Hán Vũ Đế (Phần 2): Tuổi trẻ của Hán Vũ Đế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử Trung Quốc, Kiến Nguyên (năm 140-135 trước Công nguyên) là niên hiệu đầu tiên xuất hiện vào thời Tây Hán, dưới sự trị vì của Hán Vũ Đế. Trước đó, các đế vương chỉ dùng số năm, không có niên hiệu.

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2)

Hán Vũ Đế Lưu Triệt, bốn tuổi được phong vương, bảy tuổi được phong làm Thái tử, mười bảy tuổi lên ngôi báu, trở thành vị Hoàng đế thứ bảy của Tây Hán. Trải qua hơn 16 năm phục hồi, quốc gia mà Hán Vũ Đế tiếp quản là một quốc gia trẻ không ngừng phát triển, có nền kinh tế thịnh vượng, có thực lực. Hán Vũ Đế là người tuổi trẻ tài cao, tất nhiên sẽ không muốn làm một vị hoàng đế cả đời yên phận, thanh nhàn.

Hán Vũ Đế đăng cơ vào năm 140 trước Công nguyên, sau đó năm này được quân thần Vũ Đế đặt là “Kiến Nguyên nguyên niên” (năm Kiến Nguyên đầu tiên của triều đại Hán Vũ Đế). Hán Vũ Đế là người đầu tiên lập ra niên hiệu trong lịch sử Trung Quốc, đặt tiền lệ cho việc Hoàng đế đặt niên hiệu. Kiến Nguyên tức là kiến lập kỷ nguyên mới, thông báo cho sự mở đầu của một sự nghiệp vô cùng lớn. Hán Vũ Đế đã làm một việc mà xưa nay chưa ai từng làm, phải chăng điều này biểu thị rằng Hán Vũ Đế tại thời điểm đó, đã đang phác họa ra một bản kế hoạch vĩ đại, đặt nền móng cho một kỷ nguyên vĩ đại của đế quốc đại Hán?

Hán Vũ Đế biết rằng muốn biến sự tài trí mưu lược của mình thành hiện thực, thì yếu tố then chốt không thể thiếu là phải có nhân tài, cần chiêu mộ nhiều người tài năng giúp thúc đẩy chính sách mới của bản thân. Bởi vậy sau khi lên ngôi, ông lập tức hạ chiếu chỉ yêu cầu các quan lại trên khắp đất nước tiến cử cho triều đình trung ương những người tài đức, ngay chính, dám nghĩ dám đệ trình ý kiến. Lần tuyển chọn nhân tài này không giới hạn, chỉ cần là người thực học thực tài, mà lần áp dụng chế độ tuyển quan lần này chính là tiền thân của “Sát cử chế” (tức là thông qua quá trình khảo sát và đề cử quan lại), kéo dài từ thời sơ Hán đế nhà Tùy.

Sau khi Hán Vũ Đế ban chiếu lệnh, hiền sĩ bốn phương tấp nập tự tiến cử. Sau chín tháng lên ngôi, Hán Vũ Đế đã triệu tập hơn trăm người đã qua xét tuyển và mở hội nghị đối sách nổi danh. Trong hội nghị, Hoàng đế đưa ra những câu hỏi có liên quan đến trị quốc, những người được triệu tập sẽ phải trả lời bằng văn chương. Hán Vũ Đế liên tiếp ra ba bức chế thư. Chế thư thứ nhất, Hoàng đế vạch rõ tôn chỉ: “Trẫm kế thừa địa vị cao quý nhất, đức hạnh tốt đẹp nhất của Tiên đế, nay muốn đem tất cả những điều này truyền đến vô tận. Đây là nhiệm vụ vô cùng to lớn, trách nhiệm trọng đại. Bởi vậy ta rộng mời các nhân tài hiền lương, đức cao học rộng đến từ khắp mọi nơi, hy vọng có thể được nghe những đạo lý trị quốc an dân to lớn của mọi người.”

Tiếp đó, Hán Vũ Đế đưa ra hàng loạt câu hỏi, trong đó gửi gắm mục tiêu và lý tưởng của ông đối với quốc gia này. Lúc này, một nho sinh tên gọi Đổng Trọng Thư đã bộc lộ tài năng nổi bật, làm ra “Thiên Nhân Tam Sách” (Ba cách để thiên-nhân hài hòa), hối thúc Hán Vũ Đế cử hành một việc to lớn nhất kể từ khi đăng cơ, đó là tôn sùng Nho Thuật (học thuật Nho gia), đặt định vị trí chủ lưu của văn hóa Nho gia trong nền văn minh Trung Hoa.

Hán Vũ Đế
Tượng Đổng Trọng Thư. (Ảnh phạm vi công cộng)

Thiên Nhân Tam Sách

Đổng Trọng Thư tài hoa xuất chúng, ông chính là đại sư của “Xuân Thu”, phái Công Dương. Năm 30 tuổi ông đi khắp nơi dạy học, danh tiếng vang vọng bốn phương. Trong lần tiến cử này, ông cũng là người đứng ở vị trí cao nhất trong cuộc thi. Bởi vậy được lọt vào “Phần thi Hoàng Đế vấn-đáp”, hay phần thi “đối sách”. Hán Vũ Đế tiến hành ba lượt vấn đáp với Đổng Trọng Thư, Đổng Trọng Thư cũng ứng đáp bằng ba đối sách. Bởi ba đề thi mà Hán Vũ Đế đưa ra đều liên quan đến Thiên đạo, Nhân luân, bởi vậy ba bài sách văn của Đổng Trọng Thư được gọi là “Thiên Nhân tam sách”.

Nội dung ba lần vấn đáp giữa Hán Vũ Đế và Đổng Trọng Thư được ghi chép tỉ mỉ trong “Hán Thư”, nội dung rất dày. Nói một cách khái quát, Hán Vũ Đế lần lượt đưa ra các câu hỏi: Thứ nhất, làm thế nào để khôi phục được thuật cai trị (vương đạo) của thời xưa, cũng chính là đạo lý căn bản của việc củng cố chính trị; thứ hai, có hay không một quy tắc nhất quán trong việc quản lý quốc gia, đây cũng chính là thuật quốc chính (sách lược về chính sự quốc gia); thứ ba, là cái được và cái mất trong việc chiểu theo ‘Thiên-nhân cảm ứng’ (con người cùng tự nhiên vạn vật đồng loại tương thông, cảm ứng lẫn nhau) trong quản lý triều chính hiện nay.

Đây là ba câu hỏi hóc búa về những vấn đề trọng đại, không thể chỉ với dăm ba câu mà có thể nói được thấu đáo, ấy vậy mà Đổng Trọng Thư lại nói có lý lẽ, có hệ thống một cách vô cùng rõ ràng, đưa ra giải đáp rành mạch cho từng vấn đề. Đọc xong bài viết thứ nhất, Hán Vũ Đế lập tức nhận thấy Đổng Trọng Thư không phải người bình thường. Đến khi kết thúc phần thi vấn đáp về chính sách, ông càng khẳng định chắc chắn tài năng của Đổng Trọng Thư, và phong Đổng Trọng Thư làm Tướng quốc của Dịch Vương Lưu Phi. Dưới đây là sơ lược về phần thi vấn đáp của Đổng Trọng Thư.

Trong tam thiên sách luận, Đổng Trọng Thư chủ yếu đưa ra ba mối quan hệ lớn:

Một là, quan hệ Thiên-Nhân. Con người vâng theo mệnh Trời, quyền của Vua do Thần ban; Thiên tử trị quốc có Đạo, Trời ắt ban cát tường; Trị quốc mà vô Đạo, Trời sẽ giáng tai họa. Do đó, Trời trên có lòng nhân từ, Thiên tử cũng nên thuận theo Thiên ý, thi hành rộng rãi nhân đức.

Hai là, quan hệ giữa Mệnh, Tính, Tình với vấn đề giáo hóa (giáo dục và cảm hóa). Mệnh, là đến từ Thiên thượng; Tính, là tư chất của con người; Tình, là dục vọng của con người. Con người thọ mệnh ngắn hay dài, phẩm đức cao hay thấp, có thể được hun đúc thông qua giáo dục và cảm hóa.

Ba là, quan hệ giữa Đức và Hình (hình ở đây là hình phạt). Đức có tính dương, chủ thăng; Hình có tính âm, chủ sát. Thiên tử nên dùng Đức không nên dùng hình.

Bởi vậy, Đổng Trọng Thư đề xuất năm điểm chủ yếu, dùng làm đạo trị quốc:

Một là, tân Vương cải chế (thay đổi chế độ xã hội, kinh tế, chính trị…). Đổng Trọng Thư nhận thấy, mỗi một vương triều mới lên, Hoàng đế mới chính là “tân Vương”, nên cần phải thay đổi chế độ và nghi thức của vương triều. Đầu tiên, cần bắt đầu thay đổi lịch pháp (cách làm lịch), và màu sắc tôn sùng. Bởi “Quân quyền thần thụ” (quyền của Vua do Thần ban), vương triều mới lên thay chính là Thiên ý, không ai có thể thay đổi. Quyền lực của hoàng đế cũng là đến từ thượng Thiên, có sứ mệnh đến để cứu vớt chúng sinh. Do đó, việc vương triều mới thay đổi chế độ, nghi thức, là thuận theo Thiên ý, mở ra đặc trưng và biểu tượng của một thời đại mới.

Hai là “đại nhất thống”, tức là thống nhất thiên hạ. Điều này lại vô cùng phù hợp với lý tưởng bình định Hung Nô của Hán Vũ Đế, thực hiện lý tưởng “đại nhất thống” thiên hạ, đúng là không mưu mà hợp.

Ba là “Hưng thái học, cử hiền lương”. Thái học là học phủ cao nhất của quốc gia, “Hưng thái học” chính là bồi dưỡng nhân tài cho xã tắc. “Cử hiền lương” là thu nạp rộng rãi hiền tài trên khắp thiên hạ. Đổng Trọng Thư kiến nghị Hán Vũ Đế cứ hai năm nên tiến hành một lần chiêu mộ nhân tài trong thiên hạ, nên quy phạm hóa và chế độ hóa việc này. Đối với một người đang khát hiền tài như Hán Vũ Đế, thì kiến nghị này đúng là gõ chung nhịp phách.

Bốn là “tôn Nho”, tức “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”. Đổng Trọng Thư cho rằng trong thiên hạ, vô luận là quan viên hay lê dân trăm họ, chỉ cần đọc “Lục Kinh” là được rồi, không nhất định phải đọc các sách khác. Nhưng vì tư tưởng là điều rất khó thống nhất, bách gia chư tử đều có tư tưởng của mình, rất khó để có tiếng nói chung. Một khi không thống nhất được tư tưởng, thì các chế độ pháp luật kỷ cương sẽ không thể thống nhất, người trong thiên hạ cũng không biết nên tuân theo cái nào. Do đó, nếu quốc gia chọn Nho học làm dòng chính để giáo dục bách tính, cấm tuyệt đối các tư tưởng khác, có thể sẽ thống nhất được tư tưởng của người trong thiên hạ, chế độ pháp luật kỷ cương cũng sẽ thống nhất, nhân dân cũng sẽ biết nên tuân theo cái gì.

Năm là “Canh hóa”, tức là cải cách. Đổng Trọng Thư cho rằng việc cải cách đối với một vương triều là vô cùng trọng yếu. Hán triều từ khi thành lập đến nay, mặc dù nuôi hy vọng phát triển lớn mạnh, nhưng vẫn chưa được như ý, nguyên nhân trọng yếu nhất chính là thiếu cải cách.

chính sách mới của Hán Vũ Đế ban đầu gặp trở ngại.
Bởi sự can thiệp của Đậu Thái hậu, chính sách mới của Hán Vũ Đế ban đầu gặp trở ngại. (Ảnh: phạm vi công cộng)

Chính sách mới bị cản trở

“Thiên Nhân tam sách” của Đổng Trọng Thư với lý tưởng của Hán Vũ Đế quả là không hẹn mà gặp. Trong đó, tư tưởng “tôn Nho”, càng là điều khiến Hán Vũ Đế nóng lòng muốn đưa vào áp dụng thử nghiệm, chuẩn bị cho việc triển khai phổ biến mạnh mẽ việc tôn sùng Nho học, bảo vệ chính sách mới đầy quyền uy của Hoàng đế.

Hán Vũ Đế bắt đầu từ việc bổ nhiệm và miễn nhiệm quan lại, tái trọng dụng những quần thần phụng hành Nho học. Thời kỳ Tây Hán, thừa tướng có địa vị cao nhất trong Tam công (ba chức quan lớn nhất của triều đình), có quyền lực rất lớn, bởi vậy, việc lựa chọn thừa tướng là việc vô cùng trọng đại. Bởi vậy trước hết Hán Vũ Đế phế truất thừa tướng Vệ Oản, vốn là người có chủ trương chính trị theo tư tưởng Hoàng Lão, và cũng chính là thầy giáo của mình. Sau đó bổ nhiệm cháu trai của Đậu Thái hoàng thái hậu là Đậu Anh làm Thừa tướng, và cậu ruột của mình là Điền Phẫn làm Thái úy, nắm giữ quân quyền. Hai người này đều yêu chuộng Nho học, một mặt phù hợp với phương châm chính trị tôn sùng Nho thuật của Hán Vũ Đế, một mặt Hán Vũ Đế có thể dựa vào sự phò tá của hai người này để củng cố hoàng quyền.

Hán Vũ Đế còn cho tổ chức nghi lễ long trọng mời Thân Sinh - đại sư Nho học danh tiếng nhất thiên hạ, để trưng cầu ý kiến về đại sự của quốc gia. Vì để tránh xe bị chòng chành rung sóc, Hán Vũ Đế cho người phủ bồ thảo lên bánh xe, và đây chính là nguồn gốc của điển cố “Bồ luân an xa” (cỏ bồ thảo làm êm bánh xe) trong lịch sử. Sau khi Thân Sinh vào triều, ông đảm nhiệm vị trí cố vấn triều đình. Hai đệ tử Vương Tang, Triệu Oản của ông cũng được trọng dụng. Theo kiến nghị của những quan viên tôn sùng Nho học, Hán Vũ Đế đã thực thi hàng loạt các biện pháp đổi mới: xây dựng minh đường (nơi làm việc của vua) theo kiến trúc cổ, lấy tiêu chuẩn của Nho gia để quy định việc ma chay cưới hỏi, chế độ yết triều của chư hầu; lệnh cho các liệt hầu trở về phong địa (đất vua phân cho các thành viên hoàng thất, đại thần, chư hầu), dỡ bỏ trạm gác giữa các nước chư hầu; phát hiện và giám sát các hành vi phi pháp phía đằng ngoại họ Đậu và những người quyền quý có chức sắc; chuẩn bị phản công Hung Nô.

Lúc này, Đậu Thái hoàng Thái hậu ở trong thâm cung mới biết chuyện. Triều đình đại Hán từng lấy tư tưởng của Hoàng Lão (Lão Tử và Hiên Viên Hoàng Đế) để trị quốc, nay bỗng nhiên âm thầm thay đổi hướng đi. Hoàng tôn mà bà hết mực thương yêu, với tài năng và sự quả quyết của tuổi trẻ, lại trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ học thuyết Nho gia, muốn thay đổi truyền thống trị quốc “vô vi mà trị” của tiên đế các triều đại. Điều này khiến một người vốn tôn sùng Hoàng Lão như Đậu Thái hoàng Thái hậu vô cùng bất mãn. Không chỉ vậy, cách làm của Hán Vũ Đế còn động chạm đến lợi ích của những người quyền quý và họ ngoại của Đậu Thái hậu, nên bên tai Đậu Thái hoàng Thái hậu đầy rẫy những lời tố cáo than trách kể khổ của người nhà. Họ nói những quy định này của Hán Vũ Đế là phá hoại tổ tông, gây nhiễu loạn kỷ cương của triều đình.

Điều khiến Thái hoàng Thái hậu không thể tha thứ, chính là việc Vương Tang đề xuất Hán Vũ Đế không nên để Thái hoàng Thái hậu tiếp tục can thiệp triều chính. Vừa hay tin, Đậu Thái hoàng Thái hậu vô cùng phẫn nộ. Một mặt, bà yêu cầu Hán Vũ Đế cách chức quan của đám người Vương Tang, Triệu Oản. Mặt khác, bà yêu cầu Hán Vũ Đế xóa bỏ hàng loạt các chính sách cải cách vừa mới đưa vào thực thi, cách chức Thừa tướng Đậu Anh và Thái úy Điền Phẫn vừa mới bổ nhiệm, và đưa người mà Thái hoàng Thái hậu sủng ái và tin tưởng lên đảm nhiệm những chức vị trọng yếu này.

Hán Vũ Đế dù thân là Thiên tử cao quý, nhưng dẫu sao tuổi vẫn còn trẻ, hơn nữa Hán triều tôn sùng hiếu đạo, Hán Vũ Đế cũng không muốn làm trái ý tổ mẫu. Trong lần gặp Đậu Thái hậu trước khi bà qua đời, Hán Vũ Đế đã đồng ý với Thái hậu sẽ bãi bỏ tất cả mọi chính sách mới, việc triều chính sẽ xin ý kiến của thái hậu, cũng không trọng dụng Nho sinh. Theo đó, việc xây dựng chế độ mới của tân triều một thời cực thịnh phải tạm gác lại, chủ trương văn hóa và trị quốc theo tư tưởng Nho học cũng bị ngăn trở. Tại sao Hán Vũ Đế và Đậu Thái hoàng Thái hậu lại vì bất đồng tư tưởng nào đó mà xảy ra mâu thuẫn lớn như vậy?

Hán Vũ Đế dù thân là Thiên tử cao quý,
Hán Vũ Đế dù thân là Thiên tử cao quý, nhưng dẫu sao tuổi vẫn còn trẻ, hơn nữa Hán triều tôn sùng hiếu đạo, Hán Vũ Đế cũng không muốn làm trái ý tổ mẫu. (Ảnh: miền công cộng)

Bối cảnh thời sơ Hán

Để trả lời câu hỏi trên, cần bắt đầu tìm hiểu về tình trạng xã hội trong 60 năm của Tây Hán. Vào thời đầu của nhà Hán, sau khi trải qua sự cai trị hà khắc của Tần Nhị Thế và loạn lạc trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của Hán-Sở, trên cả nước, ruộng vườn hoang vu, kinh tế tiêu điều. Lúc đó nhà Hán thê thảm đến mức nào? Trong “Hán Thư. Thực Hóa Chí” có ghi: “Hoàng đế không có nổi cho mình một cỗ xe ngựa với bốn con tuấn mã cùng màu, tướng lĩnh chỉ được ngồi xe bò, dân không tấc đất canh tác, trong nhà không có của để dành. Gặp phải năm mất mùa, năm ngàn phần tiền đồng mới mua được mười đấu gạo, không đủ tiền mua gạo, người ăn thịt người, một nửa dân số đã chết vì nạn đói".

Trước yêu cầu vô cùng bức thiết của việc khôi phục và phát triển của đất nước, mà tư tưởng Hoàng Lão là thuận theo Thiên ý và lòng dân, nên trở thành lý niệm trị quốc thời Sơ Hán. Tư tưởng là một trường phái của Đạo Gia, quan điểm cốt lõi chính là “vô vi mà trị”, cho rằng các chính sách mà vua thực thi sẽ phá vỡ trật tự hình thành một cách tự nhiên của xã hội, thậm chí gây nguy hại cho thiên hạ. Bởi vậy, vua phải thuận theo tự nhiên, để bách tính tự do phát triển. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cũng nói: “Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định” (Không ham muốn dễ được yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ định). Hán Cao Tổ sau khi vào Quan Trung đã đặt ra ba điều quy ước (ước pháp tam chương), xóa bỏ luật pháp của nhà Tần. Sau khi khai quốc, càng thực hiện nhiều thay đổi hơn, từ Thiên tử đến vương hầu đều thực hành tiết kiệm, giảm thuế khóa, cùng người dân phục hồi. Những điều này đặt định cơ sở cho một nền chính trị vô vi.

Bởi vậy, bốn triều đại Cao, Huệ, Văn, Cảnh đều nối tiếp nhau thực thi các quốc sách chú trọng nông nghiệp và thu nhập của người dân, thực thi các chính sách khôi phục và phát triển đất nước. Hán Văn Đế nổi tiếng là vị vua sống thanh đạm, yêu dân, thường thực hiện miễn giảm thuế đất. Hán Cảnh Đế cũng thiết lập hệ thống điền tô với 31 loại thuế. “Vô vi nhi trị” cũng mở rộng sang lĩnh vực văn hóa. Triều đình rất tôn sùng Hoàng Lão, nhưng cũng không bài trừ Nho học. Do đó, tư tưởng Hoàng Lão đóng vai trò chủ đạo, nhưng đồng thời các tư tưởng học thuật khác cũng tự do phát triển.

Lịch sử chứng minh sự thành công của tư tưởng Hoàng Lão trong thời kỳ đầu, sức mạnh của nhà Hán nhanh chóng phục hồi, đã xuất hiện “Văn Cảnh chi trị”. Đến thời Hán Vũ Đế, đất nước cũng rất thịnh vượng. Trong “Sử Ký” nói, thời đó ở trong kho lương, thóc mới chồng lên thóc cũ, tiền trong ngân khố nhiều không đếm xuể, tiền nhiều đến nỗi dây xâu tiền đều đứt cả. Trên phố, nơi nơi dân chúng cơm no áo ấm, có ngựa riêng, trên cánh đồng dê bò hợp lại hàng đàn. Đậu Thái hoàng thái hậu cũng rất tôn sùng Hoàng Lão và tư tưởng này được phát triển và phổ biến mạnh mẽ trong cung đình, các hoàng tử, hoàng tôn, thậm chí là họ ngoại của Đậu Thái hậu cũng phải học thuộc lòng “Hoàng Đế” và “Lão Tử”.

Khôi phục sức mạnh quốc gia thời Sơ Hán, không thể che lấp đi các vấn đề xã hội, đây cũng chính là vấn đề không thể giải quyết được bằng tư tưởng Hoàng Lão. Trong “Hán Thư. Thực Hóa Chí” có ghi, trong những năm đầu của Hán Vũ Đế, “Tai họa ít nên dân giàu có, sử dụng của cải kiêu sa vung phí, thậm chí có những kẻ kết bè đảng, dùng sức mạnh ức hiếp hoành hành ở làng quê. Người trong tông thất đều có nhiều đất đai, từ công khanh đại phu trở xuống đều đua nhau xa xỉ, nhà cửa, xe cộ, trang phục tiếm vượt phạm thượng, không còn giới hạn. Vật thịnh thì sẽ suy, thế nên nó phải thay đổi”. Nói cách khác, giới nhà giàu dựa vào sự khoan dung của luật pháp và của cải trong tay, tùy ý thôn tính đất đai, ỷ thế làm càn ở địa phương. Các quan lại hoàng tộc thì đua nhau xa xỉ lãng phí, phục trang và xe ngựa đều vượt mức giới hạn của cấp bậc.

Vào thời Tây Hán, không thể không đề cập đến mối nguy cơ chính trị và quân sự cả trong lẫn ngoài. Bên trong có chư hầu cát cứ (chia đất xưng hùng), bên ngoài có Hung Nô xâm phạm, uy hiếp nghiêm trọng đến cấu trúc thống nhất của đại vương triều. Bởi quốc lực suy yếu, các đế vương trong lịch sử đều lựa chọn thỏa hiệp. Thế nhưng sách lược phòng thủ, không sao giải quyết tận gốc vấn đề của quốc gia. Hán triều cần một trung ương hùng mạnh để dẹp tan mọi mây mù trên đất nước, trở thành một đế chế thống nhất và thịnh vượng thực sự.

Bởi vậy, đến khi đăng cơ, vị hoàng đế trẻ tuổi Hán Vũ Đế này có tâm ý muốn làm điều gì đó to lớn, có thái độ tích cực hơn trong việc đưa những học thuyết của Nho gia vào trong thực tiễn cuộc sống, hết sức quan tâm tới Nho gia, và theo đó trào lưu văn hóa tôn Nho ra đời.

Quân vương anh minh Hán Vũ Đế
Tranh tường Đôn Hoàng: đội thương nhân trên con đường tơ lụa. (Ảnh miền công cộng)

Khai thông Tây Nam

Hán Vũ Đế đăng cơ vào năm 140 Trước Công nguyên, và Đậu Thái hoàng Thái hậu qua đời vào năm 135 Trước Công nguyên. Trong mấy năm này, tuy các chính sách mới của Hán Vũ Đế gặp khó khăn, nhưng ông lại làm được hai việc gây tiếng vang lớn với bên ngoài. Một là phái Trương Khiên đi sứ ở Tây Vực, hai là giải cứu nước Đông Âu ở phía Nam một cách khéo léo tài tình.

Mọi người đều biết, Trương Khiên đi sứ tây vực, mở ra con đường tơ lụa nổi tiếng. Tuy nhiên, ban đầu Hán Vũ Đế cử Trương Khiên đi sứ, mục đích là nhằm đánh trả người Hung Nô ở phương Bắc. Từ thời đầu nhà Hán, người Hung Nô đã luôn xâm chiếm và gây rối ở biên giới, giết người dân ở vùng biên, cướp bóc của cải tiền bạc. Đây là sự xâm phạm biên cương lớn nhất của Hán triều, cũng là chướng ngại vô cùng to lớn cho việc thống nhất Hoa Hạ của Hán Vũ Đế. Hán Cao Tổ Lưu Bang từng chiến đấu với quân Hung Nô, kết quả đã bị vây khốn, suýt mất mạng. Kể từ đó, các hoàng đế nhà Hán đều không dám khinh suất ra quân đánh Hung Nô. Một mặt áp dụng chính sách phòng thủ một cách bị động, một mặt áp dụng phương sách biếu tặng lễ vật và cầu thân để xoa dịu Hung Nô.

Thông qua các tù nhân của Hung Nô, Hán Vũ Đế tình cờ biết rằng ở Tây Vực có một quốc gia tên gọi Đại Nguyệt Thị, từng bị người Hung Nô áp bức, quốc vương cũng bị Hung Nô sát hại. Để thoát khỏi sự nô dịch của người Hung Nô, người Đại Nguyệt Thị đã nhiều lần di cư. Hán Vũ Đế liền nghĩ cách giao kết nước xa để đánh nước gần. Thế nhưng, không một ai biết nước Đại Nguyệt Thị ở nơi nào. Cuối cùng, Hán Vũ Đế ra chiếu lệnh, chiêu mộ những người có khả năng làm sứ giả đi sứ Đại Nguyệt Thị. Cuối cùng, Hán Vũ Đế cũng tuyển chọn được một trăm người, với tư cách là thành viên sứ đoàn, và bổ nhiệm Trương Khiên, một người giữ chữ tín, dũng cảm mưu lược, tiếng thơm lẫy lừng làm Tiết sứ.

Trương Khiên ban đầu giữ chức quan Lang trong cung, rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung, hiểu rất rõ về tình huống Hung Nô. Giống với Hán Vũ Đế, ông cũng chủ trương dùng vũ lực đánh trả Hung Nô. Năm Kiến Nguyên thứ 2 (tức năm 139 TCN), Trương Khiên và phái đoàn gồm hơn một trăm người khởi hành từ Lũng Tây, bắt đầu công cuộc tìm kiếm thăm dò Tây Vực của nhà Hán. Con đường phía trước đằng đẵng, không ai biết ngày mai sẽ xảy ra điều gì.

Thật không ngờ, khi vừa đến hành lang Hà Tây, Trương Khiên đã bị người Hung Nô bắt giữ, và mất liên hệ với nhà Hán. Không ai biết ông còn sống hay đã chết, đầu hàng hay bị cầm tù. Hơn nữa, vào năm Trương Khiên đi sứ, chính sách mới cũng nửa đường đứt gánh. Lúc này, Hung Nô lại một lần nữa đề nghị cầu thân. Bởi Trương Khiên vừa đi đã bặt vô âm tín, Hán Vũ Đế lại không có trước phương án tác chiến khả thi có tính thực tiễn, nên phải đáp ứng yêu cầu của Hung Nô. Thế nhưng, việc Hán Vũ Đế phái Trương Khiên đi Tây Vực, là một điềm báo quan trọng cho việc thực hiện tham vọng vô cùng to lớn của mình.

Năm Kiến Nguyên thứ 3 (năm 138 TCN), nước Mân Việt ở phía Nam đã bao vây nước Đông Âu, nước này đã phái người đến cầu cứu triều đình nhà Hán. Thời đó, Phúc Kiến và địa khu Chiết Giang nằm ở phía Đông Nam của Hán triều có tổng cộng ba nước nhỏ: Nam Việt, Mân Việt và Đông Âu, đều là hậu duệ của người Việt. Vào thời Hán Cảnh Đế cầm quyền, bảy nước chư hầu của Ngô, Sở phát sinh cuộc đại phản loạn. Quốc vương Lạc Vọng của Đông Âu vì tham lợi nhỏ mà đã phái quân đội đến gia nhập vào quân phản loạn của Ngô Vương Lưu Tỵ.

Sau khi cuộc nổi dậy thất bại, Lưu Tỵ đào tẩu đến Đông Âu. Hán Cảnh Đế phái sứ giả đến đàm phán, chỉ cần Lạc Vọng giao Lưu Tỵ, sẽ được miễn và xá mọi tội trạng. Lạc Vọng vì bảo vệ bản thân đã ra tay giết Lưu Tỵ. Con trai Lưu Tỵ là Lưu Câu đã trốn chạy đến nước Mân Việt, cũng mượn cơ hội này xúi giục quốc vương Mân Việt bành trướng lãnh thổ, tiến đánh Đông Âu. Đông Âu khó lòng chống cự, phải cầu cứu đại Hán.

Về phần Hán Vũ Đế mà nói, đây là một việc khá khó khăn. Nếu gửi quân đến Đông Âu, nhất định phải được sự cho phép của Đậu Thái hoàng Thái hậu, thế nhưng Đậu thái hoàng Thái hậu lại thi hành “vô vi nhi trị”, nên rất có khả năng sẽ phản đối việc dùng đến quân đội. Nhưng nếu như lần này không thể giải cứu nước Đông Âu, thì sẽ không gây dựng được uy tín với các nước, tương lai sẽ rất khó làm yên lòng các quốc gia, bởi vậy Hán Vũ Đế đã đưa ra một thỏa hiệp.

Hán Vũ Đế phái đại thần Trang Trợ đến đó, điều động quân đội đồn trú tại địa phương đối phó với Mân Việt. Trang Trợ cùng tùy tùng mang theo cây quyền trượng đại biểu cho quyền lực của Hán Vũ Đế mau chóng đến Hội Kê, tuyên đọc chỉ lệnh của Hán Vũ Đế cho quan lại có chức vị cao nhất ở đó. Vua Mân Việt hay tin Hán Vũ Đế đã phái đại thần đến Cối Kê, liền tức tốc thu quân, trừ bỏ mối nguy cho Đông Âu. Sau đó, Đông Âu di chuyển đến khu vực nằm giữa sông Trường Giang và sông Hoài (Hoài Hà), chính thức trở thành thần dân của nhà Hán.

Qua việc cứu viện thành công Đông Âu, Hán Vũ Đế đã tạo dựng được uy tín trong và ngoài triều đình. Mặc dù trong mấy năm này, tham vọng của Hán Vũ Đế chưa thể thực hiện, nhưng sự mưu lược và sự quyết đoán của ông đã khiến mọi người phải trầm trồ thán phục.

Nhã Văn
Theo Epoch Times

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hán Vũ Đế (Phần 2): Tuổi trẻ của Hán Vũ Đế