Hành xử của quân tử xưa khiến người ta phải suy nghĩ sâu sắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Thái sử công Tư Mã Thiên đã nói rằng: “Con người ai cũng phải chết, có cái chết nặng như Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng, đó là do sự truy cầu khác nhau vậy”.

Người quân tử xưa cho rằng, ở thời khắc then chốt trước sự lựa chọn sinh tử, chỉ cần hành vi của mình phù hợp với truy cầu đạo đức, dẫu có chết vì một việc cỏn con, thì cũng sẵn sàng xả thân để được nghĩa, không hề do dự. Trong lịch sử xưa đã có rất nhiều người như vậy.

Điền Ti không nghe theo nghịch thần

Những năm cuối thời Xuân Thu, đại phu nước Tấn là Triệu Giản Tử có một gia thần là Phật Hật. Khi làm quan Huyện tể huyện Trung Mâu thì Phật Hật đã dấy binh nổi loạn. Ông ta lấy một cái đỉnh lớn chứa nước và đặt giữa sân, rồi chất củi đun, sau đó nói với các vị sĩ đại phu rằng: “Người nào theo ta thì có thể được phong đất, không theo ta thì ta sẽ luộc chết”.

Các đại phu đều bất đắc dĩ phải theo ông ta.

Đến lượt Điền Ti, ông nói: “Theo đạo nghĩa mà phải chết, thì không né tránh sự trừng phạt của búa rìu. Theo đạo nghĩa mà không được vinh hoa phú quý, thì không chấp nhận quan cao hậu lộc. Trái đạo nghĩa mà sống, trái nhân đức mà phát tài, chi bằng cam chịu bị ném vạc dầu”.

Nói rồi, ông vén vạt áo lên bước tới trước cái đỉnh để nhảy vào trong, Phật Hật vội vàng thả ông ra.

Triệu Giản Tử sau khi biết chuyện Trung Mâu nổi loạn, liền xuất binh dẹp yên phản loạn. Khi nghe kể về việc Điền Ti không muốn nghe theo nghịch thần, Triệu Giản Tử tìm Điền Ti và muốn trọng thưởng cho ông, nhưng Điền Ti nói: “Nhất định không được, một người được làm cho nổi bật lên, mà khiến hàng nghìn hàng vạn người khác không ngẩng đầu lên được, thì người sáng suốt sẽ không làm việc đó. Thưởng một người mà khiến hàng ngàn hàng vạn người cảm thấy hổ thẹn, thì người nhân nghĩa không chọn biện pháp đó. Nếu hạ thần nhận ban thưởng, thì sẽ khiến người Trung Mâu cảm thấy xấu hổ muốn chui xuống đất trốn tránh, đó không phải là nhân nghĩa”.

Không chỉ từ chối ban thưởng, ông còn muốn chuyển nhà đi nơi khác. Ông nói: “Vì đức hạnh của mình mà khiến mình trên người khác, đó là vô đạo đức, ta phải rời khỏi nơi này”.

Thế là ông chuyển nhà đến nước Sở ở phương Nam định cư.

Không chỉ từ chối ban thưởng, ông còn muốn chuyển nhà đi nơi khác. (Tranh: visiontimes)

Dịch Giáp không theo Bạch Công

Thời Xuân Thu, Thái tử của Sở Bình Vương tên là Kiến, vì bị nịnh thần là Phí Vô Cực vu cáo hãm hại, nên buộc phải chạy trốn đến nước khác, và sau này bị giết chết ở nước Trịnh. Thái tử Kiến có người con trai tên là Thắng, cũng chạy trốn đến nước khác. Sau khi Sở Huệ Vương lên ngôi, quan Lệnh doãn Tử Tây đã đưa Thắng trở về, và cho Thắng quản lý đất Bạch, vì vậy được gọi là Bạch Công.

Bạch Công Thắng đối với việc nước Sở đã ép cha con ông phải chạy trốn ra nước ngoài thì ôm hận trong lòng, muốn giết Huệ Vương và Tử Tây, nên muốn Dịch Giáp, người có thực lực khi đó, làm người trợ giúp mình. Bạch Công bày trận thế cho Dịch Giáp xem, và nói: “Nếu ông giúp ta thì sẽ được quan cao lộc hậu, nếu ông không hợp tác với ta, thế thì những người này sẽ giết ông”.

Dịch Giáp cười và nói: “Chúng ta đã từng đàm luận thế nào là nghĩa, ngài quên rồi sao? Dẫu có thể lập tức có được thiên hạ mà không hợp với đạo nghĩa, thì tôi cũng không cần. Dùng binh lực để đe dọa ép buộc tôi, nếu không hợp với đạo nghĩa, tôi cũng quyết không phục tùng. Hiện nay ngài muốn giết quân chủ của ngài, lại muốn tôi giúp ngài, đó không phải đạo nghĩa mà tôi truy cầu. Cho dù ngài dùng lợi ích dụ dỗ tôi, dùng vũ lực uy hiếp tôi, thì tôi vẫn quyết không làm. Ngài khoe uy phong của ngài, còn tôi cũng muốn tỏ rõ đạo nghĩa mà tôi truy cầu. Dùng vũ khí để chống cự ngài, đó là đọ sức. Dùng lời nói để đáp trả ngài, đó là dung tục. Tôi nghe nói, kẻ sĩ vì nghĩa quyết không tương tranh, cũng quyết không tham sống sợ chết, mà là chắp tay đứng chờ người ta đến giết mà mặt không đổi sắc”.

Nói rồi, Dịch Giáp chắp hai tay, đứng ở đó chờ đợi đao kiếm, ung dung bình thản, mặt không đổi sắc.

Yến tử không sợ chết, mắng Thôi Trữ

Năm 548 TCN, Đại phu nước Tề là Thôi Trữ vì Tề Trang Công vụng trộm với vợ mình, nên đã liên kết với đại thần Khánh Phong giết chết Trang Công, và lập Cảnh Công. Sau đó, Thôi Trữ lệnh cho sĩ đại phu đến Thái miếu dự minh thệ. Tất cả mọi người đều phải tháo kiếm ra mới được bước vào. Người nào mà khi minh thệ không nói lớn, không dùng tay lấy máu hiến tế, thì đều bị chém đầu. Có 7 người đã bị giết.

Đến lượt đại phu Yến Tử. Yến Tử nâng chiếc chén đựng máu, ngửa mặt than rằng: “Than ôi, Thôi Trữ làm việc đại nghịch vô đạo, đã giết chết quân chủ của mình. Những người không theo vương thất mà theo bọn Thôi, Khánh, thì sẽ bị báo ứng”.

Những người tham gia minh thệ đều nhìn Yến Tử chằm chằm.

Thôi Trữ nói với Yến Tử rằng: “Nếu ngươi thay đổi lời nói của mình thì ta và ngươi cùng nhau cai trị quốc gia này. Nếu ngươi không thay đổi, thì ta sẽ giết chết ngươi, kiếm sẽ đâm chết ngươi, kích sẽ móc chết ngươi, hy vọng ngươi hãy cân nhắc kỹ”.

Yến Tử trả lời rằng: “Ta nghe nói, kẻ mê hoặc bởi lợi ích mà phản bội quân chủ, thì đó là kẻ bất nhân. Kẻ bị gươm đao uy hiếp mà đánh mất mỹ đức, thì đó là kẻ vô dũng. Kinh Thi nói: Người quân tử bình dị, không dùng phương thức không chính đáng để mưu cầu phúc lộc. Giờ đây, ta sao có thể thu hồi lại những lời nói của mình để mưu cầu phúc lộc được? Tùy ngươi kiếm đâm, kích móc, ta cũng vẫn không thay lòng đổi dạ”.

Thôi Trữ muốn giết Yến Tử, nhưng bị thuộc hạ ngăn lại. Thôi Trữ bèn thả Yến Tử ra. Yến Tử sau khi ra khỏi Thái miếu, bước lên xe ngựa. Người đánh xe của ông muốn đánh xe nhanh chóng chạy khỏi nơi này, Yên Tử vỗ nhẹ lên tay anh ta và nói: “Hổ báo sống trong núi sâu rừng rậm, tính mệnh của chúng được quyết định ở trong bếp. Chạy nhanh chưa chắc đã sống thêm được mấy ngày, đi chậm chưa chắc đã chết sớm mấy ngày”.

Thế là họ đánh xe với tốc độ bình thường rời đi.

Người em thứ hai của Thái sử cũng viết như thế, Thôi Trữ lại giết tiếp. (Trang Winnie Wang - Secretchina)

Sau khi Thôi Trữ giết chết Trang Công, Thái sử nước Tề viết ghi chép vào sử sách rằng: “Thôi Trữ giết Trang Công”.

Thôi Trữ rất tức giận, yêu cầu Thái sử sửa. Thái sử không sửa, Thôi Trữ liền giết chết ông ta. Người em trai lớn của Thái sử tiếp tục viết: “Thôi Trữ giết Trang Công”.

Thôi Trữ lại giết người em lớn của Thái sử. Người em thứ hai của Thái sử cũng viết như thế, Thôi Trữ lại giết tiếp. Người em thứ 3 của Thái sử thay anh tiếp tục công việc, vẫn viết như thế. Thôi Trữ bất lực, đàng phải bỏ qua cho người em thứ 3.

Lúc này, một người trong dòng tộc của Thái sử, thị tộc Nam sử, cho rằng, cả nhà Thái sử đã bị giết chết rồi, bèn đem theo thẻ tre đến để viết tiếp mấy chữ “Thôi Trữ giết Trang Công”, đến nơi thấy đã có ghi chép đúng sự thực như thế rồi, bèn rời đi.

(Tài liệu tham khảo: Tân Tự của Lưu Hướng, đời Hán; Tả Truyện)

Trung Hòa
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Hành xử của quân tử xưa khiến người ta phải suy nghĩ sâu sắc