Hán Vũ Đế (Phần 4): Sử dụng hiền tài, không xem xuất xứ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hán Vũ Đế danh vọng ngang Tần Thủy Hoàng, được tôn xưng là “Tần Hoàng Hán Vũ”, cùng Đường Thái Tông nổi danh “Hán Đường thịnh thế” thiên cổ lưu danh.

Xem lại: Hán Vũ Đế (Phần 3): Tôn Nho, mở trường học, tuyển Bách gia

Thời đại Hán Vũ Đế là thời nhân tài nườm nượp, thời hoàng kim của nhân tài trị thế. Những danh thần bên cạnh Hán Vũ Đế là những nhân vật truyền kỳ, về văn có Tư Mã Thiên, Tư Mã Tương Như, võ có Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Nho sĩ có Đổng Trọng Thư, Công Tôn Hoằng, về trị luật có Triệu Vũ, Trương Thang, tài chính có Tang Hoằng Dương, âm luật có Lý Diên Niên, sứ giả có Trương Khiển, Tô vũ, đại thần tin cẩn có Hoắc Quang, Kim Nhật Di… nhiều không kể hết. Những hiền thần đó, người mưu lược tài hoa, người tận trung ái quốc, phẩm đức cao thượng, tập trung quanh Hán Vũ Đế, đều có những cống hiến kiệt xuất.

Hán Thư của Ban Cố có lời khen ngợi Hán Vũ Đế rằng: “Tham vấn khắp thiên hạ, trọng dụng bậc hiền tài, giúp ông lập công”.

Hán Vũ Đế cầu hiền như khát nước, trong phạm vi toàn quốc chỉ cần có tài là để cử, lập lên sự nghiệp bất hủ. Về phương diện biết người, dùng người, Hán Vũ Đế có tấm lòng quảng đại khoan dung cùng huệ nhãn thức nhân, do đó nhân tài thời này vượt xa hai thời Hán trước. Cho nên Ban Cố đánh giá rất cao: “Trong các triều Hán, triều này là có nhiều nhân tài nhất”.

Các triều đại trong lịch sử đều có chế độ tuyển dụng và đề bạt nhân tài, thời Hạ, Thương, Tây Chu thực hành “Thế khanh thế lộc chế” (Chế độ chức quan và bổng lộc truyền thế). Thời Chiến Quốc xuất hiện “Quân công tước chế độ” (Chế độ ban tước dựa trên chiến công) cho đến “Dưỡng sĩ” (nuôi dưỡng môn khách). Nhà Tần dùng công lao khai phá ruộng đất và quân công làm căn cứ tuyển quan, cũng xuất hiện chế độ tiến cử.

Phần trước chúng ta đã biết, Hán Vũ Đế hưng Thái học, đặt chế độ Bác sĩ và đệ tử, kiến lập chế độ học Kinh tuyển quan, đào tạo cho quốc gia những quan viên ưu tú, tài đức vẹn toàn. Hán Vũ Đế không chỉ tôn sùng Nho học, mà nhân tài ở các lĩnh vực khác, ông cũng cầu hiền như khát nước. Nhân tài quanh ông cũng chỉ có một bộ phận là từ Nho học. So sánh với thời Sơ Hán, Hán Vũ Đế thiết lập chế độ khảo sát đa đạng để tuyển quan, chiêu hiền nạp sĩ trên quy mô lớn, trợ giúp ông sáng lập lên một vương triều hưng thịnh chưa từng có trước đây.


Tranh vẽ Đổng Trọng Thư ( Miền công cộng)


Thời Sơ Hán tuyển quan

Thời Sơ Hán, các hạng mục chế độ vừa mới lập ra, chế độ bổ nhiệm sử dụng quan viên chưa hoàn thiện, cho dù có xuất hiện nhiều nhân vật tài hoa khi ấy, nhưng quan tước công khanh đều là những người phú quý, thân cận, còn người thường, đặc biệt là học sinh nghèo, thì rất khó đặt chân chốn miếu đường. Trước thời Hán Vũ Đế, chế độ tuyển quan của nhà Hán có ba loại:

Loại thứ nhất là quý tộc. Đại đa số là những vị khai quốc công thần, chiến đấu trên lưng ngựa, do vậy khi luận công ban thưởng, phong hầu, phong vương rất nhiều. Ví dụ thời Sơ Hán, có hơn trăm vị được Hán Cao Tổ phong làm Liệt Hầu. Khi ấy, công khanh triều đình và các trưởng quan địa phương, hầu hết được tuyển chọn và bổ nhiệm từ các quý tộc có công bên dưới Liệt Hầu. Từ thời Cao Tổ, Cảnh Đế, nhà Hán có 12 Thừa tướng, đều xuất thân từ Liệt Hầu; 15 vị Ngự sử Đại phu, tuyệt đại đa số cũng xuất thân từ Liệt Hầu.

Loại thứ hai là chế độ sử dụng con quan. Trong “Hán quan nghi” (Nghi thức Hán quan) có ghi chép, quan viên có bổng lộc từ 2 nghìn thạch trở lên, hết nhiệm kỳ ba năm, có thể lấy một con em, phong làm quan Lang.

Loại thứ ba là chế độ tuyển chọn theo tài sản. Bình dân bách tính có tiền tài nhất định thì có thể được chọn làm quan. Tiêu chuẩn thông thường là: “Nhiều tiền tài chức Lang, ít tiền tài chức Lại”. Thời Hán Văn Đế quy định, tài sản có 10 vạn tương đương tài phú bậc trung. Trương Thích Chi nhờ có gia tài 500 vạn mà được tuyển chọn làm chức Thường Thị Lang, sau làm tới Đình Úy. Nhưng vào những năm cuối Cảnh Đế, tiêu chuẩn này hạ xuống còn 4 vạn.

Ngoài ra, Hoàng Đế thời Sơ Hán cũng tôn trọng hiền sĩ, Hán Cao Tổ từng ban chiếu cầu hiền, mở rộng việc chiêu hiền cử sĩ tới các chư hầu, quận, huyện. Khi trưởng quan địa phương phát hiện nhân tài, tự thân đến khuyên nhủ cổ vũ, tiến cử họ đến Phủ Thừa tướng, dùng xe công cung kính đưa lên kinh đô, để đợi triều đình trưng dụng. Phương thức chiêu hiền này, có thể coi là tiền thân của các phương thức tuyển dụng sau này. Nhưng có điều đáng tiếc, việc chiêu hiền cử sĩ này lại không trở thành chế độ và quy mô ở thời Sơ Hán, trước thời Hán Vũ Đế, triều đình chỉ có hai lần chiêu hiền, hai lần cử Hiếu liêm. Cho nên, chiêu nạp được ít nhân tài, lượng lớn nhân tài vẫn trong nhân gian, đợi một minh quân chân chính phát hiện sử dụng.

Đến thời Hán Vũ Đế, trong “Thiên Nhân tam sách” của Đổng Trọng Thư, chỉ thẳng ra tệ nạn của chế độ tuyển quan thời Sơ Hán. Ông nói: “Quan lại, quận thú hiện nay, đa số xuất thân từ Lang trung, mà Lang trung lại tuyển dụng từ con em của Đại quan, ỷ vào thân phận phú quý, khó mà trở thành hiền minh. Thời cổ khảo hạch công lao quan lại, xét xem làm quan đã xứng với chức danh chưa, chứ không xét nhiệm kỳ dài ngắn.”

Ông còn nói: “Sau thời gian lâu, quan lại dựa nhiệm kỳ mà thăng quan, liêm khiết và vô sỉ lẫn lộn, người tốt người xấu không phân biệt, hiền tài chân chính chẳng phải là bị đẩy ra ngoài sao?”

Đổng Trọng Thư còn đưa ra các biện pháp cải thiện: Các vị chư hầu, quận thú hoặc cao quan khác, mỗi năm phải lựa chọn hai vị hiền tài trong chức lại, hoặc trong dân để tiến cử. Nếu người được tiến cử xác thực là hiền tài, thì sẽ thưởng cho người tiến cử, nếu không phải vậy sẽ trừng phạt. Ông cho rằng, như vậy các chư hầu, cao quan sẽ tận tâm tìm kiếm hiền tài, người tài đức trong thiên hạ sẽ được Hoàng Đế sử dụng.

Hán Vũ Đế hùng tài đại lược, sau khi lên ngôi muốn thành tựu văn trị võ công, nhưng bị đám sủng thần quấn chân, kiến nghị của Đổng Trọng Thư vừa hợp ý ông. Nhưng xem Hán Vũ Đế lựa chọn cách nào để tuyển quan, để chiêu nạp tinh anh trong thiên hạ?


Tranh vẽ Hán Vũ Đế (Miền công cộng)

Chỉ đề cử hiền tài

Mọi người đã biết “Sát cử chế” (Chế độ đề cử, sát hạch) là chế độ tuyển quan điển hình nhất của Hán Vũ Đế, đề cử từ thấp đến cao, qua khảo hạch nhân tài mà tuyển quan, là một chế độ được xác lập và hoàn thiện ở thời Hán Vũ Đế. Ông từng hạ chiếu yêu cầu: “Cử hiền lương phương chính, năng trực ngôn cực gián giả” (Tạm dịch: Đề cử người hiền lương chính trực, có khả năng dùng lời ngay thẳng mà tận lực can gián), đồng thời định ra các vòng thi. Người được đề cử sau khi qua thi tuyển, do chính phủ sử dụng tùy theo tài năng, năng lực.

Tuy nhiên ban đầu, người được tiến cử đại đa số là thân thích, hoặc bằng hữu của người tiến cử, hiền tài không nhiều. Do vậy, sau khi nghe kiến nghị của Đổng Trọng Thư, Hán Vũ Đế liền cho mở rộng phạm vi, mức độ đề cử, trở thành phương thức tuyển bạt chủ yếu nhất trước khi chế độ khoa cử trong lịch sử Trung Hoa ra đời.

Cuối năm Nguyên Quang thứ nhất (năm 134), Hán Vũ Đế hạ chiếu lệnh các địa phương quận quốc mỗi nơi tiến cử một người hiếu liêm. “Hiếu” là chỉ người con hiếu thuận, “Liêm” là chỉ chức lại thanh liêm, họ đều là những đại biểu phẩm hạnh ưu tú ở địa phương. Tuy nhiên, khi Hán Vũ Đế mở rộng phạm vi tuyển cử, đã gặp sự phản đối của một số đại thần. Họ lo lắng rằng từ đây, con em trong họ tộc khó thuận lợi tiến thân, do vậy có một số nơi dùng câu “Dã vô di hiền” (Không còn người hiền tài nào bị bỏ sót ở địa phương) tấu lên Hán Vũ Đế.

Hán Vũ Đế tuy giận nhưng không trừng phạt họ, mà soạn một chiếu thư, nói rõ cho thiên hạ biết tính quan trọng của chế độ tuyển cử, đồng thời cho các đại thần thảo luận. Ông viết trong chiếu thư: “Trẫm mệnh lệnh quận quốc tiến cử hiếu tử liêm lại, là để làm gương, kế thừa sự nghiệp của Thánh nhân. Khổng Tử đã nói ‘Thập ốc chi ấp, tất hữu trung tín’ (Ấp có 10 hộ dân, tất có người trung tín), ‘Tam nhân hành tất hữu ngô sư’ (Trong 3 người cùng đi, tất có người là bậc thầy của ta), hiện nay có những quận huyện không tiến cử được một người hiền. Từ cổ đến nay, tiến cử nhân tài thì được thưởng, áp chế nhân tài phải chịu phạt. Nay ta lệnh cho các quan thương nghị về tội danh không tiến cử hiền tài.”

Các quan phụ trách việc tuyển cử rất nhanh chóng đã có kết quả thương nghị tấu lên: “Không tiến cử hiếu tử, là không phụng chiếu, nên trị tội đại bất kính; không tiến cử liêm lại, là danh không xứng chức, nên cách ngay chức quan.”

Hán Vũ Đế lấy điều này chiếu cáo toàn quốc. Sau khi hạ chiếu chỉ, quan viên các nơi không dám chậm trễ, tấp nập tiến cử hiền tài. Số lượng lớn người hiền đức được tiến cử, qua khảo hạch mà tiến nhập triều đình.

Theo ghi chép trong “Thông điển”, năm Nguyên Thú thứ 6 ( năm 177), Hán Vũ Đế lại hạ chiếu thư chi tiết về việc tuyển bạt: Quận quốc nhân khẩu 20 vạn, mỗi năm tiến cử một người; 40 vạn tiến cử hai người, theo đó mà làm. Đồng thời định ra 4 đại khoa mục để khảo sát, so với thời Hán Văn Đế chỉ có hiếu liêm và hiền lương, thì hoàn bị hơn: “Thứ nhất là đức hạnh cao khiết, chí khí tiết độ trong sáng; thứ hai là học vấn tinh thông, tu dưỡng phẩm hạnh, làm Bác sĩ học kinh; thứ ba hiểu rõ pháp lệnh, có khả năng cân nhắc, xử án, nhậm chức Ngự sử; thứ tư cương nghị có sách lược, gặp việc không dao động, nhìn rõ kẻ gian, có dũng quyết đoán, làm Tam Phụ Lệnh”.

Nói một cách cụ thể, căn cứ vào bốn tiêu chuẩn này phân loại, lấy “ Đức” làm đầu có hiếu liêm, hiếu liêm phương chính, chí hiếu, đôn hậu; lấy “ Kinh học” làm chủ, ở đây là chỉ kinh điển của Nho gia; lấy “Văn pháp” làm chủ, tức tuyển bạt nhân tài thông hiểu luật lệnh; lấy “Tài năng” làm chủ, dũng mãnh, hiểu binh pháp, rõ biến động âm dương. Nhưng tất cả các khoa mục đều lấy đức hạnh làm đầu, về học vấn lấy Nho học làm chủ. Đây chính là thể hiện cụ thể của việc thúc đẩy sách lược “Tôn Nho thuật” của Đổng Trọng Thư mà Hán Vũ Đế bắt đầu thực hiện.

Năm thứ 5 Nguyên Phong (năm 106), những văn võ danh thần thời kỳ đầu của Hán Vũ Đế, đại đa số là về hưu hoặc già chết, triều đình rất thiếu nhân tài, nên Hán Vũ Đế hạ chiếu tăng thêm khoa “Mậu tài dị đẳng” (Có tài đặc biệt), cũng nói cứ có tài là tiến cử, đặc biệt là những nhân tài có thể đảm nhiệm các chức tướng, hoặc đi sứ nước ngoài.

Hán Vũ Đế thông qua phương thức này mà tuyển dụng được một lượng lớn người tài đức. Các đế vương đời sau không ngừng hoàn thiện, Hán triều chế độ đề cử phân thành hai khoa lớn, Tuế khoa và Đặc khoa. Tuế khoa bao gồm hiếu liêm, mậu tài (tú tài), sát liêm, quang lộc tứ hạnh, lấy khoa hiếu liêm làm trọng. Đặc khoa phân thành thường kiến đặc khoa và nhất ban đặc khoa, lấy hiền lương phương chính làm trọng.

Có thể nói, “Sát cử chế” của Hán Vũ Đế đã khai sáng ra đế nghiệp huy hoàng, đặt nền móng cơ sở vững chắc. Quy chế này được thực thi trong suốt 1300 năm, trở thành quy chế tuyển quan lại trọng yếu trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Thời kỳ Hán Vũ Đế, quan lại, thứ dân có tài có thể dâng thư tự tiến cử, trình bày chủ trương chính trị với triều đình, gọi là “Bắc khuyết thượng thư” (Dâng thư cửa Bắc), hoặc “Công xa thượng thư” (đưa thư cho Công xa - Công xa là tên gọi bộ phận tiếp nhận).

汉武帝时期,有才能的吏民可以上书自荐,向朝廷陈述自己的政治主张,这叫作“北阙上书”或“公车上书”。图为元赵雍《先贤图卷》局部。(公有领域)
Thời kỳ Hán Vũ Đế, quan lại, thứ dân có tài có thể dâng thư tự tiến cử. Tranh “Các vị tiên hiền” của Triệu Ung đời Nguyên. (Miền công cộng).

Quan lộ rộng mở

Ngoài hai chế độ bồi dưỡng tuyển dụng nhân tài là “Sát cử chế” và “Thái học”, Hán Vũ Đế còn ra sức mở rộng tìm kiếm hiền tài, áp dụng phương thức tuyển quan linh hoạt, không chỉ dùng chỉ dụ hậu lễ triều đình đối đãi, mà còn cho phép người có tài tự tiến cử (như Mao Toại tự tiến), trực tiếp đối thoại với Hoàng đế. Mở ra chế độ tuyển quan đa dạng, tụ tập quanh mình toàn danh thần chân tài thực học, nên nói: thời Hán Vũ Đế “Dã vô di hiền” (Không còn người hiền tài nào bị bỏ sót) kể cũng không quá.

Năm Nguyên Thú thứ 6, Hán Vũ Đế phái 6 vị Bác sĩ quan, đến các nơi tìm kiếm hiền năng ẩn sĩ, tiến cử cho Hoàng đế, chính thức đưa “Trưng chiêu chế” (chế độ chiêu mời) trở thành chế độ tuyển quan của triều đại nhà Hán. Gọi là trưng chiêu, là nói về Thiên tử đối với những bậc đức cao vọng trọng, bậc túc Nho có tài năng nhưng không muốn ra làm quan, phái lễ quan cùng lễ tiết long trọng tới đón, khẩn mời vào triều làm quan. Với người ưng thuận, do Thiên tử đích thân chiêu kiến, không qua sát hạch mà trực tiếp nhậm chức quan. Trưng chiêu cũng phân ra phổ thông và cá biệt, khác nhau ở chỗ tùy vào đối tượng được chiêu nạp.

“Trưng chiêu chế” được thi hành từ thời kỳ đầu khi Hán Vũ Đế tại vị, ông dùng xe êm che lụa trắng, long trọng thỉnh mời được Mai Thừa và Lỗ Thân Công, trở thành câu chuyện kinh điển của việc lễ hiền đãi sĩ. Năm Nguyên Quang thứ 5 (năm 117), Hán Vũ Đế lại hạ trưng chiêu lệnh: Vô luận quan lại hay thứ dân, chỉ cần thông hiểu chính sách, có học thức tài cán, là có thể được quan kinh đô dẫn tiến vào triều, dọc đường được chính phủ cấp đồ ăn thức uống.

Tào Tháo từng nuối tiếc chiêu nạp Quan Vũ trong câu thơ: “Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm” (Xanh xanh đai áo của người; Sầu sầu phiền muộn nhớ người hôm nao) biểu đạt sự tôn trọng và khát vọng cầu hiền. Thành ý chiêu hiền nạp sĩ của Hán Vũ Đế cũng được thể hiện đầy đủ trong chiếu thư của ông.

Còn có quan lại, thứ dân tài năng dâng thư tự tiến cử, trình bày với triều đình chủ trương chính trị của mình, gọi là “Bắc khuyết thượng thư” (Dâng thư cửa Bắc), do triều đình nhận thư dâng ở phía Bắc cung điện nên gọi như vậy. Người tự tiến có một bộ phận gọi là Công xa lệnh tiếp đãi, quản lý, do vậy phương thức này cũng được gọi là “Công xa thượng thư”. Nếu người tự tiến có thực tài, thì cũng được trọng dụng, không cần xem thành phần xuất thân. Hán Vũ Đế hết sức coi trọng những người tự tiến, thường tự thân đọc duyệt thư dâng, tuyển bạt nhân tài.

Trong lịch sử Tây Hán còn lưu lại dấu ấn của các danh thần như Đông Phương Sóc, Chu Mãi Thần và Chủ Phụ Yển, thông qua phương thức này mà được tuyển bạt. Ví dụ Đông Phương Sóc, tính cách khôi hài, ngôn từ mẫn tiệp, nổi tiếng là hoạt kê đa trí, lần thứ nhất dâng thư cho Hán Vũ Đế, ông mang đến ‘thư tự tiến cử’ 3 nghìn thẻ tre, dùng hai người mới khiêng nổi, Hán Vũ Đế phải mất hai tháng mới đọc hết. Thấy rõ Đông Phương Sóc không phải tầm thường.

Còn Chu Mãi Thần, mới đầu chỉ là một thư sinh nghèo khó, 40 tuổi vẫn đốn củi nuôi thân, sau đó dâng thư lên triều đình nhưng không thấy hồi âm, may sao gặp đồng hương làm chức Trung Đại Phu tiến cử, được Hán Vũ Đế tiếp kiến. Chu Mãi Thần giảng giải kinh Xuân Thu, Sở từ được thưởng và phong chức Trung Đại Phu, sau này có công trong việc hiến kế sách bình định Đông Việt quốc, được phong Thái Thú.

Còn Chủ Phụ Yển, vừa dâng thư là được Hán Vũ Đế triệu kiến, phong làm Lang Trung, còn được đề bạt vượt bậc. Sau này, Hán Vũ Đế muốn tập trung quyền lực về triều đình trung ương, nên ban bố thi ân, cho phép các Vương chư hầu chia đất cho con em họ, làm như vậy các nước chư hầu càng ngày càng nhỏ, quốc lực cũng yếu nhược, không thể chống lại triều đình. Kiến nghị quan trọng này là do Chủ Phụ Yển đề xuất.

卫子夫由平阳公主引荐,凭借动人的歌喉和美丽的秀发获得汉武帝宠爱。图为明仇珠《女乐图轴》局部。(公有领域)
Vệ Tử Phu do Bình Dương công chúa tiến cử, do có giọng hát hay cùng mái tóc đẹp mà được Hán Vũ Đế sủng ái. Tranh “Nữ nhạc đồ” của Cừu Châu đời Minh. ( Miền công cộng)

Không câu nệ cứng nhắc

Thông qua những phương thức trên, Hán Vũ Đế thu thập được rất nhiều nhân tài hiền sĩ trong thiên hạ. Ngoài ra, anh hùng bất vấn xuất xứ, Hán Vũ Đế tuyển dụng nhân tài không câu nệ cứng nhắc, có khí lượng bao dung tất cả anh hùng trong thiên hạ. Trong phần đầu chúng tôi đã đề cập, trong Mậu Lăng có hai ngôi mộ bồi táng hình quả núi, là của Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, họ xuất thân thấp kém, nhưng có võ công cao cường, tài hoa quân sự xuất chúng, không phải thân thích vương tộc nhưng vẫn được Hán Vũ Đế tín nhiệm và trọng dụng, lập lên quân công bất hủ bình định Hung Nô, trở thành danh tướng nhà Hán.

Trong “Sử ký” có nghi, thân mẫu của Vệ Thanh tên là Vệ Ảo, là nô tỳ của Bình Dương công chúa, chị của Hán Vũ Đế, sinh được một nam ba nữ. Một trong ba nữ là Vệ Tử Phu, là Hoàng Hậu thứ hai vang danh thiên hạ của Hán Vũ Đế. Vệ Ảo sau này sinh với người khác một con trai tên là Vệ Thanh. Thủa nhỏ Vệ Thanh rất cực khổ, sống ở trong nhà cha mình nhưng bị ngược đãi suốt ngày. Khi lớn lên, làm nô bộc dắt ngựa cho Bình Dương công chúa. Có một lần, Vệ Thanh theo người ta đến cung Cam Tuyền, một người tù thấy tướng mạo của ông nói: “Đây là tướng mặt của quý nhân, quan tới chức Hầu.”

Vệ Thanh cười khổ nói: “Tôi là con của nô lệ, chỉ cầu không bị đánh chửi, cũng là sướng rồi, còn nói gì đến lập công phong hầu?”.

Năm Kiến Nguyên thứ 2 (năm 139), Thiên tử Hán Vũ Đế 18 tuổi, đến Hồng Môn Yến tế tổ cầu phúc, thuận đường tới thăm Bình Dương công chúa. Do Trần Hoàng Hậu nhiều năm vô sinh, Bình Dương công chúa học theo cô cô Quán Đào công chúa, tiến cử mỹ nữ cho em mình. Vệ Tử Phu có tiếng hát say lòng cùng mái tóc mỹ lệ mà được Hán Vũ Đế sủng ái, cho nhập cung. Theo địa vị của chị là Vệ Tử Phu thay đổi, Vệ Thanh cũng được làm sai dịch trong cung. Khoảng một năm sau, Vệ Tử Phu có mang, ân sủng càng thêm lớn, mẫu thân của Trần Hoàng Hậu là công chúa Quán Đào chuyển giận sang Vệ Thanh, muốn giết ông, may thay, bạn ông là Công Tôn Ngao nhanh tay cứu thoát. Đại nạn không chết, Vệ Thanh do họa mà đắc phúc, sự việc này kinh động đến Hán Vũ Đế, nên triệu kiến Vệ Thanh. Hán Vũ Đế trọng dụng tài hoa của ông, phong làm Kiến Chương Cung Giám, Thị Trung, Thái Trung Đại Phu, có phú quý công danh từ đây.

Năm thứ 6 Nguyên Quang (năm 129), Vệ Thanh đảm nhiệm Xa Kỵ tướng quân chinh thảo Hung Nô, 7 trận toàn thắng, mở rộng biên cương miền Bắc Tây Hán, lập công lao to lớn. Ông không chỉ giỏi cầm quân đánh trận, mà còn có phẩm hạnh đoan chính, kính trọng hiền tài, không nuôi môn khách, do đó được phong làm Trần Bình Hầu, quan chức Đại Tư Mã Đại Tướng Quân, được bàn soạn quyết sách trong triều. Sau khi Vệ Thanh bị bệnh mất đi, được đặt Thụy hiệu là “Liệt”, có nghĩa là có công đức to lớn, lăng mộ cũng được xây hình quả núi để ghi nhận công lao hiển hách của ông.

Hoắc Khứ Bệnh là con riêng của chị Vệ Tử Phu, cũng là cháu ngoại Vệ Thanh. Do thân thế đặc thù, từ nhỏ đã học cưỡi ngựa bắn cung, kiếm thuật võ nghệ, 17 tuổi đã được Hán Vũ Đế phong làm Phiếu Diêu Hiệu Úy, hai lần cùng Vệ Thanh thâm nhập phía Nam sa mạc truy kích Hung Nô. Hai lần xuất chinh đều anh dũng quả cảm nổi bật, được phong Quán Quân Hầu. Hai năm sau, Hoắc Khứ Bệnh với chức vụ Phiếu Kỵ tướng quân tiếp tục thảo phạt Hung Nô, trợ giúp Hán Vũ Đế khống chế địa khu Hà Tây, đặt định nền móng khai thông Tây Vực. Dân Hung Nô lưu truyền ca dao: “Ta mất Kỳ Liên Sơn, gia súc không kịp thở, mất cả Yên Chi Sơn, vợ con không nhan sắc!”, ông cùng cậu mình là Vệ Thanh đều được phong Đại Tư Mã, sau này tuổi trẻ bạc mệnh, mộ của ông được kiến trúc như hình Kỳ Liên Sơn, bồi táng cùng Đế Lăng, hiển dương công lao khắc định Hung Nô của ông.

Ngoài hai vị Hoắc, Vệ ra, xung quanh Hán Vũ Đế còn nhiều truyền kỳ về các hiền tài, như Đại Thần Kim Nhật Di là người Hung Nô, là tù binh. Tang Hoằng Dương là con trai của một nhà buôn bị kỳ thị khi ấy, do Hán Vũ Đế quý trọng hiền tài mà trở thành đại thần rường cột quốc gia, giúp Hán Vũ Đế kiến tạo lên sự nghiệp huy hoàng.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epochtimes

 



BÀI CHỌN LỌC

Hán Vũ Đế (Phần 4): Sử dụng hiền tài, không xem xuất xứ