Hiền hậu truyện (Kỳ 3): Hoàng hậu Nguyên Hựu Mạnh - Vị hoàng hậu có số mệnh ly kỳ nhất trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoàng hậu của Tống Triết Tông vương triều Bắc Tống là người phụ nữ đã bị hoàng thất triều Tống ruồng bỏ, nhưng chính nàng đã làm cho vương triều đại Tống kéo dài hơn 153 năm bằng trí tuệ và lòng nhân hậu của mình...

Xem lại:
Hiền hậu truyện (kỳ 2): Hoàng hậu hiền đức khiến Càn Long hoàng đế hoài niệm suốt 51 năm

Mạnh thị, người quê ở Vĩnh Niên, Hàm Đan tỉnh Hà Bắc, vốn xuất thân từ gia đình quan lại. Năm 16 tuổi, nàng cùng với hơn 100 cô gái con của quan lại triều đình được tuyển chọn vào cung. Bởi nàng ôn hòa cẩn trọng, nhan sắc mỹ lệ mà đoan chính, không vì được nuông chiều mà tỏ ra hống hách... thế nên được Cao thái hậu cực kỳ yêu thích. Nàng luôn lấy lễ nghĩa đối xử, thấu hiểu nhiều đạo lý, Cao thái hậu cho rằng nàng là người phù hợp nhất cho ngôi vị hoàng hậu.

Nàng là người phụ nữ hiền đức xuất chúng nên đã được tuyển chọn làm hoàng hậu

Dưới sự lo liệu của Cao thái hậu, Mạnh thị 20 tuổi cùng Tống Triết Tông 16 tuổi đã cử hành đại hôn điển lễ, nàng được chính thức sắc phong làm hoàng hậu, xưng hiệu "Hoàng hậu Nguyên Hựu".

Cao thái hậu từng nói với Tống Triết Tông: "Hoàng đế đã chọn được một người vợ hiền đức, thật không dễ dàng gì, nên phải biết quý trọng".

Lúc ấy Cao thái hậu còn tự nhủ một câu: "Nàng là người con gái hiền thục, đáng tiếc phúc phận quá mỏng, nhưng tương lai nếu như quốc gia gặp nguy biến, thì mọi việc phải nhờ vào nàng!"

Câu nói này thế mà lại trở thành một lời tiên tri...

Chân dung Long Hựu Hoàng Hậu.
Chân dung Nguyên Hựu Hoàng Hậu. (Ảnh: Wikipedia)

Nàng là bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng trong chớp mắt đã trở thành một Đạo cô

Một năm sau, hoàng hậu sinh hạ công chúa Phúc Khánh. Nhưng Tống Triết Tông thì không thích nàng, lại yêu thích Lưu Thanh Tinh. Lưu Thanh Tinh có sắc đẹp yêu mị, quyến rũ và được vua cưng chiều nên sinh ra kiêu căng, nàng không tuân theo các phép tắc nội cung, đối với Mạnh hoàng hậu thường tỏ thái độ hết sức vô lễ thờ ơ, các cung nhân đều tức giận và bất bình, nhưng Mạnh hoàng hậu vẫn luôn ôn hòa không hơn thua, mà chỉ một mực nhẫn nhịn.

Năm 1096, công chúa Phúc Khánh bệnh nặng, thuốc thang châm cứu cũng không có hiệu quả. Chị của Mạnh hoàng hậu muốn dùng bùa chú và nước phép bên Đạo giáo chữa bệnh cho công chúa nhưng cũng không cứu được người. Sau cái chết của công chúa, Lưu Thanh Tinh vốn sẵn tính ghen ghét Mạnh hoàng hậu nên đặt điều nói xấu, vu cáo nàng đã nguyền rủa Triết Tông, và có ý mưu đồ làm loạn.

Triết Tông cho người đi điều tra, Hoàng Thành đã sử dụng nhiều phương cách tra hỏi và ép cung đối với các cung nữ và thái giám bên cạnh hoàng hậu, mấy chục người phải chịu các hình phạt nghiêm khắc, tra khảo đến thương tích đầy mình, thậm chí có người còn bị cắt lưỡi, đánh gãy tay chân. Bởi vì họ không muốn vu tội cho Mạnh hoàng hậu, cuối cùng, Hoàng Thành ty tự ngụy tạo lời khai, làm thành những vụ án oan khuất.

Thế nhưng Triết Tông lại: "Nghe kẻ bên cạnh mê hoặc nói lời không chính, thâm độc bắt ép chẳng đạo lý", nên xuống chiếu phế truất hoàng hậu, Mạnh thị bị chuyển tới cung Dao Hoa để xuất gia tu hành, hiệu là "Hoa Dương giáo chủ", "Ngọc Thanh Diệu Tĩnh tiên sư", pháp danh "Xung Chân". Từ bậc mẫu nghi thiên hạ vô cùng vinh hạnh, Mạnh hoàng hậu chỉ trong chớp mắt trở thành một Đạo cô, lúc bấy giờ nàng chỉ mới 23 tuổi.

Triết Tông lại: "Nghe kẻ bên cạnh mê hoặc nói lời không chính, thâm độc bắt ép chẳng đạo lý", nên xuống chiếu phế truất hoàng hậu, Mạnh thị bị chuyển tới cung Dao Hoa để xuất gia tu hành
Triết Tông "Nghe kẻ bên cạnh mê hoặc nói lời không chính, thâm độc bắt ép chẳng đạo lý", nên xuống chiếu phế truất hoàng hậu, Mạnh thị bị chuyển tới cung Dao Hoa để xuất gia tu hành. (Ảnh: Wikipedia)

Sự việc đổi thay nhanh chóng nhưng nàng lại một lần nữa bị phế bỏ

Cung Dao Hoa thật ra chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm cạnh Biện Kinh, chỉ có mấy gian phòng cũ nát. Mạnh thị chính là sống trong lãnh cung này, mỗi ngày bản thân đều đang chống cự với bóng đêm yên tĩnh mà vượt qua bao năm tháng.

Tin tức trong cung lần lượt truyền đến: Lưu Thanh Tinh được phong làm Hiền Phi, không lâu sau sinh được một người con trai, và trở thành tân hoàng hậu, thế nhưng sau đó con trai của tân hoàng hậu qua đời.

Lại bốn năm trôi qua, tin tức tuyền đến thật kinh khủng, Triết Tông băng hà!

Đột nhiên một ngày, có một chiếc xe lộng lẫy dừng trước cung Dao Hoa, muốn đón Mạnh thị trở về hoàng cung. Vốn dĩ, Huy Tông Triệu Cát vừa lên ngôi không lâu, nghĩ ngay đến việc khôi phục vị trí cho Mạnh hoàng hậu.

Lúc ấy Lưu Thanh Tinh đang làm hoàng hậu, được phong là Nguyên Phù hoàng hậu, thế nên Mạnh hoàng hậu đành phải ở vị trí Nguyên Hựu hoàng hậu. Một năm sau, Lưu hoàng hậu cấu kết với đám người Thái Kinh, khiến cho Mạnh thị lại lần nữa bị phế truất, nàng lại tiếp tục trở lại cung Dao Hoa, được ban thêm tên hiệu là "Hi Vi Nguyên Thông Tri Hòa Diệu Tĩnh tiên sư".

Trải qua hai lần phế truất ngôi vị, xoay một vòng, Mạnh thị lại trở về với chiếc áo Đạo, trở lại cuộc sống hẩm hiu giam lỏng tại cung Dao Hoa. Mà lần này, nàng phải ở cung Dao Hoa hơn hai mươi năm.

Trong những năm tháng dài đằng đẵng, quy luật thời gian dường như chẳng đổi thay, nhưng ở nơi trần thế này cũng phải đến lúc cảnh còn người mất. Nguyên Phù hoàng hậu đã tự sát, đất nước trải qua biến đổi lớn, nước Kim của người Nữ Chân nổi dậy, uy hiếp Đại Tống.

Người gặp họa sau đắc phúc báo, buông rèm bàn việc triều chính

Năm 1126, cung Dao Hoa cháy, Mạnh hậu được chuyển đến lãnh cung Duyên Ninh, cung Duyên Ninh lại lần nữa cháy. Lúc ấy quân Kim đã bao vây dưới thành, đến triều đình cũng khó bảo vệ mình, bà không còn đường nào khác hơn là tự tìm lối thoát cho bản thân, sau đó bà đến ở nhà cha mẹ mình trước chùa Tướng Quốc.

Tháng giêng năm 1127, quân Kim đánh chiếm Biện Kinh, bắt vua Huy Khâm cùng 470 người trong hoàng tộc, văn võ bá quan hơn 2000 người, toàn bộ bị áp giải về phương bắc nước Kim, với ý đồ tiêu diệt hoàn toàn Đại Tống.

Bởi vì Mạnh thị nay đã trở thành dân thường nên không có trong danh sách hoàng thất, "Tĩnh Khang gặp nạn" ngược lại bà trong họa nhưng đã đắc được phúc báo, tránh khỏi vận rủi bị bắt làm nô lệ. Việc đời kỳ lạ, nước Kim chắc chắn không bao giờ nghĩ đến, chỉ vì bỏ sót một vị Đạo cô, nhờ vậy mà Triều Tống đã tránh khỏi nạn diệt vong.

Sau khi quân Kim rút về nước, để lại một chính quyền bù nhìn được dựng lên tại thành Khai Phong, người Kim lập Sở đế do Trương Bang Xương đứng đầu. Lúc ấy lòng dân vẫn hướng về nhà Tống, mà Mạnh thị chính là người duy nhất trong hoàng thất nhà Tống còn sống sót, thế là Trương Bang Xương nghênh đón Mạnh thị trở về cung Duyên Phúc, tất cả các quan lại đều đồng ý làm lễ bái, phong làm "Tống thái hậu", khôi phục lại danh hiệu cho Mạnh thị là "Nguyên Hựu hoàng hậu", mời bà buông rèm chấp chính, chủ trì triều chính.

Gặp biến không sợ hãi cứu vãn giang sơn Đại Tống

Bà đã trải qua hơn nửa cuộc đời chịu nhiều tổn thương cùng nhiều nỗi oan khuất, đều chính là đến từ triều đình Triết Tông, thế nhưng bà lại chẳng mang nỗi oán hận Triết Tông, Huy Tông về việc phế hoàng hậu, cũng chỉ vì một lòng lo nghĩ cho vương triều Đại Tống. Bà nói rằng, nước nhà gặp nguy biến, ta thân làm con dâu của vương triều Đại Tống, đâu dám khoanh tay đứng nhìn. Bà tự tay viết chiếu thư, đau xót kể lại việc nước nhà gặp đại họa, khuyến khích mọi người hãy cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vì để duy trì giang sơn Đại Tống, bảo vệ Triệu gia, Mạnh thị một mặt hòa nhã với Trương Bang Xương, mặt khác cho người tìm kiếm con cháu hoàng thất lưu lạc lúc nhỏ ở Tế Châu, tức Triệu Cấu con trai thứ chín của Tống Huy Tông. Bà bí mật phái người cầm mật thư đến thuyết phục Triệu Cấu xưng đế, khôi phục lại vương triều.

Nhận được chiếu thư của Mạnh thái hậu, Triệu Cấu bấy giờ 21 tuổi lên ngôi vua tại phủ Ứng Thiên (kinh Kim Nam), xưng là Tống Cao Tông, là vị hoàng đế khai quốc của triều Nam Tống, từ đó, vương triều Nhà Tống tiếp tục được kéo dài.

Nhận được chiếu thư của Mạnh thái hậu, Triệu Cấu bấy giờ 21 tuổi lên ngôi vua tại phủ Ứng Thiên (kinh Kim Nam), xưng là Tống Cao Tông, là vị hoàng đế khai quốc của triều Nam Tống
Triệu Cấu bấy giờ 21 tuổi lên ngôi vua tại phủ Ứng Thiên (kinh Kim Nam), xưng là Tống Cao Tông, là vị hoàng đế khai quốc của triều Nam Tống. (Ảnh: Wikipedia)

Vào ngày Triệu Cấu lên ngôi, Mạnh thái hậu rút lui khỏi triều chính, bà đã hoàn tất nhiệm vụ của nàng dâu triều Đại Tống. Triệu Cấu tôn nàng làm Nguyên Hựu thái hậu, sau đó lại đổi thành Long Hựu thái hậu.

Chưa đến hai năm sau, hai tướng phản loạn là Miêu, Lưu xuất binh nổi loạn, bao vây hoàng cung Cao Tông, uy hiếp Cao Tông thoái vị, buộc ông nhường ngôi cho thái tử chỉ mới 3 tuổi, cũng thỉnh mời Mạnh thái hậu một lần nữa buông rèm chấp chính. Mạnh thái hậu gặp biến nhưng không hề sợ hãi, ngoài mặt vẫn đáp ứng mọi yêu cầu của phản loạn, đằng sau gấp rút ngầm sai người đưa chiếu thư ra khỏi thành, bí mật liên lạc với các đội quân Cần Vương các nơi. Không lâu sau, Hàn Thế Trung dẫn đại quân dẹp yên "Phản loạn Miêu Lưu". Vua Cao Tông khôi phục lại địa vị, Mạnh hậu cũng lập tức rút lui việc triều chính.

Loạn trong nước vừa được dẹp yên, lại gặp phải quân Kim ồ ạt đưa quân tiến xuống phía nam, muốn bắt sống Tống Cao Tông và Mạnh thái hậu, mục đích để tận diệt nhà Tống. Mạnh thái hậu phải di chuyển đến Giang Tây, còn đoàn tùy tùng thì chạy loạn tứ tán hết, cuối cùng đành phải tìm đến những người nông dân khiêng kiệu. Mấy năm sống trôi nổi, Mạnh hậu được Cao Tông đón về Hàng Châu.

Cuối đời hưởng thọ và được vinh dự an táng trong lăng tẩm

Mạnh thái hậu đối với vua một mực kính cẩn, chưa bao giờ ỷ lại là chỗ thân quyến để mong cầu hoàng đế ban cho chức quyền. Sinh hoạt hằng ngày bà cũng hết sức tiết kiệm, mỗi tháng chỉ nhận một ít tiền sinh hoạt, đủ sống qua ngày là được. Bà thích uống rượu, Triệu Cấu cho rằng rượu đắng uống không tốt, liền sai người mua loại rượu ngọt nhẹ cho bà. Mạnh thị cho người trả tiền, chưa bao giờ bà nhận lấy thứ gì mà không trả tiền.

Mạnh thái hậu có tấm lòng nhân nghĩa, bà thỉnh cầu triều đình miễn giảm thuế cho địa phương nơi đã cưu mang bà khi chạy loạn, đưa các phi tần của vua Triết Tông về hoàng cung, chăm sóc sinh hoạt cho các nàng, thậm chí đối với cả con gái của Lưu Thanh Tinh, Mạnh hậu đều lấy đức mà đối đãi, quan tâm họ.

Dù cho Tống Cao Tông và Mạnh thị không có mối quan hệ huyết thống, nhưng nếu không có bà thì Triệu Cấu không bao giờ có khả năng lên làm hoàng đế, cũng khó có thể vượt qua được những tình thế nguy hiểm bấy giờ. Thế nên vua Cao Tông đối với Mạnh hậu có lòng cảm ân rất sâu nặng, Triệu Cấu xem bà giống như mẹ đẻ của mình mà hết lòng hiếu kính tôn trọng, dù là bất kì điều gì, đều phải tự mình đến tận nơi hỏi thăm quan tâm đến bà, khi có trái cây tươi ngon, trước hết phải đem đến dâng lên thái hậu, sau đó mới đến phần mình thưởng thức. Lúc Mạnh hậu bệnh nặng, Triệu Cấu ngày đêm, không yên tâm nghỉ ngơi vẫn túc trực bên cạnh giường tận tình chăm sóc.

Vua Cao Tông đối với Mạnh hậu có lòng cảm ân rất sâu nặng, Triệu Cấu xem bà giống như mẹ đẻ của mình mà hết lòng hiếu kính tôn trọng, dù là bất kì điều gì, đều phải tự mình đến tận nơi hỏi thăm quan tâm đến bà. (Ảnh: Wikiwand)
Vua Cao Tông đối với Mạnh hậu có lòng cảm ân rất sâu nặng, Triệu Cấu xem bà giống như mẹ đẻ của mình mà hết lòng hiếu kính tôn trọng, dù là bất kì điều gì, đều phải tự mình đến tận nơi hỏi thăm quan tâm đến bà. (Ảnh: Wikiwand)

Năm 1131, Mạnh thái hậu qua đời, hưởng thọ 58 tuổi. Tống Cao Tông vô cùng đau buồn, mấy ngày không vào triều, sau an táng Mạnh hậu tại Thiệu Hưng thôn Thượng Hoàng. Linh bài của Mạnh hậu không chỉ được đặt ở nơi thờ cúng Tống Triết Tông mà còn đứng bậc cao hơn Lưu hoàng hậu, lấy hiệu là Chiêu Từ Hiến Liệt hoàng hậu. Hai năm sau, Triệu Cấu nghĩ tước hiệu này chưa xứng với bà, nên đổi thành "Chiêu Từ Thánh Hiến hoàng hậu".

Làm một người phụ nữ, Mạnh thị không gặp may mắn trong hôn nhân, Hoàng thượng quá vô tình bạc bẽo với nàng, có đứa con gái nhỏ duy nhất nhưng lại mất sớm. Tuy rằng đang ở trên ngôi vị hoàng hậu cao quý, đã không được hoàng đế thương yêu thì thôi, lại còn bị phế truất ngôi vị, tuổi thanh xuân của bà đã trôi qua trong lãnh cung lạnh lẽo gần ba mươi năm đau khổ.

Mặc dù cả cuộc đời sống kiếp ba chìm bảy nổi như vậy, nhưng Mạnh thị chẳng bao giờ lùi bước mà vẫn luôn lựa theo cơn sóng dữ để dần bình ổn tình thế, hơn nữa còn vượt qua cả những oán hận tình thù, dùng trí huệ và lòng nhân hậu của bản thân bao dung mọi thứ, tâm thái cảnh giới của bà ngày một rộng mở. Bởi vì có sự hiện diện của bà, nên lịch sử mới có triều đại Nam Tống, và cũng vì thế mà vương triều Đại Tống mới có thể kéo dài thêm được 153 năm.

Tiểu Liên (biên dịch)

Tác giả: Tần Thuận Thiên
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 3): Hoàng hậu Nguyên Hựu Mạnh - Vị hoàng hậu có số mệnh ly kỳ nhất trong lịch sử