'Hỉ nộ ái ố', 'Hỉ nộ ai lạc', 'Thất tình lục dục' là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường hay nghe thấy những cụm từ như “hỉ nộ ái ố” hay “hỷ nộ ai lạc”, hoặc “thất tình lục dục”. Vậy những cụm từ này có nghĩa là gì và chúng bắt nguồn từ đâu?

‘Hỉ nộ ai lạc’ là gì?

“Hỉ nộ ai lạc” là các trạng thái tâm lý của con người, là các cung bậc cảm xúc mà bất kỳ ai cũng từng trải qua. Các chữ này đều là chữ Hán Việt, mang nghĩa như sau:

  • Hỉ: hoan hỉ, hân hoan
  • Nộ: phẫn nộ, tức giận, bực tức
  • Ai: bi ai, bi thương, đau xót
  • Lạc: vui vẻ

“Hỉ nộ ai lạc” hiện đã trở thành một thành ngữ trong tiếng Hán, bắt nguồn từ câu “Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi trung, phát nhi giai trung tiết vị chi hòa” (“Lễ Ký - Trung Dung”). Câu này có nghĩa là: Nếu các tâm hỉ - nộ - ai - lạc không phát ra, thì đó gọi là Trung, nếu phát ra mà giữ được ở mức vừa phải thì đó gọi là Hòa.

‘Hỉ nộ ái ố’ là gì?

Cụm “Hỉ nộ ái ố” hầu như không xuất hiện trong tiếng Hán của người Hoa nhưng lại khá phổ biến trong tiếng Việt, trong đó:

  • Hỉ: hoan hỷ, hân hoan
  • Nộ: phẫn nộ, tức giận, bực tức
  • Ái: yêu, thương, yêu mến, thương yêu
  • Ố: ghét, căm ghét.

Câu ‘Hỉ nộ ái ố’ này có nguồn gốc từ tài liệu giáo khoa dành cho trẻ em các nước Á Đông thời xưa - sách “Tam tự kinh”, trong đó có viết:

Viết hỉ nộ, viết ai cụ
Ái ố dục, thất tình cụ.

Tạm dịch:

Rằng mừng giận, với thương sợ
Yêu ghét muốn, đủ thất tình.

Nghĩa là: Vui, giận, buồn (thương), sợ, thích, ghét và muốn là 7 loại cảm xúc bẩm sinh của mỗi người, còn gọi là “thất tình”.

Sau người ta ghép 2 trạng thái tình cảm ở đầu câu 1 và câu 3 là “Hỉ nộ ái ố” để ngụ ý chung cho ‘thất tình’.

‘Thất tình lục dục’ là gì?

“Thất tình lục dục” là cách gọi chung cho các tình cảm, cảm xúc, mong muốn và dục vọng của con người, nghĩa mặt chữ là 7 loại tình (chứ không phải là thất tình khi chia tay người yêu) và 6 loại dục. Trong các loại học thuật, môn phái, tôn giáo khác nhau, “thất tình lục dục” cũng có các định nghĩa hơi khác nhau.

‘Thất tình’ là gì?

Thất tình là 7 trạng thái tình cảm của con người, về chi tiết phân loại thì có sự khác nhau của 3 gia phái Nho gia, Phật giáo, và Đông y như sau:

  • Nho gia: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục
  • Phật giáo: hỉ, nộ, ưu, cụ, ái, tăng, dục
  • Đông y: hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh

‘Thất tình’ trong Nho gia

Cụm từ “thất tình” được cho là xuất hiện sớm nhất trong cuốn “Lễ Ký” (hay còn gọi là “Kinh Lễ”) của Thập Tam Kinh – 13 tác phẩm kinh điển của Nho gia: “Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, thất giả phất học nhi năng”. Tức là: Hỉ (niềm vui), nộ (nổi giận), ai (đau buồn), cụ (sợ hãi), ái (yêu thích), ố (chán ghét), dục (lòng mong muốn), bảy cái này đều là những thứ không học mà tự biết.

Việc thuận theo ý mình thì hân hoan (hỉ), trái ý mình thì tức giận (nộ). Việc khiến bản thân đau lòng thì bi thương (ai), mà được như theo ý muốn thì vui (lạc). Thấy cái đẹp thì yêu thích (ái), thấy thứ xấu thì chán ghét (ố). Cuối cùng, tất cả đều là từ “dục” niệm mà ra, cái “dục” ấy khiến con người vĩnh viễn không cảm thấy đủ, thỏa mãn hay hài lòng.

“Thất tình” trong Nho gia chính là câu được giảng trong “Tam tự kinh” nói trên. Khổng Tử đặc biệt coi trọng khôi phục lễ nhạc, tức là dùng lễ để quy phạm hành vi con người, còn dùng nhạc để điều hòa tình cảm con người, từ đó đạt đến trạng thái “trung chính bình hòa”, hòa hợp với bản thân, hòa hợp với người khác, hòa hợp với mọi người, và hòa hợp với thiên nhiên.

tam tự kinh bài 12
Linh Luân nghe thấy Phượng hoàng hót, bèn chế ống trúc làm sáo. (Chụp màn hình)

Xưa Hoàng Đế sau khi đánh thắng Xi Vưu, ông lệnh cho Linh Luân đặt ra nhạc luật. Linh Luân nghe thấy Phượng hoàng hót, bèn chế ống trúc làm sáo bắt chước các tiếng hót của Phượng hoàng, cuối cùng ông đã có được 12 ống sáo tương ứng với 12 âm giai, ứng với 12 tiếng hót của Phượng hoàng.

Hoàng Đế nghe thích lắm. Để bảo tồn vĩnh cửu 12 âm, Hoàng Đế ra lệnh đúc 12 chuông đồng có thể biểu đạt chuẩn xác âm của sáo. Từ đó, các bản nhạc đều được chơi chính xác theo 12 âm luật này. Âm nhạc xưa dùng để quy chính nhân tâm, đưa con người trở về với Đạo, thuận theo tự nhiên, thế nên gọi là “đức âm nhã nhạc”.

Trong “Nhạc Ký” có ghi chép: “Tất cả âm thanh đều do nhân tâm tạo ra, Trời và người đều có cảm ứng, cả hai giống như bóng trong gương và hình của vật, tiếng vang và âm thanh dội lại tương ứng hoà vào nhau. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên, người hành thiện, Trời sẽ lấy phúc để hồi báo cho anh ta; còn kẻ làm điều ác thì Trời sẽ khiến anh ta phải chịu tai ương”.

‘Thất tình’ trong Phật giáo

Về cơ bản cũng giống như trong “Lễ Ký”, bao gồm: Hỉ, nộ, ưu, cụ, ái, tăng, dục. Trong đó “ưu” là âu lo, buồn rầu, ưu phiền (gần giống “ai”); “tăng” là ghét, hận (gần giống “ố”).

‘Thất tình’ trong Đông y

Trong Đông y, “thất tình” là hỉ, nộ, ưu, tư (suy nghĩ, tư lự), bi (đau thương, đau buồn, bi thảm), khủng (sợ, hãi, lo sợ), kinh (kinh sợ, hoảng sợ, khiếp đảm).

Đông y không đưa “dục” vào trong “thất tình”, bởi vì Đông y cho rằng con người nên làm chủ và giữ cho tâm thái ở mức cân bằng để không sinh bệnh.

Các loại tình này là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung nếu ở mức vừa phải, điều tiết được thì chúng không có hại đối với sức khỏe, nhưng khi “thất tình” biến động quá kịch liệt như vui mừng quá độ, hoảng sợ quá mức… hoặc kéo dài quá lâu thì có thể gây nên bệnh tật.

“Thất tình” khiến con người sinh bệnh, nhưng Đông y cũng dùng “thất tình” để chữa bệnh. Ngũ Hành “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ” đối ứng với “Bi Nộ Khủng Hỷ Tư”. Trong trị liệu tâm lý của Đông y thời cổ đại, Bi Nộ Khủng Hỷ Tư đều là thuốc, khi một loại tình quá khích, có thể dùng một loại tình khác để khắc chế: Bi khắc Nộ, Nộ khắc Tư, Tư khắc Khủng, Khủng khắc Hỷ, Hỷ khắc Bi.

Lấy khủng khắc hỷ – trị bệnh bằng liệu pháp làm cho lo sợ

Sách “Hồi Khê Y Án” của tác giả Từ Đại Xuân (1693 – 1771) – y học gia Đông y nổi tiếng thời nhà Thanh – ghi chép câu chuyện: Có một thư sinh nghèo, sau nhiều năm đèn sách, anh đã đỗ trạng nguyên và được phong quan tại huyện nhà. Do quá cao hứng, anh sinh ra mất ngủ. Trên đường về nhà, tưởng tượng cảnh “áo gấm vinh quy” sung sướng quá, anh đột nhiên phát bệnh: Cảm xúc trở nên thất thường, suốt ngày cứ lẩm bẩm một mình, đá chân múa tay lung tung, khóc cười vô cớ…

Tùy tùng liền vội mời một vị danh y đến chẩn trị. Sau khi xem mạch, vị danh y thất sắc, giọng đau buồn nói với bệnh nhân: “Bệnh của trạng nguyên không thể chữa được nữa rồi, e rằng khó có thể qua nổi 7 ngày. Ngài nên cố đi cho thật nhanh về nhà để gặp mặt người thân lần cuối”.

Nghe xong, trạng nguyên rất sợ hãi, toàn thân toát mồ hôi lạnh, ngã lăn xuống đất. Tùy tùng đưa lên kiệu, ngày đêm chăm sóc, cho xe đi thật nhanh để kịp về quê. Hôm sau tỉnh dậy, trạng nguyên cảm thấy niềm vui bấy lâu nay đã tan biến, suốt ngày chỉ lo sợ không kịp gặp mặt người thân lần cuối.

Thế nhưng, 7 ngày sau khi về đến nhà, anh không những không chết mà còn khỏi bệnh, cử chỉ và hành vi cũng hoàn toàn bình thường. Chính lúc vị tân khoa đang hoài nghi, nghĩ rằng thầy thuốc chẩn đoán sai, thì tùy tùng mang đến một bức thư.

Mở ra xem thấy viết: “Đại nhân đỗ trạng nguyên, được phong chức cao, quá cao hứng, không thể tự khống chế, tâm thần hỗn loạn. Loại bệnh này sử dụng thuốc không thể chữa được. Cho nên tôi đã cả gan lấy cái chết ra để đe dọa, làm khiếp sợ. Đây là một liệu pháp trị bệnh, mong được lượng thứ. Nay bệnh đã khỏi, không còn gì phải lo ngại nữa”.

Lấy hỷ khắc bi – trị bệnh bằng liệu pháp chọc cười

Danh y Chu Đan Khê (1281 – 1358), tên gốc là Chu Chấn Hanh, tự Ngạn Tu, là một thầy thuốc nổi tiếng vào triều Nguyên bên Trung Quốc.

Khi đó, ở Phổ Giang (nay là huyện Phổ Giang, tỉnh Chiết Giang) có một anh tú tài, sau khi kết hôn không lâu thì ái thê mắc bạo bệnh qua đời, anh u sầu lâu ngày rồi sinh bệnh.

Danh y trong vùng là Đái Nguyên Lễ (1324 – 1405) cũng nhiều lần chẩn trị cho anh nhưng đều không khỏi. Sau ông đề nghị anh hãy đến Nghĩa Ô tìm Thần y Chu Đan Khê mà chữa.

Chu Đan Khê bắt mạch cho tú tài xong đột nhiên nói: “A, anh có hỷ mạch rồi!”.

Hỷ mạch là mạch của phụ nữ mang thai. Anh tú tài nghe xong thì phá lên cười.

Danh y Chu Đan Khê lại nói: “Thật đó, Anh có hỷ mạch rồi! Tôi sẽ kê cho anh vài thang thuốc bổ thai”.

Tú tài lại cười ngặt nghẽo. Khi về đến nhà, anh kể lại rằng: “Thần y Chu Đan Khê ở Nghĩa Ô nói tôi có hỷ mạch. Ha ha! Ha ha!”. Anh cứ cười lớn như vậy suốt ngày. Kỳ lạ là, dù không uống thang thuốc nào, nửa tháng sau bệnh của tú tài đã khỏi hoàn toàn.

Về sau, danh y Đới Nguyên Lễ nhận thấy thật kỳ lạ, liền đi thỉnh giáo Thần y Chu Đan Khê. Chu Đan Khê đáp: “Sách cổ có nói: ‘Hỉ thắng ưu’, cậu tú tài đó do bi thương quá độ nên mới sinh u sầu. Chủ yếu là phải điều trị tinh thần của cậu ấy. Hãy nhìn xem mỗi ngày cậu ấy cười bao nhiêu lần? Vậy bệnh này không khỏi được sao?”.

Danh y Đới Nguyên Lễ tán thán rằng: “Thánh y chữa tâm, ngài thực sự có thể chữa được tâm bệnh”.

Lục dục là gì?

Còn cụm từ “lục dục” được cho là xuất hiện sớm nhất trong thiên “Quý sinh” của cuốn “Lã thị Xuân Thu”. Đây là tác phẩm do thừa tướng nhà Tần là Lã Bất Vi tập hợp các môn khách của mình biên soạn và được hoàn thành vào cuối thời Chiến Quốc trước khi nhà Tần thống nhất Trung Nguyên.

Trong đó viết: “Sở vị toàn sinh giả, lục dục giai đắc kỳ nghi giả”. Tạm dịch: Cái gọi là bảo toàn sinh mệnh, là giữ cho lục dục đều ở mức vừa phải, trung dung.

Triết gia Cao Dụ thời Đông Hán lý luận rằng: “Lục dục, sinh tử nhĩ mục khẩu tị dã”, nghĩa là “Lục dục bao gồm sống, chết, tai, mắt, miệng, mũi”. Trong đó, “tử” không phải là một loại mong muốn, mà “bất tử” (không chết) mới là điều mong muốn mạnh mẽ của con người, đây cũng là mong cầu mưu sinh của con người.

Về sau người ta tổng kết “lục dục” thành: kiến dục (thị giác), thính dục (thính giác), hương dục (khứu giác), vị dục (vị giác), xúc dục (xúc giác), ý dục (ý niệm); tức là mong muốn, nhu cầu hoặc dục vọng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, suy nghĩ.

Lời kết

Những câu thành ngữ quen thuộc hiện nay như “Hỉ nộ ái ố”, “Hỉ nộ ai lạc”, “Thất tình lục dục”... khiến một số người khó hiểu vì đều là những từ ngữ Hán Việt xưa, tuy nhiên, ý nghĩa đằng sau những cụm từ này lại rất sâu sắc, chứa đựng trí tuệ nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Á Đông xưa. Khi nắm được trí tuệ này thì sẽ biết kiểm soát tâm lý, trạng thái tình cảm, giữ thân thể khỏe mạnh, cuộc đời vui vẻ, an khang, lại bồi dưỡng được phẩm hạnh, tiết tháo, và tìm cho mình được những thú vui cao thượng, trang nhã.

Cũng có người nói, âm nhạc hiện nay ồn ào hỗn tạp, hoặc ủy mị, u sầu… muốn nghe “đức âm nhã nhạc” cũng không biết tìm ở đâu; hoặc những bản nhạc cổ của các bậc Thánh vương xưa đã thất truyền, 12 âm luật chuẩn do Hoàng Đế đúc 12 chuông đồng xưa giờ cũng không còn nữa, không biết các nốt nhạc ngày nay có chuẩn với 12 luật nhạc xưa không?

Rất may là hiện nay Đoàn Nghệ thuật Shen Yun - Hoa Kỳ đã khôi phục được nghệ thuật truyền thống thất truyền, trong đó có cả đức âm nhã nhạc, và đã chứng minh có hiệu quả kỳ diệu. Ví như: Chiều ngày 12 tháng 2 năm 2022, ông Walter Dixon, bệnh nhân Parkinson 73 tuổi, chống nạng đi cùng các cháu gái của mình đến Nhà hát Oncenter Crouse Hinds ở Snow City, New York, Mỹ để xem buổi biểu diễn đầu tiên của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun. Điều khiến mọi người kinh ngạc là, sau khi xem buổi biểu diễn, ông đã ném nạng đi, và tự mình ra khỏi nhà hát. Ông nói: "Chương trình này có tác dụng chữa bệnh!". Chúng ta có thể thưởng thức 1 bản nhạc của Shen Yun dưới đây:

Nam Phương



BÀI CHỌN LỌC

'Hỉ nộ ái ố', 'Hỉ nộ ai lạc', 'Thất tình lục dục' là gì?