Hiền hậu truyện (Kỳ 10): 4 tuổi nhập cung, hoàng thượng sủng ái, trải qua ba triều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử có một vị hoàng hậu được mệnh danh là “Nữ trung Nghiêu Thuấn” (Nghiêu, Thuấn của giới nữ), phẩm đức của bà được ca ngợi khắp thiên thu. Bà chính là bậc mẫu nghi thời Bắc Tống – Tuyên Nhân Cao hoàng hậu.

Xem lại:
Hiền hậu truyện (kỳ 1): Khang Hy hoàng đế tự mình tuyển chọn nàng dâu
Hiền hậu truyện (Kỳ 9): ‘Một đời yêu thương’ của Thành Cát Tư Hãn

Thanh mai trúc mã, phu thê ân ái

Tuyên Nhân Cao hoàng hậu tên thật là Cao Thao Thao (1032-1093), là người Mông Thành (nay là Bạc Châu, An Huy). Bà xuất thân từ chốn danh gia vọng tộc, gia tộc nhiều đời được phong làm vương, gia thế vô cùng hiển hách. Năm 4 tuổi, Cao Thao Thao được dì là Tào hoàng hậu đón vào cung để đích thân nuôi nấng.

Cùng lúc ấy, Hoàng đế Tống Nhân Tông vì không có hoàng tử nối ngôi nên đã đưa cháu trai là Triệu Tông Thực (sau đổi tên thành Triệu Thự) vào cung làm con nuôi của Tào hoàng hậu.

Triệu Tông Thực và Cao Thao Thao cùng trang lứa, hai đứa trẻ thanh mai trúc mã hồn nhiên chơi đùa với nhau. Các cung nhân thấy vậy liền gọi Triệu Tông Thực là “Quan gia nhi” và gọi Cao Thao Thao là “Hoàng hậu nữ”.

Năm 1047, Tống Nhân Tông và Tào hoàng hậu làm chủ hôn, gả Cao Thao Thao cho chàng trai vốn thiên tính hiếu thuận là Triệu Tông Thực, phong cho Cao Thao Thao làm Kinh Triệu quận quân. Đây chính là “Thiên tử thú nhi tức, hoàng hậu giá khuê nữ” (vua chúa cưới vợ cho con, hoàng hậu gả khuê nữ).

Sau khi kết hôn, Triệu Tông Thực chỉ sủng ái một mình Cao Thao Thao. Hai vợ chồng phu thê ân ái, tình cảm vô cùng thân mật, cả đời giữ được ngọn lửa mặn nồng yêu thương. Cả bốn hoàng tử của Triệu Tông Thực đều do Cao Thao Thao hạ sinh, cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc mỹ mãn đến cuối đời.

Sau khi Tống Nhân Tông băng hà, Triệu Tông Thực đổi tên là Triệu Thự, trở thành vị hoàng đế thứ năm của vương triều Bắc Tống, tức Tống Anh Tông, còn Cao Thao Thao cũng được phong làm hoàng hậu.

Triệu Thự chỉ làm hoàng đế được 4 năm, đến năm 36 tuổi vì mắc trọng bệnh mà qua đời. Sau khi Tống Anh Tông băng hà, con trai trưởng là Triệu Húc kế vị, tức Tống Thần Tông, Cao hậu cũng được tôn làm Hoàng thái hậu.


Tranh vẽ Cao thái hậu, từ “Tống đại hậu bán tượng sách”, bảo tàng Nam Huân Cố cung Bắc Kinh (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Vì xã tắc, lập thái tử

Năm 1085, Tống Thần Tông bệnh nặng, các đại thần cùng quỳ xuống thỉnh mời Cao thái hậu lâm triều xử lý chính sự. Vì chịu ảnh hưởng của Tào hậu, Cao hậu không muốn can dự triều chính, do đó đã tìm cách tránh né. Một hoạn quan thưa với bà: “Thần trộm nghĩ Thái hậu nên làm vì lợi ích của quốc gia xã tắc, không nên thoái thác trách nhiệm”. Lúc này Cao thái hậu mới đồng ý buông rèm chấp chính.

Cao thái hậu chủ trương “phụ tử tử kế”, cha qua đời thì con nối dõi, do đó bà quyết định lập con trai của Tống Thần Tông là Triệu Hú lên làm thái tử. Vì để đề phòng bất trắc, một mặt bà bí mật cho người may sẵn một bộ hoàng bào chuẩn bị cho “tiểu hoàng đế” 10 tuổi, một mặt lệnh cho thị vệ nghiêm cấm Ung Vương và Tào Vương tùy ý ra vào nơi nghỉ ngơi của hoàng đế. Thực tế, Ung Vương và Tào Vương là hai con trai do bà thân sinh, cũng tức là hai em trai của Tống Thần Tông.

Tống Thần Tông băng hà, hoàng tử Triệu Hú khi ấy mới 10 tuổi đăng cơ, trở thành Tống Triết Tông, còn Cao thái hậu 54 tuổi được tôn làm Thái hoàng thái hậu. Phụng theo di chiếu của Tống Thần Tông, bà phụ giúp tiểu hoàng đế buông rèm chấp chính.

Cao hậu hy vọng tiểu hoàng đế sẽ tuân thủ luật lệ của tổ tông, thông hiểu kinh thư, anh minh trị nước. Do đó bà luôn kiên trì giáo dục cậu, thậm chí còn mời học sĩ hiền đức làm Thị độc Đại thần của Triết Tông.

Trong cuộc sống, Cao thái hậu quản giáo vô cùng nghiêm khắc, vì muốn tiểu hoàng đế tránh xa nữ sắc, bà đã phái 20 cung tần lớn tuổi đến chăm lo cho sinh hoạt thường ngày của cậu.

Cự tuyệt xa hoa, khước từ dinh thự

Cao thái hậu nghiêm cấm họ ngoại can dự vào chính trị, đối với những người nhà bên ngoại bà cũng yêu cầu vô cùng nghiêm khắc.

Em trai của bà là Cao Sĩ Lâm là một người rất chính trực, từng giữ chức Nội điện Sùng ban trong thời gian rất dài. Tống Anh Tông muốn thăng chức cho ông, nhưng Cao hậu lại khẩn thiết từ chối: “Thiếp đã làm hoàng hậu, nhà ngoại cũng là hoàng thích, Sĩ Lâm được làm quan đã là ân điển quá phận rồi, lẽ nào còn dám vòi vĩnh điển lệ trước đây, sủng ái Hậu tộc? Đối với việc thăng chức cho người họ ngoại của thiếp, xin bệ hạ hãy cân nhắc thận trọng”.

Về sau, Tống Anh Tông lại nhiều lần đề xuất gia phong cho Cao Sĩ Lâm, nhưng lần nào Cao hậu cũng đều khước từ.

Họ ngoại của Cao hậu vẫn luôn sống trong căn nhà cũ kỹ. Tống Thần Tông nhiều lần đề xuất xây dựng dinh thự xa hoa cho nhà ngoại, nhưng Cao hậu kiên quyết không cho phép. Sau này, Cao hậu tự bỏ tiền riêng mua một mảnh đất bỏ trống ở cách xa thành thị làm phủ đệ cho nhà ngoại, không động đến một đồng trong quốc khố.

Theo thông lệ của các triều đại trước, gia tộc bên ngoại của thái hậu sẽ được phong quan tấn tước. Nhưng những năm Cao hậu lâm triều, bà không chỉ kiên quyết bãi miễn việc phong chức, mà còn trục xuất một trong bốn người của gia tộc họ Cao từng được tiên triều ban thưởng tư ân.

Thời Tống Triết Tông, có ý kiến thăng cấp cho hai cháu trai của Cao hậu lên làm Quan sát sử, nhưng bà một mực từ chối. Tống Triết Tông liên tiếp thỉnh cầu, bà mới thăng cho một cấp.

Vì lợi ích của bách tính, nghiêm khắc trừng phạt kẻ tham ô

Trong thời gian Cao hậu chấp chính, bà lấy việc khôi phục phép tắc của tổ tông làm ưu tiên hàng đầu, đồng thời tận sức thực hiện chính sách của Tống Nhân Tông. Bà triệu hồi một vị lão thần từng bị bài xích là Tư Mã Quang, đồng thời bãi bỏ tân pháp mà Tống Thần Tông và Vương An Thạch chủ trương thực hiện. Các sử gia gọi đây là sự kiện “Nguyên Hựu canh hóa”.

Một số cựu thần bị biếm chức trước kia nay cũng được Cao hậu triệu về cung trọng dụng, trong đó có Tô Thức. Năm xưa Tô Thức chỉ vì một bài thơ mà bị giam ngục, Tào hậu từng khuyên Tống Thần Tông ân xá cho ông. Sau khi Cao hậu lâm triều, bà đã điều Tô Thức về kinh, lại đặc cách thăng cho ông làm Hàn lâm Học sĩ và Tri chế cáo - chức quan giúp hoàng đế soạn thảo chiếu thư. Tô Thức vô cùng cảm kích đã làm thơ văn ca ngợi sự liêm khiết của Cao hậu để cảm tạ ân tri ngộ này.


Tranh vẽ “Đế giám đồ thuyết” (Ảnh: Miền công cộng)

Lúc mới lâm triều, Cao hậu hạ lệnh dừng ngay việc xây dựng các cung điện và nha phủ gây lãng phí dân lực, đồng thời giảm thiểu số binh sĩ canh giữ và bảo vệ hoàng thành, còn các cấp quan tham ô và vơ vét của dân thì đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Đối với những nông phu bị thiệt hại do tai họa tự nhiên, bà đều miễn giảm thuế ruộng, dân chúng khắp nơi đều ca tụng ân đức của bà.

Thời Tống Thần Tông tại vị, một vị quan đại thần là Tống Dụng lợi dụng chức quyền vơ vét tiền bạc làm của riêng, Cao hậu biết được đã ra lệnh giáng chức. Tống Dụng nhờ nhũ mẫu của Thần Tông xin Cao hậu cho khôi phục chức quan, nhưng Cao hậu nghiêm nghị nói: “Nhũ mẫu đến đây làm gì? Chẳng phải là để cầu xin cho Tống Dụng sao? Nhũ mẫu vẫn muốn như thời Thần Tông trước kia, đi cửa sau làm nhiễu loạn quốc chính hay sao? Trẫm cho nhũ mẫu biết, nếu nhũ mẫu vẫn làm như vậy, trẫm sẽ sai người bắt nhũ mẫu đem xử trảm!”.

Nhũ mẫu sợ hãi không dám nói thêm lời nào, từ đó trong cung cũng không còn ai dám đi cửa sau nữa.

Trong “Tống Sử”, Hình Thứ được liệt vào hàng gian thần, từng giúp cháu trai của Cao hậu là Cao Công Hội viết một bản tấu chương hoa mỹ, trong đó trích dẫn kinh điển nhằm tôn vinh mẫu thân của Tống Triết Tông là Chu Thái phi. Cao hậu xem xong vô cùng tức giận, bà bèn chất vấn cháu trai: “Cháu trình độ vốn có hạn, sao có thể viết ra bài văn này?”.

Cao Công Hội đáp rằng đây là chủ ý của Hình Thứ, chính ông ta đã thay cậu soạn thảo. Kết quả, Cao hậu không những không đáp ứng lời thỉnh cầu mà còn trục xuất Hình Thứ ra khỏi triều đình, giáng chức đi nơi khác.

Giữ vững luân thường lễ giáo, tiết kiệm và tự kỷ luật

Cao hậu đặc biệt tuyên dương luân thường lễ giáo của Nho gia, đề xướng những luân lý đạo đức đã mai một. Bà trên thì cung kính lễ phép đối với Tào hậu và các lão thần trưởng bối, dưới thì giáo dục tử tôn, mọi việc đều lấy lễ mà hành sự, nghiêm khắc giữ gìn đức hạnh của người phụ nữ. Tư tưởng “tồn Thiên lý, diệt nhân dục” (tuân theo Thiên lý, trừ bỏ ham muốn của con người) của Trình - Chu lý học cũng dần dần hưng khởi từ đây.

Đương thời, Văn Tư Viện từng dâng lên Cao hậu các loại đồ dùng tinh mỹ, nhưng bất kể đồ dùng lớn nhỏ hay quý hiếm ra sao, bà vẫn kiên quyết không nhận bất cứ lễ vật gì.

清‧焦秉贞《历朝贤后故事图》之《女中尧舜》,描绘的正是北宋仁宗高皇后。(公有领域
Văn Tư Viện từng dâng lên các đồ dùng tinh xảo, Cao hậu không nhận bất cứ vật gì. Tranh vẽ “Lịch triều hiền hậu cố sự đồ” của Tiêu Bỉnh Trinh, đời Thanh (Ảnh: Miền công cộng)

Cao hậu đề cao đức tính tiết kiệm, bà cho rằng vua quan phải giảm thiểu lãng phí, hết lòng lo nghĩ cho bách tính muôn dân. Bà thường nói với Tống Thần Tông: “Một vò rượu chỉ uống một đêm, nhưng một đấu gạo lại nuôi được cả mười miệng ăn”.

Trừ các trường hợp chính thức và các lễ nghi trọng đại, Cao hậu đều không dùng gấm lụa mà chỉ mặc áo vải thô. Trong cung cũng quy định: nghiêm cấm làm thịt trâu bò, vì trâu bò có thể cày ruộng, bữa ăn thường ngày chỉ dùng thịt cừu, vì cừu không cần nuôi bằng ngũ cốc.

Một lần vào ngày mừng thọ Cao hậu, các đầu bếp trong cung đã dùng thịt cừu non và thịt vú cừu để chế biến thành hai món cao lương mỹ vị. Cao hậu biết được, lập tức ra lệnh bỏ cả hai món ăn và hạ chỉ: Sau này không được thịt cừu non làm đồ ăn. Cừu non vẫn còn đang bú sữa, nếu thịt cừu mẹ chỉ để lấy bầu vú thì cừu con sẽ chết đói. Hơn nữa, cừu con vẫn còn nhỏ, giết một sinh linh bé nhỏ như vậy làm thức ăn sẽ tổn hại đến Thiên Đạo.

《帝鉴图说》插图《夜止烧羊》。(公有领域)
“Dạ chỉ thiêu dương” (Ảnh: Miền công cộng)

Trong 9 năm Cao hậu lâm triều, nhà Tống chính trị anh minh, kinh tế phồn thịnh, thiên hạ nơi nơi đều yên bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Đương thời quân Khiết Đan cũng vô cùng kính trọng Tống triều, không dám quấy rối nơi biên cảnh. Đây cũng là thời kỳ thanh bình nhất của Bắc Tống, cuộc sống của bách tính cũng an định nhất, có thể sánh với thời “Văn Cảnh chi trị” nhà Hán và “Trinh Quán chi trị” nhà Đường, các sử gia gọi đó là “Nguyên Hựu chi trị”.

Năm 1093, Cao hậu mắc bệnh nặng, trước lúc lâm chung bà đã dặn dò một số đại thần trong triều: “Sau khi ta chết, hoàng thượng (tức Tống Triết Tông) sẽ không trọng dụng hai ngươi, hai ngươi nên tự biết mình, sớm chủ động thoái lui để tránh gặp họa sau này”.

Tháng 9 năm ấy, Cao hậu băng hà hưởng thọ 62 tuổi, bà được tôn thụy hiệu là “Tuyên Nhân Thánh Liệt hoàng thái hậu”, an táng cùng với Tống Anh Tông ở Vĩnh Hậu lăng (nay là huyện Củng, Hà Nam). Cao hậu nhờ có đức tính hiền minh nên được hậu thế ca ngợi là “Nữ trung Nghiêu Thuấn”.

Minh Hạnh
Theo Tần Thuận Thiên - Epochtimes

Tài liệu tham khảo:

“Cao thị thế bảo truyền tử hậu”, Tư Mã Quang, đời Tống.
“Tống Sử”, quyển 242 “Liệt truyện đệ nhất”
“Tục tư trị thông giám”, Tất Nguyên, đời Thanh
“Tục tư trị thông giám trường biên”, thời Nam Tống

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 10): 4 tuổi nhập cung, hoàng thượng sủng ái, trải qua ba triều