỗi khi Hán Vũ Đế có cảm xúc, liền bảo Mai Hao làm phú kỷ niệm. Do Mai Hao tài tư mẫn tiệp, khi tiếp chiếu liền hạ bút thành thơ, là một tác gia có nhiều tác phẩm.

Thông qua nhiều phương thức chiêu nạp nhân tài, quanh Hán Vũ Đế tập hợp nhiều văn nhân nhã sĩ, nhiều đại thần như Đông Phương Sóc, Nghiêm Trợ, Chu Mãi Thần, đều có thể làm phú, trong đó có Tư Mã Tương Như là người đứng đầu trong tứ đại danh gia Hán phú. Thời Hán Cảnh Đế, Tư Mã Tương Như làm du khách đi Lương quốc, làm bài phú “Tử Hư phú”, sau này Hán Vũ Đế đọc, hết sức tán thưởng áng văn này, cảm thán thốt lên: “Tiếc là Trẫm không được sống cùng thời với ông ấy!”. Một vị quan tên là Cẩu Giám Dương đứng bên tự hào nói, tác giả là người cùng quê ông ấy, Hán Vũ Đế lập tức cho vời vị tài tử Tư Mã Tương Như.

Tư Mã Tương Như nói với Hán Vũ Đế, bài “Tử Hư phú” chẳng qua là viết về việc chư hầu đi săn, không có gì là đặc biệt, hy vọng sẽ dâng lên bài đại phú miêu tả cảnh Thiên tử đi săn. Tư Mã Tương Như liền viết một bài phú trứ danh “Thượng lâm phú”, mô tả rõ nét cảnh hùng tráng Thiên tử đi săn, cùng cảnh hào hoa tráng lệ của cung thất. Bài phú không chỉ ca tụng hình tượng đế quốc Tây Hán đại nhất thống, mà còn hàm chứa lời can gián sâu sắc, khai sáng một chủ đề cơ bản của Hán đại phú. Đọc xong, Hán Vũ Đế rất tán thưởng, phong ông làm Lang quan. Tư Mã Tương Như và Mai Hao có sự khác biệt rõ rệt, Tư Mã Tương Như cần tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ, còn Mai Hao thì rất nhanh. Nhưng Mai Hao bản thân trước mặt Tư Mã Tương Như, tự nhận là thua kém.

Những văn tài này bên cạnh Hán Vũ Đế, cũng là trợ thủ đắc lực việc triều chính, ví dụ Chu Mãi Thần nhậm chức Thái thú nơi xa, Tư Mã Tương Như đi sứ tây nam Di. Các vị này không chỉ có văn tài làm Thiên tử tán thưởng, mà còn có khả năng đăng đàn trị chính, có thể thấy địa vị văn nhân khi ấy rất cao, cũng là thúc đẩy những sáng tác đại phú càng ngày càng nhiều trong thời đại nhà Hán. Trong “Hán thư - Nghệ văn chí” có thống kê số lượng tác phẩm của vua tôi Hán Vũ Đế, Tư Mã Tương Như có 29 bài, Mai Hạo có 120 bài, Nghiêm Trợ có 35 bài, Tư Mã Thiên 8 bài, tổng cộng gần 300 bài phú, nhiều hơn thời Tây Hán sơ kỳ 100 bài, số lượng nhiều, chất lượng cao, làm người ta trầm trồ thán phục.

Thơ ca Nhạc phủ

Thành tựu cao nhất về văn học thời Hán không chỉ Hán phú, mà còn có thơ Nhạc phủ. Lịch sử thi ca lâu đời, từ thời cổ đại đã có địa vị quan trọng. Thời cổ, kinh học và văn học cơ bản là nhất thể, cũng nói văn, sử , triết cùng nhà. Ví dụ kinh điển Nho gia Kinh Thi, là bộ tổng tập thi ca sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa, có thành tựu văn học và tác dụng giáo hóa rất cao. Khổng Tử từng nói: “Hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc.” (Hưng thịnh bởi thi ca, kiến lập bởi lễ, thành tựu bởi nhạc). Hán Vũ Đế tôn sùng Nho thuật, nên tự nhiên rất chú trọng phát triển thi ca, trong đó chính sách quan trọng nhất là phát triển cơ cấu âm nhạc - Nhạc phủ.


Nghệ thuật thời cổ đại, thi-nhạc-vũ không phân chia, thi ca phối hợp âm nhạc diễn tấu, hoặc thêm vũ điệu. Tranh "Lang uyển như tiên đồ" của Viện Cáo thời Ngũ đại. ( Miền công cộng ).

Nhạc phủ được thiết lập từ thời Tần, là cơ quan phụ trách quản lý âm nhạc, đến thời Hán Vũ Đế mới chính thức trở thành cơ cấu chuyên nghiệp, tập hợp, sáng tác, diễn tấu âm nhạc thành nhất thể. Chỗ này cần giải thích một chút, nghệ thuật cổ đại là thi - nhạc - vũ không phân biệt, thi ca phối hợp âm nhạc diễn xướng, hoặc thêm vũ đạo, cho nên thi thơ khi ấy cũng là ca khúc, gọi là “ca thi”. Thi ca Tây Hán phồn thịnh từ cơ cấu Nhạc phủ, trở thành Nhạc phủ kinh điển.

Thi ca sáng tác thời kỳ đầu Tây Hán không nhiều, chủ yếu là “Đại phong ca” của Hán Cao Tổ sáng tác, còn có “Phòng trung nhạc” - thi ca quy mô lớn của Đường Sơn phu nhân sáng tác, sau đó có phối nhạc trở thành “An thế nhạc”, sau đó cơ cấu Nhạc phủ chỉ là sao chép nhạc cũ, không sáng tác mới. Tới thời Hán Vũ Đế, Nhạc phủ mới có không gian phát triển. Đầu tiên là tăng thêm hạng mục diễn tấu. Hán Nhạc phủ có ba hạng mục lớn, một là “Phòng trung nhạc” gồm 17 chương, hai mục còn lại đều được sáng tác vào thời Hán Vũ đế, một là “Giao tự ca” 19 chương, do Tư Mã Tương Như phụng chiếu phú thi, âm nhạc gia Lý Diên Niên phổ nhạc thành nhạc chương dành cho tế tự hoàng gia; còn lại là Nao ca 22 khúc, gọi là nhạc trong quân đội.

Đối với sự phong phú của Nhạc phủ, Lý Diên Niên có cống hiến rất lớn. Lý Diên Niên xuất thân từ âm nhạc thế gia, phụ mẫu huynh đệ đều là nghệ nhân âm nhạc, bản thân ông rành âm luật, giỏi ca vũ, được Hán Vũ Đế tán thưởng. Sử thư viết, âm nhạc của Lý Diên Niên sáng tác, ai nghe thấy cũng cảm động. Ví dụ, khi ông sáng tác khúc “Giai nhân khúc”, Hán Vũ Đế nghe xong cảm thán, trên thế gian đâu có người đẹp đến vậy? Thế là Bình Dương Công chúa tiến cử em gái của Lý Diên Niên cho Hán Vũ Đế, trở thành người được sủng ái nhất - Lý phu nhân. Lý Diên Niên do vậy mà cũng được coi trọng. Nhân dịp Hán Vũ Đế tế tự thiên địa, hưng lễ tạo nhạc, ông không chỉ mang nhạc khúc cũ phiên biến thành khúc mới, lại còn mang những khúc nhạc Tây Vực được Trương Khiên đem về cải biến thành 28 bài “Cổ xuy tân thanh” (Âm thanh mới gồm trống và thổi sáo). Nhờ tài năng cùng kỹ nghệ cao siêu trong sáng tác nhạc, Lý Diên Niên được phong làm Hiệp Luật Đô Úy, hiển hách một thời.

Ngoài ra, Hán Vũ Đế còn chế định chế độ thu thập Nhạc phủ, chỉnh lý dân ca, như vậy trong cung đình xuất hiện các ca khúc địa phương Triệu, Đại, Tần, Sở. Đến thời Hán Ai Đế, tập hợp dân ca các nơi lên tới 260 bài. Việc thu thập dân ca có ý nghĩa rất lớn. Từ khi Khổng Tử biên soạn Kinh Thi, chỉnh lý “Quốc phong” nhà Chu, đến thời Chiến Quốc và thời kỳ đầu Tần Hán, hạng mục công tác văn hóa này bị gián đoạn, Hán Vũ Đế cho tiếp tục kế thừa, khôi phục thu thập và chỉnh lý dân ca. Những khúc dân ca “Cảm ư ai lạc, duyên sự nhi phát” (cảm động vui buồn, nhẹ nhàng kể lể), nói lên tiếng lòng của bách tính, giúp triều đình hiểu được nỗi khổ của nhân gian cùng chỗ sai chỗ đúng của chính sách.

Nếu nói, Hán phú là đại biểu cho thành tựu văn học cung đình, thì Hán Nhạc phủ đại biểu cho tinh hoa của văn học nhân gian. Thêm nữa, thi ca Hán Nhạc phủ đã kế thừa tinh thần truyền thống của Kinh Thi, trở thành một đỉnh cao trong lịch sử thi ca. Rất nhiều văn nhân đã dùng Nhạc phủ để làm thơ, có ảnh hưởng sâu sắc đến thi ca hậu thế.

Văn phong rực sáng

Ngoài việc đề xướng, dẫn đạo cho văn học, bản thân Hán Vũ Đế cũng có lòng nhiệt thành văn học, cần mẫn sáng tác, có thành tựu đáng kể, sử học gia Ban Cố đã dùng từ “Trác nhiên” (trác tuyệt), “Hoán nhiên” (Sáng rực) để hình dung văn phong của Hán Vũ Đế. Trong cuộc đời ông đã làm nhiều việc lớn, và cũng thấy nhiều cảnh cát tường, để kỷ niệm những sự kiện đó, ngoài việc ông lệnh cho đại thần viết thi tác phú, ông còn tự cầm bút đề thơ, lưu lại rất nhiều bài.

Hán Vũ Đế từng làm bài “Lý phu nhân phú” thể hiện niềm tiếc thương sâu nặng đối với vị phu nhân nghiêng nước nghiêng thành. Tranh “Lý phu nhân” trong sách “Họa lệ chu thúy tú”, tranh Hách Đạt Tư đời Thanh. (Miền công cộng)

Ví dụ vào năm đầu Nguyên Thú (năm 122 TCN), trong khi đi săn Hán Vũ Đế bắt được kỳ lân trắng, do vậy viết “Bạch lân chi ca” (Bài ca Lân trắng). Năm Nguyên Đỉnh thứ 4 (năm 113 TCN), có người đào được bảo đỉnh phía sau miếu thờ, Hán Vũ Đế có xúc cảm, viết “Bảo đỉnh chi ca”. Cùng năm ấy, trong hồ sâu xuất hiện ngựa thần, ông sáng tác “Thiên mã chi ca”. Trên đường tuần du Hà Đông, Hán Vũ Đế viết bài “Thu phong từ” (Bài từ gió thu).

Năm Nguyên Phong thứ 2 (năm 109 TCN), Hán Vũ Đế tế tự ở núi Thái Sơn, trên đường qua địa phương Hoạch Tử, thì đê sông Hoàng Hà bị vỡ, ông lệnh tất cả quan viên, quân lính cõng củi, rơm không quản hiểm nguy đi gia cố đê bao. Đứng trước cảnh hồng thủy mênh mông, cảm xúc dâng tràn, ông viết “Hoạch Tử chi ca”. Cùng năm, trong cung Cam Tuyền có mọc một cây linh chi 9 nhánh, ông viết bài “Chi phòng chi ca”.

Năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN), Nhị sư tướng quân Lý Quảng Lợi xuất chinh Đại Uyên, mang về Hãn huyết bảo mã dâng triều đình, để kỷ niệm sự kiện này, Hán Vũ Đế làm bài “Tây cực thiên mã chi ca”. Năm Thái Thủy thứ 3 (năm 94 TCN), Hán Vũ Đế đi tuần thú Đông Hải, bắt được một đại nhạn màu đỏ, nên làm bài “Chu nhạn chi ca”.

Thi ca của Hán Vũ Đế mang đặc điểm của Sở từ, mang chân tình thực cảm nhẹ nhàng tế nhị, cũng có khí thế của một vị đế vương lòng ôm thiên hạ, trong đó “Thu phong từ” và “Hoạch Tử ca” là những tác phẩm tiêu biểu. Chúng ta cùng thưởng thức “Thu phong từ”:

Gió thu thổi nhẹ mây trắng bay, cỏ cây vàng rụng nhạn về nam, hoa lan nở hoa cúc đưa hương, ngẫm giai nhân lòng khôn nguôi nhớ. Lênh đênh lâu thuyền trên sông Phần, một con sóng trắng vỗ ngang dòng, tiếng sáo tiếng trống vung chèo hát, hoan lạc tận cùng là khổ đau. Trai tráng mấy lúc già biết làm sao!

“Bi thu”(thu buồn) là chủ đề thường thấy trong thi ca Trung Hoa, Hán Vũ Đế cùng quần thần trên lâu thuyền yến tiệc, đang lúc rượu nồng, cảm thấy thời gian trôi nhanh quá, nên viết ra tác phẩm cảm Thu. Ba câu đầu miêu tả cảnh Thu, văn từ ưu mỹ, câu thứ tư nói rõ nỗi nhớ giai nhân. Các câu sau miêu tả bối cảnh làm thơ, trong tiếng nhạc du dương mà cảm thấy đời người ngắn ngủi, cảm thán lên câu tráng niên mấy chốc, vận vị vô cùng.

“Hoạch Tử chi ca” được Hán Vũ Đế sáng tác tại nơi sông Hoàng Hà bị vỡ đê, biểu đạt tấm lòng thương xót, muốn cứu trợ bách tính. Chúng ta cùng thưởng thức đoạn thứ hai:

Sông cuồn cuộn chảy không ngừng. Bờ bắc bên kia dòng chảy xiết. Dây thừng buộc chặt tới cứu đê. Tre củi cho việc cứu đê không có đủ. Không đủ củi là tội người Vệ. Đã đốt cháy tan hoang lấy đâu ra củi vá đê. Chặt cả trúc để làm thành chắn. Tuyên cáo vá xong đê, muôn phúc lại đến.

Đoạn này mô tả cảnh khẩn trương hàn vá chỗ vỡ đê, hai câu đầu nói về nước lũ chảy mạnh, ám chỉ công việc hàn vá rất khó khăn. Tiếp theo là quá trình trị thủy, cỏ củi không đủ lập tức chặt trúc vá đê. Sau khi trị thủy thắng lợi, Hán Vũ Đế tuyên dụ với bách tính sự quan trọng của công tác trị thủy, toàn bài thơ khí tráng sơn hà, cũng bộc lộ lòng thương xót chúng dân của một vị đế vương hiền minh.

Trong "Hán thư - Nghệ văn chí" có ghi, Hán Vũ Đế cũng sáng tác hai chương phú, một bài trong đó là “Lý phu nhân phú”, bài kia thất lạc mất. Lý phu nhân chính là nữ nhân trong “Giai nhân khúc”, bà sớm bệnh qua đời, để lại thương cảm vô tận cho Hán Vũ Đế. Vào một ngày, Hán Vũ Đế thương nhớ Lý phu nhân, lệnh thuật sĩ làm lễ chiêu hồn, Hán Vũ Đế chỉ được nhìn từ xa, ông cảm khái thốt lên: “Là thực, hay hư? Đứng xa trông, dáng nghiêng tha thướt chậm rãi!”, rồi viết ra bài phú tiếc thương nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc, biểu thị tình thâm ý trọng của bậc đế vương.

Ông tổ của chính sử

Có câu rằng: “Tây Hán văn chương lưỡng Tư Mã.” Là chỉ hai vị văn hào họ Tư Mã thời Hán Vũ Đế, một vị là thi phú thành danh - Tư Mã Tương Như, vị kia là sử học gia kiêm tản văn gia - Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên xuất thân từ gia đình sử học, thành tựu lớn nhất của ông là hoàn thành bộ “ Sử ký”. Địa vị của “Sử ký” quan trọng như thế nào, đó là thủy tổ của chính sử, là kinh điển của tản văn, trong điển tịch cổ đại dường như không có tác phẩm nào đạt được thành tựu như “Sử ký”, cho nên nó được gọi là một “Tuyệt xướng”.


Tư Mã Thiên xuất thân từ gia đình sử học, thành tựu lớn nhất của ông là hoàn thành bộ “ Sử ký”. Tranh Tư Mã Thiên trái và bộ “Sử ký” phải, Minh Vạn Lịch năm thứ 26. (Miền công cộng).

Vậy bộ sử này đã được hoàn thành như thế nào? Phụ thân của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm làm quan sử thời Hán Vũ Đế, cũng là Thái sử công. Tư Mã Đàm học vấn uyên thâm, tinh thông thiên văn, Chu Dịch cho đến Nho, Đạo, Mặc, Pháp, Âm Dương, nghiên cứu tinh túy học vấn Bách gia Chư tử. Khi Hán Vũ Đế cho sưu tập cổ tịch, Tư Mã Đàm có cơ hội nghiên cứu kinh điển cổ tịch trong thiên hạ. Trách nhiệm của sử quan là làm sử, Tư Mã Đàm có chí hướng hoàn thành một bộ “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn” (Nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và con người, thông hiểu biến động lịch sử cổ kim, thành tự một gia phái - sử gia), xuyên suốt mạch cổ kim. Tư Mã Thiên từ nhỏ kế thừa gia học, thông hiểu Chư tử bách gia, được các danh sư Đổng Trọng Thư, Khổng An Quốc dạy dỗ. Lớn lên ông đi du ngoạn khắp nơi, sưu tập các cố sự xa xưa, tích lũy tài liệu lịch sử phong phú.

Tư Mã Thiên là văn nhân đọc sách vạn quyển, du hành vạn lý, trí tuệ thông đạt, giỏi thể văn Từ, sau này đảm nhận chức Lang Trung trong triều đình. Đến năm đầu Nguyên Phong (năm 110 TCN), Hán Vũ Đế chuẩn bị làm đại lễ Phong Thiện (lễ tế Trời Đất), Tư Mã Đàm do không thể tham dự nên rất lấy làm tiếc, thân mang bệnh trọng. Vừa lúc Tư Mã Thiên đi sứ Ba Thục về kịp, nhìn được phụ thân lúc lâm chung. Tư Mã Đàm mang sự nghiệp chưa thành giao phó cho Tư Mã Thiên, hy vọng ông kế thừa sự nghiệp làm sử của tổ tiên, kế nhiệm chức Thái sử công hoàn thành bộ sử thư, đồng thời ghi lại những công tích huy hoàng từ trước đến nay của vương triều nhà Hán. Ba năm sau, Tư Mã Thiên đảm nhận Thái Sử Lệnh.

Năm đầu Thái Sơ (năm 104 TCN), xuất phát từ nhu cầu chỉnh lý, Tư Mã Thiên đề nghị sửa đổi lịch pháp, niên hiệu, đồng thời tham gia chế định “Thái Sơ lịch”. “Thái Sơ lịch” thay thế cho “Chuyên Húc lịch” thời Tần Hán đến nay, lấy tháng 1 làm đầu năm, chọn dùng 24 tiết khí thuận lợi cho thời vụ nhà nông, là tiến bộ trọng đại của cổ đại lịch pháp Trung Hoa. Trên thế giới, Thái Sơ lịch là lịch chuẩn hàng đầu, còn sớm hơn lịch Julius cổ La Mã 58 năm. Sau khi xác lập lịch pháp mới, Hán Vũ Đế cho cử hành đại lễ ban bố lịch pháp mới, đồng thời đặt năm làm lịch là Thái Sơ nguyên niên (năm đầu tiên Thái Sơ), lịch pháp mới cũng vì thế mà gọi là “Thái Sơ lịch”. Sau đó, Tư Mã Thiên chính thức biên soạn “Sử ký”.

Đến năm thứ 3 Thiên Hán (năm 98 TCN), Lý Lăng do gặp đại quân Hung Nô, lực kiệt đầu hàng, cũng có tin cho là ông giúp Hung Nô luyện binh, Hán Vũ Đế giận kẻ vong ân bội nghĩa, đa số đại thần đều cho là tội không thể tha, nhưng Tư Mã Thiên lại cực lực bênh vực biện hộ, do đó bị phán khi quân tội tử hình. Để tránh tử tội, Tư Mã Thiên đành chịu nhận cung hình (bị thiến). Sau đó được tiếp tục làm sử, gánh trên vai áp lực tinh thần cực lớn mà viết sử không ngừng, cuối cùng đã hoàn thành “Sử thư” vào năm Chinh Hòa thứ hai (năm 91 TCN).

“Sử ký” ghi chép khoảng 3 nghìn năm lịch sử từ thời kỳ Hoàng Đế đến thời Tây Hán, đầu tiên khai sáng phương pháp biên niên sử, xác lập 5 thể sử: bản kỷ, thư, biểu, thế gia, liệt truyện, thể thức hoàn thiện vượt thời gian, là bản mẫu điển hình cho chính sử sau này, do đó mà trở thành bộ sử đứng đầu trong 24 bộ sử. Tư Mã Thiên làm sử, không chỉ đơn thuần ghi chép sự kiện lịch sử, mà còn kế thừa tinh thần của “Xuân Thu”- Vi ngôn đại nghĩa (Lời ít nhưng mang ý nghĩa lớn), mang suy ngẫm của ông đối với lịch sử, nhân sinh dung nhập vào trong đó, cũng là thực hiện lý tưởng: “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn”.

Đến đây, chúng ta có thể phát hiện, văn học nghệ thuật trong thời Hán Vũ Đế, Hán đại phú có sắc thái văn phong rực rỡ, Hán nhạc phủ bao quát dân ca thiên hạ, sử truyện lại có hoàn cảnh hào tráng hùng vĩ, bất kể thể loại văn học nào, đều thể hiện ra sự hùng vĩ, sâu sắc.

Người ta nói rằng, thời thế tạo anh hùng, có lẽ một thời đại thịnh vượng trước nay chưa từng có, mới có thể ấp ủ ra những văn nhân có chí hướng xa vời, tài năng xuất chúng, mới có thể lưu lại nghệ thuật với khí thế khoáng đạt, văn từ hoàn mỹ như vậy. Từ điểm này mà nhận định, Hán Vũ Đế không chỉ có tài hoa, mà còn dẫn đạo, làm phồn vinh văn học nhà Hán, tạo cho văn nhân khi ấy một vũ đài tự do sáng tác.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Hán Vũ Đế (phần 10): Hội tụ tài tử - Kiệt tác truyền đời