Hậu cung ngàn mỹ nữ, nhưng hoàng đế lại vì nàng mà đào hầm đến thăm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vẻ đẹp của nàng khiến hoa ghen thua thắm, khiến trăng lặn mây mờ, khiến ngay cả bậc văn nhân trứ danh thời Bắc Tống là Yến Cơ Đạo cũng phải thốt lên rằng: “Ngắm hoa khắp Dĩnh Xuyên, không đẹp bằng Sư Sư”. Nàng tên là Lý Sư Sư.

Lý Sư Sư là một mỹ nhân có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nhưng cuộc đời dâu bể, nàng từ nhỏ đã phải lưu lạc giữa trần ai, nhưng cát bụi hồng trần vẫn không thể xóa nhòa phong thái yêu kiều của người con gái tài sắc vẹn toàn ấy. Các bậc phong lưu tài tử và rất nhiều danh sĩ Tống triều đều lũ lượt theo đuổi nàng, ngưỡng mộ nàng, vì nàng mà ngâm thơ, họa bút. Thậm chí, ngay cả Hoàng đế Tống Huy Tông cũng không khỏi ngưỡng mộ trước tài sắc của nàng, nhiều lần bí mật ngồi kiệu nhỏ đến thăm.

Tuổi thơ lưu lạc

Tương truyền, mẹ nàng sớm từ trần không lâu sau khi Lý Sư Sư chào đời, cha nàng là một người thợ nhuộm tên là Vương Dần phải sống cảnh gà trống nuôi con. Và điều khiến Vương Dần trăn trở nhất chính là cô con gái nhỏ từ khi chào đời đến nay luôn không khóc không cười, ai hỏi han hay trêu đùa thì cô bé vẫn không đáp lại. Vương Dần vô cùng sầu não, ông đã tìm đến rất nhiều danh y nhưng đều không có kết quả.

Một ngày nhân gặp hội chùa, Vương Dần đưa con gái đến dâng hương bái Phật. Nhưng không rõ vì lý do gì, cô bé vừa vào chùa liền bắt đầu kêu khóc, người xung quanh xua tay khó chịu còn Vương Dần thì mừng vui khôn xiết. Bỗng một lão hòa thượng đi qua, thấy bé gái quấy khóc thì trách rằng: “Đây không phải là nơi con nên đến, con mau mau về nghỉ ngơi, chớ nên ở lại đây thêm nữa”.

Nghe nhà sư già nói, Vương Dần liền vội vàng ôm con gái ra khỏi cổng chùa. Vừa về đến nhà đứa bé liền ngừng khóc, hơn nữa còn mỉm cười rất tươi với cha. Từ đó, cô bé cũng có đầy đủ cung bậc cảm xúc hỉ nộ ai lạc… giống như mọi người. Cứ tưởng rằng “khổ tận cam lai”, từ nay sẽ là những ngày tươi sáng, nhưng Vương Dần không may vướng vào kiện tụng, cuối cùng bỏ mạng trong nhà giam. Bé gái mới ba, bốn tuổi bơ vơ không nơi nương tựa, bị dòng đời đẩy đưa đến nhà họ Lý làm con hát. Người con gái có vận mệnh ngang trái này chính là Lý Sư Sư - một bậc kỳ nữ mà sau này cả sắc đẹp lẫn tài hoa của nàng đã chấn động khắp kinh thành.

Xiêu lòng hoàng đế

Rất nhiều bậc tao nhân mặc khách đã dành bút mực tài hoa cả đời mình để viết về Lý Sư Sư, miêu tả nàng như một nàng tiên giáng thế. Nếu như dung mạo là thiên bẩm, thì tài hoa lại là thành quả của những tháng ngày khắc khổ dụng công. Nàng không chỉ giỏi ca hát nhảy múa, nổi tiếng phong nhã dịu dàng, mà còn có tài văn chương thi phú. Không ít danh sĩ từng đến gặp nàng để cùng đàm luận văn chương và trao đổi thi từ, trong đó có Chu Bang Ngạn và Tiều Xung Chi.

Nhưng cho dù có phong tư tuyệt sắc và tài năng tuyệt đỉnh đến đâu, thì Lý Sư Sư vẫn chỉ là một kỳ nữ chìm nổi trong bất tận phong trần. Sắc và tài chẳng thể đưa nàng lên mây xanh, cuối cùng vẫn chỉ là một hình tượng mà các bậc văn nhân ngước nhìn hoài vọng mà thôi. Bao nhiêu tao nhân muốn kết giao với nàng chỉ vì muốn trở thành người thành công trong mắt kẻ khác. Bao nhiêu mặc khách cung kính dưới chân nàng chỉ vì chạy theo xu thế thời thượng lúc bấy giờ: kỹ nữ - văn nhân. Nhưng Hoàng đế Tống Huy Tông thì khác, ngài ái mộ sắc đẹp nhưng cũng trân trọng tài năng thực lực của nàng. Hoàng đế nghe nói rằng thế gian lại có một báu vật mỹ hảo như thế như thế, trong lòng không khỏi hiếu kỳ, bèn lấy thân phận đế vương để ra ngoài ngao du vãn cảnh, mượn cớ đến thăm nàng.

Một cái cau mặt, một cái nhíu mày của Lý Sư Sư cũng có thể khiến quân vương mê đắm trong vẻ sắc nước hương trời. Trong cung không thiếu giai nhân mỹ nữ, nhưng hoàng đế lại vì nàng mà cam tâm tình nguyện làm tất cả. Theo ghi chép trong “Lý Sư Sư ngoại truyện” thời Nam Tống, Hoàng đế Huy Tông vì để tiện đường lai vãng đã ra lệnh đào một đường hầm trong hoàng cung dẫn thẳng đến nhà của Lý Sư Sư.

Lý Sư Sư và Tống Huy Tông. (Tổng hợp)

Hồng nhan bạc mệnh

Phải chăng vị cao tăng năm xưa đã nhìn thấu vận mệnh của Lý Sư Sư, ông biết nàng sẽ là một cô gái phong trần nên mới đuổi ra khỏi Phật môn Thánh địa. Nhưng “tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh”, bậc kỳ nữ Tống triều cuối cùng đành cam chịu trước số phận hẩm hiu. Sau này khi hai nước Tống - Kim khai chiến, Lý Sư Sư đem tiền bạc sung vào quân lương, còn bản thân thì xuất gia vào Từ Vân quán. Cũng có thuyết cho rằng sau khi Bắc Tống diệt vong, Lý Sư Sư lưu lạc đến khu vực Giang Tô, Chiết Giang, hoặc Lâm An, sau đó không còn ai nghe nói về nàng nữa.

Lại có một giai thoại trong “Lý Sư Sư ngoại truyện” kể rằng, sau khi quân Kim phá thành Biện Kinh, Lý Sư Sư bị bắt đưa về doanh trại Kim. Nàng khảng khái nói rằng: “Ta chỉ là một kỹ nữ hèn kém, nhưng đã chịu ơn vua yêu mến thì thà chết chứ không đổi lòng. Còn các người chức cao lộc hậu, triều đình nào có phụ bạc mà các người lại tìm cách chém giết muôn dân, huỷ hoại tông miếu?”, dứt lời nàng toan rút cây trâm trên đầu tự vẫn.

Có người cảm phục trước tiết tháo lẫm liệt lúc cuối đời của nàng đã thốt lên: “Sư Sư quả không thể coi là kẻ phàm tục được!”.

Hoàng Đình Giám đời Thanh trong “Lâm Lang bí thất Tùng thư” cũng ca ngợi chuyện Lý Sư Sư tuẫn tiết vì nước: Sư Sư không chỉ nổi tiếng tài sắc một thời, mà xem tiết tháo quyên sinh khảng khái lúc sau cùng, chẳng khác bậc trượng phu lẫm liệt. Chỉ bất hạnh là phải hãm thâm vào chốn ti tiện, chẳng được vào nơi màn trướng quân cơ, để tranh nêu tên tuổi ở sử xanh.

Trong “Biện Kinh ký sự thi” thời Tống, Lưu Tử Huy từng viết về nàng:

Liễn cốc phồn hoa sự khả thương,
Sư Sư thùy lão quá Hồ Tương.
Lũ kim đàn bản kim vô sắc,
Nhất khúc đương niên động đế vương.

Dịch thơ:

Xe ngựa phồn hoa chuyện khá thương,
Sư Sư già lão đến Hồ - Tương.
Áo vàng đàn phách nay đâu nhỉ,
Một khúc năm xưa động đế vương.

Minh Hạnh
Theo Quách Hiểu - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hậu cung ngàn mỹ nữ, nhưng hoàng đế lại vì nàng mà đào hầm đến thăm