Hành trình miền Tây hoang dã: Tương lai nước Mỹ có thiên mệnh chủ đạo thế giới!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có thể nói rằng, không có miền viễn Tây, cũng không có nước Mỹ.

Texas luôn muốn gia nhập Hoa Kỳ sau khi độc lập khỏi Mexico vào năm 1836. Tuy nhiên, vấn đề tranh cãi liệu chế độ nô lệ có được thực hiện trên mảnh đất này hay không vẫn chưa được giải quyết trong một thời gian dài, nên sự chờ đợi này đã kéo dài 9 năm. Ngày 1 tháng 3 năm 1845, chỉ còn 3 ngày trước khi mãn nhiệm, vào phút cuối cùng ấy, Tổng thống John Tyler đã ký quyết định sáp nhập Texas vào Liên bang Hoa Kỳ.

Tiếp nạp Texas là điều mà nhiều tổng thống tiền nhiệm muốn làm nhưng không làm được, Tổng thống Tyler đã đi đường tắt và tránh một cuộc bỏ phiếu chính thức tại Thượng nghị viện, sự kiện trọng đại dường như không thể này đã được thực hiện dưới hình thức nghị quyết.

Nước Anh và Pháp nghe nói rằng lần này Texas sẽ “chơi” thật, nên hai cường quốc này đứng ngồi không yên. Họ muốn thuyết phục Mexico công nhận sự độc lập của Texas để thay đổi tình thế, nhằm ngăn cản Texas gia nhập Hoa Kỳ. Nhưng lúc này, tân Tổng thống James Knox Polk vừa bước vào Nhà Trắng, trong thời gian vận động bầu cử, ông đã đưa ra hai lời hứa là biến Texas và Oregon trở thành một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ, nay đại sự vừa được giải quyết ổn thỏa, thì liệu ông có nghe lọt tai những lời nói càn của những kẻ ngoại quốc kia không?

Vào thời điểm đó, ý kiến dòng chủ lưu ở Hoa Kỳ ủng hộ việc Hoa Kỳ không ngừng mở rộng về phía Tây, và tin rằng Thượng đế đã an bài Hoa Kỳ trở thành một quốc gia xuyên lục địa Bắc Mỹ, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Polk và các tổng thống tiền nhiệm cũng hưởng ứng chủ trương này.

Có thể nói rằng Thiên ý ở phía sau dân ý. Vào thời điểm đó, một nhà báo người Mỹ tên là John O'Sullivan, khi mô tả việc Texas gia nhập Liên bang vào năm 1845, ông đã sử dụng một từ gọi là Manifest Destiny (Sứ mệnh hiển nhiên), nói một cách minh xác rằng Thần đã bảo cho chúng ta biết rõ phải làm như thế nào, nên chúng ta cứ thế mà Tây tiến và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng không gì có thể cản được. Đây là một mô tả cực kỳ sinh động về ý kiến chủ lưu lúc bấy giờ, nó cũng là nền tảng triết học của cuộc viễn chinh miền Tây trong suốt thế kỷ 19. Có lẽ lúc đó anh chàng phóng viên chỉ cao hứng quẹt bút một cái, ngẫu nhiên viết một câu, nhưng không ngờ sau này lại gây được tiếng vang lớn như vậy. Nhiều chính trị gia đã trích dẫn ý tứ Sứ mệnh hiển nhiên này trước công chúng để bày tỏ mong muốn và khát khao về vùng đất rộng lớn phía Tây đầy tiềm năng này.

Cảm giác tuyệt vời về việc hoàn thành sứ mệnh trọng đại mà người ta nghĩ rằng mình đã hiểu được ý muốn của Thượng đế và quyết tâm hoàn thành nó, thực sự xuất phát từ những người Thanh giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ. Họ tin rằng họ đã có một thệ ước với Thượng đế, và họ là những sứ giả được Thượng đế chọn để dẫn dắt Tân Thế giới.

Đây không phải là tâm thái kiêu ngạo, những người Thanh giáo đã gần như tuyệt vọng trước môi trường tự nhiên khắc nghiệt, khi mà những tia hy vọng cuối cùng cũng tắt ngúm như tro tàn, con người sức cùng lực kiệt, họ đã lựa chọn giao phó bản thân cho các vị Thần, việc con người đã làm hết rồi, chỉ còn cách nghe theo Thiên mệnh. Liệu họ có thể nói rằng mình tuyệt vọng quá nên bỏ cuộc, nhưng quay lại Anh để sống cũng là điều không thể! Ngay cả thực phẩm cũng không có ăn, liệu có thể ngồi đó cầu nguyện suốt ngày được không? Ai nấy gần như chết cóng. Nhưng vào giây phút quyết định ấy, tổ tiên người Mỹ đã đứng ra cưu mang và nói với họ một cách đầy trách nhiệm: Vâng!

bẩu cử tổng thống Mỹ 2020
Mayflower trên biển (Ảnh: Thư viện Newberry)

Những người Thanh giáo ở Mỹ có thể sống sót một cách thần kỳ dựa trên cơ sở nào? Đó là nhờ tính kỷ luật và niềm tin vững chắc vào tín ngưỡng, Điều lệ Mayflower Compact nổi tiếng là một bức tranh miêu tả chân thực về tinh thần kỷ luật ấy, là sự đồng thuận tuân theo tất cả các luật lệ được tạo ra vì lợi ích của thuộc địa. Nó được viết và ký kết bởi 41 hành khách nam trong số 101 hành khách trên con tàu Mayflower, bao gồm những người Thanh giáo ly khai, những nhà thám hiểm và những người buôn bán khác. Có thể thấy rằng, chỉ một người tự kỷ luật mới có thể tự quản bản thân và tôn trọng người khác trong khi tận hưởng tự do cá nhân; chỉ những người như vậy mới không cần đến sự cai trị của Quốc vương và quý tộc. Những người Thanh giáo đầu tiên tin rằng họ đã thực hiện thành công một mô hình quốc gia hoàn toàn mới, tự quản tự trị và bình đẳng cho tất cả mọi người, điều này thực sự có một không hai trên thế giới lúc bấy giờ. Do đó, một cách hết sức tự nhiên, họ nghĩ rằng Thượng đế cũng hy vọng những người khác trên thế giới có thể tận hưởng tự do cá nhân dựa trên kỷ luật tự giác.

Vì vậy mà người Mỹ đã đi trước một bước, cho rằng họ có trách nhiệm tác động đến những quốc gia chưa nhận thức ra quan điểm đột phá này. Và để hoàn thành nhiệm vụ vĩ đại đầy gian khổ đó, chỉ có một cách duy nhất là mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ, nơi toát ra khí chất tự do hào hùng, là nguồn gốc của Sứ mệnh hiển nhiên.

Sự kiện Louisiana - mở đầu quá trình Tây tiến trong thế kỷ 19

Với vị trí trung tâm giữa hai miền Đông và Tây nước Mỹ, Louisiana không chỉ là một vùng đắc địa về kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn về chính trị và quân sự.

Sự chiếm đóng của Pháp ở đây rõ ràng đe dọa nghiêm trọng đến độc lập và hòa bình của Mỹ. Với việc lấy lại lãnh thổ Louisiana, Napoleon muốn thâu tóm các thuộc địa của Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Tây bang Florida. Với việc chiếm lĩnh phần lục địa với hơn 400 dặm bờ biển, Pháp có thể thiết lập các căn cứ quân sự kiểm soát vịnh Caribe, vịnh Mexico, kiểm soát thung lũng Mississippi nhằm biến Mỹ trở thành một vệ tinh khác giống Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức và Ý. Như vậy, quyền lực của Napoleon mở rộng không chỉ ở châu Âu mà còn ra cả Bắc Mỹ.

Do vậy, vào ngày 15 tháng 04 năm 1803, một cuộc thương thuyết mua Louisiana đã diễn ra giữa Robert Livingston, James Monroe, và Barbé Marbois tại Paris. Ngày 2 tháng 5 năm 1803, tại văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Marbois, hiệp ước về vấn đề Louisiana đã được ký kết giữa Pháp và Mỹ. Tính từ thời điểm này, Louisiana chính thức thuộc sở hữu của Mỹ với giá khoảng 15 triệu đô la.

Tổng thống Thomas Jefferson thông báo hiệp ước này với nhân dân Mỹ vào ngày 4 tháng 7. Và Livingston đã phát biểu một câu nổi tiếng rằng “Chúng ta đã sống lâu rồi nhưng đây là một công việc cao quý nhất trong suốt cuộc đời của chúng ta… Hoa Kỳ ngày nay đứng hạng trong số các cường quốc đầu tiên trên thế giới”.

Các kế hoạch đã được đưa ra cho một sứ mệnh thám hiểm và vẽ bản đồ lãnh thổ này. Khi đó, Tổng thống Jefferson luôn muốn lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm quy mô lớn về phía Tây, ngoài việc khám phá địa hình, thực vật, khí hậu, phong tục tập quán của thổ dân, điều quan trọng hơn là ông muốn tìm đường đến Thái Bình Dương. Trong bối cảnh không có GPS và thông tin liên lạc điện tử, việc khám phá miền viễn Tây hoàn toàn bằng cách đi bộ khó khăn không kém gì việc đáp xuống sao Hỏa ngày nay. Hai người đàn ông dũng cảm đã tình nguyện hoàn thành chuyến thám hiểm lịch sử này là Lewis và Clark. Đoàn thám hiểm chỉ vỏn vẹn 45 người với hai chiếc thuyền được đóng tạm thời để vận chuyển.

bầu cử mỹ
Thomas Jefferson (ảnh: bức tranh của họa sĩ người Mỹ Rembrandt Peale năm 1800)

Tổng thống Jefferson biết rằng chuyến thám hiểm của họ rất khó khăn và khả năng sống sót trở về là rất thấp, nhưng ông vẫn hoàn toàn ủng hộ Lewis và Clark, bởi vì Tổng thống Jefferson tin vào Sứ mệnh hiển nhiên và Thượng đế chắc chắn sẽ bảo hộ cho nước Mỹ. Đoàn thám hiểm thường xuyên gặp phải các bộ tộc da đỏ tấn công trên đường đi nên không dám dừng lại một chỗ quá lâu, ngay cả khi gặp thiên tai khó khăn cản trở cũng không dám trì hoãn.

Thật may mắn, trong cuộc hành trình, đoàn thám hiểm đã tuyển chọn được một nhân vật chủ chốt là George Drouillard, ông ấy là người lai Pháp và người Anh-điêng, nói được nhiều thứ tiếng, là một phiên dịch viên quan trọng trong suốt hành trình và là một tay súng cừ khôi. Sự gia nhập của George Drouillard đã giúp ích rất nhiều cho đoàn thám hiểm.

Vào tháng 5 năm 1804, đoàn thám hiểm đi qua La Charrette, khu định cư da trắng cuối cùng trên sông Missouri. Từ đó, đi xa dần về phía Tây, càng đi càng cách biệt với thế giới văn minh, chỉ có những dòng sông lớn với những cơn sóng nhấp nhô, rừng rậm đầy rắn độc cùng thú hoang, và một dải cao nguyên dài vô tận. Vì các nơi hầu như không có người sinh sống nên thậm chí có những lúc mà đoàn thám hiểm không thể đảm bảo được lương thực. Tuy nhiên, trong vô vàn khó khăn, họ vẫn kiên trì viết nhật ký mỗi ngày, những cuốn nhật ký này chứa đầy những trải nghiệm ly kỳ, mới mẻ và trở thành tài liệu quý giá để người Mỹ hiểu về địa lý và nhân văn của miền Tây hoang dã.

Ngày 20 tháng 8 năm 1804, một thành viên trong đoàn thám hiểm không may qua đời vì chứng viêm ruột thừa cấp không thể cứu chữa, ấy là Trung sĩ Charles Floyd, ông được chôn cất tại Dốc đứng Floyd gần vùng đất bây giờ là Sioux City, Iowa. Tuy nhiên điều này không khiến đoàn thám hiểm nản lòng, những người còn lại vẫn tiếp tục cuộc hành trình về miền viễn Tây.

Vào ngày 7 tháng 11 năm 1805, sau một hành trình dài kéo dài một năm rưỡi, đoàn thám hiểm cuối cùng đã nhìn thấy Thái Bình Dương, mọi người đều rất xúc động và hào hứng! William Clark có viết trong nhật ký của mình, “Ocian [sic] in view! O! The Joy!” (Đại dương trong tầm mắt! Ôi! thật vui mừng!). Trong nhật ký cũng có ghi chép về “Mũi Thất vọng nằm ở Cửa Sông Columbia trong Đại Nam Hải hay Thái Bình Dương”.

Khoảng 10 ngày sau, đoàn thám hiểm đến cửa sông Columbia trên bờ biển Thái Bình Dương, là phía Tây Bắc của Portland, Oregon ngày nay. Vào thời gian này, đoàn thám hiểm đối diện với mùa đông lạnh giá thứ nhì trong suốt chuyến đi, nên đã dành một tháng cắm trại bên bờ sông phía Nam (ngày nay là Astoria, Oregon), đồng thời xây dựng một pháo đài là Đồn Clatsop như là nơi tránh đông của họ. Trong lúc trú đông tại đồn, đoàn chuẩn bị cho chuyến trở về bằng cách đun sôi nước biển để lấy muối, săn nai sừng tấm và các thú hoang, tiếp xúc với các bộ lạc da đỏ bản địa lân cận. Mùa đông năm 1805-1806, mưa rất nhiều và đoàn người đã vô cùng khổ sở để tìm thức ăn thích hợp, lúc bấy giờ cũng không có nhiều cá hồi Thái Bình Dương vì loài cá này chỉ trở về các con sông để sinh sản vào những tháng hè. Có thể nói, đây là trạm kiểm soát đầu tiên của Hoa Kỳ trên bờ biển Thái Bình Dương, một thắng cảnh ở miền Tây Hoa Kỳ, và là thành tích cao nhất của Cuộc thám hiểm Lewis và Clark.

Từ đó, miền viễn Tây đã trở thành khu vực hoạt động rộng lớn của việc buôn bán lông thú mà vốn dĩ có giá trị hơn nhiều so với da thú, mở ra mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và người da đỏ. Nó cũng giống như những ngày đầu tiên trong cuộc thám hiểm của người Pháp ở thung lũng Mississippi, lái buôn là người mở đường cho dân định cư vượt qua sông Mississippi. Những thợ bẫy thú lấy da, là người Pháp và người Scotland-Ireland, khi khảo sát những con sông lớn và các nhánh sông đã phát hiện ra những đoạn đèo trên các dãy núi Rocky và Sierra, từ đó dẫn tới việc di dân bằng đường bộ vào thập niên 1840 và sau đó, mở ra khả năng khai khẩn vùng nội địa nước Mỹ.

Kết quả là Lewis và Clark đã trở nên nổi tiếng và họ đã trở thành đề tài bất hủ trong những cuộc nói chuyện phổ biến sau bữa tối hoặc lúc rảnh rỗi bên những tách trà.

Hoa Kỳ có nguồn gốc từ 13 thuộc địa ở phía Đông, nhưng thật sự đại biểu cho tinh thần nước Mỹ lại là nền văn hóa miền viễn Tây. Ngày ấy, một thế giới chưa được đặt tên và đầy bí ẩn như miền Tây hoang dã đã mang lại cho những nhà thám hiểm lòng dũng cảm, sự nhiệt tâm và cơ hội tạo ra của cải giàu có; nó đã hình thành nên tinh thần tiên phong của người Mỹ là không bao giờ bỏ cuộc và khả năng sinh tồn trong nghịch cảnh. Có thể nói rằng, không có miền viễn Tây, cũng không có nước Mỹ.

Cao Nguyên

Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Hành trình miền Tây hoang dã: Tương lai nước Mỹ có thiên mệnh chủ đạo thế giới!