Hán Vũ Đế (Phần 6): Hoạch định sách lược – Đại chiến Hung Nô

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhưng thắng lợi Mạc Bắc có ý nghĩa quan trọng đối với Hán triều. Sử Ký có ghi, đế quốc Hung Nô cường đại hung mãnh nhiều lần uy hiếp nhà Hán đã bị suy sụp, dân Hung Nô phải di dời về nơi xa vắng. Từ đây trong thời gian dài “Mạc Bắc vô vương đình” (Mạc Bắc không có vua), nghĩa là bất kể Thiền Vu hay các vương Hung nô khác, đều không dám kiến lập chính quyền ở Mạc Bắc.

Xem lại: Hán Vũ Đế (Phần 5): Trấn định biên cương, tấn công Hung Nô

Từ năm Nguyên Quang thứ 4 (năm 129 TCN) trở đi, Hán Vũ Đế bắt đầu triển khai giao tranh quân sự kịch liệt với Hung Nô ở các địa khu Long Thành, Nhạn Môn, Hà Nam, Mạc Nam. Trong đó, Vệ Thanh xuất thân thấp kém, nhưng dựa tài năng quân sự xuất chúng cùng phẩm đức liêm khiết cao thượng, lập nhiều công lao, làm quân Hung Nô điêu đứng, hiển dương uy lực Đại Hán, làm toàn quốc trên dưới đều phấn chấn.

Vệ Thanh do có công lao to lớn mà được bái tướng phong hầu, xứng đáng là đệ nhất danh tướng của Hán Vũ Đế. Lúc này, còn xuất hiện một ngôi sao sáng nữa, ông là cháu ngoại Vệ Thanh, tên là Hoắc Khứ Bệnh. Hai vị đại tướng dũng mãnh liên thủ, quân đội Đại Hán như hổ thêm cánh, rong ruổi sa mạc nhiều lần đánh bại Hung Nô. Hai vị phò tá Hán Vũ Đế, giải quyết được mối lo uy hiếp biên cương mấy chục năm, thành tựu lên sự nghiệp võ công hiển hách một đời của Hán Vũ Đế.

Hai lần xuất quân Định Tương

Từ khi Hán Vũ Đế lên ngôi đến nay, Hán, Hung đã bốn lần giao chiến, do Vệ Thanh có tài tác chiến mà bốn lần đều thắng, làm Hung Nô không dám xem thường triều đình nhà Hán. Tuy nhiên Thiền Vu Y Trĩ Gia không cam chịu thất bại, không lâu sau phái hơn vạn kỵ binh xâm phạm Đại Quận, sát hại Đô úy Châu Anh, cướp đi hơn nghìn người. Mùa Xuân năm Nguyên Sóc thứ 6 (năm 123 TCN), Hán Vũ Đế quyết định, giao cho Vệ Thanh - vị đại tướng vừa nhậm chức, suất lĩnh 6 vị tướng lĩnh là Công Tôn Ngao, Lý Quảng, và các tướng khác, dẫn hơn 10 vạn kỵ binh theo hướng Định Tương tiến đánh Hung Nô. Trận này đại thắng quay về, Hung Nô đại bại, tổn thất nặng nề, ổn định suốt một dải Định Tương.

File:Jiuquan-09.JPG
Tượng điêu khắc Hoắc Khứ Bệnh
(Sigismund von Dobschütz/Wikimedia Commons)

Mùa thu năm ấy, Vệ Thanh lại một lần nữa xuất binh hướng Định Tương, vượt qua dải Âm Sơn, truy sát hơn vạn quân Hung Nô. Trong hai trận Định Tương, quân Hán đã tiêu diệt 1 vạn 9 nghìn kỵ binh Hung Nô. Ở hai chiến dịch này, quân Hán đã thay đổi cách tổ chức quân đội, kiến lập các đội quân trước, sau, trái, phải, do Vệ Thanh thống nhất chỉ huy, đồng thời trực tiếp chỉ huy quân cung nỏ, từ đó nâng cao năng lực hiệp đồng tác chiến. Đây là lần tổ chức quân đội nghiêm mật nhất trong các trận chiến với Hung Nô của Hán Vũ Đế.

Có hai điểm nổi bật, trong trận thứ hai này, vị đại tướng 17 tuổi - Hoắc Khứ Bệnh, lần đầu tiên xung trận. Ông dẫn 8 trăm kỵ binh, truy kích vài trăm dặm, truy sát hơn hai nghìn quân Hung Nô, giết cha của Thiền Vu Y Trĩ Gia, bắt chú của Thiền Vu là La Cô cùng nhiều tướng quốc, quan lại cấp cao Hung Nô, an toàn rút về. Hán Vũ Đế đánh giá công lao to lớn, phong làm Quán Quân Hầu, ban thực ấp 2 nghìn 5 trăm hộ.

Hoắc Khứ Bệnh trải qua chiến đấu cũng giống như Vệ Thanh, lần đầu xuất trận cũng nhất chiến thành danh, lập chiến công hiển hách. Ông tính cách cương nghị, trí dũng song toàn, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, trẻ tuổi đã nhập cung hầu cận Hán Vũ Đế. Trong trận chiến Định Tương, Hán Vũ Đế nhận định Hoắc Khứ Bệnh là tướng tài hiếm thấy, do vậy đã đề bạt đặc cách làm Phiêu Kỵ Hiệu Úy cầm quân ra trận. Quả nhiên là hậu sinh khả úy, không phụ trông đợi, đã thành một chiến tướng uy danh sát cánh bên Vệ Thanh.

Phần trước chúng ta đã nói tới năm Kiến Nguyên thứ 3 (năm 138 TCN), Trương Khiên nhà Hán lần đầu đi sứ Tây Vực, mười mấy năm bặt vô âm tín. Lần này ông xuất hiện trong đội quân với vai trò dẫn đường. Bởi ông thông thuộc địa hình, rõ cỏ cây nguồn nước, làm quân Hán tiến sâu vào hoang mạc mà không bị đói khát. Vậy trong những năm đó đã phát sinh việc gì đối với ông? Nguyên là khi vừa tới hành lang Hà Tây, thì bị Hung Nô câu lưu 10 năm, sau đó lưu lạc tới tộc Đại Nguyệt, nếm trải gian khổ cùng cực mới trốn thoát về nước vào năm Nguyên Sóc thứ 3 (năm 126 TCN). Từ đó, ông rong ruổi lưng ngựa thảo phạt Hung Nô. Do công lao dẫn đường, cùng công lao đi sứ Tây Vực trước đây, nên sau trận chiến ông được phong Bác Vọng Hầu. Câu chuyện về ông, chúng ta sẽ kể chi tiết ở phần sau.

Hai lần Hán Vũ Đế xuất quân Định Tương đánh Hung Nô, thu nhiều thắng lợi, đồng thời làm quân chủ lực của Hung Nô phải rút về phía bắc sa mạc, tránh xa khỏi biên cương nhà Hán. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Hán Vũ Đế triển khai chiến dịch Hà Tây dành thắng lợi sau này.

Trận chiến Hà Tây

Hà Tây, cũng gọi “Hành lang Hà Tây”, do ở bờ tây Hoàng Hà mà có tên như vậy, thời Tây Hán là chỉ địa danh Vũ Uy, Trương Dịch, Tửu Tuyền của Cam Túc ngày nay, là con đường duy nhất nối nội địa với Tây vực, có vị trí chiến lược trọng yếu. Khi ấy, hành lang Hà Tây bị Hung Nô khống chế, uy hiếp sát sườn Hán triều. Để đả thông huyết mạch nối Tây Vực, tăng cường quan hệ với các nước Tây Vực đồng thời củng cố địa khu phía tây, Hán Vũ Đế cho triển khai chiến dịch Hà Tây, lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của mình.

File:China Han Dynasty 1.jpg
Cương vực đồ thời Hán Vũ Đế.
( Kallgan/Wikimedia Commons)

Năm Nguyên Thú thứ nhất (năm 122 TCN), một vạn quân Hung Nô ào ào kéo tới, tàn sát mấy trăm người ở Thượng Cốc. Mùa Xuân năm sau, Hán Vũ Đế tổ chức phản công, nhậm mệnh viên tướng mới 20 tuổi - Hoắc Khứ Bệnh, làm Phiêu Kỵ tướng quân, xuất chinh Hà Tây, truy tìm quân đội Hung Nô quyết chiến. Phiêu Kỵ tướng quân có cấp bậc ngang Đại tướng quân, chức vụ lớn như vậy kiến không ít đại thần kinh động. Vài vị tướng chinh chiến lâu năm cho rằng đem cánh quân cô độc như vậy tiến sâu đất địch là rất nguy hiểm, nhưng Hán Vũ Đế nhận định, để đối phó Hung Nô cần dùng kỳ tướng, xuất kỳ binh.

Hoắc Khứ Bệnh quả nhiên không phụ kỳ vọng của Hán Vũ Đế. Ông dẫn 1 vạn kỵ binh tinh nhuệ tới Lũng Tây (nay là Lâm Thao, Cam Túc ), vượt Yên Kỳ Sơn ( nay là Đại Hoàng Sơn, Sơn Đan, Cam Túc), tấn công Hung Nô ở hành lang Hà Tây. Ông dùng cách đánh đột kích, thọc sâu hơn nghìn dặm vào lãnh địa của Hưu Đồ Vương, Hung Nô, đại chiến 6 ngày. Tiếp đó kịch chiến với Hung Nô ở chân núi Cao Lan, đánh thắng liên tiếp, tiêu diệt gần 9 nghìn địch quân. Trảm sát Chiết Lan Vương, Lư Hầu Vương, bắt sống Vương tử Hồn Tà cùng nhiều tướng quốc, Đô úy làm tù binh, đến người bằng vàng mà Hưu Đồ Vương dùng tế Trời cũng bị Hoắc Khứ Bệnh thu làm chiến lợi phẩm mang về.

Chiến dịch này đã làm Hung Nô tổn thương trầm trọng. Hán Vũ Đế hết sức vui lòng. Để kỷ niệm trận này, ông mang người vàng đặt ở cung Cam Tuyền, đồng thời phong thưởng lớn cho Hoắc Khứ Bệnh. Hán Vũ Đế còn dự định xây một biệt phủ lớn cho vị dũng tướng trẻ tuổi này, nhưng Hoắc Khứ Bệnh cự tuyệt, ông nói: “Hung Nô vị diệt, hà dĩ gia vi?” (Hung Nô chưa diệt, sao có thể làm nhà như vậy?), Hoắc Khứ Bệnh thường ngày trầm mặc ít lời, nhưng câu nói này của ông chứa đựng tráng chí ngút trời, đã trở thành danh ngôn thể hiện lòng yêu nước lưu truyền thiên cổ.

Hán Vũ Đế còn dự định xây một biệt phủ lớn cho vị dũng tướng trẻ tuổi này, nhưng Hoắc Khứ Bệnh cự tuyệt. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Mùa hè năm đó, để đánh đuổi triệt để Hung Nô ra khỏi hành lang Hà Tây, Hán Vũ Đế đã dùng hai đạo quân tiến đánh. Hoắc Khứ Bệnh lại thống lĩnh quân chủ lực xuất kích, mở ra chiến trường phía Tây. Quân đội phía Đông sẽ phối hợp tác chiến với quân chủ lực, do Trương Khiên và Lý Quảng từ Hữu Bắc Bình chia đường xuất phát, tiến đánh Tả Hiền Vương. Kết quả chiến sự không thuận lợi, 4 nghìn quân tiên phong của Lý Quảng bị 4 vạn địch quân bao vây, tử thương quá nửa. Tuyến phía tây của Công Tôn Ngao thì bị chậm trễ.

Cũng may là còn đội kỵ binh của Hoắc Khứ Bệnh liên tiếp thắng trận. Ông dẫn quân từ Tây Bắc hướng sang Đông Nam xuất kích, thâm nhập chiến địa nghìn dặm, tấn công lãnh địa của Hưu Đồ Vương, Hồn Tà Vương. Dưới chân Kỳ Liên Sơn, Hoắc Khứ Bệnh triển khai quyết chiến với chủ lực Hung Nô, diệt hơn 3 vạn địch quân, bắt vương tướng Hung Nô làm tù binh, tất cả trên 70 người, Tướng quốc, Đô úy dẫn hơn 2 nghìn quân đầu hàng.

Sau đó, Hưu Đồ Vương không chịu đầu hàng, bị Hồn Tà Vương Hung Nô hạ sát, mang 4 vạn quân hàng Hán. Quân Hán giành thắng lợi quyết định. Đối với quân Hung Nô đầu hàng, Hán Vũ Đế cũng đối xử rất rộng lượng. Ông phong cho Hồn Tà Vương làm Vạn Hộ Hầu, đây là cấp cao nhất trong chức Hầu của nhà Hán, ngang hàng với Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, phong các tiểu vương khác làm Liệt Hầu, ban thưởng nhiều tài vật.

Thắng lợi Hà Tây lần này, làm các vị đại thần tâm phục khẩu phục, ca ngợi Hán Vũ Đế dùng người chính xác, có tâm kiên định trong việc dùng người. Vị tướng quân trẻ tuổi Hoắc Khứ Bệnh cùng Vệ Thanh đều được tôn vinh. Hung Nô bị hủy diệt ở chiến trường phía Tây, họ không những tổn thất ba phần mười binh lực, mà sĩ khí cũng rơi rụng sạch, sẽ khó hồi phục trong thời gian dài.

Mặt khác, sự thống trị của Hán triều nối dài sang địa khu Hà Tây, biên cương cũng mở rộng dọc hành lang Hà Tây và lưu vực sông Hoàng Thủy, nay là phía đông hồ Thanh Hải, đông bắc Kỳ Liên Sơn. Hán triều trước sau thiết lập 5 quận Tửu Tuyền, Vũ Uy, Trương Dịch, Đôn Hoàng, Kim Thành. Hán Vũ Đế còn thu xếp cho 4 vạn người Hung Nô đầu hàng về các quận, tôn trọng phong tục tập quán cùng chế độ xã hội của họ, để họ bảo trì tối đa tính độc lập, lịch sử gọi là “Ngũ thuộc quốc” (5 quốc gia phụ thuộc). Người Khương sống tập trung ở lưu vực Hoàng Thủy cũng bị đuổi dạt về địa khu Canh Tây, liên hệ giữa họ và Hung Nô bị cắt đứt. Cánh cửa lớn nối Trung Nguyên và Tây Vực được mở rộng, Hán Vũ Đế đã thực hiện được việc “Chặt tay phải của Hung Nô”, tạo đà cho việc tấn công Hung Nô trên quy mô lớn.

Trận chiến Mạc Bắc

Trận chiến Hà Tây và sự đầu hàng của Hồn Tà Vương làm Hung Nô suy yếu, không đủ sức để quấy nhiễu biên cương phía tây nhà Hán. Nhưng dù mất cánh tay phải, nhưng Vương tộc vẫn còn. Năm Nguyên Thú thứ 3 (năm 120 TCN), Hung Nô lại tập hợp mấy vạn binh mã, phát động công kích phía Đông, cướp người cùng tài vật. Hán Vũ Đế điều động quân đội từ tây về đông để đối phó chủ lực Hung Nô, đồng thời quyết tâm đánh một trận sống còn.


Chân dung bán thân Vệ Thanh, lấy từ "Chân dung các thánh hiền cổ đại" của Cố Nguyên Tập, vẽ năm Đạo Quang đời Thanh. (Miền công cộng )

Trải qua một năm chuẩn bị, Hán Vũ Đế phát động một cuộc viễn chinh quy mô lớn, có cự ly xa nhất, huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Hoa: chiến dịch Mạc Bắc. Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh đương nhiên là đại tướng thống lĩnh toàn quân, lão tướng Lý Quảng cũng trong trận này. Vệ Thanh dẫn quân nghênh chiến Tả Hiền Vương của Hung Nô, Hoắc Khứ Bệnh thẳng tiến tấn công Thiền Vu Hung Nô. Chiến dịch này, xuất mười vạn kỵ binh, mấy chục vạn bộ binh và quân vận chuyển. Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, mỗi vị dẫn 5 vạn kỵ binh tiến sâu vào sa mạc hoang vu, xa tới 2 nghìn dặm tận đến Lang Cư Tư Sơn (nay là vùng gần Ulanbato Mông Cổ). Có điều trái với dự định, đó là Vệ Thanh thì đánh Thiền Vu Hung Nô, Hoắc Khứ Bệnh đánh Tả Hiền Vương Hung Nô.

Nguyên là Hoắc Khứ Bệnh xuất phát từ Định Tương, qua thông tin của tù binh Hung Nô mà được biết Thiền Vu Y Trĩ Gia đã đi về phía đông, thế là Hán Vũ Đế lệnh Hoắc Khứ Bệnh xuất phát từ Đại Quận, Vệ Thanh xuất phát từ Định Tương, sẽ hội quân ở Mạc Bắc hợp công Thiền Vu. Vệ Thanh dẫn quân tiến nhanh vào sa mạc, triển khai kịch chiến với Thiền Vu. Vệ Thanh là vị tướng lão luyện cơ trí, đã dùng kế dụ địch, tiêu diệt 1 vạn 9 nghìn quân kỵ, Thiền Vu cùng vài trăm hộ vệ trốn thoát. Vệ Thanh cho kỵ binh tinh nhuệ đuổi theo hơn hai trăm dặm, nhưng Thiền Vu đã may mắn thoát thân.

Phía Hoắc Khứ Bệnh cũng tiến sâu 2 nghìn dặm vào sa mạc, tiêu diệt quân chủ lực của Tả Hiền Vương, bắt Hàn Vương, tướng quân, tướng quốc hơn 80 người làm tù binh. Sau đó cho xây đài cao ở ngọn núi lớn nhất Lang Cư Tư, khắc đá ghi công tích, đồng thời cử hành lễ duyệt binh lớn, thể hiện sự uy nghiêm của Hán triều. Đại chiến Mạc Bắc đã thắng lớn, nhưng quân Hán cũng tốn thất thảm trọng. Hơn vạn sĩ binh tử chiến sa trường, tôn thất hơn 10 vạn ngựa, danh tướng Lý Quảng do lạc đường không đến kịp chiến trường, ông không muốn bị xét xử nên đã tự sát. Ông cuối cùng đã không thực hiện được nguyện vọng được phong hầu của mình, để lại nỗi tiếc nuối như câu nói “Lý Quảng nan phong” (Lý Quảng khó phong hầu).

Nhưng thắng lợi Mạc Bắc có ý nghĩa quan trọng đối với Hán triều. Sử Ký có ghi, đế quốc Hung Nô cường đại hung mãnh nhiều lần uy hiếp nhà Hán đã bị suy sụp, dân Hung Nô phải di dời về nơi xa vắng. Từ đây trong thời gian dài “Mạc Bắc vô vương đình” (Mạc Bắc không có vua), nghĩa là bất kể Thiền Vu hay các vương Hung nô khác, đều không dám kiến lập chính quyền ở Mạc Bắc. Mối lo uy hiếp Hán triều trăm năm đã giải quyết, kết quả này sẽ không bao giờ có nếu không có một Hán Vũ Đế hùng tâm đại lược, can đảm thực thi.

Sau này, Hán Vũ Đế vẫn muốn tiếp tục đánh Hung Nô, tiếp tục chuẩn bị chiêu binh mãi mã. Đáng tiếc là, năm 117 TCN, danh tướng Hoắc Khứ Bệnh qua đời ở tuổi 24. Hán Vũ Đế hết sức đau buồn, truy tặng ông thụy hiệu Cảnh Hằng Hầu, còn điều động xe cộ binh giáp từ 5 quận vùng biên, xếp thành hàng dọc Trường An về đến đông Mậu Lăng, mộ của Hoắc Khứ Bệnh. Hán Vũ Đế còn lệnh cho thiết kế mộ hình Kỳ Liên Sơn, để hiển dương công tích đánh đuổi Hung Nô của Hoắc Khứ Bệnh.

Mười năm sau, Vệ Thanh cũng qua đời. Hán Vũ Đế cho kiến tạo mộ phần hình quả núi Âm Sơn phía đông bắc Mậu Lăng để mai táng Vệ Thanh. Sau này, Hán Vũ Đế cũng không tìm được tướng lĩnh nào kiệt xuất như họ, nên cũng không tiến hành chiến dịch tiến sâu đánh phá Hung Nô. Tuy nhiên, sau trận Mạc Bắc, đế quốc Hung Nô cũng đi vào suy tàn, còn Hán triều không những mở rộng biên cương mà quốc gia càng thêm thống nhất, trong ngoài Trường Thành chăn thả gia súc, bò dê đầy bãi, khôi phục lại cảnh tượng thái bình bị mất từ lâu.

Những lần đại chiến xuất chinh Hung Nô, không chỉ hai vị tướng tài Vệ, Hoắc cùng quân sĩ anh dũng sa trường, mà Hán Vũ Đế trấn định hậu phương, chỉ huy tiền tuyến có tác dụng không thể thay thế. Đầu tiên là Hán Vũ Đế anh minh nhìn ra người tài, có gan trọng dụng người mới. Hán Vũ Đế còn là nhà quân sự, nắm chắc thời cơ, chế định sách lược đều do ông tự quyết. Chính sử còn ghi, Hán Vũ Đế muốn trọng dụng Hoắc Khứ Bệnh nên muốn dạy ông binh pháp Tôn Tử, Ngô Khởi, Hoắc Khứ Bệnh trả lời: “Cố phương lược hà như nhĩ, bất chí học cổ binh pháp.” Có nghĩa là đánh trận cần chú trọng mưu lược, đâu cần câu nệ vào binh pháp cổ đại. Nhưng chính vì Hán Vũ Đế tinh thông binh pháp, nên mới nhìn ra nhân tài, đồng thời dạy dỗ vun đắp, đưa ra quyết sách chính xác vào thời khắc then chốt.

Tô Vũ chăn dê

Từ năm Nguyên Thú thứ 5 (năm 118 TCN) trở đi, Hán triều và Hung Nô đi vào giai đoạn ngừng chiến dàn hòa. Thiền Vu Y Trĩ Gia chủ động phái sứ giả đến đất Hán, thỉnh cầu hòa, nhưng có đại thần cho là nên làm Hung Nô triệt để thần phục Hán triều, phái sứ giả đi khuyên thuyết Thiền Vu. Thiền Vu nghe xong cả giận, bắt giữ sứ giả Hán triều, Hán triều cũng câu lưu sứ giả Hung Nô. Cũng phát sinh vài lần Hung Nô quấy nhiễu biên cương, nhưng không gây ảnh hưởng lớn, nhưng Hán Vũ Đế do Hoắc Khứ Bệnh qua đời, lại bận thu phục biên cương tây nam, nên không tiếp tục phát động chiến tranh với Hung Nô, do vậy biên cương lúc này tạm lắng.


Tranh vẽ "Tô Lý biệt ý đồ" của Chu Văn Củ thời Nam Đường - Ngũ Đại. (Miền công cộng )

Bốn năm sau, tân Thiền Vu Ô Duy lên ngôi, bắt đầu thương thảo hòa bình. Hán Vũ Đế yêu cầu Hung Nô xưng thần, Thiền Vu đại nộ nhưng không dám xuất binh, tiếp tục đưa sứ giả sang Hán duy trì quan hệ hòa hảo. Cứ vậy cương trì gần 20 năm, sứ giả hai bên qua lại liên tục, cũng thường xuất hiện tình huống câu lưu sứ giả của nhau. Đến cuối năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN), Thiền Vu Thư Đê Hầu lên ngôi, chủ động giao hảo với Hán triều, nói: “Thiên tử triều Hán (Hán Vũ Đế) là anh trai ta”. Đồng thời cho thả hết những sứ giả nhà Hán không đầu hàng trước đây đưa về nước. Quan hệ căng thẳng đã được giải hòa, Hán Vũ Đế cũng rất vui, năm Thiên Hán thứ nhất (năm 100 TCN), ông cũng đưa trả sứ giả Hung Nô để đáp tạ thiện ý của Thiền Vu, cùng lễ vật hậu hĩnh.

Hoạt động ngoại giao trao trả sứ giả lần này là lần cảm động nhất, Tô Vũ chăn dê 19 năm, giai thoại trung nghĩa kiên định lưu truyền thiên cổ là sự kiện phát sinh trong lần này.

Lần đi sứ đó, sứ đoàn triều Hán có 100 người, do Trung Lang Tướng Tô Vũ dẫn đầu, còn có phó sứ Trương Thắng, Thường Huệ. Nhiệm vụ hoàn thành, đáng lẽ Tô Vũ có thể về nước, nhưng nội bộ Hung Nô lại phát sinh mưu phản hành thích Thiền Vu. Phó sứ Trương Thắng cũng đứng đằng sau việc này, liên đới sang Tô Vũ. Tô Vũ định tự sát nhưng bị ngăn lại.

Thiền Vu nghe xong, chuẩn bị khuyên sứ đoàn đầu hàng, Tô Vũ trả lời: “Cúi đầu chịu nhục, có thể giữ mạng, nhưng mặt mũi nào mà quay về Hán!” - nói xong rút đao tự sát. Thực ra ông đã tắt thở rồi, nhưng được cứu sống. Thiền Vu rất khâm phục khí tiết Tô Vũ, sớm tối cho người thăm nom, càng muốn chiêu hàng Tô Vũ. Người đến khuyên hàng tên Vệ Luật. Trước tiên, trước mặt Tô Vũ, Vệ Luật ra tay giết chủ mưu, xong đưa kiếm uy hiếp nói: “Phó sứ có tội, trưởng quan cũng liên đới”.

Tô Vũ trơ trơ bất động, đồng thời vặn lý: “Tôi không tham dự kế hoạch, cũng không phải thân thuộc, dựa vào đâu mà nói liên đới?”

Vệ Luật thấy dọa không được, bèn dùng lợi dụ dỗ: “Tôi đầu hàng xong hưởng thụ bao vinh hoa phú quý, ông đầu hàng thì cũng sẽ như tôi, nếu không thì thân đó cũng chỉ làm phân bón nơi đồng vắng. Hôm nay ông đầu hàng, thì chúng ta kết thành huynh đệ, nếu không sau này muốn gặp tôi e là khó đấy!”

Tô Vũ liền lớn tiếng mắng Vệ Luật: “Ông là quan nhà Hán, không nhớ ân nghĩa, phản bội Thiên Tử cùng cha mẹ, là tù binh đầu hàng, ta xem rồi ông làm gì?”

Tô Vũ còn nói Vệ Luật làm vậy là khêu lên mâu thuẫn Hán Hung. Do khi xưa Nam Việt, Uyển Quốc giết sứ thần nhà Hán mà sau này bị nhà Hán tiêu diệt, hôm nay Tô Vũ do không đầu hàng mà bị giết, thì Hung Nô cũng khó thoát họa diệt vong. Vệ Luật thấy phú quý, uy vũ không khuất phục nổi Tô Vũ, đành phải về.

Thiền Vu bèn đày Tô Vũ đến Bắc Hải chăn dê, chăn toàn dê đực, còn hạ lệnh khi cả bầy dê sinh con mới cho về Hán. Thực ra là muốn ông chết già trên đất Hung Nô.

Sau đó Tô Vũ đến Bắc Hải, không có cái ăn, ông đào hang chuột lấy quả hạt. Mỗi ngày đều cầm gậy sứ tiết nhà Hán chăn dê, hầu như tay không rời gậy sứ tiết nhà Hán, lông gắn trên gậy rụng hết vẫn không bỏ gậy. Đến tận khi Hán Vũ Đế băng hà, Tô Vũ vẫn chưa được về Hán. Khi nghe tin Hán Vũ Đế băng hà, Tô Vũ sớm tối quay mặt hướng nam khóc chảy máu mắt, tế bái Hán Vũ Đế, cứ vậy kéo dài vài tháng. Tận đến năm 81 TCN, Tô Vũ mới về tới Trường An, tính từ khi đi sứ đã 19 năm trôi. Tô Vũ do thân tại Hung Nô nếm trải tận cùng ma nạn mà vẫn không phản bội nhà Hán, nên khi về nước ông lập tức trở thành đại thần đức cao vọng trọng, cả đời được người tôn kính.

Sau khi Tô Vũ bị câu lưu, quan hệ Hán Hung trở lên căng thẳng, Hán Vũ Đế trước sau phát động 4 lần chiến tranh, nhưng chiến sự không thuận lợi, Hung Nô nguyên khí cũng tổn thương trầm trọng nên không thể xâm phạm biên cương quy mô lớn, trọng trách chinh phục Hung Nô cũng giao lại cho Hoàng đế đời sau. Nhưng công tích chinh thảo Hung Nô của Hán Vũ Đế cùng hai vị tướng quân Vệ, Hoắc thì bất kể vị Hoàng đế nhà Hán nào cũng không thể sánh nổi, vĩnh viễn chói sáng trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Hán Vũ Đế (Phần 6): Hoạch định sách lược – Đại chiến Hung Nô