Hán Vũ Đế (phần 11): Thừa Thiên mệnh - Tám lần phong thiện Thái Sơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đế vương trong các thời đại được gọi là Thiên tử, thụ nhận Thiên mệnh, họ thường thông qua phương thức tế tự bẩm báo lên Thượng Thiên, mặt khác khẩn cầu Thần linh bảo hộ, cũng để cảm tạ Thần linh đã ban mưa thuận gió hòa, dân sinh an lạc.

Xem lại: Hán Vũ Đế (phần 10): Hội tụ tài tử - Kiệt tác truyền đời

Cổ nhân có truyền thống kính Thiên tín Thần, dùng lễ nghi long trọng trang nghiêm để kính phụng Thần linh, là đại sự mà từ quân vương tới bình dân bách tính đều hết sức coi trọng.

Trong các lễ tế, phong thiện là đại lễ quan trọng nhất. “Bạch Hổ thông văn” viết: “Bậc đế vương thụ mệnh Trời phải làm lễ phong thiện. Phong, là trên cao; Thiện, là dày rộng. Trời cao tôn kính, Đất chứa đức dày. Nên lấy Thái Sơn cao vút mà báo cáo Trời cao, đứng trên núi Lương Phụ mà lễ tạ Đất dày”.

Thiên tử nhận mệnh Trời nhất định phải làm lễ phong thiện, để tế tự Trời Đất. Thiên tử của nhân gian qua tế tự ở Thái Sơn, mới được tính là chính thức thụ mệnh Trời.

Công tích Hán Vũ Đế

Trước thời Hán Vũ Đế, những quân chủ hiền minh trong lịch sử, như Phục Hy, Viêm Đế, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Thành Vương, đều từng đến núi Thái Sơn cử hành điển lễ long trọng. Tần Thủy Hoàng là Hoàng đế đầu tiên phong thiện ở Trung Quốc, chiếu cáo thiên hạ công tích lập được, đồng thời lập bia kỷ niệm. Sau đó, thời Hán Sơ cần khôi phục kinh tế, Hoàng đế chủ trương vô vi trị pháp, nên hoạt động phong thiện bị gián đoạn một thời gian.

明 仇英《清明上河图》描绘的当铺等店家。(公有领域)
Một phần bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” vẽ cảnh quán hàng, tranh của Cừu Anh đời Minh.(Miền công cộng)

Sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi không lâu, có người chủ trương phong thiện, để an định thiên hạ, cũng thông qua phong thiện để tu chính chế độ quốc gia. Nhưng Hán Vũ Đế chủ trương dùng tư tưởng Nho gia trị quốc, phát sinh xung đột với Đậu Thái hậu, người chủ trương dùng học thuyết Hoàng Lão. Cho nên Hán Vũ Đế tạm thời buông xuôi lý niệm trị chính của mình, việc phong thiện cũng tạm gác lại.

Năm đầu Nguyên Thú (năm 122 TCN), Tề Bắc Vương dâng thư Hán Vũ Đế, chủ động hiến Thái Sơn và khu vực xung quanh. Hán Vũ Đế tiếp nhận xong, lại phong thêm đất chỗ khác cho Tề Bắc Vương để bồi thường. Nhưng mãi đến năm thứ nhất Nguyên Phong (năm 110 TCN), cũng là năm thứ 30 Hán Vũ Đế tại vị, lần đầu tiên cho cử hành đại lễ phong thiện.

Trong 30 năm sau đó, Hán Vũ Đế thực thi “Độc tôn Nho thuật”, đồng thời dùng hình thức chế độ chính trị, xã hội xác lập Nho học làm tư tưởng thống trị chính thống của vương triều Trung Hoa. Mặt khác, Hán Vũ Đế cũng không bài xích triệt để các học thuyết khác, mà còn cho phép hoạt động, thậm chí còn trọng dụng những người có tài. Đồng thời, Hán Vũ Đế vì cơ đồ nhất thống thiên hạ, đã chọn dùng những chỗ đắc dụng của các học thuyết.

Hán Vũ Đế còn kiến lập niên hiệu, ban bố Thái Sơ lịch, xây dựng Thái học, tuyển bạt nhân tài không cứng nhắc, đặt cơ sở vững chắc cho đại nghiệp thống nhất thiên hạ.

Đồng thời, Hán Vũ Đế biến cổ sáng chế, bớt quyền tướng, đặt giám sát, tước vương hầu, cải binh chế, đặt Thứ sử, thống nhất tiền tệ, chuyên quản muối, sắt, thực hiện sáng chế cải cách trọng đại như “Bình chuẩn” (bình ổn giá), “Quân thâu” (Cơ cấu chuyên trách thu mua vận chuyển), kiến lập hệ thống hoàn chỉnh chế độ chính trị. Hình thành lên khuôn mẫu cơ bản cho chế độ đế quốc Trung Hoa hai nghìn năm về sau.

Ngoài ra, Hán Vũ Đế hùng tài đại lược, Đông đánh Triều Tiên, Tây chinh Đại Uyên, Bắc phạt Hung Nô, Nam diệt Bách Việt, dẹp Di mở đất, làm cương vực Tây Hán sau thời Hán Vũ Đế trở thành cực rộng. Tại thời điểm đó, cương vực Tây Hán phía tây bắc bao gồm địa khu Tân Cương và Cam Túc ngày nay, bản đồ hướng đông bắc mở rộng tận bán đảo Triều Tiên và Đại Hải, phía tây nam kéo dài suốt dải Vân Nam Cao Lê Cống sơn, Ai Lao sơn ngày nay, phía nam tới Phúc Kiến, Hải Nam đảo. Cương vực thời Hán Vũ Đế, trở thành bản đồ cơ sở cho đế quốc Trung Hoa sau này.

Trong 30 năm ấy, Hán Vũ Đế đã khai mở con đường tơ lụa trứ danh trong lịch sử, tăng cường giao thương giữa đế quốc Hán với Tây Vực, Trung Á, Tây Á, cho đến Châu Âu, văn hóa ngoại lai cũng từ đó mà vào.

Công tích của Hán Vũ Đế xác thực là vượt qua mấy thời đế vương khi trước, việc phong thiện Thái Sơn thật danh chính ngôn thuận. Cho nên, vào năm đầu Nguyên Phong, Hán Vũ Đế đã đạt được thành tựu huy hoàng về võ công văn trị, bắt đầu hành trình phong thiện. Đầu tiên, ông đề rõ ra rằng, phong thiện Thái Sơn phải có đủ ba điều kiện: Thứ nhất, phải dẹp yên quốc nội, thống nhất thiên hạ; thứ hai, thiên hạ phải thái bình, trị an bền vững; thứ ba, phải liên tục có thiên tượng cát tường xuất hiện. Hai mục đầu dễ thấy, còn từ năm đầu Nguyên Thú trở đi, Hán triều liên tục xuất hiện điềm lành, kỳ lân trắng, bảo đỉnh. Quốc gia giàu có cùng thiên tượng báo điềm lành, đều biểu thị rằng việc cử hành đại lễ phong thiện của Hoàng đế tất diễn ra.

Đêm trước phong thiện

Đối với lần phong thiện đầu tiên từ khi Hán triều lập quốc, Hán Vũ Đế cùng quần thần hết sức coi trọng, nhưng khi thương thảo cụ thể về nghi thức tế tự, thì có chỗ khó. Bởi vì từ sau khi Tần Thủy Hoàng phong thiện, tế tự điển lễ đã gián đoạn mấy chục năm, các công khanh, Nho thần chỉ có thể tra cứu cổ lễ trong cổ văn như “Thượng thư”, “Chu quan”, “Vương chế”, nhưng không thống nhất được. Hán Vũ Đế còn cho mang dụng cụ tế tự thời trước ra cho quần thần xem, có người nói nó không giống với thời cổ đại. Khi ấy đại văn hào Tư Mã Tương Như đã khuất thế, có để lại một phong thư, tán tụng công đức Hán Vũ Đế, mong muốn Hán Vũ Đế nhanh chóng phong thiện. Hán Vũ Đế mang di thư đi hỏi danh Nho Nhi Khoan.


Tự cổ Thái Sơn là nơi các bậc đế vương tuần hành, phong thiện. Thắng cảnh Thái Sơn có cổ tùng nổi tiếng, bức tranh Thái sơn lấy rừng tùng làm chủ đề. Tranh “Đối tùng sơn đồ” của Lý Thế Trác đời Thanh.(Miền công cộng)

Nhi Khoan kiến nghị: “Phong Thái Sơn, thiện Lương Phụ, là đại điển lễ của Hoàng đế. Nghi thức cụ thể chỉ có Thiên tử thánh minh mới có thể chế định, không phải điều quần thần quyết định, bách quan thảo luận không tới kết quả gì.

Hán Vũ Đế đồng ý với ông, tự thân phác thảo nghi lễ phong thiện. Hán Vũ Đế dựa vào cổ chế “Trước tiên chấn chỉnh quân binh, sau đó phong thiện”, đầu tiên hướng tới thần dân bốn phương thể hiện lực lượng quân sự hùng mạnh, triển khai hoạt động tuần hành thanh thế ngút trời. Từ đầu năm, Hán Vũ Đế đặt 12 bộ tướng quân, tự thân thống lĩnh 18 vạn, cờ phướn liên miên hàng nghìn dặm, xuất phát từ Trường Thành, bắc tuần biên thùy tới Sóc Phương, tận đến Bắc Hà.

Hán Vũ Đế phái sứ giả khuyên bảo Hung Nô Thiền Vu: “Đầu Nam Việt Vương đã treo trên thành Trường An rồi đó, nếu Thiền Vu muốn đánh, Hán Thiên Tử sẽ xuất binh nghênh chiến; nếu không muốn chiến, mau đến thần phục.

Kết quả là Thiền Vu sợ quân uy của Hán Vũ Đế không dám ra mặt. Trên đường về triều, Hán Vũ Đế còn qua tế bái lăng Hoàng đế ở Kiều Sơn, rồi về Trường An.

Mùa Xuân năm đó, Hán Vũ Đế lại dẫn quân tới Trung Nhạc, Tung Sơn, tùy tùng bắt được một con tuấn mã và một con hươu thần kỳ, còn nghe thấy thanh âm “Vạn tuế” vang vọng trên núi. Hán Vũ Đế cho đây là điềm lành, hạ lệnh tăng cấp quan coi đền lên Thái thất, cấm chặt cây trên núi, đồng thời lấy 300 hộ dân dưới chân núi Tung Sơn làm phụng ấp.

Nhận được điềm lành, Hán Vũ Đế vui mừng tiếp tục thẳng đến Thái Sơn. Khi tới Thái Sơn, cỏ cây chưa đâm chồi nảy lộc, Hán Vũ Đế cho đặt một phiến đá trên đỉnh Ngọc Hoàng, còn ông đi tuần hành Đông Hải. Hán Vũ Đế có huệ căn thiên sinh, đặc biệt mến mộ chuyện Thần Tiên tu Đạo, thường đến danh sơn đại xuyên và năm ngọn núi lớn (ngũ nhạc) cầu đảo, cho nên, chuyến đi Thái Sơn, Đông Hải cũng hàm chứa ý tìm kiếm Thần Tiên của ông.

Sau khi Hán Vũ Đế đến Đông Hải, hành lễ tế tự 8 Thần. Người Tề lũ lượt dâng thư, đàm luận phương thuật kỳ dị, Thần quái. Thế là Hán Vũ Đế phái nhiều thuyền, cho mấy nghìn người đi tìm Thần nhân ở núi Bồng Lai.

Thiên tử xuất hành, thường thường có các phương sĩ, công tôn khanh mang phù tiết đi trước, đến danh sơn thắng cảnh đợi nghênh xa giá. Lần này khi công tôn khanh tới nơi, nói rằng trong đêm thấy một người cao lớn dị thường, thân cao mấy trượng, đến gần thì không thấy nữa, chỉ lưu lại một dấu chân rất lớn, trông như dấu chân cầm thú. Có đại thần nói nhìn thấy một lão nhân dắt theo chó, nói: “Ta muốn gặp các vị.” nói xong bỗng nhiên biến mất.

Hán Vũ Đế xem dấu chân lớn vẫn chưa tin, tới khi đại thần kể chuyện gặp lão nhân mới thật tin đó là Tiên nhân. Cho nên cố ý ở thuyền trên biển đợi Tiên nhân, lại còn cho phương sĩ ngồi chờ trên xe để đi lại báo tin.

Nhưng chờ mấy ngày, Hán Vũ Đế cũng không thấy Thần Tiên, lúc này cây cỏ Thái Sơn đã bắt đầu sinh trưởng, thế là Hán Vũ Đế quyết định đến Thái Sơn phong thiện.

Tế tự đại điển

“Sử ký. Hiếu Vũ bản kỷ” đã thất truyền, hiện nay chúng ta thấy đó là “Phong thiện thư”, cho nên chúng ta xem trong đó, Hán Vũ Đế phong thiện Thái Sơn lần thứ nhất như thế nào.

Tháng 4 năm ấy, Hán Vũ Đế trước tiên đến núi Lương Phụ, làm lễ tế Thần Đất. Ông lệnh cho Thị trung, Nho gia mặc lễ phục long trọng, đầu đội mũ da dê, mặc quan phục tay cầm hốt, tự thân cử hành lễ xạ ngưu. Sau đó, Hán Vũ Đế cho đặt đàn tế Thiên ở chân núi Thái Sơn phía đông. Đàn tế rộng một trượng hai xích, cao 9 xích, dưới đàn chôn ngọc điệp thư. Là tín thư Hán Vũ Đế viết cho Thiên Đế, nội dung thư bí mật không ai biết. Sau lễ tế, Hán Vũ Đế một mình dắt theo con trai của tướng quân Hoắc Khứ Bệnh, Thị trung phụng xa Hoắc Tử Hầu lên núi Thái Sơn, trên đỉnh núi cử hành nghi lễ tế Thiên bí mật. Ngày thứ hai, Hán Vũ Đế xuống núi từ mặt bắc Thái Sơn, ở phía đông bắc chân núi Thái Sơn, Túc Nhiên Sơn tế bái Thần Đất, giống như nghi thức cúng tế trước đây.


Địa điểm cử hành phong thiện: Thái sơn (Wikimedia/ CC BY SA 2.0)

Toàn bộ quá trình phong tế, thiện tế, Hán Vũ Đế đều đích thân lễ bái, mặc lễ phục màu vàng, bên cạnh có lễ nhạc theo cùng cử tấu. Hán Vũ Đế còn mang các động vật do phương xa tiến cống như kỳ thú, phi cầm, trĩ trắng thả vào rừng. Khi cử hành điển lễ, trong đêm còn phảng phất ánh quang, ban ngày có mây trắng từ đàn tế bay lên. Đó là do Thần linh hiển hiện, toàn bộ quá trình điển lễ thể hiện ra không khí thần bí cùng khí phách hồng đại. Kết thúc phong thiện, Hán Vũ Đế nhận cung chúc của quần thần trong minh đường dưới chân núi Thái Sơn, đồng thời do lần đầu phong thiện mà đổi niên hiệu từ Nguyên Đỉnh thành Nguyên Phong, chữ “Phong” này là chỉ “Phong Thiện”.

Hán Vũ Đế sau khi phong thiện Thái sơn, Hán Vũ Đế lại du hành Đông Hải, bắc tới Mã Thạch, qua Liêu Tây, Cửu Nguyên, tháng 5 thì về tới Cam Tuyền. Vũ Đế phong thiện, hành trình một vạn tám nghìn dặm, khí thế hùng tráng. Sau nghi thức phong thiện kết thúc, Hán Vũ Đế còn ban bố văn cáo, mở đầu lời lẽ khiêm hạ thành kính, kể ra quá trình phong thiện: “Trẫm lấy thân phận thấp mà kế thừa ngôi Đế chí cao, trong lòng lo không kham nổi việc, đức hạnh mỏng không hiểu chế độ lễ nhạc. Tế tự Thái Sơn liên tục thấy ánh sáng lành, nên mới lên núi tế tự Thiên Thần, lại tới Túc Nhiên sơn tế tự Địa Thần.”

Sau đó Hán Vũ Đế biểu thị muốn tu dưỡng đạo đức, cùng quần thần với tâm nguyện đổi mới. Đồng thời hạ lệnh đại xá thiên hạ, ban phát bò, dê, rượu, vải, miễn trừ tô thuế cho vùng Phụng Cao, Lịch Thành xung quanh Thái Sơn; miễn trừ lao dịch cho tất cả các vùng mà xa giá của Thiên tử đi qua.

Năm thứ 3 Nguyên Phong (năm 109 TCN), cách lần thứ nhất phong thiện chỉ một năm, Hán Vũ Đế lại đến Thái Sơn. Lần này phát sinh một sự kiện hết sức trọng đại, đó là cho tu sửa, kiến trúc Minh Đường, thực hiện nguyện vọng tu sửa Minh Đường của Hán Vũ Đế sau khi lên ngôi một năm. Tương truyền, Minh Đường là cung thất để cử hành điển lễ trọng đại được truyền từ thời Hạ, Thương, Chu, thời nhà Hạ gọi là Thế thất, nhà Thương gọi Trọng ốc, nhà Chu gọi Minh Đường. Khi Chu công phò tá Thành Vương, từng đại hội chư hầu ở Minh Đường, định lễ nhạc, định trên dưới, hiển dương thiên hạ thái bình, vạn quốc lai triều. Đến thời Hán, Hán Vũ Đế thấy địa thế Minh Đường hiểm yếu lại không đủ rộng, nên lệnh cho xây dựng lại.

Nhưng khi ấy không ai biết nên thiết kế Minh Đường như thế nào. Lúc này, có người Tễ Nam là Công Ngọc đã dâng lên Hoàng Đế sơ đồ thiết kế Minh Đường. Sơ đồ này, chính giữa là đại điện, bốn bên không vây tường, lấy cỏ tranh lợp mái. Trên điện có lầu gác, đặt phúc đạo (đường lớn hai chiều), người có thể từ phúc đạo hướng tây nam tiến nhập đại điện, gọi là “Côn Luân đạo”. Thiên tử từ đây nhập điện là có thể lễ bái Thiên Đế. Ngoài đại điện có nước bao quanh.

Hán Vũ Đế hạ chiếu, tại ấp Phụng Cao bên sông Mân, chiểu theo bản vẽ Minh Đường thời Hoàng Đế này mà kiến tạo Minh Đường. Năm thứ 5 Nguyên Phong (năm 106TCN), Vũ Đế lại đến Thái Sơn, tại tầng trên Minh Đường tế tự Thiên Đế và Ngũ Đế, ở tầng dưới Minh đường tế tự Thần Đất.

Sau lần phong thiện ở Thái Sơn đầu tiên, năm thứ 3 Nguyên Phong (năm 109 TCN), năm Nguyên Phong thứ 5 (năm 106 TCN), năm đầu Thái Sơ (năm 104 TCN), năm thứ 3 Thái Sơ (năm 102 TCN), năm thứ 3 Thiên Hán (năm 98 TCN), năm thứ 4 Thái Thủy (năm 93 TCN) và năm thứ 4 Chinh Hòa (năm 89 TCN), Hán Vũ Đế liên tiếp 7 lần đến Thái Sơn phong thiện. Trong vòng 21 năm, ông đã đến Thái Sơn phong thiện 8 lần, bình quân gần 3 năm một lần.

Hán Vũ Đế phong thiện Thái sơn là một sự kiện trọng đại thời Tây Hán thịnh thế. Thời Tam quốc, Tào Thực viết trong “Hán Vũ Đế tán” rằng: “Phong thiên thiện thổ, công việt bách vương” (Lễ tế Trời, Đất, công lao vượt trên trăm vương), ca tụng sự nghiệp công tích Hán Vũ Đế. Sử gia Tây Hán Tư Mã Thiên trong “Kim thượng bản kỷ” có bàn: “Hán hưng ngũ thế, long tại kiến nguyên, ngoại nhương di địch, nội tu pháp độ, phong thiện, cải chính sóc, dị phục sắc.” (5 đời nhà Hán hưng thịnh, trội nhất là ở năm Kiến Nguyên, bên ngoài đuổi Di, Địch, bên trong tu sửa pháp độ, phong thiện, cải chính phương bắc, dễ cai trị). Đây là sự khẳng định của ông đối với sự thịnh thế thời Hán Vũ Đế, cũng là lời bình xác thực đối với việc phong thiện, cải đức cải chế.

Thành tâm gặp Tiên

Tuy Hán Vũ Đế lựa chọn “Độc tôn Nho thuật” cho việc trị lý quốc gia, nhưng do ảnh hưởng sùng bái Hoàng Lão từ tiền bối, phụ mẫu, nên ông cũng rất hâm mộ Đạo Thần Tiên. Thậm chí Hán Vũ Đế còn hy vọng được như Hoàng Đế ngày xưa mà đắc đạo viên mãn phi thăng. Có lẽ Thượng Thiên cảm ứng thành ý của Hán Vũ Đế, khi phong thiện Thái Sơn hay khi du lãm danh sơn đại xuyên, Hán Vũ Đế nhiều lần gặp Thần Tiên hạ phàm hiển linh, đồng thời được chân truyền Đạo Pháp, điều đó được ghi chép nhiều trong các tiểu thuyết Diễn Nghĩa, Chí Quái.


Tranh “Dao trì hiến thọ đồ” của Lưu Tùng Niên đời Tống. Theo “Hán Vũ Đế nội truyện” ghi, Tây Vương Mẫu từng gặp Hán Vũ Đế, tặng 4 quả đào tiên. Bức tranh mô tả Tây Vương Mẫu và Hán Vũ Đế đối diện giao đàm, nhiều Tiên nữ dâng đào, ngụ ý tốt lành phúc thọ. Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Miền công cộng)

“Hán Vũ nội truyện” và “Bác vật chí” đời Tấn có ghi, ngày 1 tháng 1 năm Nguyên Phong thứ nhất, Hán Vũ Đế lên Tung Sơn, cho đặt đài tầm Đạo, trai giới thanh tịnh, hy vọng được Thần Tiên để mắt. Vào một ngày tháng 4, vào lúc Hán Vũ Đế cùng đại thần nhàn đàm trong điện Thừa Hoa, hốt nhiên trong điện xuất hiện một vị nữ nhân áo xanh mỹ lệ, tự xưng là Ngọc Nữ trên Trời xuống. Nói với Hán Vũ Đế rằng, Tây Vương Mẫu thấy tâm cầu đạo của ông, nên chuẩn bị giáng lâm gặp ông vào ngày 7 tháng 7, trước lúc đó cần tịnh tâm trai giới.

Đến đêm mùng 7, cung đình nội ngoại quét dọn sạch sẽ, Hán Vũ Đế cung kính chờ Tây Vương Mẫu giáng lâm. Vào khoảng 10 giờ tối, Tây Vương Mây suất lĩnh mấy vạn Tiên nhân giáng lâm, toàn cung đình bao phủ bởi ánh quanh lấp lánh. Tây Vương Mẫu ngồi trên bảo tọa, đợi Hán Vũ Đế quỳ bái hỏi thăm xong, bảo ông cùng ngồi xuống, thưởng thức tiên quả, tiên tửu đặc chế của Thần Tiên, các Tiên nhân còn diễn tấu nhạc Tiên nhẹ nhàng vi diệu.

Sau đó, Tây Vương Mẫu truyền cho Hán Vũ Đế: Tu luyện Đạo thuật, cần di dưỡng tinh thần, cải biến hình thể. Tu luyện tới mức cao tinh thần, thân thể cải biến thì sẽ thành Tiên. Tây Vương Mẫu còn truyền thụ cả bí kíp tu Đạo cho Hán Vũ Đế.

Hán Vũ Đế khẩn cầu lần thứ ba, Tây Vương Mẫu cho mời Chân Nguyên Chi Mẫu -Thượng Nguyên Phu Nhân. Thượng Nguyên Phu Nhân nói với Hán Vũ Đế, tu Đạo nhất định phải tu bỏ 5 căn tính xấu, phải đãi nhân thiện lương, biết rõ việc nhỏ, phục hồi oan khuất, ân huệ cho dân, thương xót cô quả, quan tâm đến khổ đau của bách tính, tuyệt đoạn dâm loạn, vứt bỏ xa hoa, thường hướng Thiên cung khấu bái. Như vậy một trăm năm, có thể đắc Chân Đạo, tiến nhập Thiên giới.

Do Hán Vũ Đế thành tâm hướng đạo, Tây Vương Mẫu còn ban cho ông “Ngũ Nhạc chân hình đồ”, hy vọng Hán Vũ Đế vứt bỏ hết nghi tâm cùng tạp niệm, chuyên tâm tu hành, thông qua sự tu hành của Hán Vũ Đế mà khai mở cho nhân gian học theo, làm cho phàm nhân biết được xác thực là có Thần Tiên Đạo thuật tồn tại, cũng nhờ đó làm những người không tín Thần vứt bỏ được những quan niệm ngu xuẩn cuồng vọng. Thượng Nguyên Phu Nhân còn để lại cho Hán Vũ Đế 12 cuốn Chân kinh. Sau đó, Tây Vương Mẫu cùng Thượng Nguyên Phu Nhân lên xe về Trời.

Sau cuộc gặp này, Hán Vũ Đế lại càng thêm tín tâm vào sự tồn tại của Thần tiên, ông đem Chân kinh của hai vị Tiên nhân để vào rương vàng, đặt trên Bá Lương đài, hàng ngày tự tịnh thân trai giới, dâng hương, quét dọn, sau đó chiểu theo yêu cầu của Chân kinh mà tu luyện.

Trong “Thần tiên truyện” của Cát Hồng đời nhà Tấn cũng có ghi chép câu chuyện “Thái sơn lão phụ”, kể về Hán Vũ Đế và Thần Tiên. Khi Hán Vũ Đế tuần thú phía đông, thấy một ông lão đang làm đất ven đường, bạch quang trên đầu cao vài xích. Trông lão nhân khoảng ngoài 50 tuổi, nhưng sắc diện hồng nhuận như trẻ con, da dẻ sáng mịn, vừa nhìn biết đây không phải người phàm.

Hán Vũ Đế đến bên hỏi về Đạo thuật. Lão nhân nói đã từng gặp một người đắc Đạo, người đó dạy ông pháp tu luyện. Theo đó mà tu, thân thể chuyển biến trở lên trẻ trung, tóc cũng từ trắng dần sang đen lại, răng rụng cũng mọc lại, thân nhẹ như chim yến, mỗi ngày có thể đi 300 dặm. Hiện tại ông đã 180 tuổi rồi. Trong sử thư gọi vị lão nhân này là “Thái sơn lão phụ”. Hán Vũ Đế nhận thuốc do ông lão tặng, và ban tặng ông lão ngọc và lụa trắng.

Sau này lão nhân đi đến Thái Sơn, cứ cách 10 năm, 5 năm lại về quê một lần. Tới khi ông 300 tuổi, thì không còn ai trông thấy ông nữa.

Thần tích Hán Vũ Đế gặp Tiên còn rất nhiều, ví dụ như gặp Cửu Điên Sơn Thần (Thần của chín đỉnh núi), rồi Vệ Thúc Khanh cưỡi xe mây do hươu trắng kéo, ngay danh thần Đông Phương Sóc cũng là Thần Tiên Mộc Tinh hạ phàm. Hán Vũ Đế có duyên Tiên thâm hậu, sau khi ông băng hà có xuất hiện cảnh tượng cát tường. “Hán Vũ nội truyện” có ghi, vào một đêm, quan tài Hán Vũ Đế tự chuyển động, ngay ngoài cung cũng nghe thấy vài lần, đồng thời tỏa hương thơm. Sau khi đưa vào lăng, xung quanh lăng mộ mây mù bao phủ, trụ cửa đột nhiên vỡ nứt, mây mù bao bọc một tháng. Có lẽ Hán Vũ Đế đã tuân chiếu Đạo thuật của Thần Tiên trao cho mà tiềm tâm tu hành, đã trở thành Thần Tiên, khi ông hoàn thành sứ mệnh nhân gian, thì về già rồi đi, lại quay về Thiên giới.

(Còn nữa)

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Hán Vũ Đế (phần 11): Thừa Thiên mệnh - Tám lần phong thiện Thái Sơn