Hán Vũ Đế (Phần 3): Tôn Nho, mở trường học, tuyển Bách gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hán Vũ Đế danh vọng ngang Tần Thủy Hoàng, được gọi là “Tần Hoàng Hán Vũ”, cùng Đường Thái Tông xứng danh “Hán Đường thịnh thế” thiên cổ lưu danh

Xem lại: Hán Vũ Đế (Phần 2): Tuổi trẻ của Hán Vũ Đế

Khi Hoàng Thái Hậu Đậu Thái tại thế, tôn sùng Hoàng Lão, áp chế chính sách mới, Hán Vũ Đế vừa đăng cơ, lại xuất từ đạo hiếu, nên cũng tránh việc đao to búa lớn, tạm cất việc quy hoạch đế quốc trong tâm, thanh nhàn vài năm để che giấu ý đồ. Thời gian này, Hán Vũ Đế trên bề mặt là vui chơi sơn thủy, săn bắt du ngoạn, mở rộng lâm viên, cùng văn nhân nhã sĩ ngâm tụng thơ phú. Nhưng trong tâm vẫn nung nấu việc quốc gia đại sự.

Năm Kiến Nguyên thứ 5 (năm 136 TCN), Hoàng Thái Hậu Đậu Thái đột nhiên lâm trọng bệnh, không còn quan tâm tới chính sự, Hán Vũ Đế hạ chiếu khôi phục chức quan của những Nho sinh bị phế truất trước đây, lại tiếp tục nêu cao Nho giáo. Năm sau (Năm 135 TCN), Hoàng Thái Hậu qua đời, Hán Vũ Đế không còn bất kỳ chướng ngại gì, chính thức lãnh đạo vương triều Đại Hán đi trên con đường cường thịnh.

Năm thứ hai nắm quyền, ông triệu tập đại thần, thương thảo quyết sách trị sửa quốc gia. Tác giả của “Thiên Nhân tam sách” (Tạm dịch: Ba sách lược về Thiên, Nhân) là Đổng Trọng Thư cũng ở đó. Đổng Trọng Thư xuất phát từ tư tưởng Nho gia, lần nữa đề xuất “Bãi bỏ Bách gia, độc tôn Nho thuật”, kiến nghị thành lập Thái Học để bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Với khát vọng thống nhất thiên hạ, Hán Vũ Đế chính thức thực hiện kiến nghị của Đổng Trọng Thư.

Trong "Ba chiến lược của Trời và Người", Dong Zhongshu đưa ra gợi ý "Xing Taixue và lập Ming Shi", Ming Shi là tiến sĩ thời cổ đại. Bức tranh thể hiện một phần "Những bức tranh của các hiền nhân" của Yuan Zhao Yong. (phạm vi công cộng)
Trong “Thiên Nhân tam sách” đề xuất “Hưng Thái học, trí minh sư”. Tranh "Tiên hiền đồ quyển" của Nguyên Triệu Ung. (Miền công cộng)

Bác sĩ ngũ kinh

Văn hóa Nho gia hết sức trọng thị giáo hóa đạo đức, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong trị sửa thiên hạ. Để thực hiện tác dụng của giáo hóa, cần phải có một chế độ giáo dục hoàn thiện. Trong “Thiên Nhân tam sách”, Đổng Trọng Thư đã kiến nghị thành lập trường học, tăng thầy để bồi dưỡng nhân tài.

Ông nói: "Muốn trị sửa thiên hạ, không thể không coi giáo hóa là đại sự, nên việc bồi dưỡng nhân tài, phải có Thái học. Thái học có liên quan đến hiền sĩ, là gốc của giáo hóa. Hạ thần mong Bệ hạ chấn hưng Thái học, đặt các chức minh sư, bồi dưỡng kẻ sĩ trong thiên hạ, khảo vấn kỹ càng để biết thực tài, mới có được nhân tài anh tuấn.

Minh sư trong lời của Đổng Trọng Thư, là chỉ những vị hiểu rõ kinh thư, cũng là những vị quan bác sĩ trong triều đình (thầy dạy học trong triều gọi là: Quan bác sĩ). Thái học và Bác sĩ thời cổ đại đã có. Từ “Thái” trong Thái học có nghĩa là đệ nhất, người xưa thường dùng liên quan đến những thứ to lớn, ví dụ như Thái Dương, Thái không, Thái tử… Thái học là chỉ cơ sở đào tạo tối cao, là đại học trung ương do nhà vua cai quản.

Thời cổ đại, Trung Quốc đã có trường đại học. Đổng Trọng Thư viết: “Ngũ đế danh đại học viết thành quân.” (Tạm dịch: Thời Ngũ đế gọi đại học là Thành quân). Các thời Hạ, Thương, Chu, cách gọi đại học cũng khác nhau, thời Tây Chu xuất hiện từ Thái học, cũng gọi là “Đại học”, Thiên tử và chư hầu đều có thể thiết lập đại học. Nhưng khi ấy Thái học không chỉ đơn thuần là học phủ, mà còn là nơi cử hành tế tự, yến hội, tuyển dụng võ sĩ, bàn soạn sách lược. Cho đến tận thời Hán Vũ Đế, Thái học mới trở thành nơi chuyên môn đào tạo của chính quyền trung ương.

Chúng tôi giới thiệu sơ lược danh vị Bác sĩ thời cổ đại. Tên gọi Bác sĩ bắt đầu từ thời Chiến Quốc, có chức năng dạy dỗ đệ tử. Thời Tần Thủy Hoàng, có đến 70 Bác sĩ, không chỉ có Nho sinh, mà còn gồm cả các học phái khác, hoặc người giỏi thơ phú, phương thuật, bói toán. Bác sĩ thời Tần là trực thuộc quan Thái thường, một trong 9 chức khanh, phụ trách tế tự điển lễ, không phụ trách việc giáo dục. Bác sĩ bác cổ thông kim, có chuyên môn học thuật và tri thức, làm cố vấn cho triều đình.

Nhà Hán thừa kế nhà Tần, Chư tử Bách gia đều có Bác sĩ. Năm 136 TCN, Hán Vũ Đế lấy hai kinh “Dịch”, “Lễ” đặt làm Bác sĩ, thời Văn Đế, Cảnh Đế hợp cả “Thư”, “ Thi”, “ Xuân Thu” thành “Ngũ kinh Bác sĩ”. Ngũ kinh đó đều là kinh điển của Nho gia mà ngày nay mọi người đều biết “Tứ thư ngũ kinh”. Động thái này của Hán Vũ Đế không bị Hoàng Thái Hậu phản đối, một là do Thái Hậu lâm bệnh nặng, nhưng một nguyên nhân khác là Hán Vũ Đế chỉ là hoàn thiện thêm cơ cấu Bác sĩ, chứ không phải là chính sách mới.

Kiến nghị của Đổng Trọng Thư là kết hợp giữa Bác sĩ và Thái học, xác lập chế độ đào tạo theo Kinh thuật, do đó Ngũ kinh Bác sĩ và Bác sĩ thời sơ Hán là khác biệt rất lớn: Thứ nhất, Bác sĩ từ Thái thường tách ra, khôi phục tính độc lập từ thời Chiến Quốc, có tính học thuật rất mạnh. Thứ hai, Bác sĩ có chức năng đào tạo đệ tử, trở thành học quan có chức vị cao nhất nắm vững Ngũ kinh, được mệnh danh là “Thiên hạ tông sư” (Tạm dịch: Bậc thầy của thiên hạ). Thứ ba, cũng là khác biệt lớn nhất, “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật” chính thức trở thành chế độ của quốc gia. Cũng nói, ngoài học giả Nho gia, bất kỳ học giả khác phái đều mất đi tư cách và cơ hội thành “Bác sĩ”. Nhưng cho dù là học giả Nho gia, muốn trở thành Bác sĩ, phải nghiên cứu trong phạm vi của “Ngũ kinh”, cho dù có chút thành tựu ngoài phạm vi đó thì cũng không thể trở thành Bác sĩ. Đây là hàm nghĩa chân chính của câu “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật”.

Vẫn còn một điểm cần giải thích thêm, “Độc tôn Nho gia” của Hán Vũ Đế chủ yếu là để suy tôn “Công Dương xuân thu học”. Lấy “Công Dương truyện” giải thích kinh “Xuân Thu” làm học vấn. Tương truyền là tác phẩm của Công Dương Cao người nước Tề, chuyên giải nghĩa “Xuân Thu”. Ban đầu chỉ là truyền miệng, thời sơ Hán mới viết thành văn, đồng thời được Hán Cảnh Đế trọng thị. Hán Vũ Đế suy tôn việc này cũng là thể hiện sự tôn sùng tiên đế, duy hộ uy quyền tối thượng, chủ trương “Đại nhất thống”, tương hợp với chí hướng to lớn của ông.

Thái học không chỉ bồi dưỡng những Nho gia ưu tú cùng quan lại cho quốc gia, mà còn đặt định cơ sở thống nhất đại nghiệp của Hán Vũ Đế. Tranh vẽ "Hán cung thu nguyệt" của Viên Diệu đời Thanh. ( Miền công cộng).

Hoàn thiện Thái học

Năm Kiến Nguyên thứ 6 (135 TCN), Đậu Thái Hoàng Thái Hậu qua đời, Hán Vũ Đế cho cậu là Điền Phân phục chức, đảm nhiệm Thừa tướng. Năm sau, năm đầu Nguyên Quang (134 TCN), Hán Vũ Đế lại một lần nữa chiêu gọi những Nho sinh hiền lương phương chính. Lần này, được đề bạt là một vị lão Nho sinh tuổi ngoài 60, tên là Công Tôn Hoằng, cũng giống như Đổng Trọng Thư, đều là đại Nho gia cùng nghiên cứu Công Dương Xuân Thu. Công Tôn Hoằng là một vị Nho sĩ đại khí thành đạt muộn, 40 tuổi mới bắt đầu nghiên cứu “Xuân Thu”, 60 tuổi được đề cử “Hiền lương”, tham dự Kiến Nguyên đối sách, sau đó đi sứ Hung Nô, do bẩm báo không hợp ý Hán Vũ Đế mà cáo bệnh về quê, đến năm đầu Nguyên Quang mới trở lại.

Năm đầu Nguyên Quang, Hán Vũ Đế hỏi Công Tôn Hoằng về Thiên Đạo, Công Tôn Hoằng nhấn mạnh trong luận điểm của mình: Làm vua thân phải chính, vì bách tính kiến lập tín nghĩa. Ông còn đề xuất 8 chủ trương để trị quốc an dân, thực hiện hai việc chính: Một là quốc gia tiết kiệm, giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, trân quý nhân lực, làm đời sống bách tính thuận lợi tốt đẹp. Hai là triều đình dùng người công minh, tài sao chức vậy, chỉ dùng người hiền tài, thưởng phạt phân minh, làm quan lại tận chức tận tài mà phục vụ. Tư tưởng này bao hàm Nhân nghĩa của Nho nia, dùng Đức chấp chính, “Thiên Đức vô tư thân, thuận chi hòa khởi, nghịch chi hại sinh” (Tạm dịch: Đức của Trời là vô tư, thuận theo sẽ tốt đẹp, trái lại sẽ sinh hại), cũng kết hợp cả tư tưởng của Pháp gia, thưởng phạt phân minh, trọng dụng tài năng. Tương đồng với lý niệm trị quốc của Hán Vũ Đế.

Lúc ban đầu khi thẩm luận cả trăm luận điểm, đã xếp luận thuật của Công Tôn Hoằng vào hạng dưới. Nhưng sau khi Hán Vũ Đế xem xong, lại đặt ông lên hàng đầu. Sau đó, ông triệu kiến Công Tôn Hoằng, để biểu hiện trọng dụng nhân tài và phong làm Bác sĩ, sau đó đề bạt lên làm quan Tả nội sử, rồi Ngự sử Đại phu, Thừa tướng, còn phong làm Bình Tân Hầu, quan lộ hanh thông.

Cống hiến lớn của Công Tôn Hoằng là giúp Hán Vũ Đế thực hiện “Tôn Nho thuật”. Năm thứ 5 Nguyên Sóc (124 TCN), Hán Vũ Đế ban chiếu thư phát triển học thuật: "Ta thường nghe dùng Lễ dạy dân chúng, dùng Nhạc dạy phong tục, mà nay Lễ hư Nhạc hỏng, Trẫm thật đau xót. Nên cẩn thận hỏi han chí sĩ trong thiên hạ. Lệnh Lễ quan khuyến khích việc học, giảng giải thông thuận, chấn hưng lễ nghĩa, lấy thiên hạ làm đầu. Các chức quan là đề cử từ các đệ tử của Bác sĩ, người đồng môn để khuyến khích hiền tài". Trong chiếu thư nhấn mạnh tính trọng yếu của Lễ Nhạc, đồng thời lệnh xắp xếp vị trí cho người có học, hy vọng các nơi tôn sùng giáo hóa, đạt được mục đích đào tạo nhân tài. Cho nên, tể tướng Công Tôn Hoằng cùng các quan viên đề ra phương thức đào tạo đệ tử như sau:

Một, tuân theo “Tam đại chi Đạo” (Tạm dịch: Đạo ba đời), để thực hiện giáo hóa thiên hạ, đầu tiên xắp xếp các chức quan trung ương phụ trách khuyến học, sau đó mở rộng về các địa phương.

Hai, quy định một chức quan bác sĩ đào tạo chính thức 50 đệ tử. Do Thái thường tuyển người từ 18 tuổi trở lên, có dung mạo đoan chính làm đệ tử, miễn trừ lao dịch thuế khóa cho họ.

Ba, thiết lập đệ tử dự thính, coi như các đệ tử chính thức. Do các quận, huyện, ấp tiến cử những thanh niên ưu tú “Hiếu học, kính trọng bề trên, tuân phép tắc, thuận lệ làng, hành vi ngay chính”, qua Quận thú, vương tướng thẩm tra thực lực xong gửi tới Bộ học (Thái thường), trở thành đệ tử dự thính, không hạn chế số lượng.

Bốn, chế độ kiểm tra và bổ nhiệm sử dụng định kỳ. Quy định khảo thí hàng năm, nếu qua một Kinh trở lên, có thể làm trợ giảng, người đặc biệt ưu tú có thể làm Lang trung. Học kém, không qua được một Kinh thì cho thôi học.

Quy định khảo thí hàng năm, nếu qua một Kinh trở lên, có thể làm trợ giảng, người đặc biệt ưu tú có thể làm Lang trung. Học kém, không qua được một Kinh thì cho thôi học. (Ảnh: Epoch Times)

Hán Vũ Đế tiếp thu kiến nghị của Công Tôn Hoằng, kiến lập Thái học ở kinh đô, đồng thời tuyển chọn 5 vị Nho học uyên thâm làm Ngũ Kinh Bác Sĩ, 50 thanh niên ưu tú làm Bác sĩ Đệ tử (Thái học sinh). Giáo trình học là Ngũ Kinh, khảo hạch nếu thông hiểu một trong Ngũ Kinh thì trao chức quan nhỏ, người ưu tú được theo hầu Hoàng Đế, người xuất sắc được đề bạt vượt cấp. Từ năm Kiến Nguyên hưng khởi Thái học, đặt “Ngũ Kinh Bác sĩ”, đến chế độ Bác sĩ Đệ tử năm Nguyên Quang, chế độ Thái học đã đạt đến hoàn thiện.

Cùng với sự hưng thịnh của Thái học, các địa phương, quận quốc, cũng liên tiếp mở trường, thiết lập Học quan cùng đệ tử. Trong “Hán thư - Tuần lại truyện” có viết: “Đến thời Hán Vũ Đế, lệnh các quận quốc đều lập chức quan trường học". Hán Vũ Đế mở rộng giáo dục Nho học trong toàn quốc, chấn hưng Nho học, có tác dụng hết sức to lớn.

Do Bác sĩ là chức quan của triều đình, đệ tử ưu tú (Bác sĩ Đệ tử) có thể làm quan, học Kinh với chính trị cùng quan lộ là có quan hệ mật thiết. Trong triều đình, có rất nhiều danh thần là thầy dạy Kinh hoặc Bác sĩ Đệ tử, trong “Hán thư - Nho lâm truyện” viết: “Các bậc công khanh đại thần quan lại đều là kẻ sĩ học văn cả". Chế độ học và tuyển bạt nhân tài này, làm cho người học trong thiên hạ ra sức nghiên cứu học tập Kinh thư, lấy đó làm con đường tiến thân lập nghiệp. Đặc biệt là Công Tôn Hoằng, tuổi cao chí lớn, bái tướng phong hầu, dẫn hướng cho một phong trào văn sĩ của cả một thời đại. Trong “Hán thư - Nho lâm truyện” có ghi: “Công Tôn Hoằng học kinh Xuân Thu mà thành thừa tướng, được phong hầu, người học trong thiên hạ theo đó mà thành phong trào học tập".

Theo thế nước cường thịnh, kinh tế phát triển, quy mô Thái học của Tây Hán cũng mở rộng không ngừng, Bác sĩ Đệ tử ở Tây Hán lên tới ngàn người, năm cuối Đông Hán có tới 3 vạn người. Thái học không chỉ bồi dưỡng học giả Nho gia cùng nhân tài quan lại cho quốc gia, mà còn đặt định cơ sở cho đại nghiệp thống nhất thiên hạ của Hán Vũ Đế. Thông qua các biện pháp hưng thịnh Thái học, thiết lập Ngũ Kinh Bác sĩ cùng Bác sĩ Đệ tử, Hán Vũ Đế đã thành công trong việc dùng Nho học thay thế cho Hoàng Lão học, đồng thời trở thành tư tưởng thống trị chính thống của vương triều Trung Hoa. Địa vị chủ lưu của Nho học chảy suốt, không cải biến đến tận triều Thanh.

Tuyển chọn Bách gia

Hán Vũ Đế thực hiện “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật”, không phải là chuyên chế văn hóa, ông không những không bài xích các học thuyết khác, cũng không dùng biện pháp cực đoan để tuyệt diệt Bách gia. “Bãi truất Bách gia” đơn giản chỉ là bãi bỏ chức học quan của Chư tử. Dưới tiền đề học Nho làm quan, trong các lĩnh vực văn hóa, học thuật, tư tưởng, ông thi hành sách lược “Tuyển chọn học vấn của Bách gia”. Tư tưởng chính sách của ông bao gồm cả Vương Đạo, Nho gia, Pháp gia, Đạo gia, rồi Âm Dương gia. Kỳ thực bản thân Nho gia đã có tư tưởng bao hàm rất lớn, “Dịch Kinh” trong Ngũ Kinh là kinh điển của Đạo gia và Âm Dương gia, “Kinh Thư” cũng là hành chính pháp điển của cả 3 triều đại Hạ, Thương, Chu.

Trong “Sử ký - Quy sách liệt truyện” miêu tả: “Từ khi tại vị cho đến nay, đã mở ra con đường rộng lớn, tuyển chọn học vấn Bách gia, người thông thạo một nghề đều có hiệu quả". Sau khi Hán Vũ Đế tại vị, trừ việc học quan chỉ dùng Nho gia, các phương diện khác đều rộng mở, thúc đẩy phát triển, nối dài toàn diện học vấn của Bách gia. Trọng dụng những nhân tài tinh thông một kỹ năng nào đó, tùy theo tài năng mà sử dụng. Có người được phò tá quân vương, có vị thậm chí làm tới công khanh, thỏa chí bình sinh văn võ song toàn. Ví dụ lão thần Cấp Ảm chuyên học Hoàng Lão của triều trước, vẫn được Hán Vũ Đế trọng dụng, nhậm chức Huỳnh Dương Lệnh, Trung Đại Phu, Thái Thú, Đô Úy; rồi vị quan nổi tiếng hà khắc Trương Thang, là đại biểu của Pháp gia, dùng pháp nghiêm khắc nhưng làm quan thanh liêm, rất được Hán Vũ Đế tin cẩn, từng đảm nhiệm chức Thái Trung Đại Phu, Đình Úy, Ngự Sử Đại Phu; cha là Yển Thiện giỏi thuật, văn hay mà được thăng chức, từ thân phận bình dân làm tới chức Lang Trung, một năm mà được phá lệ thăng chức 4 lần, lên tới Trung Đại Phu. Trong nhân gian, Hán Vũ Đế cho phép các loại học phái tự do hoạt động.

Hiển nhiên rằng, cho dù Hán Vũ Đế trọng thị Nho gia, nhưng ông không câu nệ vào gia nào cả, mà vì đại nghiệp thống nhất lựa chọn những chỗ hữu dụng của các học thuyết để dùng.

Sau khi Hạng Vũ định cư ở Hàm Dương, ông ta đã phóng hỏa đốt Cung điện Hàm Dương và lăng mộ Tần Thủy Hoàng, gây thiệt hại rất lớn cho nền văn hóa Trung Quốc. Bức tranh thể hiện một phần "Bức bình phong cung điện Afang" của Yuan Jiang vào thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)
Sau khi Hạng Vũ vào Hàm Dương, hỏa thiêu Hàm Dương và lăng Tần Thủy Hoàng, tạo thành sự phá hoại rất lớn đối với văn hóa Trung Hoa. Tranh vẽ "Cung A Phòng" của Viên Giang đời Thanh. ( Miền công cộng)

Sưu tập thư tịch

Vô luận là tôn vinh Nho gia hay duy trì Bách gia, đều phản ánh rõ thái độ tôn trọng, mở mang phát triển đối với văn hóa học thuật. Các loại văn hóa học thuật trong toàn quốc không vì tôn Nho mà suy bại, mà trái lại càng phồn vinh. Hán Vũ Đế còn có một cống hiến lớn nữa, đó là sưu tập quy mô lớn các điển tịch văn chương thời trước, đồng thời coi đó là một hạng mục công tác văn hóa của nhà Hán.

Thời Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ sau khi vào Hàm Dương, hỏa thiêu Hàm Dương và lăng Tần Thủy Hoàng, lửa cháy ngút trời ba tháng chưa tắt. Gây tổn hại cự đại cho văn hóa Trung Hoa, tất cả văn hóa điển tịch mà Tần Thủy Hoàng đã dày công xây dựng, sưu tầm sau khi thống nhất thiên hạ, đã bị hủy sạch trong lửa đỏ. “Sở nhân nhất cự, khả lân tiêu thổ” (Tạm dịch: Một bó đuốc người Sở châm lên, tiếc thay đất bằng thành tro bụi), các điển tịch của văn hóa Hoa Hạ từ trước thời Tần, hầu như bị thiêu rụi. Thời đầu nhà Hán, triều đình bắt đầu cho sưu tập thư tịch. “Hán thư - Nghệ văn chí” có viết: “Đại sưu tập thư tịch, mở rộng đường văn hiến", nhưng do thiếu nhân lực chuyên môn cùng biện pháp thi hành cụ thể, nên thành quả sưu tầm còn hạn chế. Đến thời Hán Vũ Đế, xã hội vẫn còn vấn đề: “Thư khuyết giản thoát, lễ hoại nhạc băng” (Tạm dịch: Thư tịch thiếu mất, lễ nhạc băng hoại), làm ông cảm thán: “Trẫm thậm mẫn yên” (Tạm dịch: Trẫm thật xót xa)!

Hán Vũ Đế không vừa lòng với công tác sưu tầm thư tịch của nhà Hán thời kỳ đầu, trong chiếu thư năm Nguyên Sóc thứ 5, ông đề cập đến tầm quan trọng của việc sưu tập kinh điển văn hiến: “Lệnh cho lễ quan khuyến khích học tập, giảng giải thông thuận, hưng khởi việc sưu tập điển tịch, lấy đó là việc hàng đầu"). Vì vậy, Hán Vũ Đế đã triển khai hàng loạt biện pháp: “Vậy nên cho xây dựng thư viện, cấp chức quan cho việc ghi chép, thư tịch các gia phái, đều thu thập cất vào mật phủ”. (Hán thư - Nghệ văn chí). Ông thiết lập cơ cấu chuyên môn cùng các chức quan, chuyên sao chép thư tịch cổ, sưu tập học thuyết các gia phái, kinh điển lễ nhạc, thi từ ca vũ…văn chương trong thiên hạ, tất cả đều đưa vào lưu giữ trong thư viện quốc gia. Trong “Tùy thư - Kinh tịch chí” còn ghi lại, Hán Vũ Đế từng hạ lệnh: Thừa tướng, Thái sử lệnh, Thái thường, Bác sĩ quan, đều phải có trách nhiệm sưu tầm thư tịch trong thiên hạ.

Có một vị Lỗ Cung Vương Lưu Dư, khi phá dỡ nhà cũ của Khổng Tử, chuẩn bị xây cung điện của mình, phát hiện trong tường còn lưu giữ "Thượng thư", "Lễ ký", "Luận ngữ" và mấy chục quyển cổ thư. Những cổ thư này đối chiếu với thư tịch lưu giữ trong thư viện triều đình nhà Hán thì "Lễ ký" nhiều hơn 39 quyển, "Thượng thư" nhiều hơn 16 quyển, lại còn viết bằng lối chữ Triện cổ, thường gọi là “Cổ văn kinh”; Kinh thư mà Ngũ kinh Bác sĩ sử dụng là dùng lối viết Lệ thư chữ Hán, gọi là “Kim văn kinh”. Cổ văn kinh sau này tất cả được hiến tặng cho Hán Vũ Đế, phong phú thêm cho thư viện triều đình, chỗ khác biệt cổ, kim trong lĩnh vực học thuật, cũng từ đây mà ra.

Việc sưu tầm thư tịch cổ, do Hán Vũ Đế tận sức đề xướng, thực thi, trở thành trào lưu văn hóa xuyên suốt vương triều Đại Hán. Lượng lớn cổ tịch đã được khai quật, chỉnh lý, lưu giữ, đưa trở lại nhân gian, đã có tác dụng quan trọng thúc đẩy sự hưng thịnh của các lĩnh vực văn hóa như Kinh học, Sử học, Văn học, Nghệ thuật… Ví dụ như cha con Sử học gia Tư Mã Thiên thời Tây Hán, thụ ích từ nghiên cứu lượng lớn thư tịch cổ, hoàn thành một pho sử ký bất hủ "Sử Ký Tư Mã Thiên": “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến” (Tạm dịch: Nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và con người, thì sẽ hiểu rõ sự biến đổi từ xưa đến nay). Đây cũng là cống hiến văn hóa rất lớn của việc sưu tầm thư tịch cổ.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Hán Vũ Đế (Phần 3): Tôn Nho, mở trường học, tuyển Bách gia